Nếu ghé qua bất cứ diễn đàn nào về pro-audio, bạn sẽ dễ dàng gặp những “thớt” thảo luận rất sôi nổi và cũng rất… mù mờ về hiệu ứng Compression, thiết bị Compressor.
Hẳn là nó rất hữu ích? Đúng.
Hẳn là nó rất trừu tượng? Cũng đúng, nhưng chỉ khi bạn chưa đọc bài viết này.
Compression là hiệu ứng âm thanh giúp giảm bớt sự biến động về âm lượng của tín hiệu âm thanh. Thiết bị chính xử lý hiệu ứng này là Compressor và Limiter.
Trong phạm vi bài viết, tôi sẽ chỉ nói tới Compressor. Vì một khi hiểu được cơ chế làm việc của Compressor, bạn sẽ cảm thấy Limiter không còn gì bí ẩn nữa.
Đây là lần đầu bạn nghe về Compression, Audio Dynamics? Đọc ngay bài viết Dynamics 101: Audio Compression & Gating cơ bản của MIX trước.
Tại sao tôi lại phải dùng Compressor?
Tôi KHÔNG kể hết được vì đây là thiết bị có cách sử dụng linh hoạt nhất. Ứng dụng của nó CHỈ bị giới hạn bởi… khả năng sáng tạo và tay nghề của bạn mà thôi! True Story.
Dưới đây là 1 số lý do phổ biến.
Về cơ bản, Compressor xử lý hiệu ứng Compression. Nó giảm sự khác biệt về âm lượng giữa các âm thanh “to mồm” nhất và các âm thanh nhỏ nhất. Nhờ đó, âm lượng trung bình được ổn định và đẩy cao hơn khiến bản mix nghe “có vẻ” to hơn, hiện đại hơn, bóng bẩy hơn; nhạc cụ, giọng hát cũng nghe rõ ràng hơn, không còn cảnh nốt thì vừa, nốt thì nhỏ/to quá…
Ngoài ra, nếu sử dụng Compressor một cách hợp lý, bạn có thể khiến bản mix hoặc nhạc cụ nghe tự nhiên, có sức sống hơn.
Thậm chí, bạn có thể “nhuộm màu” (thay đổi chất âm) cho bản mix hoặc nhạc cụ một cách nhẹ nhàng mà không sợ bị méo âm thanh bởi đa số các Compressor đều có chất âm rất đặc trưng. Chúng sẽ “bơm” vào tín hiệu âm thanh đi qua mình “dấu ấn” đó với mức độ khác nhau, phụ thuộc vào việc bạn bắt Compressor tác động vào âm thanh nhiều hay ít.
Hết chưa?
Chưa. Còn rất rất nhiều cách ứng dụng khác nhau tùy thuộc vào nguồn âm thanh, nhạc cụ, yêu cầu sáng tạo của bản nhạc…
Cách sử dụng, lựa chọn compressor được coi là tuyệt chiêu của các kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp. Tất nhiên, họ giấu như… mèo giấu $*&CS(@ và chỉ chia sẻ những kỹ thuật, thiết lập cơ bản nhất mà thôi. Thật may, điều đó không tồn tại ở Tạp chí MIX!
Tôi không kỳ vọng bạn sẽ được như họ ngay sau khi đọc bài viết này. Nhưng ít nhất, chúng ta phải hiểu rõ cách thức vận hành của Compressor để bắt đầu luyện tập, làm chủ, khai thác và bóc lột nó 1 cách tàn nhẫn nhất có thể!
Thông số điều khiển Compressor
Khi mới nhìn vào giao diện của 1 Compressor thông thường, bạn rất có thể sẽ “sốc” hoặc phát điên vì… không hiểu gì hết! Những thông số quan trọng nhất của Compressor đa phần lại hoàn toàn không thể ngay lập tức luận ra nhanh bằng cách tra từ điển.
Tùy vào từng Compressor, số lượng thông số được phép điều chỉnh có thể nhiều hoặc ít hơn danh sách dưới đây. Đừng lo, làm chủ được hết đống này bạn sẽ không phải lúng túng như gà mắc tóc trước bất cứ con compressor nào!
Threshold
Tôi đã nói với bạn Compressor là thiết bị điều khiển âm lượng một cách tự động chưa? Nếu chưa thì hãy nhớ giúp tôi nhé!
Compressor tự động phân tích tín hiệu âm thanh, nếu tín hiệu đó thỏa mãn tiêu chí bạn đặt ra, nó sẽ tự động tác động lên âm thanh. Threshold chính là tiêu chí đó!
Threshold có vai trò như hoa tiêu chỉ điểm báo cho Compressor biết khi nào được phép bắt đầu hoạt động. Nó quy định 1 mức cường độ âm thanh cụ thể nào đó (ví dụ: -23d), nếu cường độ âm thanh vượt quá ngưỡng đó, Compressor sẽ “nhào vô làm thịt” ngay và giảm cường độ xuống. Nếu cường độ âm thanh thấp hơn ngưỡng đó, Compressor sẽ tha chết, cho qua!
Lưu ý: Trong 1 số trường hợp, kể cả khi cường độ tín hiệu âm thành nằm dưới threshold 1 khoảng nào đó, Compressor vẫn sẽ kích hoạt. Điều này phụ thuộc vào tham số Knee (sẽ nói sau)
Hãy tưởng tượng, bạn đã bao giờ nói với ai: “Mày mà bước chân ra khỏi cửa, tao sẽ cho mày biết tay!” Vậy, bạn chính là Compressor. Vạch phân định giữa cửa ra vào và bên ngoài chính là ngưỡng báo hiệu cho ai đó nếu vượt qua là bị bạn làm thịt. Vạch đó là Threshold.
Tại sao tôi lại phải lắm mồm giải thích về Threshold như vậy? Vì đó là 1 trong 2 thông số quan trọng nhất của Compressor. Sự quan trọng này được minh chứng bởi các Compressor tối giản chức năng với chỉ 2 điều khiển duy nhất. Threshold luôn là 1 trong 2!
Nói 1 cách khác, thông số quyết định Compressor có làm việc hay không mà không phải cái quan trọng nhất thì là cái gì?
Compression Ratio
Compressrion Ratio (tỉ lệ nén) chính là thông số quan trọng thứ 2. Ratio quy định mức độ can thiệp (hay nói cách khác là độ… thô bạo) của Compressor lên cường độ tín hiệu âm thanh nếu cường độ tín hiệu vượt quá Threshold.
Ratio càng cao thì Compressor càng giảm mạnh cường độ tín hiệu âm thanh.
Đây là một thông số hay gây hiểu nhầm cho người mới bắt đầu. Hãy nhớ Ratio là tỷ lệ, không phải là một con số cố định nhằm ám chỉ số dB bị giảm đi bởi Compressor đâu nhé! 😉
Ratio của Compressor thường được biểu diễn dưới dạng n:1 (ví dụ: 1:1, 2:1, 4:1, 5:1).
Giả sử Ratio là 4:1, khi tín hiệu vượt quá threshold 4dB, Compressor sẽ giảm cường độ tín hiệu âm thanh để nó chỉ vượt quá threshold 1/4 của 4dB, tức là 1dB. Tương tự, nếu tín hiệu vượt quá threshold 8dB, Compressor sẽ giảm cường độ để tín hiệu chỉ vượt quá threshold 1/4 của 8dB, tức là 2dB.
Hãy làm phép tính đơn giản, số dB mà Compressor cho phép cường độ tín hiệu âm thanh vượt ngưỡng Threshold = 1/n.
Ratio 1:1 là tỉ lệ khá đặc biệt vì khi đó Compressor sẽ… không làm gì cả, để im cho tín hiệu đi qua.
Chắc hẳn bạn đang thắc mắc Ratio như thế nào được coi là nhẹ, vừa và mạnh? Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, 2:1 là tỉ lệ nén nhẹ nhàng. Từ 3:1 đến 4:1 là tỉ lệ nén vừa phải. 5:1 đến 8:1 trở lên là tỉ lệ nén mạnh.
Từ 10:1 trở lên tới ∞:1 (∞ là dương vô cực), Compressor được coi như 1 limiter. Tại ratio ∞:1, Compressor sẽ trở thành BrickWall Limiter và không cho tín hiệu vượt quá Threshold nữa.
Lưu ý của MIX: Với Compressor có cả chế độ Expander như Waves C1, “n” dương là chế độ Compressor, “n” âm là chế độ Expander.
