Vừa tròn 01 năm bài đánh giá nearfield studio monitor ADAM T5V được đăng tải trên Tạp chí MIX, tôi lại một lần nữa nhận được sản phẩm tương tự cần mổ xẻ, săm soi từ nhà phân phối: ADAM T7V (anh em ruột với T5V)!
Việc này vô tình khiến tôi nhận ra rằng: Đã 01 năm nay Tạp chí MIX chưa ra bài mới! :facepalm:
Vì cùng chung một series sản phẩm nhắm vào phân khúc dành cho người mới vào nghề của ADAM, T7V chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng với người em T5V. Do đó, tôi sẽ không giải thích kỹ một số khía cạnh kỹ thuật đã có trong bài viết trước nữa mà tập trung vào đánh giá sự khác biệt về chất lượng âm thanh, khả năng translate.
Hệ thống tham chiếu được mang ra so sánh vẫn là Genelec 8330A như lần trước để các bạn liên hệ với T5V dễ dàng hơn. Tôi biết, 8330A có woofer 5.5”, không thực sự tương đồng về thiết kế tổng thể với T7V (woofer 7”) nhưng vì mục đích dễ liên hệ so sánh về chất lượng âm thanh giữa T5V và T7V, việc giữ nguyên hệ thống tham chiếu là điều quan trọng nhất.
Thiết kế Tổng thể
ADAM T7V là nearfield studio monitor (loa kiểm âm trường gần) cỡ nhỏ có thiết kế 2-way (2 đường tiếng), bass-reflex và true-active (chủ động). Đây là thiết kế monitor phổ biến nhất trong thế giới phòng thu cỡ nhỏ hiện nay vì chi phí sản xuất thấp, đáp tuyến rộng, đơn giản, tiện lợi trong quá trình sử dụng.
02 power amp Class D riêng biệt với tổng công suất 70W RMS được sử dụng để kéo 1 woofer 7” màng poly và 1 U-ART air-motion-transform (AMT) tweeter.
Trong panel điều khiển sau lưng, T7V cũng cho phép bạn cân chỉnh level của Bass và High Frequency để cân bằng lại đáp tuyến khi nghe trong phòng. Khi sử dụng trong studio cỡ nhỏ, tôi khuyên bạn nên gạt Bass Level xuống -2dB. T7V được thiết kế để cân đối trong anechoic chamber. Nhưng khi đưa vào phòng thực tế, chúng ta luôn có ít nhất là 1 bề mặt phản dội lớn và cứng dẫn tới bass level trong phòng sẽ luôn có xu hướng cao hơn mid và high frequency. Điều này không có gì “đáng sợ” cả, cái nút sinh ra để sử dụng, miễn là bạn hiểu tại sao bạn lại cần sử dụng và cách sử dụng như thế nào.
Kết nối
T7V cho phép bạn chọn kết nối đầu vào cân bằng (+4dBu, đầu cắm XLR) hoặc không cân bằng (-10dBV, đầu cắm RCA). Hai lựa chọn này không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh nhưng ảnh hưởng tới độ nhạy đầu vào của amplifier tích hợp. Khi sử dụng trong studio, bạn nên sử dụng TRS-XLR cable nối trực tiếp từ đầu ra của audio interface hoặc monitor controller (thường là TRS) vào đầu vào cân bằng (balanced input, đầu cắm XLR) của T7V.
Thiết kế Thùng loa
Thùng loa T7V sử dụng cơ chế bass cộng hưởng (bass-reflex) với lỗ thông hơi đặt phía sau lưng giúp tái tạo âm trầm sâu hơn và áp lực tối đa (maxSPL) của loa cao hơn so với thiết kế thùng kín. Lỗ thông hơi (hoặc lỗ cộng hưởng, tùy cách bạn gọi) của T7V được thiết kế loe ở miệng và cong ở bên trong (tương tự như Genelec 8340 nhưng phần loe của Genelec lớn hơn rất nhiều). Điều này giúp giảm bớt một phần hiện tượng lỗ cộng hưởng phát ra tiếng ồn (nghe như tiếng “phụt phụt”) mỗi khi kick drum chơi ở áp lực lớn. Ngoài ra, nó cũng giúp trung âm bị leak ra khỏi thùng qua lỗ cộng hưởng và bản thân âm thanh cộng hưởng của lỗ (hãy nhớ tới mấy ống thép của church-organ) khó tới tai của bạn hơn do lỗ hướng về sau lưng loa và tính định hướng của trung âm cao hơn âm trầm.
Nhược điểm quan trọng nhất của thiết kế bass-reflex trong một monitor cỡ nhỏ là bass luôn luôn bị trễ so với mid và high frequency. Để loa có thể đánh được áp lực tối đa lớn nhất có thể, nhà sản xuất luôn tune thùng loa ở tần số tương đối cao (với woofer 7” và cỡ thùng nhỏ như T7V, tần số cộng hưởng của hệ thống có thể lên tới 45-50Hz).
