• Giới thiệu Team MIX
  • Liên hệ

Tạp chí MIX

  • Thu âm
  • Mixing & Mastering
  • Sự nghiệp
  • Công cụ
  • Sáng tác

Soi hàng #8: ATH-M20x – Studio Headphone Thu âm chất lượng

08/08/2016 viết bởi Nguyễn Thái Hà 16 Comments

Review of: ATH-M20x
Studio Headphones:
Audio Technica
Price:
1.400.000 đ

Reviewed by: Hà Nguyễn Thái
Rating:
5
On 08/08/2016
Last modified:12/09/2016

Summary:

Chất lượng âm thanh rất tốt so với giá tiền. Tiện lợi khi sử dụng. Hỗ trợ thu âm tốt. Khi mixing thì cần thêm thiết bị monitor bổ trợ khác.

More Details

Trong một ngày mưa bão, gió giật cấp 12, tôi nhận được đề nghị viết bài đánh giá model mới ra – studio headphone ATH-M20x – của Audio Technica. Dù cảm thấy rất vui và tò mò vì tôi chưa bao giờ đánh giá headphone nhưng tôi vẫn không quên gửi lời “đe dọa” tới đại diện đơn vị cung cấp sản phẩm liên quan đến tính khách quan, chân thực, không PR khéo trong các bài đánh giá của Tạp Chí Mix. Có 1 số nhà cung cấp sau khi nghe điều khoản đó của tôi đã lặn không sủi tăm hoặc gạt bỏ khéo lời đề nghị ban đầu, tuy nhiên, lần này, điều đó đã không xảy ra. Sau khi sử dụng thử một thời gian, tôi hiểu tại sao họ lại có quyết định như vậy.

ATH-M20x

Cảm nhận trong quá trình sử dụng

Tại sao lại đưa đánh giá về âm thanh lên ngay phần đầu? Vì đây là thiết bị monitor. Cái gì có thể quan trọng hơn âm thanh nữa?

Đáng buồn thay là có rất nhiều bài đánh giá sản phẩm trên Internet (kể cả từ các tạp chí uy tín) cũng hay gặp phải tình trạng mô tả chức năng, thiết kế nhiều hơn phân tích về trải nghiệm sử dụng. Họ không dành đủ thời gian ăn ngủ với sản phẩm để hiểu nó một cách rõ ràng, chỉ nhanh nhanh nêu vài thông tin (mà trong Hướng dẫn sử dụng hoặc website hãng đã có sẵn) sau đó quăng 1 vài câu rất chung chung về chất lượng âm thanh. Điều này không có một chút giá trị gì trong việc hỗ trợ việc ra quyết định mua sắm của người dùng.

Unbox ATH-M20x

Tôi không bao giờ đánh giá sản phẩm nghiêm túc ngay sau khi mở hộp và dùng thử 1 vài ngày!

Nếu muốn đọc thông số kỹ thuật, chức năng, bạn hãy lên website của hãng đọc cho nhanh và đầy đủ (tôi cũng luôn làm thế). Tôi nghĩ mình có nhiệm vụ nêu ra mảng tối hoặc những thứ khiến bạn phải mất thời gian mân mê đủ lâu mới biết được trước khi bỏ tiền ra mua một sản phẩm bất kỳ. Chém thế đủ rồi, ta bắt đầu… móc lỗi hàng họ thôi. :v

Chất lượng Âm thanh

Là một studio headphone và có thiết kế Closed Back, ATH-M20x sẽ phải trải qua 3 bài “kiểm tra” bắt buộc: khả năng tái hiện âm thanh, khả năng hỗ trợ quá trình thu âm, mixing.

Để tránh việc bị bắt bẻ là đưa ra đánh giá “tiêu cực” khi chưa “burn-in” sản phẩm, tôi đã bật liên tiếp đủ các thể loại nhạc lẫn tín hiệu kiểm tra âm thanh trong vài ngày trước khi tiến hành đánh giá cẩn thận chất lượng âm thanh.