Hãy nghe ví dụ sau với lần lượt âm thanh gốc, ratio 1,5:1, 3:1, 6:1 và ∞:1
Trong 1 số thiết lập hoặc thiết kế Compressor cụ thể, Compressor vẫn sẽ được kích hoạt dù cường độ tín hiệu chưa đạt tới Threshold. Điều này 1 lần nữa phụ thuộc vào tham số Knee (nói ở phía dưới)
Attack
Ví dụ bạn đã căn xong Threshold cũng như Ratio chẳng hạn. Với cường độ audio hiện tại, theo như ratio đã căn, Compressor sẽ “ăn thịt” mất 3dB của tín hiệu gốc. Nhưng nó ko bụp 1 cái giảm đi 3dB ngay, như vậy sẽ rất thiếu tự nhiên. Thay vì thế, Compressor từ từ giảm dần cường độ của tín hiệu cho tới khi nó đạt được mục đích (cắt đi 3dB). Thời gian của quá trình này nhanh hay chậm sẽ bị ảnh hưởng bởi Attack (thường tính bằng mili-giây).
Nói 1 cách khác Attack ảnh hưởng tới độ nhạy, độ chính xác của Compressor trong việc “chộp lấy” và xử lý tín hiệu audio.
Hình trên minh họa quá trình chuyển đổi từ khi tín hiệu ở dạng nguyên gốc sang bị nén hoàn toàn (tức là compressor giảm đi số dB đúng như ratio đã chỉ định). Attack Time đôi lúc được viết dạng Attack Phase, đều có nghĩa là giai đoạn mào đầu của quá trình nén. Trên compressor bạn chỉnh Attack là 10ms thì chưa chắc Attack Phase sẽ luôn diễn ra trong 10ms mà có thể chậm hơn hoặc nhanh hơn, tùy vào số dB compressor cần giảm đi của tín hiệu gốc nhiều hay ít.
Lý do tại sao? Vì trong thực tế sử dụng, hãng sản xuất sẽ KHÔNG thể nào biết trước được bạn căn Threshold, ratio.. là bao nhiêu. Do đó, nếu Attack Phase luôn xảy ra trong 1 thời gian cố định như bạn đã căn (ví dụ 5ms) thì đôi khi sẽ quá chậm với số dB bị nén nhỏ và sẽ quá nhanh với số dB bị nén lớn. Người dùng sẽ rất khó kiểm soát công cụ của mình.
Bởi vậy, người ta lấy 1 giá trị tham chiếu để quy định Compressor mất bao nhiêu thời gian để giảm đi số dB đó (thường là 10dB).
Để cho dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: nếu bạn để Attack là 5ms, và nhà sản xuất thiết lập giá trị tham chiếu là 10dB. Điều đó có nghĩa là Compressor sẽ mất 5ms để giảm đi 10dB, mất 10ms để giảm đi 20dB với CÙNG 1 giá trị Attack 5ms.
Nhở đó, âm thanh sẽ tự nhiên hơn rất nhiều vì khi giảm đi số dB lớn hơn, Compressor sẽ thực hiện Attack Phase trong quãng thời gian dài hơn, tác động sẽ mượt mà hơn!
Một số Compressor chỉ cho phép bạn lựa chọn giữa Fast Attack và Slow Attack (ví dụ SSL Channel Compressor). Tùy nhà sản xuất và Model, fast attack thường rơi vào khoảng 20-1000 micro giây (1 micro giây bằng 1/1.000.000 giây). Slow Attack thường dao động từ 20-50 mili giây.
Nghe ví dụ sau với âm thanh gốc, attack nhanh và attack chậm:
Attack nhanh (dưới 10ms) sẽ làm giảm “công lực” của âm thanh và ngược lại. Ví dụ: Bạn xử lý âm thanh tiếng đấm vào tường với attack nhanh, tiếng đấm này nghe sẽ “yếu sinh lý” hơn, thiếu tự nhiên hơn do compressor đã gần như ngay lập tức can thiệp, làm yếu đi giai đoạn mào đầu của tiếng đấm đó (vốn mang nhiều năng lượng nhất).
Nếu bạn dùng Attack chậm (20-50ms), tiếng đấm nghe có vẻ mạnh hơn, uy lực hơn vì nó tác động chậm hơn, phần năng lượng mạnh nhất của tiếng đấm ít bị sờ mó hơn. Thay vào đó, nó tác động chủ yếu vào phần âm thanh tiếng đấm ngân ra sao. Đủ dễ hiểu chưa nhỉ?
Release
Ngược lại với Attack, Release ảnh hưởng tới khoảng thời gian Compressor cần để chuyển tín hiệu từ dạng nén hoàn toàn thành dạng bình thường (không bị nén). Ví dụ: Nếu compressor có gọt đi của bạn 3dB, sau khi cường độ âm thanh không còn thỏa mãn tiêu chí do Threshold đặt ra, Compressor sẽ thực hiện giai đoạn Release (release phase) để trả lại 3dB đã mất giúp tín hiệu audio phục hồi lại mức âm lượng thu/phát như bình thường.
Tương tự như Attack, giả sử Release bạn để là 30ms – điều này KHÔNG có nghĩa là Compressor sẽ luôn thực hiện quá trình Release trong vòng 30ms. Nó phụ thuộc vào số dB mà Compressor đã cắt đi của tín hiệu gốc và phụ thuộc vào giá trị tham chiếu của hãng sản xuất nữa.
Ví dụ: Nếu Compressor thịt của bạn 10dB, với cùng 1 giá trị Release bạn đã căn từ trước, quá trình phục hồi âm lượng thu/phát cho tín hiệu audio gốc sẽ mất ít thời gian hơn so với khi Compressor thịt của bạn 20dB.
Bạn hãy xem kỹ lại phần Attack để hiểu rõ hơn lý do tại sao nhé!
Khi thao tác với Compressor, các kỹ sư âm thanh thường để Release ngắn nhất có thể trước khi nghe thấy âm thanh trở nên thiếu tự nhiên, khó chịu (trừ khi đó là điều họ muốn).
Lý do? Vì khi Compressor đang trong quá trình thực hiện Release Phase, nếu âm thanh gốc lại 1 lần nữa thỏa mãn tiêu chí do Threshold đặt ra, Compressor vẫn kệ cmn mà điềm nhiên thực hiện tiếp giai đoạn Release của mình tới khi xong thì nó mới bắt đầu theo dõi cường độ tín hiệu để tiếp tục thực hiện chu kỳ tiếp theo của mình. Điều này dẫn tới việc Compressor sẽ có hành vi tác động không nhất quán đối với các nốt nhạc/âm thanh khác nhau của track Audio hiện tại, khiến âm thanh nghe thiếu tự nhiên.
Tuy vậy, nếu biết cách sử dụng Release dài, Compressor lại giúp bạn giải quyết khá nhiều vấn đề trong bản mix và có các hiệu ứng thú vị (bài đã quá dài, xin để lúc khác nói tới vấn đề này).
Hiệu ứng Pumping và Breathing
Pumping: Khi Attack và Release quá ngắn hoặc kết hợp với nhau không hợp lý, sự thay đổi về âm lượng diễn ra đột ngột hoặc không tự nhiên dẫn tới cảm giác âm lượng thay đổi quá rõ ràng. Nói 1 cách tượng hình, bạn sẽ thấy âm thanh cứ như nhảy bổ vào mặt bạn rồi thụt lại, sau đó tiếp tục lặp đi lặp lại như thế. Tuy nhiên, khi sử dụng đúng trường hợp, đây lại là một hiệu ứng rất thú vị. Bạn hãy nghe lại những bản classic rock năm 60-70 để cảm nhận hiệu ứng pumping trong tiếng trống của họ. Pumping là 1 phần của Rock’n’Roll, và tới thời nay, nếu bạn làm EDM, hãy thử master effect này xem sao nhé.
Breathing: Tương tự như Pumping nhưng sự không ổn định về âm lượng chỉ diễn ra với các tần số cao (thường là tiếng ồn, tiếng thở trong bản mix) do đó tạo ra cảm giác có tiếng ai đó đang… thở. Cách minh họa dễ nhất? Bạn hãy nén vocal mạnh tay với attack ngắn, release ngắn và lắng nghe sự thay đổi trong tiếng thở của ca sĩ nhé.
Với người mới tập mix nhạc mà phải giao sản phẩm cho khách, tôi khuyên các bạn nên dùng các compressor có chức năng Auto Release như LA-2A, compressor mặc định của Cubase, Fabfilter Pro-C cho an toàn. Trong đa số các trường hợp thông thường, Auto-Release cho kết quả tương đối tốt.
