Adam T10S là subwoofer duy nhất trong T Series của hãng studio monitor của Đức – Adam. Hãy dùng Tạp chí MIX tìm hiểu thiết kế, chất lượng và ứng dụng của T10S trong studio cỡ nhỏ ra sao.
Subwoofer trong Studio
Bất kể bạn sản xuất thể loại nhạc nào, việc hệ thống monitor không đảm bảo phạm vi đáp tuyến hữu dụng tối thiểu (40-16.000 Hz) sẽ khiến việc nghe, mixing, mastering gặp nhiều khó khăn. Một số dòng nhạc hoặc nội dung âm thanh yêu cầu monitor có khả năng xuống sâu tới 20 Hz hay thậm chí là dưới 20 Hz. Điều này không có gì là mới mẻ trong nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm, nhạc phim hay hiệu ứng âm thanh.
Subwoofer là loa phụ trách riêng khu vực dưới 150Hz, giúp cải thiện bass-extension (độ sâu bass) của hệ thống và giảm tải gánh nặng tái hiện low frequency cho loa monitor L/C/R (Left/Center/Right) hoặc surround. Nhờ đó, phạm vi đáp tuyến của hệ thống monitor được cải thiện, đáp ứng đa dạng mục đích sử dụng hơn, bảo vệ loa LCR, surround tốt hơn.
Thiết kế Tổng thể
Hệ thống Chủ động (Active Design)
Đa số các subwoofer sử dụng thiết kế sealed hoặc bass-relex (Adam T10S) có độ nhạy không cao, công suất củ loa thường phải lớn do đó poweramp đi kèm cũng phải có công suất phù hợp. Hơn nữa, để kết nối giữa subwoofer và loa LCR, surround hiện tại bạn sẽ cần crossover tương đối lằng nhằng và quan trọng là kể cả với người vận hành studio thông thường, không phải ai cũng biết điều cơ bản này! Vì vậy, để tiện lợi cho người dùng cuối, active subwoofer đi kèm active crossover ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Adam T10S là active subwoofer 10-inch với đầy đủ các tính năng thiết yếu giúp đơn giản hóa tối đa setup của người dùng như tích hợp Class-D plateamp, active crossover, hỗ trợ cả đầu vào/đầu ra unbalanced/balanced, nguồn chấp nhận đầu vào 100-240V 50/60Hz, footswitch.
Một điểm cần lưu ý nữa là nút nguồn. T10S không có nút nguồn. Khi bạn cắm dây nguồn, mặc định T10S sẽ bật. Chế độ chờ (Standby) sẽ được kích hoạt khi không có tín hiệu âm thanh gửi vào subwoofer trong vòng 15 phút và sẽ tự bật lại khi có tín hiệu âm thanh. Cơ chế cảm biến này tương tự như ISS (Intelligent Signal Sensing – Cảm biến Tín hiệu Thông minh) trong các monitor của Genelec. Việc không có nút nguồn đôi khi sẽ gây nhiều phiền toái vì nếu chỉ dựa vào tính năng auto-Standby, đôi khi bạn sẽ quên mất là T10S đang cắm sẵn dây nguồn. Trong một số bối cảnh có thể sẽ gây hư hại cho thiết bị do không được ngắt nguồn hoàn toàn.
Down Firing Bass-reflex
Khi mới sờ vào T10S lần đầu, nếu chưa quen làm việc với nhiều loại subwoofer khác nhau, bạn có thể sẽ hơi khó hiểu một chút khi… không thấy củ loa (audio driver) đâu. Nó nằm ngay dưới đáy thùng đó!
T10S sử dụng thiết kế Bass-reflex với củ loa bố trí dạng down-firing (nôm na là úp mặt xuống đất). Vì subwoofer hoạt động ở low frequency, âm thanh của chúng phần lớn đều không có tính định hướng, do đó thiết kế này không có ưu điểm gì so với các bass-reflex subwoofer với củ loa nằm ngang khác. Ưu điểm dễ nhận thấy nhất là bạn sẽ không dễ gì vô ý… sút vào màng loa thôi.
Chân loa là 4 miếng cao su dày và cao. Tại sao lại cao mà không phải là thấp để giúp subwoofer ổn định hơn? Adam bắt buộc phải làm chân cao để bảo vệ màng loa khỏi hư hại do va đập với sàn khi màng loa di động với biên độ lớn ở SPL lớn.
Thùng được làm từ MDF với cấu trúc có độ vững chắc vừa phải. Với subwoofer, cấu trúc thùng loa rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều tới hiệu năng của loa. Độ sạch, độ gọn của âm thanh subwoofer liên quan lớn tới yếu tố này. Với thiết kế giá rẻ, khó có thể kỳ vọng T10S sử dụng cấu trúc vững chắc, cứng cáp như các subwoofer đời cao (ví dụ Genelec 7360A).