Headphone được mang ra tham chiếu với ATH-M20x là Superflux HD660, AKG K99, Beyerdynamic DT880 Pro 250 Ohm tôi đã sử dụng hơn 2 năm nay, Sennheiser HD800 (đi mượn). Thiết bị sử dụng để phát âm thanh trong quá trình thử nghiệm là RME UC, Crown D-75, Laptop Thinkpad T61, iPhone 5.

Tôi nhận thấy M20x khá dễ kéo, dễ hơn DT880 rất nhiều. Mỗi lần chuyển từ M20x sang DT880, tôi phải giảm âm lượng đi kha khá để có mức cường độ âm thanh tương đương. Tôi cũng không gặp khó khăn gì khi nghe giải trí bằng M20x với Laptop, điện thoại. Mức âm lượng có được trên các thiết bị này quá đủ so với nhu cầu của tôi. Tuy nhiên, để có chất lượng âm thanh tốt hơn, bạn cần sử dụng audio interface chuyên nghiệp hoặc headamp tốt. Tin tôi đi, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt đáng kể đấy.

Cảm nhận đầu tiên về âm thanh của ATH-M20x là khá tích cực. Tôi rất ấn tượng với những gì mà chiếc studio headphone này có thể làm được so với mức giá hấp dẫn: 49$ (giá Amazon) và khoảng 1.400.000 (giá phân phối chính hãng chính thức tại Việt Nam).

Frequency Response của ATH-M20x là 15 – 20.000 Hz. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, con số này không có ý nghĩa gì cả. Tất cả đều phải kiểm chứng bằng quá trình nghe thực tế. Âm thanh của M20x khá đầy đặn, thể hiện tương đối cân bằng từ thấp lên cao chứ không quá lố như các headphone nghe nhạc giải trí thông thường khác. Tôi nhận thấy M20x hơi nhấn một chút vào sub-bass và high frequency (7-12kHz) dẫn tới hệ quả là low-mid hơi bị hụt một chút. Hay nói cách khác, M20x nghe hơi Hi-Fi.

Khả năng tái hiện chi tiết và độ tách bạch dừng ở mức trung bình khá. Với M20x, bạn sẽ nghe được đầy đủ các chi tiết khó diễn tả đối với các sản phẩm tầm tiền thấp như đuôi reverb, delay, các âm thanh nền như không gian nơi thu nhạc cụ. Tuy nhiên, điểm trừ là thiếu sự tinh tế vốn có trong các model cao cấp hơn. Các nguồn âm thanh riêng lẻ chưa thực sự tách biệt và có cảm giác hơi dính vào nhau 1 tí xíu.

Theo kinh nghiệm của tôi, tử huyệt của những hệ thống kiểm âm tầm thấp chính là mid range (đặc biệt là low-mid) và microdynamics (khả năng tái hiện sự biến thiên về cường độ giữa các âm thanh đơn lẻ khác nhau).

Mid của M20x hơi thiếu cân bằng so với bass và high frequency. Do sự thiếu hụt 1 xíu về low mid (250-500) và vùng 500-1000 Hz, M20x nghe hơi mỏng và lạnh. Bài kiểm tra mid range khó nhất với thiết bị kiểm âm là giọng nói tự nhiên và tiếng metal distortion guitar (2 nguồn âm thanh thuộc trung âm đối lập hoàn toàn về tính chất) đã được mang ra thử nghiệm. M20x tái tạo trung âm chưa thực sự tự nhiên và chính xác lắm. Tôi có cảm giác âm thanh hơi bị nén 1 chút xíu. Tuy nhiên, có headphone nào trong tầm tiền M20x làm được tốt nhiệm vụ này? Tôi e là không. Thậm chí Sony V6/MDR-7506 được bán với giá 99$ cũng không có được trung âm như M20x và treble của V6 cũng gắt hơn M20x khá nhiều!