Nghe ví dụ sau với lần lượt là âm thanh gốc, release quá nhanh và release chậm vừa phải:
Knee
Tra từ điển, Knee là… đầu gối. “Dễ hiểu” thật! =.=
Khi tiếp xúc với Compressor nhiều, bạn sẽ gặp không ít lần tham số trừu tượng (nhưng cực kỳ hữu dụng) này. Hiểu 1 cách nôm na, Knee giúp bạn điều chỉnh độ mượt mà và tự nhiên khi compressor biến đổi tín hiệu âm thanh từ trạng thái bình thường (không nén / uncompressed) sang trạng thái bị nén (compressed).
Có 3 loại Knee phổ biến: Hard Knee, Medium Knee, SoftKnee. Ở chế độ Soft Knee, âm thanh chuyển từ trạng thái thường sang bị nén 1 cách nhẹ nhàng, từ từ hơn rất nhiều so với Hard Knee. Medium Knee là mức nằm giữa.
Hay vãi! Làm sao mà nó làm được điều đó? Rất đơn giản. Như tôi đã chia sẻ trong phần Attack và Release, bất kỳ sự thay đổi cường độ tín hiệu quá đột ngột nào cũng sẽ dẫn tới việc âm thanh bị mất tự nhiên hoặc nghe rõ là có compressor hoạt động (điều này không phải lúc nào cũng xấu).
Khi thiết lập Soft-Knee hoặc Medium Knee, Compressor sẽ tác động khi tín hiệu còn chưa kịp chạm tới Threshold và tăng dần ratio khi cường độ tín hiệu tăng dần. Compressor sẽ đạt ratio tối đa (là mức chúng ta quy định) khi cường độ tín hiệu vượt quá Threshold.
Điều này dẫn tới việc Compressor sẽ tăng dần độ thô bạo theo mức tăng cường độ tín hiệu. Tín hiệu càng to, Compressor hoạt động càng mạnh (ratio/độ thô bạo tối đa là mức chúng ta quy định từ trước bằng thông số Ratio). Kết quả là sự chuyển biến về cương độ âm thanh mượt mà, tự nhiên hơn.
Một số Compressor cực linh hoạt (Sonalksis SV315 MK2, DMG Audio Compassion…) còn cho phép bạn điều chỉnh kích cỡ của Knee bằng dB (ví dụ Knee 10dB, 14dB, 24dB…)! Kích cỡ của Knee ảnh hưởng tới việc Compressor sẽ bắt đầu hoạt động khi cường độ tín hiệu nằm dưới Threshold ít hay nhiều. Tất nhiên, Knee càng to thì âm thanh sẽ càng tự nhiên. Tuy nhiên, 1 lần nữa, nhiều khi âm thanh tự nhiên không phải là thứ chúng ta cần. Do đó, bạn hãy thử nghiệm và tự đánh giá xem lúc nào thì dung Soft Knee, lúc nào thì dùng Hard Knee.
Gợi ý sử dụng:
- Bạn hãy thử Soft-Knee với các âm thanh cần sự tự nhiên như Vocal trong 1 bản Pop Ballad nào đó
- Với Rock Drums, Hard-Knee là lựa chọn tốt vì lúc này sự tự nhiên trong âm thanh không quá quan trọng. Cái ta cần là sự dữ dội. Điều này giải thích tại sao SSL Channel Compressor là một trong những công cụ yêu thích của các mixing engineer khi xử lý các ca khúc thuộc thể loại nhạc này. Trên máy tính, bạn có thể làm quen với âm thanh của Hard Knee Compressor bằng cách gọi plugin Waves SSL Channel.
Make-up Gain
Nút Make-up Gain (cách viết khác là Output Gain hoặc là Gain) cho phép bạn điều chỉnh cường độ tín hiệu đầu ra của Compressor. Tham số này tự giải thích cho tính năng của nó rồi.
Gain Reduction Meter
Đại đa số Compressor cho bạn biết số dB bị cắt đi bởi Compressor là bao nhiêu qua công cụ đo cường độ tín hiệu tên là Gain Reduction (viết tắt là GR). Nhờ đó, bạn dễ dàng theo dõi xem lúc nào thì Compressor hoạt động/không hoạt động, hoạt động nhanh hay chậm, tác động ít hay nhiều bằng… mắt.
Một số Compressor có nút Auto Make-up. Trong khi căn chỉnh Compression, tôi khuyên bạn không nên sử dụng vì dễ lầm tưởng rằng mình đang làm cho âm thanh hay hơn.
Lời khuyên của MIX: Hãy theo dõi sát sao giá trị của Gain Reduction trong suốt quá trình sử dụng Compressor. Thông thường, nếu Gain Reduction vượt quá 6dB, bạn đã quá tay. Nhưng tóm lại, người bạn tốt nhất vẫn là đôi tai. Đôi khi 5-7dB Gain Reduction cũng không ảnh hưởng gì nếu nghe vẫn sướng. :v
Các loại Compressor phổ biến
Cùng các thông số, điều khiển ở trên, tuy nhiên, với các loại compressor khác nhau, cách thức chúng tác động lên âm thanh cũng khác nhau. Việc lựa chọn loại Compressor quan trọng không kém việc tinh chỉnh các thông số Compressor. Tuy nhiên, sự khác biệt về âm thanh không quá lớn như ngày và đêm, gái ngực bự và “màn hình phẳng” nên những bạn mới vào khó nhận biết được.
FET
Field Effect Compressors sử dụng bóng bán dẫn để giả lập âm thanh được xử lý qua bóng đèn điện tử. Ưu điểm của FET Compressor là độ tin cậy, chính xác cao, phản ứng nhạy với âm thanh, âm thanh sạch hơn và ít “nhuộm màu” âm thanh.
Khi compress Drums, hãy thử 1 vài FET Compressor sau đó chuyển sang các loại compressor khác. Bạn sẽ thấy sự khác biệt.
VCA
Voltage Controlled Amplifier compressor sử dụng mạch điện tích hợp. Ưu điểm của VCA Compressor là độ chính xác rất rất cao. Ví dụ: dbx series 160
Tín hiệu đi qua VCA Compressor hầu như giữ nguyên bản chất âm và ít bị méo hơn so với các loại Compressor khác. Bởi vậy, VCA Compressor phù hợp với rất nhiều nguồn âm thanh, tình huống sử dụng.
Tube/Valve
Điểm khác biệt lớn nhất giữa Tube/Valve Compressor với VCA Compressor, FET Compressor là thời gian attack và release chậm hơn. Do đặc điểm của bóng đèn điện tử, âm thanh đi qua sẽ ít nhiều bị “nhuộm màu”, trở nên ấm áp, dày dạn hơn.
Hãy thử Valve Compressor với Vocal, bạn sẽ thấy điều “kỳ diệu” xảy ra.
Optical/Opto
Optical/Opto Compressor sử dụng mạch điện cảm ứng ánh sáng để điều khiển cường độ nén âm thanh. Khi cường độ tín hiệu âm thanh cao, ánh sáng phát ra mạnh hơn bao hiệu cho tế bào quang học (Optical Cell) giảm cường độ tín hiệu âm thanh mạnh hơn. Thiết kế này khiến Opto Compressor kém nhạy hơn so với các loại Compressor khác. Tuy nhiên, âm thanh nó tạo ra rất tự nhiên và ấm áp.
Chào mừng bạn đến với vùng đất của những người bị ám ảnh bởi Compression
Sau khi hiểu hết cơ chế làm việc, ứng dụng của Compression, bạn đã sẵn sàng đổ hàng trăm giờ luyện tập để làm chủ được Compressor chưa? Tôi báo trước là càng tập bạn sẽ càng nghiện. Đỉnh cao của sự nghiện ngập này là “dí” compressor vào mọi nguồn âm thanh có thể! 😐
Điểm nguy hiểm của Compressor chính là sự khác biệt khó nhận ra ngay giữa âm thanh gốc và âm thanh đã xử lý nếu đôi tai bạn chưa được rèn luyện.
Để tránh cho bạn phải tốn quá nhiều thời gian luyện tập một cách vô tội vạ, tôi sẽ hướng dẫn cách thiết lập, căn chỉnh Compressor trong 1 bài viết khác.
Nếu bạn chưa rõ điều gì về Compressor, hãy bình luận phía dưới nhé!