T10S sử dụng khe cộng hưởng (slot port) thay vì dạng lỗ tròn với một cạnh loe để giảm bớt hiện tượng “chuffing” (khi loa đánh ở SPL cao, tốc độ gió lưu thông qua khe quá lớn, bản thân khe cộng hưởng sẽ tự tạo ra âm thanh và gây ồn, nhiễu cho âm thanh gốc).
Thiết lập Sử dụng Subwoofer trong Studio
Kết nối với Nearfield Monitor
Adam T10S được thiết kế để làm loa subwoofer mở rộng đáp tuyến cho Adam T5V và Adam T7V nhưng bạn có thể sử dụng T10S với bất kỳ nearfield studio monitor có cấu hình tương đương khác (woofer 4.5-7 inch).
Với Adam T8V hoặc các monitor dùng woofer 8-inch trở lên, bạn sẽ không cảm thấy đóng góp rõ ràng của T10S vì hai hệ thống có phạm vi đáp tuyến không chênh nhau quá nhiều ở low-frequency.
Với cấu hình 2.1 (mono subwoofer), để kết nối T10S và nearfield studio monitor, bạn chỉ cần làm theo sơ đồ đơn giản như sau:
Với cấu hình 2.2 (stereo subwoofer), bạn cần mua… 02 chiếc Adam T10S (dĩ nhiên) và làm tương tự:
Bố trí Subwoofer trong Studio
Trong studio, nhất là đối với subwoofer cỡ nhỏ như T10S, bạn có thể bố trí linh hoạt hơn một chút so với các subwoofer cỡ lớn. Tùy thuộc vào setup 2.1 hay 2.2 mà chúng ta sẽ bố trí khác nhau. Quá trình thiết lập sử dụng subwoofer cần phải có một bài viết riêng vì đây là chủ đề không hề đơn giản.
Với studio cỡ nhỏ, bạn nên bố trí subwoofer sát đất, sát mép tường và hạn chế bố trí ở trong các góc tường. Vị trí cụ thể của subwoofer phụ thuộc VÔ CÙNG nhiều vào thiết kế phòng, vị trí ngồi, vị trí kê loa nearfield. Do đó, bạn cần phải thử nghiệm rất nhiều để tìm ra được vị trí subwoofer sao cho, tại vị trí mix, bạn nghe được âm thanh liền lạc hài hòa giữa subwoofer và nearfield (đặc biệt là xung quanh crossover frequency), các nốt trầm nghe đồng đều nhất có thể ở các cao độ khác nhau.
Một trong những vị trí tốt để bắt đầu dò tìm vị trí tối ưu là sát đất, sát tường trước mặt và hơi lệch điểm chính giữa của phòng một chút.
Crossover
Điều chỉnh crossover là bước quan trọng tiếp theo trong quá trình thiết lập subwoofer và nearfield monitor. Mục tiêu của chúng ta là âm thanh phát ra từ nearfield monitor và subwoofer liền lạc, hài hòa nhất có thể mà không thể phân định rõ vị trí nguồn phát của subwoofer so với nearfield monitor.
Bạn cần làm các công việc như sau:
- Chọn crossover frequency phù hợp
- Lựa chọn vị trí cực (Polarity) của subwoofer phù hợp
- Thiết lập Output level của subwoofer và nearfield sao cho hài hòa
Crossover đi kèm có 3 cấu hình đơn giản: 80Hz – 120Hz – Bypass. Bạn chọn 80 hay 120 Hz phụ thuộc vào bối cảnh lắp đặt cụ thể. Khi subwoofer cách nearfield studio monitor từ 70cm trở lên, bạn nên sử dụng 80Hz crossover frequency để hạn chế sự rời rạc giữa âm thanh của sub và nearfield monitor.
Chế độ bypass (có thể được điều khiển bởi footswitch bán rời) giúp bạn nhanh chóng nghe kiểm tra, so sánh âm thanh khi sử dụng subwoofer và khi sử dụng riêng nearfield monitor như bình thường (không có subwoofer và không có highpass filter bởi active crossover trên subwoofer).
Nấc gạt Phase có 2 chế độ 0-180 độ. Thực ra nấc gạt này nên sử dụng thuật ngữ Polarity thì sẽ phù hợp và đúng bản chất hơn. Tuy nhiên, có lẽ đây là lựa chọn mang tính chất giúp người dùng phổ thông nhanh chóng nhận ra chức năng của thiết bị vì từ Phase phổ biến hơn (nhưng không cùng bản chất với Polarity).
Sau khi đã kết nối xong toàn bộ hệ thống, lựa chọn được crossover frequency, bạn hãy phát một sinewave tại tần số đó (ví dụ 80 hoặc 120Hz với T10S) trên cả nearfield monitor và T10S, và thử một trong hai vị trí của nút Phase. Trong đại đa số các trường hợp, vị trí cho cường độ âm thanh lớn hơn là vị trí phù hợp.
Việc cuối cùng là vi chỉnh cường độ âm thanh của subwoofer sao cho cân đối với 2 loa monitor L/R.