Âm trầm của M20x xuống khá sâu, khỏe nhưng lại thiếu sự chi tiết và độ gọn. Ví dụ: tôi thấy phần sub-bass của bản mix rất đầy, có lực nhưng khó nghe ra các thông tin cụ thể cần được diễn tả. Bài kiểm tra độ chặt của bass được tiến hành với track Nothing Left của As I Lay Dying (double kick pedal, sub kick rất sâu, chạy móc kép, tempo 184) và White Noise của Massive Attack. Sau khi nghe xong HD800, bạn khó có thể tìm được một headphone có đáp ứng bass nhanh, chính xác hơn. Bởi vậy, không khó khi tôi nhận thấy điểm yếu của M20x. Khi bị đẩy tới giới hạn tận cùng, M20x tỏ ra hơi đuối khi phải thể hiện phần sub-bass . Sub-Bass có cảm giác hơi lag 1 chút so với attack của Kick, ngoài ra các chi tiết automation của sub-kick mà sir Collin Richardson thực hiện cũng không thể hiện rõ ràng trong đoạn verse. Trong khi đó, DT880 và HD800 hoàn toàn không hề hấn gì, thể hiện rất rõ ràng kick drum: sâu, nhanh, gọn, uy lực và sub-kick automation rõ ràng. Ngoài ra, chính vì một chút thổi phồng ở sub-bass khiến M20x nghe hơi nặng nề.

Dải tần số cao của M20x có vẻ tốt hơn cả so với các khu vực nêu trên. Độ chi tiết và tách bạch cũng tốt hơn khá nhiều nhưng không hề bị gắt quá. Trừ khi vặn volume quá to, các bản mix với vocal siêu sáng cũng không làm tôi cảm thấy đau tai sau vài giờ nghe liên tục. Tại sao điều này quan trọng? Khi bạn thu âm, lúc đó giọng hát của bạn chưa được kiểm soát tốt, nếu gặp phải micro nào quá nhạy với high frequency hoặc ca sĩ nào phát âm phụ âm quá mạnh, chiếc headphone quá gắt ở khu vực này sẽ biến phiên làm việc đó thành ác mộng. :v

Khả năng tái hiện microdynamics của M20x được bộc lộ rõ nhất khi nghe thử các bản mix Jazz, acoustic và nhạc giao hưởng. Khi nghe track Higher Ground, Carousel trong album Convergence của Dave Weckl, chi tiết của bản mix được thể hiện khá tốt. Tuy nhiên, điểm DT880 làm tốt hơn M20x là sự tách bạch, tính tế, độ chi tiết khi diễn tả sự biến thiên cường độ ví dụ trên Kick drum, toms. Với M20x, tôi biết khi nào là kick, tom giã xuống. Với DT880, tôi cảm nhận rõ được kích thước, độ sâu của kick, tom và sắc thái biểu cảm của drummer. Với track Like A Dog Chasing Car của Hans Zimmer (The Dark Knight OST), có 1 số thời điểm tôi nghe thấy hiệu ứng pumping của master compressor, tuy nhiên, khi nghe bằng M20x, các chi tiết này không rõ ràng và khiến tôi có cảm giác đoạn đó hoàn toàn chấp nhận được.

Âm trường của M20x không rộng và tự nhiên lắm. Âm thanh có vẻ đến trực tiếp từ hai bên tai và vùng giữa (center) được thể hiện ở chính giữa tâm đầu của chúng ta. Khi chuyển từ M20x sang loa monitor, tôi nhận thấy sự khác biệt đáng kể. Với DT880, sự chuyển tiếp khi nghe bằng headphone sang loa monitor mượt mà hơn. Trước khi làm bài kiểm tra này, tôi đã phải cân chỉnh lại SPL sao cho giống y hệt trong lúc monitor bằng headphone và loa. Bởi vậy bạn có thể yên tâm là sai số do SPL gây ra được giảm thiểu nhiều nhất có thể.