Để bảo vệ woofer trong các bass-reflex monitor, các nhà sản xuất active monitor luôn phải thiết kế thêm high pass filter bổ sung. Điều này càng làm trầm trọng hơn vấn đề về độ trễ của bass ở Low-Frequency tùy theo độ dốc (slope) và tham số cộng hưởng của filter.
Đồ thị dưới đây minh họa độ trễ của 3 thiết kế loa sử dụng chung 1 woofer 7” duy nhất, trong đó ĐỎ là thùng kín (sealed box như NS10M Studio hoặc TranSquad 18E), XANH là thùng bass-reflex tune ở 42Hz không có highpass filter và HỒNG TÍM là thùng bass-reflex giống hệt nhưng có highpass filter bảo vệ. Cột bên trái có đơn vị là mili giây (ms), hàng ngang có đơn vị là Hz:
Bạn có thể thấy rõ độ trễ của thùng bass-reflex tune ở 42Hz cao như thế nào sau khi có highpass filter để bảo vệ củ loa ở 35Hz. Tại 30.5Hz, low frequency trễ tới 30ms so với mid và high. Cùng tần số này, độ trễ của thiết kế thùng kín chỉ là 5ms. Điều này cũng phản ánh qua đồ thị biến thiên về phase của loa (transfer function phase plot):
Một điểm quan trọng nữa của việc cố gắng chơi bass sâu nhất có thể trong thùng cỡ nhỏ là port compression. Do thùng loa nhỏ và cố tune ở tần số thấp, ống cộng hưởng nếu muốn hạn chế tiếng ồn phải có tiết diện lớn. Nhưng tiết diện lớn thì độ dài của ống cộng hưởng lại phải lớn hơn để duy trì tần số cộng hưởng gốc, do đó thùng loa lại phải lớn hơn nữa, đi ngược lại mong muốn của nhà thiết kế. Bởi vậy, với các thùng cỡ nhỏ như T7V, nhà sản xuất phải sử dụng ống cộng hưởng đường kính nhỏ kèm loe 2 đầu. Tuy nhiên, cái giá phải trả là sự bất nhất quán về tốc độ không khí lưu thông trong lòng ống và giữa 2 đầu ống cũng như hiện tượng port compression khi cố chơi ở SPL cao dẫn tới frequency response không tuyến tính, không nhất quán ở low frequency giữa playback level trung bình, cao và rất cao.
Tất cả những ưu, nhược điểm của T7V trong thiết kế bass-reflex được thể hiện đầy đủ trong quá trình nghe đánh giá của chúng tôi. Bass trong phòng xuống rất sâu so với kích thước thùng loa và có âm thanh tương đối gọn so với mức giá. Chất lượng của bass cũng tốt hơn T5V đáng kể do lợi thế về kích cỡ woofer cũng như công suất cao hơn. Tuy nhiên, nó vẫn không thể so sánh với tốc độ bass gần như tức thời của các monitor thùng kín cao cấp hoặc low-tuned bass-reflex main monitor với kích thước rất lớn (gấp 7-10 lần T7V) khác tôi đã được sử dụng. So với Genelec 8330, bass của T7V hơi lỏng hơn 1 chút.
Bạn có thể kiểm tra rất nhanh bằng cách gõ nhẹ lên màng woofer của Adam T7V. Âm thanh bạn nghe thấy là pừng pừng có đuôi chứ không phải là pực pực cực gọn như với các thùng loa sealed hoặc thùng bass-reflex cỡ rất lớn.
Khi chơi ở SPL cao, do phải cố tái hiện tần số thấp với woofer cỡ nhỏ, bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận được transient (attack) và dynamic của âm thanh không còn sắc nét, rõ ràng. Cùng với đó là THD tăng cao nhanh chóng sau khi vượt quá ngưỡng 95dBC SPL (Slow) tại 1m với 1 cặp loa.
Genelec 8330 cũng có hiện tượng tương tự nhưng điểm khác biệt là quá trình đó diễn ra chậm hơn và mượt mà hơn thay vì tương đối ổn ở 1 khoảng playback level nhất định rồi nhanh chóng thay đổi khi vượt quá 1 ngưỡng cụ thể nào đó.
Dù sao, bạn cũng nên hiểu rằng đây là 2 sản phẩm ở 2 phân khúc khác nhau hoàn toàn. Sự khác biệt này là điều dễ dàng đoán trước được.