WildChild says
Bài viết quá chi tiết, dễ hiểu/ Cảm ơn tác giả rất nhiều. Mong sớm có phần sau hướng dẫn cách sử dụng Compressor 😀
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn WildChild. Mình đã bắt đầu làm phần tiếp theo rồi. Bạn đón đọc nhé! 😉
Nguyễn Thái Hà
Trần Thế Thạnh says
Cám ơn MIX thật nhiều! Mình là dân làm live, không mix. Nhưng học hỏi được rất nhiều từ trang web bổ ích này của các bạn. Mong các bạn tiếp tục có nhiều cái mới hơn nữa.
Nguyễn Thái Hà says
Chào Thanh,
Làm live-sound là phục vụ cái sự sướng TRỰC TIẾP cho rất nhiều người yêu nhạc. Mong bạn sẽ áp dụng những gì bọn mình chia sẻ ở đây vào những liveshow sắp tới. Hehe 😉
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà
Quyền says
Bài viết hay quá..dễ hiểu
Bác cho em xin bài hướng dẫn thiết lập compersor cơ bản vào gmail dc ko ạ
Nếu dc bác gửi vào địa chỉ
Quyenaudio81@gmail.com
Em cám ơn
P.Huy says
Ơn trời cuối cùng thì cũng có bài mới. 😀
Nguyễn Thái Hà says
Hehe, hàng tuần sẽ có bài mới liên tục mà Huy ơi. 😉
Nguyễn Thái Hà
Santa says
Bài viết rất hay,rất chi tiết !
Đọc xong thấy mình quá gà mờ :))
Nguyenhien says
Ngóng chờ từng bài,,,bài biết rắt chi tiết dễ hiểu,cảm ơn tapchimix rất nhiều.
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn Nguyenhien,
Bọn mình rất vui vì biết bạn thích Tạp chí MIX như vậy. 🙂
Nguyễn Thái Hà
tinyc says
e muốn biết thêm về cả SSL Compressor nữa
Nguyễn Thái Hà says
Chào tinyc,
Mình chưa rõ câu hỏi của bạn. Bạn muốn biết thêm gì về SSL Compressor? SSL có rất rất nhiều loại Compressor, bạn muốn hỏi về loại nào?
Thực tế, bản thân mình ko được trải nghiệm phiên bản Hardware của SSL mà chỉ sử dụng phần mềm. Cảm nhận đầu tiên của mình về SSL Compressor (SSL 4000 series Channel Compressor và 2Bus Compressor) là âm thanh ít bị nhuộm màu, rất punchy. Mình không thích ở SSL 4000 Compressor là khả năng thiết lập attack time rất hạn chế với nút toggle switching giữa Fast & Slow Attack mà thôi.
Nguyễn Thái Hà.
Mr Thao says
Dường như tác giả có chút nhầm lẫn khi giới thiệu về phần Threshold của compressor.
Compressor sẽ kích hoạt chức năng nén ngay cả khi tín hiệu vào mới chỉ tiệm cận Threshold, chứ chưa cần bằng, hay vượt quá Threshold.
Thông số tạo ra đặc điểm này chính là KNEE.
Nếu KNEE càng thoải, Ratio càng lớn và Attack time càng nhanh, thì compressor sẽ càng nén sớm hơn, trước khi tín hiệu vào đạt tới mức Threshold
Nguyễn Thái Hà says
Chào Mr Thao,
Cảm ơn bạn đã đóng góp 1 thông tin giá trị cho bài viết và cho độc giả của MIX.
Ý kiến bạn rất chính xác về việc trong 1 số thiết lập Knee Setting như Soft Knee và Medium Knee, Compressor sẽ tác động trước cả khi tín hiệu âm thanh vượt quá Threshold với Compression Ratio tăng dần cho tới khi bằng Ratio thiết lập ban đầu. Thời điểm tác động với Ratio bằng Ratio thiết lập ban đầu chính là lúc Audio Level vượt quá Threshold.
Vì đây là thông tin thuộc dạng nâng cao hơn về Compression nên mình định để dành cho 1 bài viết khác nhắm tới các độc giả đã nắm được kiến thức cơ bản.
Rất cảm ơn góp ý của bạn. Hi vọng sẽ gặp gỡ bạn nhiều trên Tạp chí MIX.
Nguyễn Thái Hà
đức nghĩa says
Xin hỏi tg, cách xác định ngưỡng Threshold cho 1 bản mix?
Nguyễn Thái Hà says
Chào Nghĩa,
Các thông số của dynamics processor luôn tương tác lẫn nhau. Bởi vậy không có câu trả lời cho câu hỏi của bạn.
Bạn hãy chịu khó đọc lại bài viết hoặc tìm hiểu thêm về dynamics để biết cách sử dụng.
Nguyễn Thái Hà
Pmaster says
Thanks bài viết quá hay, có video ví dụ cụ thể thì dễ hiểu hơn 😀
Phạm Bình says
Chào bạn Pmaster
Chắc chắn chúng mình sẽ làm các clips và video để cho trực quan và dễ hiểu hơn.
Rất vui vì bạn ủng hộ bọn mình !
Minh says
Thanks tạp chí mix rất nhiều, càng đọc càng thấy mình gà !
bao13240 says
Bài viết dễ hiểu lắm.Em rất may mắn khi biết đến web này (thật sự).Vấn đề thắc mắc được giải đáp rất trình tự.Cố gắng gày dựng web một mạnh nhé,em luôn ủng hộ.
Dinhnguyenbk says
Thanks, thông tin rất bổ ích, trang web rất hay
Hồ Nghĩa says
Rất cám ơn bạn vì những chia sẻ rất bố ích. Tuy nhiên có lẽ chắc tại mình chưa có nhiều kinh nghiệm về việc nghe và phân biệt các tùy chỉnh của compressor nên thật sự rất khó khăn để nhận thấy sự khác biệt. đơn cử như khi nghe ví dụ về ratio. mình cảm thấy hoàn toàn không phân biệt được các tỉ lệ nén tác động lên tiếng trống như thế nào. Quả thật là rất khó khăn
Nguyễn Thái Hà says
Chào Nghĩa,
Đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều anh em từ thuở ban đầu nghịch ngợm mix nhạc. Bạn hãy đầu tư 1 đôi loa monitor tốt, hoặc 1 headphone tốt trước tiên. Sau đó, thử chỉnh từng tham số từ lúc nhẹ nhàng tới lúc thật sự quá đà. Cuối cùng bạn bật/tắt compressor thì nghe sẽ rõ hơn.
Mỗi khi chỉnh tham số nào, hãy bật/tắt compressor để nghe kỹ sự khác biệt. Dần dần bạn sẽ nhận biết được và quen với âm thanh bị nén.
Nguyễn Thái Hà
Nguyen Huy says
Tình cờ gặp trang Tạp chí mix mình thấy rất bổ ích cho những ai đang tự mày mò các phần mềm mix nhạc như mình .Rất cảm ơn AE tạp chí Mix!!!!
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn Huy nhiều nhé! Hi vọng gặp bạn ở Tạp chí MIX trong những bài viết khác. 😉
James says
Mình hay sử dụng compressor cho Rock Piano, Mellow Piano, Drum. Tuy nhiên mình chỉ làm ở mức insert effect này trên đàn và Stand Alone Softwares thôi. Chứ chưa tới mức Mixer như bài viết.
Mình nể mấy bạn tạp chí mix thiệt đó. Mấy bạn giỏi quá, nên mở học viện hay trường đào tạo đi. Chứ trình trên diễn đàn thì thấy cãi nhau tóe lửa, mà chả ai cãi đúng trọng tâm gì cả.
Phạm Bình says
phải mở đại học :v
Nguyễn Văn Kiên says
Phải nói là bài viết hướng dẫn khá chi tiết và bổ ích về compressor và khá là hay. Tôi đang mong đợi bài viết mới với phần căn chỉnh cụ thể các compressor. thank tapchimix rất nhiều.
Đỗ Duy Hiếu says
E rất thích TCM , Phải nói là nghiện . cám ơn các anh đã chia sẽ !!
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn bạn rất nhiều! Hi vọng bạn sẽ theo dõi thường xuyên nhé! 😉
Ninhmouse says
Quá hay ,cảm ơn TCM bài viết rất ngắn gọn nhưng cụ thể và chi tiết mong số tiếp theo của các anh
Danh Royal says
Em có một thắc mắc , mong anh giải đáp cho em :
Khi thu Vocal hay guitar ( cắm line trực tiếp vào soundcard – M-Audio ) , nghe kĩ sẽ có những tiếng xì xì nhỏ , nhưng lại khó chịu hoặc là tạp âm vì e thu Vocal bằng mic Condenser , e đang sử dụng Cubase 7 . Vậy có cách nào để giải quyết được tình trạng đó tốt nhất không anh ?
