Đây là công cụ soạn thảo nhạc tôi tin dùng từ 2004. Và đến bây giờ (sau 09 năm) vẫn vậy.
Bạn muốn biết lý do? Thật đơn giản. Nó nhẹ, nó dễ sử dụng, nó trực quan và hữu ích với không chỉ người chơi guitar mà còn với bất cứ ai yêu thích soạn nhạc.
Bạn không tin? Toàn bộ âm nhạc (gồm hơn 220 soundtrack) trong trò chơi FPS nổi tiếng 7554 của Emobi đều được soạn từ Guitar Pro đấy!
Tôi muốn nói rõ ngay từ đầu, loạt 03 bài này sẽ không giúp bạn biết tường tận cách sử dụng Guitar Pro 5.
Mục đích của tôi là giới thiệu qua về những chức năng chính, ưu điểm của Guitar Pro cho những người chưa biết và những kinh nghiệm tăng hiệu quả làm việc với Guitar Pro dành cho những người đã biết nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cưỡi ngựa xem hoa.
Có lẽ bạn đang thắc mắc tại sao tôi lại chỉ nói về Guitar Pro 5 trong khi đã có phiên bản 6?
Cộng sự của tôi ở tạp chí MIX – Phạm Bình – sẽ giải thích lý do trong một bài viết chi tiết khác.
1. Giới thiệu Guitar Pro 5 cho người “đần độn”
Nói ngắn gọn, Guitar Pro 5 là phần mềm soạn, biên tập âm nhạc với nhiều chức năng hỗ trợ cho người chơi guitar và bass.
Lợi ích chính:
- Soạn và biên tập nhạc nhanh chóng, dễ dàng mà không cần có kỹ năng chơi nhạc tốt
- Chơi các bản nhạc có sẵn giúp những người không rành về nhạc lý, xướng âm có thể nghe trước giai điệu đã soạn một cách chính xác
- Dễ sử dụng vì giao diện thiết kế rất thông minh, linh hoạt
- Nhẹ máy! Có thể sử dụng ở mọi nơi, trên những máy cấu hình rất thấp.
- Nhận biết thế tay nhanh hơn với chế độ hiển thị Tablature hỗ trợ người chơi guitar và bass
- Tra cứu thư viện hợp âm và scale tiện lợi với thế tay dàn sẵn cho guitar và bass
- Nhập và xuất MIDI (kèm các dịnh dạng khác: ASCII, MusicXML, Wave, BMP, PDF) rất dễ dàng
- Âm thanh trung thực hơn với thư viện âm thanh giả lập (RSE) ngày càng hoàn thiện (đặc biệt là với phiên bản 6)
- Hỗ trợ tập luyện với Play Looped/Speed Trainer
- Lên dây đàn nhanh với Digital Guitar Tuner
Ngoài ra, Guitar Pro có cộng đồng người sử dụng cực kỳ đông đảo. Điều này giúp bạn dễ tìm được các tác phẩm yêu thích và chia sẻ với bạn bè của mình hơn.
2. Giao diện linh hoạt và dễ dùng
Guitar Pro 5 có giao diện dễ hiểu, trực quan. Cách điều chỉnh ẩn / hiện các toolbar gần tương tự với MS Office 2003.
Phía trên là các menu, Toolbar có thể dễ dàng sắp xếp lại vị trí, tắt / mở sao cho thuận tiện nhất. Dưới các menu là một Guitar FretBoard (mặt cần đàn guitar) hoặc 1 chiếc Keyboard giúp bạn có thể nhìn được thế tay, nốt bấm tương ứng với vị trí đang trỏ hoặc đang chơi trên bản nhạc.
Nằm giữa màn hình là bản nhạc với dạng nốt nhạc hoặc tablature song song (bạn có thể tùy chọn việc hiển thị 2 dạng thức này). Trên bản nhạc có thể có các ghi chú, tên hợp âm và Diagram, lời bài hát, tên hiệu ứng (ví dụ Affical Harmonic, Natural Harmonic)…
Phía dưới, khung bên trái là danh sách các track gồm: tên track, nhạc cụ, volume, tùy chọn Mute track hoặc Solo Track, các tham số hiệu ứng âm thanh (pan, reverb, tremolo, chorus, phaser), kênh effect…
Khung bên phải là biểu đồ các ô nhịp của tất cả các track được mã màu, kí hiệu các phần (section) mà người soạn đã chia (ví dụ: Intro, Interlude, Bridge…). Thanh toolbar nằm ở khu vực này là Effects và Note.