Khi đọc tới đây bạn có thể nghĩ tôi đang dìm hàng ATH-M20x. Gượm chút đã! Bạn nên nhớ tôi đang đánh giá M20x so với các headphone tham chiếu có giá gấp ~6 lần và 30 lần giá trị của nó! So với giá tiền của M20x, âm thanh nó mang lại hoàn toàn ổn và thậm chí còn ngang cơ với vài sản phẩm đắt gấp đôi!

Thu âm và Mixing

Thiết kế Closed Back hi sinh một phần chất lượng âm thanh để đổi lấy khả năng cách ly với môi trường bên ngoài. Bởi vậy bài test bắt buộc cho M20x để kiểm tra công năng là khả năng cách âm. May mắn thay, việc thu âm giọng hát với M20x cho kết quả rất tốt. Hầu như nhạc từ headphone không lọt vào mic (condenser) trừ khi tôi vặn volume rất lớn. Tôi cũng thử mang M20x ra những nơi công cộng khác để nghe nhạc và cảm thấy hoàn toàn thoải mái với âm lượng trung bình khi nghe tại quán cafe, sân chơi… trẻ em của chung cư.

Audio Technica ATH-M20x Studio Headphones

Như đã nói ở phần trước, âm thanh của ATH-M20x hoàn toàn đáp ứng được nhu âm cơ bản. Bạn có thể sẽ không dựa hoàn toàn vào M20x để ra quyết định quan trọng liên quan tới vị trí đặt mic, âm sắc bản thu nhưng dùng với mục đích monitor khi tiến hành thu thì hoàn toàn chấp nhận được. M20x sẽ không xé rách màng nhĩ của ca sĩ nếu họ thu với các mic condenser rẻ tiền hay phát ra các âm s, x, ch, tr mạnh như sấm sét! :v

Vậy Mixing thì sao? Kết quả khi EQ trên M20x và nghe lại trên loa monitor chưa thực sự đáng tin cậy như DT880. Điều này hoàn toàn nằm trong dự tính của tôi ban đầu. Lý do cũng có thể liên quan tới việc tôi chưa trải nghiệm đủ lâu để thực sự hiểu nó. Chắc chắn rồi, 2-3 tuần chưa đủ để bạn hiểu từng góc cạnh của một thiết bị monitoring trừ khi bạn sử dụng nó liên tục 8-10h/ngày. Với DT880, tôi thậm chí có thể mix hoàn chỉnh 1 ca khúc và thi thoảng kiểm tra trên loa để rà soát các chi tiết nào đó, phát hiện các lỗi về cân bằng,… Tất nhiên, đó là một sự so sánh không công bằng cho lắm khi tôi sử dụng DT880 đã 2 năm nay và hiểu từng sợi lông ở chỗ kín của nó. Tuy vậy, sau khi nghe kỹ các bản nhạc yêu thích trên M20x thêm một thời gian rồi so sánh lại trên loa monitor, tôi đã có thể EQ tốt hơn và ít gặp các tình huống ngạc nhiên khi nghe lại bản mix trên monitor như trước. Nếu tôi thấy bản mix nghe hơi um trên M20x, tôi biết chắc chắn khi lên dàn Full Range (Genelec 8330A + 7350A) sẽ um lòi mắt. :v

Khi xử lý dynamics effect (compressor, gate, limiter) trên M20x, tôi khá tự tin và không gặp nhiều khó khăn.

Việc căn chỉnh reverb, thiết lập reverb level cũng chưa thực sự chính xác do hạn chế trong khả năng tái hiện reverb tail, reverb tone của M20x. Ra quyết định về panning vốn là yếu điểm của headphone do âm hình khác hoàn toàn so với loa monitor, tôi cảm thấy việc này khó khăn khi làm trên M20x hơn so với DT880. Lý do rất đơn giản, khi đeo DT880, cảm giác âm thanh đã khá gần với khi nghe loa, mọi thứ có xu hướng bày ra trước mặt mình nhiều hơn là bắn thẳng vào 2 bên tai như M20x.