– Cubase có thể liên kết với soft khác như Adobe Audition … được không anh ?
Phạm Bình says
Bạn thay cable đi nhé, đừng dùng cable lởm nữa thì sẽ hết xì xì :>
Danh Royal says
nhưng còn của mic condenser , nó bắt khá nhạy nên những âm tạp nhỏ xung quanh nghe kĩ sẽ rất khó chịu , vậy xử lí cách nào v anh ?
Phạm Bình says
Cứ kiểm tra lại luôn cable của microphone
Nếu thay cable tốt hơn rồi mà vẫn bị tạp âm, thì không còn cách nào khác, phải làm cách âm thật tốt thôi. Mic nó..thính hơn tai người mà, lúc comp vào nghe sẽ rất rõ tạp âm :>
Đỗ Duy Hiếu says
cho e thêm hỏi về Gate !! sau khi đọc thì e hiểu gate nghĩa là nó đẩy những âm thanh dưới mức cho phép lên đúng ko ạ !! thế thì mình làm cách nào để gate thưa a !!
Nguyễn Thái Hà says
Chào Đỗ Duy Hiếu,
Gate giảm bớt hoặc cắt những âm thanh phía dưới hạn mức (threshold). Cái bạn đang nói là Expander.
Nguyễn Thái Hà
Le Van An says
em không hiểu chức năng của Gate cho lắm, dưới mức threshold nó mới làm việc, vậy nó giảm hoặc cắt cái gì vậy anh @@?
p/s: Thường thì âm thanh vượt threshold nó sẽ giảm hoặc cắt em còn hiểu
Trần Quốc Hưng says
em muốn biết thêm về cái thông số này ạ : soft saturation threshold . em dùng FLstudio thấy thông số này e ko hiểu tác dụng của nó , và nếu comp nó ko hiển thị tự động cái GR thì em nhìn Db kế để bù lại như vậy có ổn không ạ ?
Nguyễn Thái Hà says
Chào Hưng,
Đây là hiệu ứng giả lập Soft Clipping trên các thiết bị analog. Bạn có thể hình dung khi tín hiệu chạm/gần chạm hoặc vượt 1 chút mốc 0dB trên các tube preamp, tape machine hay tube compressor analog sẽ cho ra thứ âm thanh hơi nén 1 tí, hơi nhòe nhòe. Khi sử dụng một cách có chủ đích, ta có thể kiểm soát hiệu ứng này để làm dày, làm ấm âm thanh, giảm bớt transient…
Nếu compressor ko hiển thị Gain Reduction, bạn có thể nhìn số decibel bị hao hụt của Output so với Input (miễn là tắt Auto Make-up gain) và dùng tai để ước lượng.
Nguyễn Thái Hà
phạm đăng vinh says
Chào a Hà!!!
e la người ở Đà Nẵng. Em mới vào nghề và chuyên làm xô văn nghệ , đám cưới. em đã đọc rất nhiều bài viết về comp và thấy bài viết của a rất hay rất xác thực , dễ hiểu . E chưa bao gio dung qua comp nên nhiều chỗ vẫn còn hiểu mập mờ . Em moi lấy về cái comp dùng cho nhạc cụ 8 line hiệu ACP 88 made Usa . nhưng sử dụng chưa được thành thạo . Mong anh có thể cho em cách chỉnh từng thông số cho từng nhạc cụ được không anh. em cảm ơn anh rất nhiều. Mong a sớm giúp em
Nguyễn Thái Hà says
Chào Vinh,
Với nhạc cụ mình cũng không tuân theo từng thông số nào cả. Cứ mỗi lúc mình làm 1 kiểu nên khó mà tổng hợp lại cho bạn được. Mong bạn thông cảm nhé. Hic.
Nguyễn Thái Hà
phạm dang vinh says
dạ cảm ơn anh đã reply. nói thiệt với a hồi giờ e chưa một lần sử dụng comp , tới khi đọc thấy bài viết của anh em mới dám đánh liều mua cái comp về dùng thử. và thấy rất hiệu quả dù chưa một lần biết đến nó. cảm ơn rất nhiều về bài viết của a và mong a viết tiếp những phần còn lại. Chúc anh và gia đình gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. e hi vọng một ngày nào đó được diện kiến anh ở Đà Nẵng nhé. nếu có dịp a vào ĐN hãy liên lạc với e nhé . sđt 0988776644. chào anh !!!
Tấn Thiện says
Mình ở Bình Dương.Có alo cho Hà rồi đó.Rất cảm ơn những bài viết chia sẻ của các bạn!Thật bổ ích.Nó giống như người học nhạc đang được hướng dẫn từ phần nhạc lý cơ bản nhất mà ko phải bất cứ dân học “nhạc rừng” nào cũng biết.Mình nghiện tapchimix rồi.Hjc!
schip says
cho em xin link bài tiếp theo đi ạ
VBui says
That tuyet voi va dich nghia rat sat……Cam on ads
Gun says
cám ơn thớt ( hoặc ad ) nhar , bài viết rất hay 🙂 minh chỉ mới dùng plugin compressor vài tuần thôi , chỉ biết làm theo clip , chứ chưa biết rõ công dụng của từng cái nữa , nhờ bài viết này mình đã hiểu 😀
Đức Minh says
“Để tránh cho bạn phải tốn quá nhiều thời gian luyện tập một cách vô tội vạ, tôi sẽ hướng dẫn cách thiết lập, căn chỉnh Compressor trong 1 bài viết khác.”
—-> Thêm một bài nữa đi anh Hà ơi. chờ lâu quá ^^
Nguyễn Thái Hà says
Cho a khất đi Minh ơi 😛
Mấy cái này chỉ cho em trên lớp nhiều rồi mà
Đức Minh says
bác lo xây nhà quá đê 😐 sản xuất bài mới nhanh anh em nhờ nha a Hà :))
Silver Nguyễn says
ad cho em hỏi chút xíu. đó là làm sao để biết tần số db của âm mình muốn nén. vì bình thường em toàn chỉnh ratio lên 2 3 4 chia 1 gì đó rồi vặn thresh xem nó có sự thay đổi thì mới biết là có sự giảm db. kiểu là cảm giác đó.
Nguyễn Thái Hà says
Chào Silver Nguyễn,
Cái đó hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể nên mình không trả lời kỹ hơn được.
Nguyễn Thái Hà
Silver Nguyễn says
dù sao cũng cám ơn ad. bài viết rất hay rất dễ hiểu liên hệ thực tế nhiều và gần gũi. mong đại ca sẽ sớm có bài viết part2.
sam says
Bài viết hay quá,cám ơn anh nhiều ạ,thêm vài bài nữa đi anh,chúc anh sức khỏe
Quoctinh91 says
Cho e hỏi ?
Attack nhanh sẽ làm cứng âm thanh (vì âm thanh vừa phát ra đã bị nén tức thì, mất đi cái âm sắc – transient tự nhiên vốn có), Release nhanh sẽ làm “dội” âm thanh (vì âm bị nén đang còn kéo dài mà đã được nhả nén rồi).
Có đúng vậy ko a? Đoi voi vocal attack và release nên để bao nhiêu thì thích hợp nhất…. Thaks
Nguyễn Thái Hà says
Chào Quoctinh91,
Chỉ khi âm thanh trở về dưới threshold thì vòng release mới được kích hoạt. TUy nhiên bạn hiểu đúng rồi đấy. Release càng ngắn thì ta có cảm giác Compressor hoạt động càng “trâu bò”. Với Vocal, thiết lập compressor ưa thích của mình là ratio trung bình, attack chậm (từ 16-35), release nhanh (từ 80-200). Dù vậy, mỗi lúc mình lại thích thử 1 kiểu khác, đôi khi cũng ko dùng compressor.
Nguyễn Thái Hà
phong says
Bài viết quá hay …………. nhưng mình cũng chưa Mix được chi tiết như vậy ………… Cảm ơn bạn nhé .
Nguyen- Nguyen says
Chào Nguyễn Thái Hà, cám ơn Hà đã trả lời nhiều câu hỏi của anh, những bài viết của Hà rất hay với văn phong rất riêng, mặc dù anh chưa hiểu hết (dân ngoại đạo mà – chỉ thu âm mix bài…mình hát chơi thôi!). Tiện đây cho anh hỏi về plugin URS Strip Pro: http://www.sweetwater.com/store/detail/StripProNat.
(vì có người chỉ anh sử dụng cái này – âm thanh thấy cũng có vẻ hay). Cái này vừa là Compressor? (vì thấy cũng có Compresor ratio…vừa là EQ? Công thức anh học được là: C1 Comp -> URS Strip Pro -> Q8, vậy có dư không ( 2 lần compressor – 2 lần EQ)?