3. Import & Export dữ liệu đa dạng
Guitar Pro 5 cho phép bạn:
- Nhập dữ liệu vào từ các dạng thức file MIDI, ASCII (dạng kí tự của Tablature), Music XML (dạng thức của Recordare© – diễn đạt bản nhạc được số hóa bằng ngôn ngữ XML, hiện được hỗ trợ bởi hầu hết các phần mềm chuyên về viết nhạc), file dạng PowerTab và TablEdit (2 dạng thức file của 2 phần mềm soạn nhạc chuyên cho guitar theo dạng Tablature).
- Xuất dữ liệu ra các dạng thức GuitarPro4 và 5, MIDI, ASCII, WAVE, PDF, Music XML, BMP (dạng hình ảnh).
Từ phiên bản 5 trở đi, Guitar Pro tỏ ra quan tâm thực sự tới việc trình bày và thể hiện bản nhạc với tính thẩm mỹ cao. Vì thế, định dạng PDF khi xuất ra đủ chất lượng và tiêu chuẩn phục vụ chế bản thành các SongBook như bạn vẫn thấy ngoài hiệu sách.
Mẹo của MIX: Khi bạn soạn và in các track guitar, đặc biệt là Lead Guitar (hay còn gọi là Guitar Solo) thì bạn nên chọn hiển thị cả phần Tablature vì trên score (bản nhạc chỉ bao gồm nốt nhạc) sẽ không hiển thị chính xác các nốt có sử dụng kỹ thuật bend (đẩy nhéo dây).
4. Âm thanh
Âm thanh phát ra khi bạn soạn hoặc chơi bản nhạc trên Guitar Pro là âm thanh giả lập từ Synthesizer Software (VD: Virtual SoundCanvas) hoặc Souncard (VD: sound-on-board thường dùng bộ Synthesizer của Microsoft tích hợp sẵn trong Windows, soundcard hỗ trợ soundfont tốt như các soundcard EMU cho âm thanh khá ấn tượng).
Nói 1 cách dễ hiểu, các Synthesizer biến các thông tin về bản nhạc dưới dạng số (Digital) thành âm thanh nhạc cụ giúp chúng ta có thể nghe được như tiếng sáo, tiếng guitar, tiếng trống (drums).
Bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị MIDI Synthesizer như Roland V-SynthXT MIDI Synth Module (giá khoảng 2200$) để có chất lượng âm thanh tốt hơn và dùng âm thanh xuất ra từ nó để làm BackTrack (nhạc nền) lúc không có thời gian chuẩn bị cho 1 show diễn sắp tới.
Mẹo của MIX: Trong khi viết nhạc, các bạn nên dùng cấu hình âm thanh mặc định của Guitar Pro 5 (Microsoft GS Wavetable SW Synth) vì các nhạc cụ được mô phỏng rất rõ ràng. Khi chơi nhiều nhạc cụ một lúc, bạn sẽ dễ dàng nghe thấy từng cây thay vì một đống nhòe nhoẹt như các Synthesizer khác. Điểm mạnh nhất của Guitar Pro không phải là âm thanh trung thực, mà là phần mềm viết nhạc tiện lợi, gọn nhẹ!
RSE – Realistic Sound Engine
Kể từ phiên bản 5, GuitarPro bổ sung thư viện âm thanh được xây dựng cho riêng mình theo chuẩn VSTi (Virtual Studio Technology Instrument – Công nghệ nhạc cụ ảo) của hãng Steinberg (Ấn F2 để kích hoạt RSE).
Đây chính là chức năng được quảng cáo nhiều nhất của Guitar Pro 5 mang tên Realistic Sound Engine (RSE) giúp giả lập âm thanh của Guitar (Distortion, Overdrive, Clean, Muted, Steel, Nylon), Bass, Drums; thêm hiệu ứng Reverb cho từng track hoặc toàn bộ bản nhạc với các “màu sắc âm thanh” khác nhau.
Đặc biệt là hệ tiếng của guitar đã được bổ sung thêm chức năng tạo ra tiếng Wah như sử dụng các Pedal Wah-Wah thông thường. Từ phiên bản 5.1, Guitar Pro 5 cho phép bạn chỉnh sửa các tham số về Equalizer, Reverb riêng cho từng nhạc cụ có hỗ trợ RSE và cả cho toàn bản nhạc.
5. Một số công cụ hữu ích của Guitar Pro
Digital Guitar Tuner
Công cụ lên dây cho guitar và bass. Để có thể sử dụng công cụ này, bạn phải cắm guitar vào máy tính vào ngõ Unbalanced input của soundcard hoặc cắm guitar vào một thiết bị tên là DI Box giúp chuyển tín hiệu từ dạng Unbalanced sang dạng XLR Balanced input (giống như microphone) được nối vào ngõ mic input của soundcard.