Do sự cân bằng trong việc tái hiện các nhóm tần số khác nhau của M20x dừng ở mức trung bình khá, quyết định liên quan tới cân bằng cường độ các nhạc cụ khác nhau trong bản mix cũng khó khăn hơn một chút so với DT880. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của việc mixing trên headphone. Nếu bạn có hệ thống loa monitor bổ trợ, bạn không cần quá lo lắng về việc này nữa.

Thiết kế sản phẩm và chức năng

Đối với tôi, đây là phần nhàm chán. Bạn đã hiểu vì sao tôi ném tới cuối bài rồi phải không? :-<

Kích thước đầu nối mặc định của M20x là 3.5mm stereo. Đầu nối mở rộng từ 3.5mm sang 6mm là loại cắm rút trực tiếp có lực giữ vừa phải, không lỏng, không quá chặt. Jack cắm của M20x dù không dễ dàng bị bật ra nhưng tôi thích loại giữ bằng ren xoắn vì độ chắc chắn, an toàn cao hơn.

ATH-M20x Snap On Connector

Có thể nói vui vẻ như thế này: Nếu lỡ chân sút vào dây của M20x, bạn có thể làm tuột jack cắm nhưng nếu lỡ chân sút vào dây của DT880, bạn sẽ phải cúi xuống đất nhặt… audio interface hoặc head amp. Không có thiết kế nào là hoàn hảo.

Chất liệu cấu tạo M20x chủ yếu là nhựa, da tổng hợp và kim loại. Tuy nhiên đừng nhầm lẫn với các loại da tổng hợp chất lượng thấp, dễ bong tróc sau một thời gian ngắn sử dụng. Chất liệu da tổng hợp trên M20x cho cảm giác dày dặn, chắc chắn và có vẻ bền hơn chất liệu trên earpad của Sony V6. Tôi chưa dùng M20x đủ lâu để làm nó hỏng nhưng chất liệu này rất giống với earpad AKG K99 mà tôi từng sử dụng trước đây. Đến giờ nó vẫn chưa rách dù không hề được nâng niu!

EarCub ATH-M20x vs DT880 Pro

Kích cỡ EarCup của ATH-M20x vs DT880 Pro vs Cục Pin!

EarPad ATH-M20x

EarPad ATH-M20x

Việc điều chỉnh headband cũng không có gì khó khăn. Tôi dễ dàng điều chỉnh để earpad ốp nhẹ nhàng, vừa khít cỡ đầu của mình sau vài giây đầu tiên. Tuy nhiên, do earpad không đủ mềm và to, tôi cảm thấy hơi tức tức 1 chút sau khi đeo một thời gian liên tục khoảng 4-5h. Có lẽ do tôi quá quen với earpad của DT880 rồi nên đánh giá hơi khắt khe. Nếu đầu + tai bạn có kích thước gần với Hulk, earpad sẽ hơi chạm vào vành tai khiến thời gian sử dụng thoải mái liên tục giảm đi. Tôi không gặp tình huống này.

Headband Join ATH-M20x

Headband-Join ATH-M20x

Dây tín hiệu của M20x dài tầm 3m, vỏ bọc khá chắc chắn và mềm mại. Với cá nhân tôi, thiết kế dây dạng lò xo có vẻ hữu ích hơn vì nó rất gọn khi tôi chủ yếu ngồi mix bên bàn làm việc hoặc nằm nghe nhạc với điện thoại bên cạnh.