Thành thật mà nói, dù bạn có dùng linh kiện loa ngon tới mức nào, bạn cũng không thể thoát được các quy luật vật lý cơ bản. Muốn cải thiện hiệu suất của low frequency và độ sạch, độ chính xác của bass, bạn phải sử dụng thùng lớn, tổng tiết diện woofer lớn. Không có 1 con đường nào khác. Chấm hết.
Trung âm
Giống như T5V, T7V sử dụng DSP Crossover. DSP có ưu điểm lớn về sự thuận tiện trong quá trình nghiên cứu, phát triển, sự nhất quán giữa các đơn vị sản phẩm.
Do woofer lớn hơn T5V, góc phóng (dispersion) ở trung âm của woofer T7V hẹp hơn T5V, dẫn tới 1 điều không thể tránh khỏi để có đáp tuyến off-axis mượt mà là hạ crossover point. T5V có crossover point ở 3kHz, T7V là 2.6khz.
Cũng vì woofer lớn hơn T5V và có chung thiết kế củ loa, tổng khối lượng các linh kiện có khả năng di động trong quá trình vận hành của củ loa (moving mass) lớn hơn dẫn tới khả năng tái hiện high-mid của T7V không tốt bằng T5V.
Thông thường, tần số trung tâm của crossover thấp luôn có lợi hơn do nó mang lại sự tích hợp tốt hơn giữa các củ loa bởi bước sóng lớn hơn. Nhưng với thiết kế của T series, nó lại là vấn đề. Tại sao?
Tweeter của ADAM từ dòng dành cho người mới bắt đầu tới high-end monitor đều sử dụng thiết kế AMT. Thiết kế này có một số ưu điểm như điện trở biến thiên ít, tái hiện transient của high frequency tốt, độ nhạy cao mà Tạp chí MIX đã chia sẻ trong bài viết trước. Nhược điểm lớn nhất của AMT tweeter kích thước nhỏ là khả năng tái hiện trung âm với độ méo thấp.
Do đó, ADAM sử dụng HPS waveguide để vừa hỗ trợ định hướng âm thanh cho khớp với góc phóng của woofer, vừa cải thiện độ nhạy ở trung âm của tweeter, giúp giảm bớt méo phi tuyến tính (non-linear harmonic distortion). Tuy nhiên, với mục đích có khả năng chơi ở áp lực cao nhất có thể và waveguide quá bé, T series vẫn phải trả giá bằng crossover ở tần số cao và độ méo trung âm của tweeter cao.
Bạn có thấy sự mâu thuẫn ở đây? Để khớp tốt với woofer cỡ lớn hơn, T7V phải sử dụng tần số crossover thấp hơn (2.6 so với 3 kHz của T5V). Nhưng tweeter và waveguide lại giống hệt T5V, do đó, việc này lại đặt gánh nặng lên tweeter nhiều hơn ở T7V so với T5V. Bản thân woofer T7V không tái hiện tốt high mid bằng T5V, tweeter lại distort nhanh hơn do phải gánh tần số thấp hơn, dẫn tới kết quả cộng gộp là trung âm của T7V nghe không tốt bằng T5V và THD tăng cao nhanh chóng khi đẩy cao playback level.
Với Genelec, sự khác biệt này giữa 8330 và 8340 không tồn tại rõ ràng bằng vì dù dùng chung tweeter, nhưng 8340 lại có waveguide lớn hơn nhiều so với 8330 dẫn tới khả năng hỗ trợ tái tạo high mid (trung cao) của tweeter trên 8340 tốt hơn 8330, duy trì sự nhất quán về chất lượng trung âm tốt hơn giữa 2 model cùng series có kích thước woofer khác nhau.
Đánh giá tổng thể
T7V và T5V có âm thanh tổng thể cũng như thiết kế tương đồng với nhau. T7V vượt trên T5V ở phạm vi đáp tuyến, chất lượng của bass cũng như áp lực tối đa. Tuy nhiên, chất lượng trung âm của T5V tốt hơn T7V.
Trong tầm giá của T7V và T5V, tương đối khó kiếm được sản phẩm có chất lượng tổng thể cao hơn. Tôi đánh giá T series về chất lượng tổng thể cao hơn series Sceptres của PreSonus 1 chút xíu.Đối thủ lớn nhất của T7V, T5V ở phân khúc monitor giá rẻ theo tôi là JBL LSR306 Mark II, LSR305 Mark II.
Chúc các bạn sớm tìm được lựa chọn phù hợp cho nhu cầu sử dụng cũng như mức đầu tư của mình.
Cảm ơn Công ty Việt Thương đã gửi sản phẩm đánh giá!
- 250 USD
Mập says
anh ơi em muốn học cơ bản về mixing và mastering để phục vụ đam mê cá nhân là chơi rap. Anh có khóa học hay dạy online về xử lí cơ bản và effect không ạ.