Nếu chỉ cắm thẳng guitar vào một ngõ mic input của soundcard (với các bo mạch chủ (mainboard hay motherboard) có tích hợp sound-on-board thông thường thì không có ngõ vào unbalanced) thì tín hiệu sẽ bị ồn (noise) và méo (distort) dù nghe vẫn “có vẻ” là ổn. Nhưng điều đáng lưu ý nhất là bạn có nguy cơ bị hỏng chip âm thanh hoặc thậm chí cháy cả bo mạch chủ nếu cắm guitar như vậy.
Lời khuyên của MIX: Tóm lại, với các bạn không có điều kiện về trang thiết bị, lời khuyên của tôi là hãy tránh xa tính năng này, đừng cố cắm Guitar vào mainboard làm gì kẻo lại phải tốn cả triệu đồng đi thay mainboard mới! Sad but True.
Scale Finder
Nhanh chóng tìm và duyệt các scale (âm giai) để viết nhạc.
Play Looped / SpeedTrainer
Công cụ lặp riêng một đoạn đã chọn hoặc cả bài giúp bạn tập luyện dễ dàng hơn. Khi chọn SpeedTrainer, tốc độ chơi bản nhạc sẽ tăng theo một tỷ lệ cho trước sau mỗi lần lặp.
Bar Arranger
Đây là chức năng chỉnh sửa lại cách hiển thị bản nhạc sao cho phù hợp với các quy tắc xây dựng bản nhạc chuẩn nhất và đạt tính thẩm mỹ cao nhất. Trước khi in ấn hoặc publish rộng rãi, bạn nên sử dụng chức năng này.
Check Bar Duration
Kiểm tra các ô nhịp đã viết đầy đủ và chính xác về mặt thời gian hay chưa. Ví dụ: Ô nhịp 4/4 thì phải có tổng thời gian bằng 4 nốt đen. Khi thấy thiếu/thừa thời gian, Guitar Pro sẽ báo hiệu bằng cách chuyển ô nhịp đó sang màu đỏ.
Complete/Reduce Bars with Rests
Thêm các nốt lặng vào những ô nhịp chưa lấp đủ thời gian (hoặc ô nhịp trống) và xóa đi các khoảng thừa trong các ô nhịp quá dài để làm tăng tính thẩm mỹ, sự chính xác của bản nhạc.
Automatic Finger Position
Nếu bạn soạn nhạc hoàn toàn trên khuông nhạc thay vì Tablature thì chức năng này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian trong việc sắp xếp thế tay của nhạc công chơi guitar và bass.
Let Ring, Palm Mute, Dynamic Options
03 chức năng này sẽ giúp bạn thể hiện tốt hơn các kỹ thuật nhạc cụ cơ bản (để dây ngân – như Pedal Piano, Palm Mute trên nhạc cụ có dây) và sắc thái thể hiện mạnh/nhẹ của cả một nhóm ô nhịp chỉ với 1 thao tác đơn giản.
Lời kết
Mỗi người đều có một công cụ riêng phù hợp với sở thích và thói quen làm việc của mình. Với tôi, Guitar Pro là phần mềm phù hợp nhất vì nó nhẹ, hiệu quả, mạnh mẽ.
Thật là buồn cười nếu cho rằng Guitar Pro chỉ phù hợp với dân Amateur và người chơi guitar. Vì chuyên nghiệp hay không là do mục đích và trình độ của người sử dụng mà thôi.
Phần II của loạt bài sẽ tập trung vào việc viết nhạc với những chỉ dẫn cụ thể và mẹo nhỏ để tăng tốc làm việc.
Bạn đã từng dùng Guitar Pro chưa? Bạn có đồng ý với quan điểm của tôi hay không? Hãy cho tôi biết ý kiến của bạn bằng cách bình luận ở phía dưới nhé!
- 59$
Sao bài viết này quen quen giống mấy bài về GP5 trên mạng thế nhỉ? :-/
Chào Thắng,
Hi, vì đơn giản tất cả các bài về Guitar Pro 5 trong loạt 3 bài của tác giả Symphonicmind mà mọi người hay chia sẻ trên các diễn đàn âm nhạc và guitar chính là do mình viết mà. 🙂
anh ơi re up hình lại giùm e Part 1 vs Part 2 Guitar Pro 5 đi anh ko có hình minh họa khó nhìn quá
Cảm ơn bạn vì đã phát hiện ra lỗi đứt link hình. Mình sẽ sửa lại và upload lại sớm.
Nguyễn Thái Hà
Ai có link tải k ạ??
xin chào anh Pro!