Cám ơn rất nhiều nhé! Chúc Hà thành công trong nghề nghiệp.
Nguyễn Thái Hà says
Chào anh Nguyen,
URS Strip Pro là ChannelStrip Plugin rất tốt. Anh có thể dùng để làm gần như mọi thứ với plugin rất-nhiều-trong-1 này. Trong mixing, không có công thức nào cả. ANh có thể bổ sung tới 4 con comp nữa vào chuỗi anh đề xuất cũng không hề có vấn đề nào cả. Cái quan trọng là anh làm gì với mỗi cấu phần đó thôi.
Anh cứ yên tâm sử dụng nhé.
Chúc anh thành công.
Nguyễn Thái Hà
Nguyen- Nguyen says
Cám ơn Hà nhiều!
Tuấn says
ra thêm bài Parallel Comp anh ơi 😀
Nguyễn Thái Hà says
Chào Tuấn,
Sẽ có nhưng chưa sớm được vì mình đang có các nội dung khác dự kiến đăng trước bạn à 😉
Nguyễn Thái Hà
jesse says
anh có thể cho em hỏi chút về bài compreesor này ko? khi em để ratio là 2:1 nếu số db vượt quá threshold 8db thì máy sẽ nén đi 4db và cùng với số db vượt qua thresold em để ratio là 4:1 thì số db bị cắt giảm là 2db. thì tại sao lại nói để ratio 2:1 là nén nhẹ, từ 3:1 đến 4:1 là tỉ lệ nén vừa phải. 5:1 đến 8:1 là tỉ lệ nén mạnh. nếu như trên em nghĩ 2:1 mới là mạnh còn lại nhẹ dần chứ ạ. mong anh chỉ giáo cho em chút
Quang Hòa HP says
Mình đọc nhiều bài trên các diễn đàn, nhưng ở đây rất thực tế …không quá phức tạp…thanks Chủ Thớt và Các Anh Em! Mình sẽ ngâm cứu.
Nguyễn Văn Minh says
Cảm ơn Tạp Chí Mix đã có nhiều bài viết hay và bổ ích. Chúc tạp chí ngày càng lớn mạnh
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn anh Minh đã ủng hộ.
Nguyễn Thái Hà
Em mới lớp 9 says
cho em hỏi khi em EQ Synth như Sylenth1 loại Synth là Vandalism Shocking Sound thì em nên LowCut trond dải aàn số bao nhiêu ạ.Em dùng Fabfilter Pro-Q Super Transparent EQ ạ
Nguyễn Thái Hà says
Chào bạn,
Lowcut bao nhiêu thì phụ thuộc vào bối cảnh bản mix nên mình không thể tư vấn bừa cho bạn được. Có lúc bạn sẽ cần LowCut ở tận 200Hz, có lúc thì chỉ 20Hz.
Nguyễn Thái Hà
quoctinh says
anh ha cho e hoi la khi su dung compressor ta theo doi giá trị của Gain Reduction trong suốt quá trình sử dụng Compressor. Thông thường, nếu Gain reduction vuot 2dB thi cot make -up ta tang lai 2dB ..phai vay khong a? make -up tang cao hon 2dB co anh huong gi khong/ ..thaks a
Nguyễn Thái Hà says
Chào Quoctinh,
Cái đó là tùy vào mục đích của bạn. Nếu Compressor đang tập trung vào peak của âm thanh thì khi bạn thấy nó -2dB, bạn cộng lại 2dB trên output gain thì lại làm to cái âm thanh gốc lên 2dB. Còn ngược lại, khi Compressor tập trung vào âm lượng trung bình mà bỏ qua peak, thì bạn có thể làm thao tác đó để cân bằng lại âm lượng. Và bạn có thể tăng giảm sao cũng được miễn là không bị Clip và đúng ý đồ của bạn.
Nguyễn Thái Hà
Đặng Phú Hưng says
Chào a Hà..
Mình thấy trên Compressor có các thông số db âm, db dương và 0 db là như thế nào vậy…
Mong bạn Reply giúp mình…
Khanh Trần says
Khi chưa đọc bài viết này, mình cũng đã tự mò mẫm theo kiểu: Cứ thử hết các mức độ của 1 thông số xem nó đem lại tác dụng gì. Mình chỉ hiểu mù mờ, và đôi khi quên tác dụng của từng thông số nữa.
Rất cám ơn bạn Nguyễn Thái Hà, giọng văn của bạn rất hợp với mình. Mình yêu những người cá tính, thích đùa nhưng làm thật.
Thanks a lot!
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn bạn nhiều. Rất vui vì đã giúp được bạn. 😉
thành says
chào bạn mình thấy bà viết của bạn rất hữu ích mình muốn biết thêm kiến thức để học chỉnh âm thanh về công nghệ số bạn có bài viết nào hướng dẫn thì cho minfh xin nhé tks bạn hãy gửi vào gmail cho minh levanthang1108@gmail.com
Hai Lúa Xứ Dừa says
anh cho em xin sdt được ko? có thắc mắc để em hỏi?
Nguyễn Thái Hà says
Bạn có thể liên hệ mình qua email thaiha.mp9@ @ gmail.com
Le Anh says
Bài viết rất bổ ích… cảm ơn tác giả nhiều!
Nguyễn Thái Hà says
Rất vui vì đã giúp được bạn 😉
nghĩa says
Anh thái hà chỉ giúp em cách sử dụng dbx PA+ . Em làm nhạc đám cưới, kiến thức vòn hạn chế
Nguyễn Thái Hà says
Chào Nghĩa,
Mình chưa dùng nó bao giờ nên không nói liều được. Bạn đọc kỹ bài này và bài Dynamics, tự bạn sẽ biết dùng đa số các loại compressor trên thị trường thôi.
Nguyễn Thái Hà
Nguyễn Dân says
Hà cho mình hỏi, ở cuối bài viết Hà có giới thiệu và giải thích các loại Comp khác nhau. Vậy nếu ta định dùng Comp trong chuỗi master cuối cùng (gồm cả EQ, Limit, Image…..) thì loại Comp nào sẽ là thích hợp nhất để có thể sử dụng làm master sản phẩm vậy? Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Thái Hà says
Chào Nguyễn Dân,
Khi sử dụng compressor trên Master Bus hoặc Group Bus, ta cần phân tích được đặc tính âm thanh của các channel này. Với Master Bus, âm thanh là tổng thể cả bản mix, bởi vậy nó phức tạp và rất khó dự đoán về dynamics so với âm thanh của từng track riêng lẻ (ví dụ Kick Drum, Vocal).
Do đó, compressor trên Master Bus nên là loại có độ chính xác cao để có thể thực hiện được nhiều thao tác thường thấy như làm bản mix hòa quyện hơn, gọt bớt Peak (để nâng loudness/độ ồn tổng thể của bản mix)… Ngoài ra, compressor này cũng không nên nhuộm màu tín hiệu quá nhiều vì trong bản mix, âm sắc của từng nhạc cụ đã được cân chỉnh, chọn lựa cẩn thận từ trước rồi. Bởi vậy, theo kinh nghiệm cá nhân mình, loại compressor phù hợp nhất để sử dụng trên Master Bus / Group Bus là VCA và FET. Đây là lý do mà các VCA compressor như SSL Masterbus Compressor rất được yêu thích.
Xét về thiết kế Broadband và Multiband Compressor, trên Master Bus, mình thường không sử dụng Multiband Compressor bởi tác động của nó nhiều khi sẽ làm thay đổi level tương đối của các nhạc cụ khác nhau trong bản mix. Multiband Compressor nếu được dùng trên Master Bus thì nên sử dụng như 1 công cụ sửa lỗi bản mix thì hợp lý hơn. Nếu bạn làm master cho người khác thì rất có thể bạn sẽ phải sờ tới Multiband Compressor thường xuyên hơn để sửa lỗi cho họ. Nhưng nếu bạn tự làm master cho bản mix của mình, nếu thấy lỗi, hãy quay lại khâu mixing và sử dụng Broadband Compressor trên Master Bus.
Khi sử dụng Broadband compressor trên Master Bus, nếu bạn sợ mất Low Frequency (cái này rất thường thấy) thì hãy chọn các compressor có sẵn tính năng Sidechain nội bộ (internal sidechain) (ví dụ: The Glue, Pro-C…) để compressor bỏ qua, ko “thịt” mất low-end trong quá trình hoạt động. Nhờ tính năng này, tác động của Compressor cũng sẽ mượt mà hơn do không bị chi phối quá nhiều bởi các nhạc cụ có tần số trầm mạnh như Kick, Bass…
Trên đây là những ý kiến dựa hoàn toàn trên quan điểm và sở thích của mình chứ không phải là quy luật. Bạn hãy thoải mái thử nghiệm, lựa chọn theo ứng dụng, mục đích mong muốn nhé.