Chất lượng Âm thanh
Qua sử dụng thực tế và kiểm tra với cả nguồn phát là âm nhạc, tín hiệu kiểm tra, tôi đánh giá hiệu năng của T10S ở mức chấp nhận được so với giá thành.
Âm trầm của T10S xuống không thật sự sâu do nhà sản xuất muốn tối ưu giữa áp lực âm thanh tối đa và bass extension trong một thùng loa cỡ nhỏ. Đây cũng là một quyết định phù hợp xét tới bối cảnh sử dụng thực tế trong các studio cỡ nhỏ và mục đích thiết kế chỉ dành để bổ trợ cho các monitor có cỡ woofer 4.5 đến 7 inch.
Trong studio cỡ nhỏ, rất khó có thể sử dụng các hệ thống tiêu âm cao cấp. Do đó, nếu subwoofer xuống tới 20Hz hoặc thấp hơn, áp lực âm thanh tại khu vực dưới 30 Hz sẽ vô cùng lớn gây um, khó chịu cho người sử dụng mà không thật sự đóng góp quá nhiều cho quá trình sản xuất âm nhạc thông thường.
Tất nhiên, khi nhu cầu của bạn cao hoặc đặc biệt, bạn sẽ cần phải đầu tư một hệ thống xứng đáng hơn. Theo ý kiến của tôi, tôi ủng hộ quyết định đánh đổi này của nhà sản xuất.
Bass-extension tại điểm -10dB đo được là 33.38Hz. T10S bắt đầu roll-off dần dần từ 60Hz tới ~30Hz chứ không flat tới khu vực cận dưới. Frequency response bạn xem ở dưới đây là đáp tuyến khi chúng tôi đặt subwoofer trên mặt sàn, đo với chế độ crossover ở 80Hz (chế độ thường sử dụng nhất).
Vẫn như bài kiểm tra với Adam T8V, chúng tôi thực hiện các phép đo độ méo của T10S từ 90dB đến 100 dB SPL Continuous tại 1m. Như dự đoán, THD của T10S tăng nhanh chóng theo SPL đo lường:
- Tại 90dB SPL, THD đạt 7.2% @50Hz và 0.5% ở 80Hz
- Tại 100 dB SPL, THD đạt 10.2% @50Hz và 2% @80Hz
Độ méo trung bình của khu vực 30-50Hz cao hơn rất nhiều. Đó là kết quả dễ đoán khi bạn ép một subwoofer cỡ nhỏ giá rẻ chơi ở SPL cao.
Tại sao lại phải kiểm tra T10S ở SPL cao (với studio cỡ nhỏ) như vậy?
Vì nếu bạn chơi cấu hình 2.1, 01 chiếc T10S sẽ phải gánh cả low-frequency cho cả 02 chiếc nearfield monitor khác. Một cặp nearfield 7 inch hoàn toàn có thể với tới 100dB SPL tại 1m. Trong bối cảnh này, mỗi chiếc loa nearfield 7 inch sẽ chỉ phải đánh 94dB SPL, còn subwoofer sẽ phải đánh đúng tối thiểu là 100dB.
Nếu subwoofer chơi không tốt và bị méo nhiều, âm thanh giữa subwoofer và nearfield monitor sẽ trở nên rời rạc và càng ngày càng rời rạc khi chơi ở SPL tăng dần.
Trong quá trình đo ở 95dB và 100dB SPL continuous @1m, chúng tôi nhận thấy thùng loa rung mạnh và tốc độ gió ở khe cộng hưởng khá cao. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến THD của hệ thống từ 30-50Hz bị đẩy lên rất lớn.
Âm thanh của T10S không thật sự gọn nếu so với các subwoofer đời cao và đặc biệt là subwoofer cỡ lớn. Tôi đã kiểm tra rất nhiều hifi subwoofer và studio subwoofer trong phân khúc này. Bạn không thể kỳ vọng được gì nhiều ngoài bass extension. Low frequency là thứ rất khó để đánh sạch. Và đánh sạch với SPL cao còn khó hơn rất nhiều.
Kết luận
Adam T10S có thiết kế tiện lợi cho người dùng cuối, giúp bạn nhanh chóng nới sâu cận dưới đáp tuyến của hệ thống mà không cần phải mua sắm thêm nhiều thiết bị cần thiết khác như poweramp hay active crossover. Chất lượng âm thanh ở mức chấp nhận được so với tầm giá.
Bass-extension (-10dB) giới hạn ở xấp xỉ 30 Hz và kích thước nhỏ gọn, phù hợp để sử dụng kèm các nearfield monitor cỡ nhỏ.
Trong phân khúc này, đối thủ cạnh tranh của Adam T10S sẽ là KRK 10S, JBL LSR310S, PreSonus T10, Behringer K10S, Mackie MRS 10… Trong đó, tương đồng nhất về thiết kế với T10S là JBL LSR310S (down firing subwoofer).
Cảm ơn Công ty Việt Thương đã gửi sản phẩm đánh giá!
Leave a Reply