Hnay mình quyết định dấn thân vào con đường chết chóc và đói khổ – con đường Âm nhạc. Cũng là lúc mình tập tành Mix móc này nọ các thứ. Cụ thể là mình đang tập làm beat karaoke. Nhưng vấn đề thật không đơn giản chút nào (mặc dù mình đã chuẩn bị tâm lý). sau khi đọc bài GP6 khó soạn hơn GP5 của Pro đó, mình vẫn chọn gp6 vì muốn thử soundbanks mới. Nhưng đúng là khó soạn trống hơn GP5 thật.
Nói về kỹ năng thì gần như mình chẳng biết gì cả, ngoài mớ nhạc lý tương đối vững. Xin pro chỉ cho mình “CÔNG THỨC CHUNG” (lại là Công thức!) để làm beat. VD như đầu tiên là nên soạn trên GP, sau đó thì nên xuất ra MIDI, rồi import qua thằng nào đó, rồi căn chỉnh sao đó……Mình đang cần 1 cái ‘sườn’ để làm phương hướng đó mà. Mong Pro chỉ giáo với. Một vài chữ đơn giản thôi cũng được. Pro có thể reply qua mail cho mình ko?(taquangthuy@gmail.com)
Chào Tạ Quang Thủy,
Bạn muốn làm beat maker thì thật sự là về khía cạnh đồ studio, bạn không cần lo lắng nhiều. Nền tảng nhạc lý vững là một lợi thế của bạn. Nếu làm nhạc trên máy tính nhiều, bạn nên học chơi keyboard vì nó giúp bạn tăng tốc quá trình làm việc lên đáng kể sau này.
Việc sử dụng Guitar Pro để soạn sau đó xuất ra MIDI, import qua Cubase thì có một lợi thế là bạn kiểm soát được hoàn toàn quá trình làm. Nốt nào sử dụng là chốt nốt ấy chứ ko phải cầm keyboard phiêu vài câu rồi ghi đi ghi lại tới khi ưng. Nhưng bạn sẽ tốn cực nhiều thời gian cho việc làm các nhạc cụ ảo nghe thật hơn vì nốt nhạc MIDI xuất ra từ Guitar Pro 5 không chứa các sắc thái tinh tế như tay người đánh.
Nếu bạn đã quá quen với Guitar Pro, mình khuyên bạn thử quy trình sau: Soạn và chốt bài trên Guitar Pro 5. Import vào Cubase để lấy Tempo Map, sườn bài. Sau đó, bạn tự chơi lại trên MIDI Keyboard theo những gì đã soạn từ Guitar Pro rồi thu lại MIDI vào Cubase. Sử dụng nhạc cụ ảo để tái tạo âm thanh thật từ những gì đã soạn/thu. Tất nhiên, sau đó là mixing cơ bản rồi.
Chúc bạn thành công nhé/
Nguyễn Thái Hà
Bạn cho mình hỏi tải guitar pro 5.0 ở đâu được không ạ?
Chào bạn!
Trong Guitar Pro 5.2, mình muốn điều chỉnh khoảng cách mặc định giữa 2 nốt nhạc cho giãn ra một tí để khi viết lời nhạc, 2 từ liên tiếp không đè lên nhau (nhất là khi 2 móc đơn liên tiếp, khoảng cách quá gần), thì phải làm sao vậy?
Chào diễn đàn!
Hôm nay mình là lính mới , trước đây mình cũng đã mày mò sáng tác sử dụng phàn mềm này ,nhưng vì dân ngoại đạo nên cũng gặp không ít khó khăn nhưng cuói cùng mình cũng thấy vui vì đã sử dụng được nó . Tuy nhiên khi viết lời vào bản nhạc thì gặp vần đề về trình bày ” Lời trong phần mềm này được đưa lên trên >< nên ko biết phải đưa nó xuống dưới nốt nhạc thì phải làm sao? Ai đã làm xin trợ giúp. Cám ơn!
bạn đã quen vs guitar pro 5 rồi thì mình giới thiệu bạn dùng phần mềm sibelius đây là 1 phần mềm chuyên viết nhạc,hổ trợ tốt hơn cách dùng gần giống gp5 và có thể dùng1 số vsti
Chào Thanh Nguyễn,
Theo mình nhớ hình như Guitar Pro 5 không có lựa chọn phần lời ở dưới. Bạn thử sử dụng Siberius xem sao.
Nguyễn Thái Hà
Tôi không biết ghi nốt chùm 3 lên bản nhạc, làm ơn chỉ dùm
Bác nào có link download Guitar Pro 5 làm ơn cho em xin! Thanks!
còn ukulele thì dùng cái gì ?