Nguyễn Thái Hà
Phan Vĩnh Phúc says
Chào cả nhà,
Mình là thành viên mới, cũng mê âm thanh, cũng tập tành mà không biết kết nối mixer, effect và compresor nên vào đây nhờ anh em tư vấn giúp. Mình có bộ dàn như sau:
Nguồn phát: PC walake gồm midi california, zingkar mp3 karaoke, 30 dvd using along, paris bynight karaoke, lang văn karaoke.
Mixer: Yamaha MG82CX
Effect: Lexicon Mpx 100
Compressor: Behringer PRO-XL MDX2600
Power: TOA P75D 158w
Loa: Pioneer CS-V21 150w – 6ohm
Micro: shure 565SD có dây
Equalizer: DOD SR 231 Qx
Mục đích của mình là:
Thứ nhất: thỏa chí đam mê ca hát
Thứ hai: vấn đề lớn là nguồn phát khác nhau nên có độ lớn nhỏ khác nhau, vì vậy mình cần dùng compressor mà không biết kết nối như thế nào để phần nhạc được như ý muốn.
Thứ ba: là phần micro khi hát, dùng compressor để hạn chế khả năng cháy loa, hihi
Về kết nối effect mình kết nối như sau:
Mixer Effect Send +4dBu -> Effect INPUT R (mono) ; Effect OUTPUT L (mono) R(phone) -> Mixer Return L R
Còn về phần Compossor thì mình không biết kết nối sao để đạt được mục đích như mình đã trình bày ở trên.
Mình rất mong anh em trên diễn đàn hỗ trợ, chỉ dẫn giúp mình.
Chân thành cảm ơn
Vĩnh Phúc
Nguyễn Thái Hà says
Chào Vĩnh Phúc,
Theo như nhu cầu sử dụng của bạn, mình đoán bạn sử dụng để hát Karaoke hàng ngày tại nhà. Theo ý bạn mô tả, bạn muốn sử dụng Compressor với cả 2 mục đích là kiểm soát âm lượng của vocal, kiểm soát âm lượng của nhạc nền. 2 trong 1. Như vậy, Compressor của bạn sẽ hoạt động như một Master Bus Compressor (compressor tổng).
Thiết lập compressor cách này cộng với nguồn nhạc nền quá khác nhau về chất lượng trong một số trường hợp có khả năng làm giảm chất lượng âm thanh tổng thể do khi gặp các beat có âm lượng quá lớn, compressor sẽ phải hoạt động rất mạnh tay. Đây là lưu ý chính bạn cần cân nhắc.
Tuy nhiên, mình vừa tìm thử mixer Yamaha MG82cx và thấy trên Channel 1 và 2 đã có sẵn Channel Compressor. Bởi vậy, bạn thử cân nhắc sử dụng compressor cho vocal tại channel này, còn phần Beat, thì bạn sử dụng behrigner compressor.
Vì mình chưa dùng phần mềm walake bao giờ nên không rõ bạn đấu nối ra sao với máy tính. Tuy nhiên mình đoán là bạn sẽ lấy audio out của máy tính và đưa vào 1 Stereo Channel trên mixer, stereo out của mixer bạn nối ra amply công suất? Nếu đúng như mình đoán, thì bạn hãy nối Stereo Audio Out của máy tính vào Behinger trước, dùng Behinger để kiểm soát 1 chút âm lượng của karaoke beat, sau đó nối Stereo Out của Behinger vào 1 stereo channel của mixer Yamaha (ví dụ Channel 3/4).
Thiết lập gợi ý cho Behringer Compressor dùng theo cách này là Attack vừa phải (10-20ms) và Release dài (hoặc AutoRelease), ratio thấp (1.5:1 -> 3:1), sử dụng Soft-Knee nếu có thể.
Hi vọng phương án của mình sẽ giúp bạn giải quyết được nhu cầu ca hát tại nhà.
Chúc bạn thành công.
Nguyễn Thái Hà
Phan Vĩnh Phúc says
Chào Hà,
Cảm ơn bài trả lời của bạn thật là chi tiết.
Bạn đã đoán đúng cách kết nối của mình rồi. Từ PC mình cho vào ST mixer (7-8); từ mixer ST main out đến EQ in – từ EQ out ra power amplier.
Hà cho mình hỏi cái MDX 2600 nó bảo dual chanel nghĩa là 2 bên ra 2 cái ST luôn hả bạn? (Hay mỗi kênh là mono), mình thật sự đã đọc tài liệu tiếng anh của nó rồi mà không hiểu gì hết nên mong Hà giúp đỡ. Nếu đúng như vậy (2 kênh 2 ST) thì mình chỉ lấy 1 kênh (ví dụ kênh số 1), IN và OUT của nó đều dùng Jack 6ly ST. Mình sẽ kết nối như sau:
OUT PC -> IN kênh 1 MDX 2600 (jack 6 ly ST) ; OUT kênh 1 MDX 2600 (jack 6 ly ST) -> ST kenh 7-8 mixer (jack hoa sen L-R). Mình đã kết nối như trên vậy. Kết quả chỉnh quá trời mà nghe vẫn không hay như bypass (nút IN/OUT của kênh 1). Chắc chia tay Compressor quá. Hay tại hệ thống công suất của mình không đủ để compressor lam việc?
Cho mình hỏi luôn là trước đây mình đã thử dùng insert trên kênh 1 hoặc 2 của mixer. Tình trạng là music nghe bị méo tiếng mặc dù MDX 2600 mình by pass hết.
Chân thành cảm ơn Hà nhiều,
Chào Hà,
Vĩnh Phúc
Dang Xuong Hung says
Nếu bạn muốn sử dụng Compressor qua kênh insert của từng kênh, bạn phải có jack nối chữ Y, tức là lấy tín hiệu từ mixer cho chạy qua Com rồi lại quay trở lại chính kênh đó với tín hiệu đã được sử lý nén.
Điều quan trọng nhất khi muốn nối Com với hệ thống âm thanh là phải có jack nối Y.
Đặng Xương Hùng
Quân Nguyễn says
cám ơn tapchimix cùng anh Thái Hà bài viết rất chi tiết , dễ hiểu , vừa đọc vừa làm thực sự khác biệt, thank.
Mong chờ thông số và video.
khoa says
hàng miễn phí nhưng chứa những thông tin căn bản mà gợi mở nhiều điều,cảm ơn tác giả
Trung Trần says
ad có thể giải thích tại sao nó lại mâu thuẫn thế này:
Đọc qua tài liệu em thấy cường độ âm thanh đo bằng dB, 0dB là ko nghe thấy gì, tăng dần lên thì âm thanh càng to. Vậy mà em sài FL Studio cũng như một số DAW khác (vd:Adobe Audition) thì phần trực quan thể hiện âm thanh nằm trong khoảng -30dB đến 0dB. Khi chỉnh volume lên >0dB thì âm thanh bắt đầu rè và kêu to gây nhức tai.(có nghĩa điểm 0dB vẫn có âm thanh. Thậm chí là mức kêu to)
Thứ 2 là trong FL em có sài Compressor (threshold -4, ratio4:1)
Thì âm thanh có bị nén ở điểm -4. Nhưng khi kéo núm volume lên cao dần thì âm thanh vẫn cứt vượt qua ngưỡng -4 rất nhiều. Thậm chí tăng ratio lên đến 30:1 thì âm thanh vẫn vượt nhiều.
Như vậy em có thắc mắc là phần -XdB trong núm volume là một mốc cường độ âm thanh hiển nhiên, hay nó là một chỉ số bị trừ đi so với cường độ gốc của bài hát ?
Nguyễn Thái Hà says
chào Trung Trần,
Mình giải đáp các thắc mắc của bạn như sau:
1. 0dB: đây là giá trị tham chiếu tương đối giữa các thang đo. Trong thang đo SPL, 0dB là mức nơi tai con người bắt đầu nghe được âm thanh. Càng vượt 0dB càng to. Trong Fl Studio hoặc các DAW khác, các digital meter sử dụng thang do decibel full-scale, khi đó 0dB là ngưỡng cuối cùng trước khi âm thanh bị vỡ khi chuyển sang DA Converter. Do đó bạn sẽ thấy cường độ âm thanh thường có giá trị âm cho tới 0dB.