ATH-M20x straight cable

ATH-M20x straight cable

Tuy nhiên, nếu bạn phải thu vocal hoặc nhạc cụ, bạn sẽ thấy thiết kế dây thẳng lại có nhiều lợi ích. Bạn có thể đi lại thoải mái hơn trong tracking room mà không cảm thấy nặng nề hoặc liên tục bị nặng tai do lực kéo từ đoạn dây xoắn lò xo. Sợi dây này gắn liền vào thân headphone, không thể thay thế như các model M40x hoặc M50x.

Túm cái váy

ATH-M20x có chất lượng sản xuất khá tốt, chắc chắn, trọng lượng nhẹ, đeo khá thoải mái. Chất lượng âm thanh vượt mức tôi kỳ vọng ở studio headphone tầm giá này. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng M20x để thu âm chuyên nghiệp hoặc nghe nhạc giải trí. Tuy nhiên, nếu dùng với mục đích mixing, việc có một hệ thống kiểm âm khác đáng tin cậy đi kèm là điều bắt buộc. Bạn cũng có thể cân nhắc các model cao cấp hơn cùng series nếu muốn mixing chủ yếu trên headphone như M40x, M50x.

Sản phẩm thử nghiệm được cung cấp bởi công ty SYN Style.

Chất lượng âm thanh rất tốt so với giá tiền. Tiện lợi khi sử dụng. Hỗ trợ thu âm tốt. Khi mixing thì cần thêm thiết bị monitor bổ trợ khác.
  • 1.400.000 đ
  • 5
    editor rating
  • More Details
(Visited 8,349 times, 1 visits today)

Nên đọc thêm:

  1. Đánh giá Adam T5V Studio Monitor
  2. Bên trong “Thế Giới Tưởng Tượng”
  3. 6 thiết bị cơ bản để thu âm tại nhà với chất lượng chuyên nghiệp
  4. Harrison Mixbus 3 – Đột phá bằng cách quay ngược thời gian
  5. Cubase Elements 7: Bạn có sẵn sàng từ bỏ Cubase 5 Full?
  6. Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”

Filed Under: Công cụ Tagged With: đánh giá, review, studio headphones

DYNAMIK Pro Studio Monitors

About Nguyễn Thái Hà

Sound system & Acoustics Designer
Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực studio, thiết kế studio và hệ thống âm thanh, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng cộng đồng những người yêu âm thanh, âm nhạc phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hãy kết nối với tôi qua Facebook cá nhân nhé!

Rất vui được làm quen và làm việc cùng bạn.

Comments

  1. Thiệu says

    08/08/2016 at 18:37

    E cảm ơn vì những chia sẻ tâm huyết của a 🙂
    Mà a ơi, theo a thì m30x thì thế nào ạ?

    Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      08/08/2016 at 18:54

      Cảm ơn Thiệu,
      Mình chưa nghe M30x nên chưa thể đánh giá được về model này bạn ạ. 😉
      Nguyễn Thái Hà

      Reply
  2. musicbox13 says

    08/08/2016 at 22:09

    Thêm 1 review chi tiết và bổ ích của MIX.

    Bạn Hà cho mình hỏi thêm về headphone amp. Khi thu âm muốn nhiều người có thể nghe được qua headphone mà chỉ có 1 headphone jack thì nên chọn headphone amp như thế nào? Bạn có gợi ý nào cụ thể với nhóm nhỏ 2-4 người không?

    Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      08/08/2016 at 22:18

      Chào MusicBox13,

      Bạn có 2 cách làm:
      1. Nối trực tiếp từ HP jack trên Audio Interface ra Headphone Amp cỡ nhỏ (2-4 người).
      2. Lấy 2 đường line out còn thừa của Audio Interface nối ra headphone amp, sau đó send tín hiệu trong DAW sang 1 bus riêng đặt tên là Headphone mix, route output của Bus này tới 2 đường line out vừa nãy. Các này linh hoạt hơn, mỗi tội phải setup trong DAW thôi.