2. Compressor: Khi bạn nén kể cả với tỉ lệ cao như 30:1 thì âm thanh vẫn vượt ngưỡng Threshold vì compressor nó không hoạt động thô bạo như Brick-Wall Limiter. Và Ratio chỉ là tỉ lệ nén mà thôi. Ví dụ âm thanh vượt ngưỡng của bạn là 15 dB, khi sử dụng Ratio 30:1, giả sử attack của bạn là 0ms, hard knee, âm thanh sau xử lý vẫn sẽ vượt threshold 15/30 = 0.5 dB. Nếu bạn dùng brickwall Limiter (tỉ lệ dương vô cùng : 1) và attack, release siêu nhanh, lúc này bộ xử lý tín hiệu mới đủ nhạy, đủ mạnh để là phẳng tín hiệu, không cho vượt quá threshold.
Nguyễn Thái Hà
Sơn says
Mình đang sử dụng compressor C1 của Waer 8 . mình nén cho kick bass và để các tham số như sau :
– ngưỡng nén : : -19.5 db .
– thời gian bắt đầu nén : 50ms .
– nhả nén : : 2 ms .
thì nghe tiếng kích ở vào giữa và sâu phí sau .
nếu mình để nhả nén lên : 400ms và các tham số còn lại như trên ko đổi thì nghe tiếng kích ra phí trước và hai bên .
Hà có thể giải thích giúp ko à .
Nguyễn Thái Hà says
Chào anh Sơn,
Tác động của comp còn phụ thuộc vào việc anh nén đi bao nhiêu dB (gain reduction). Với setting của anh, realse rất thấp nên compressor sẽ hoạt động mạnh hơn, dễ gây distortion hơn. Attack 50ms sẽ khiến compressor bỏ qua attack của kick/bass để nhắm vào phần ngân gồm nhiều sub bass frequencies khiến kick và bass sẽ nổi hơn. Khi anh đổi attack sang 400ms thì do compressor hoạt động quá chậm, nó tác động rất ít lên kick và chủ yếu tác động lên các nốt ngân đủ dài của bass, vì thế bass của kick được phục hồi do đó anh sẽ thấy tiếng kick rộng hơn.
Nguyễn Thái Hà
Sơn says
Hà có thể chia sẽ với mình cái SSL master Bus Compressor Stereo không Em .
Giang says
Admin viết 1 bài về căn chỉnh compressor đi ạ!
Bài viết hay quá!!!
nguyen van chi says
cam on anh
nguyen van chi says
anh oi lam on cho em hoi,em dang su dung digital xta , attack full va sub em de 35ms co duoc khong a,hay la cao qua ,em cam on anh
thuận says
cảm ơn tác giả,bài viết hữu ích. em vừa mới vào nghề mak đọc xong bài hiểu luôn.. áp dụng thôi :))
Hải Đăng says
Em chưa hiểu cái Attack Phase này lắm, mong anh giải đáp thêm
Theo em hiểu là nhà sản xuất quy định số dB giảm cố định trong 1 phase Attack (ví dụ quy định là 10dB).
Với độ nén là 5dB chẳng hạn
Trường hợp 1: Đặt Attack là 5ms thì trong 5ms số giảm dB tăng từ 0dB đến 10db
Như vậy Attack Phase sẽ chỉ diễn ra trong 2.5ms
Trường hợp 2: Đặt Attack là 10ms thì trong 10ms số giảm dB sẽ tăng từ 0dB đên 10 dB
Như vậy Attack Phase sẽ chỉ diễn ra trong 5ms
Em hiểu như vậy không biết có đúng không?
_________________________________________
“Attack Time đôi lúc được viết dạng Attack Phase, đều có nghĩa là giai đoạn mào đầu của quá trình nén. Trên compressor bạn chỉnh Attack là 10ms thì chưa chắc Attack Phase sẽ luôn diễn ra trong 10ms mà có thể chậm hơn hoặc nhanh hơn, tùy vào số dB compressor cần giảm đi của tín hiệu gốc nhiều hay ít.
Lý do tại sao? Vì trong thực tế sử dụng, hãng sản xuất sẽ KHÔNG thể nào biết trước được bạn căn Threshold, ratio.. là bao nhiêu. Do đó, nếu Attack Phase luôn xảy ra trong 1 thời gian cố định như bạn đã căn (ví dụ 5ms) thì đôi khi sẽ quá chậm với số dB bị nén nhỏ và sẽ quá nhanh với số dB bị nén lớn. Người dùng sẽ rất khó kiểm soát công cụ của mình.
Bởi vậy, người ta lấy 1 giá trị tham chiếu để quy định Compressor mất bao nhiêu thời gian để giảm đi số dB đó (thường là 10dB).
Để cho dễ hiểu tôi xin lấy ví dụ: nếu bạn để Attack là 5ms, và nhà sản xuất thiết lập giá trị tham chiếu là 10dB. Điều đó có nghĩa là Compressor sẽ mất 5ms để giảm đi 10dB, mất 10ms để giảm đi 20dB với CÙNG 1 giá trị Attack 5ms.”
Hải Đăng says
Có một điều nữa em muốn hỏi thêm về các giai đoạn nén, em viết ra ý hiểu của em, anh xem giúp em em hiểu sai ở điểm nào với ạ.
Theo em hiểu thì khi âm thanh đạt ngưỡng Threshold thì bắt đầu quá trình nén, quá trình nén gồm 2 giai đoạn là Attack và Release. Trước khi hết hai giai đoạn này thì quá trình nén không kích hoạt lại dù âm thanh có bị vượt ngưỡng trong khoảng thời gian đang Attack và Release
Có một điều nữa là số dB được nén em chưa hiểu sẽ dựa vào đâu để tính ra
Ví dụ đặt ngưỡng Threshold là 4dB, âm thanh vượt ngưỡng và về đúng ngưỡng trong khoảng 5ms
Trong khoảng thời gian 5ms này thì từ 0->2.5ms âm thanh tăng từ 8dB lên 12dB và từ 2.6ms ->5ms âm thanh giảm từ 12dB về 9dB
Với Ratio là 4:1, thì số dB được giảm là bao nhiêu, có phải là tính từ âm thanh đầu tiên vượt ngưỡng (8dB). Như vậy số dB cần giảm là 3dB? Số dB giảm sẽ tăng dần từ 0->3dB theo thời gian quy định của Attack ??????
Nguyễn Thái Hà says
Chào Hải Đăng,
Cảm ơn bạn đã comment, mình xin trả lời như sau:
1. Trong giai đoạn Attack và Release, Compressor có hoạt động nhưng tác động của nó biến thiên về mức độ để tránh sự thay đổi đột ngột về cường độ, gây mất tự nhiên.
2. Sau khi attack time đạt số thời gian quy định, compressor sẽ hoạt động full lực với ratio chọn trước. Bởi vậy, bạn có thể thấy giả sử attack là 5 ms, thì từ 0-5 ms thực chất compressor không tác động nhiều như ratio ta thiết kế. Nhưng sau 5 ms, ratio đã đạt đủ (ở ví dụ là 4:1). Do đó, sau 5 ms attack ban đầu, âm thanh vượt ngưỡng threshold 12 dB sẽ bị giảm còn 3 dB (tức 4 lần, bị cắt đi 9 dB). Cái này bạn test với sine waves sẽ chính xác hơn là âm thanh thông thường.
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà
Tacello says
Cảm ơn anh em mới học âm thanh mà cả mấy tháng tháng hiểu được,giờ thì đã hiểu bài viết quá hay.
Hoàng Anh says
Hữu ích quá Anh ơi!
Git says
Bài viết khá hay ạ . Nếu tác giả lồng cả video vào bài viết thì trọn vẹn ạ
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn bạn nhé!
Hải says
” Việc lựa chọn loại Compressor quan trọng không kém việc tinh chỉnh các thông số Compressor. Tuy nhiên, sự khác biệt về âm thanh không quá lớn như ngày và đêm, gái ngực bự và “màn hình phẳng” nên những bạn mới vào khó nhận biết được. ”
ví dụ đỉnh quá a ơiii hahaha , đang đi tìm bài viết giải thích phần này luôn ạ . cảm ơn tác giả ạ
p/s mấy bạn newbie giống mình khi học về Music production có cần phải tham khảo tài liệu vừa tiếng việt vừa tiếng anh không ạ , nhiều khi mình thấy làm việc tiếng anh mà chỉ đọc tiếng việt thôi thì sẽ dễ bị lú á haha