      Bạn có thể chọn các model nhỏ gọn, rẻ tiền như headAmp4 của ART cho tiết kiệm: http://www.sweetwater.com/store/detail/HeadAmp4

      Thân mến,
      Nguyễn Thái Hà

      Reply
      • musicbox13 says

        10/08/2016 at 21:04

        Chào Thái Hà,

        Bạn giải thích rõ hơn giúp mình cách kết nối từ line out của audio interface sang headphone amp với. Mình thấy trên headAmp4 của ART có 1 jack stereo in, vậy khi kết nối từ audio interface sang mình sẽ dùng cáp gì và nối từ 1 trong 2 line out hay phải nối cả 2 vào jack stereo in?

        Cảm ơn bạn.

        Reply
  3. Kamiko says

    14/08/2016 at 20:14

    Cảm ơn anh vì những chia sẻ vô cùng hữu ích ạ 🙂
    Thưa anh, nếu muốn lựa chọn một tai nghe để mix nhạc, thì ATH M20x hay AKG K240 sẽ tốt hơn ạ?

    Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      20/08/2016 at 21:33

      Chào bạn,
      Về lý thuyết thì AKG K240 sẽ phù hợp với mixing hơn vì thiết kế semi-open so với closed back của M20x. Tuy nhiên mình đã thử mix với M20x và thấy không quá khó khăn một khi mình đã quen với M20x.

      Đây là 1 bản mình mix thử với M20x và tai nghe iPhone 5, bạn có thể tham khảo thử:
      https://dl.dropboxusercontent.com/u/355650/My%20Works/TesseracT%20%E2%80%93%20Nocturne%20%28instrumental%29%20-%20NTH%20Mix.mp3

      Bạn có thể thoải mái lựa 1 trong 2 chiếc này. Về hiệu năng so với giá thành thì M20x có vẻ nhỉnh hơn 1 xíu.

      Thân mến,
      Nguyễn Thái Hà

      Reply
      • Kamiko says

        23/08/2016 at 14:57

        Dạ vâng ạ 😀 Em cảm ơn anh rất nhiều!

        Reply
      • VInh says

        26/01/2017 at 10:24

        A Hà thử kiểm tra và đánh giá một vài tai nghe kiểm âm của hãng samson như SR850, SR950 được không ạ? 🙂
        Chúc anh và gia đình năm mới an khang thịnh vượng!

        Reply
        • Nguyễn Thái Hà says

          20/03/2018 at 07:16

          Chào Vinh,
          Mình chưa từng dùng các headphone đó nên chưa thể nêu đánh giá cá nhân được. Mong bạn thông cảm nhé.

          Nguyễn Thái Hà

          Reply
  4. Little Turtle says

    06/09/2016 at 11:23

    Xin chào anh Thái Hà,
    Hôm nay em vừa mua một chiếc tai nghe Audio Technica, nhưng khi mở hộp ra thì thấy tai nghe ở trong tình trạng đã bóc vỏ (vỏ đựng giắc cắm đã bị xé). Khi em liên hệ với bên bán thì em nhận được lời giải thích là họ làm vậy để test tai nghe và dán tem bảo hành, và khẳng định mọi tai nghe ATH đều như vậy. Em có kiểm tra và thấy tem bảo hành được dán ở trên tai nghe, nhưng vẫn băn khoăn không biết họ làm vậy có đúng không.
    Mong được nghe ý kiến từ anh ạ.

    Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      12/09/2016 at 19:32

      Chào Rùa Con,

      Hộp ATH-M20x mà nhà tài trợ của bài review này tặng mình thì không bị xé. Tuy nhiên nếu bạn kiểm tra thấy các đầu giắc cắm mới tinh k có 1 vết xước dù nhỏ nhất thì cũng không cần quá lo lắng.

      Họ đã mở ra test có thể là thật hoặc có thể là cho khách khác của họ test. Nếu họ để cho khách test thì có nghĩa là chiếc M20x của bạn là hàng demo, thường sẽ được bán với giá bằng 80-90% giá gốc tùy tình trạng sử dụng.

      Thân mến,
      Nguyễn Thái Hà

      Reply
      • Little Turtle says

        14/09/2016 at 22:59

        Em mới mua lần đầu, lại mua online, nên không có kinh nghiệm xem sản phẩm. Em cảm ơn anh đã chỉ bảo ạ! ^^

        Reply
  5. Nguyễn Tuấn says

    07/11/2016 at 14:43

    Chào anh, cho em hỏi chút, hiện tại em đang dùng tai nghe Air ATH-ad500x, dạng Open Back, a có thể cho giúp ý kiến là dùng con này mix nhạc có ổn không? Cảm ơn anh

    Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      22/01/2017 at 19:43

      Chào Nguyễn Tuấn,

      Rất tiếc mình chưa có dịp nghe thử ATH AD500X lần nào nên không đánh giá cụ thể được. Nếu thiết kế của nó là Open Back và âm thanh tương đối cân bằng, bạn có thể sử dụng để mix sau đó so sánh thử bản mix trên loa và tập bù trừ dần dần.

      Nguyễn Thái Hà

      Reply
  6. Vũ MạnHùng says

    06/07/2018 at 22:22

    Chào bác, bác đã từng nghe dòng Sony MDR 7506 chưa ạ? Em xin đánh giá của bác. Em cảm ơn ạ!

    Reply

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

iSS Acoustics Thiết kế và Thi công Studio/Phòng thu Cao cấp tại Việt Nam

Nhiều người đọc

  • 6 thiết bị cơ bản để thu âm tại nhà với chất lượng chuyên nghiệp
  • Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”
  • Cách sử dụng Reverb cơ bản và “an toàn” cho người mới tập mix
  • MIDI 101: Xóa mù ngay kẻo mãi đi sau thời đại
  • Cách sử dụng Cubase Elements 7 “miễn phí” và bổ sung Sidechain Input
  • 5 phím tắt tự tạo trong Cubase giúp bạn tăng hiệu quả làm việc
  • Guitar Pro 5: Soạn nhạc như dân Pro (Phần 3)
  • Cubase Elements 7: Bạn có sẵn sàng từ bỏ Cubase 5 Full?
  • Dàn máy làm nhạc 10 triệu (Windows) [2015]
  • Guitar Pro 5: Phần mềm soạn nhạc cực kỳ hiệu quả (Phần 1)

Đánh giá

  • T10S
  • Adam T8V
  • Austrian Audio OC818
  • Adam T7V
  • T5V
  • ATH-M20x
  • Harrison Mixbus 3
  • Desktop Konnekt 6
  • AT2020
  • Cubase Elements 7

Còm mén

  • Nguyễn Thái Hà on Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”
  • Git on Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”
  • Nguyễn Thái Hà on Reverb 101: Thiết kế Không gian – Thông số phòng (P4)
  • Đình Lộc on Reverb 101: Thiết kế Không gian – Thông số phòng (P4)
  • Đức Tài on Công cụ tính thời gian delay, reverb tự động

About MIX

Tạp chí MIX chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác và sản xuất âm nhạc, phát triển sự nghiệp âm nhạc dành cho những người yêu nhạc nghiêm túc. Đọc thêm về Team MIX

Tags

bass classic studio monitors compression cubase daw export guitar hướng dẫn hỏi đáp interview mastering mid-field monitor máy tính làm nhạc mới bắt đầu nearfield monitor offline phần mềm phỏng vấn preset quan điểm realtime reaper render reverb review routing sidechain signal flow song inspector sound design studio monitor Studio One studio subwoofer studio tour subwoofer thiết kế phòng thu thủ thuật tiêu âm tiếp thị âm nhạc video vocal vst yamaha ns-10m studio đánh giá

Copyright © 2013 Tạp chí MIX