Kết nối các nguồn âm thanh rời rạc, đặt chúng vào một không gian chung.
Thổi sức sống cho ca sĩ, nhạc cụ trong một bản thu.
Sức mạnh của Reverb lớn là thế. Ấy vậy mà rất nhiều bạn mặc sức hủy hoại bản mix của mình bằng việc sử dụng bừa bãi.
Đến lúc quay trở về với những thứ cơ bản nhất rồi nhỉ?
Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách sử đụng reverb cơ bản theo cách thông thường nhất, an toàn nhất và có thể áp dụng cho nhiều bối cảnh sử dụng khác nhau. Tất nhiên, mỗi bối cảnh mỗi khác, việc “căn ke” sao cho phù hợp đòi hỏi kinh nghiệm tích lũy từ hàng chục thậm chí hàng trăm bản mix.
Thôi, “hù dọa” nhau thế đủ rồi. Hãy đọc và thực hành những lời khuyên dưới đây cho tốt, bạn sẽ luôn ở trong “vùng an toàn”. Tất nhiên, tôi không cấm bạn sáng tạo.
Thiết lập Reverb – Send hay Insert?
Tôi có thể khẳng định, ít nhất 80% các trường hợp sử dụng reverb đều được thiết lập là Effect Send thay vì Insert. Nếu bạn chưa biết về Send và Insert, tôi xin giải thích ngắn gọn cách thức tác động của Reverb trên 2 hình thức thiết lập này như sau:
- Với thiết lập Send, Reverb tác động lên âm thanh nhưng không thay đổi tín hiệu gốc. Về bản chất, nó tạo 1 bản copy của tín hiệu gốc rồi xử lý trên bản copy đó
- Với thiết lập Insert, Reverb tác động và thay đổi trực tiếp tín hiệu gốc
Tại sao người ta lại hay thiết lập Send với Reverb?
Rất đơn giản! Thứ 1, Reverb là hiệu ứng dựa trên thời gian. Nó cần 1 nguồn tín hiệu gốc để xử lý.
Nếu bạn dùng 2 Reverb cho cùng 1 nhạc cụ, bạn có muốn tạo reverb cho 1 nguồn âm thanh đã có sẵn Reverb từ trước? Toàn bộ các thông số, tính toán về mặt thời gian của bạn sẽ… trật hết sau khi qua Reverb số 2 trong trường hợp này. Chưa kể bạn còn muốn dùng thêm Delay? Nếu tất cả các thiết bị này đều thiết lập chung là Insert cho 1 nhạc cụ thì thật thảm họa!
Trong ví dụ sau, track vocal sử dụng 2 Reverb song song. Nửa đầu thiết lập Send, nửa sau thiết lập Insert và được căn Reverb level ngang nhau. Chú ý sự… nhòe nhoẹt trong nửa sau (Insert) do reverb thứ 2 tạo không gian cho 1… không gian khác đã tạo bởi reverb thứ 1.
Thứ 2, các hiệu ứng âm thanh thiết lập Send có thể tác động lên nhiều nguồn âm thanh khác nhau cùng 1 lúc! Ví dụ: Vocal và Lead Guitar đều có thể sử dụng chung 1 Reverb. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tài nguyên hệ thống (CPU, RAM…)!
Trong bài viết về vai trò cốt lõi nhất của Reverb, tôi có nói Reverb được dùng để kết nối, đưa các nguồn âm thanh đơn lẻ vào trong 1 không gian chung. Với lợi ích số 2 này của thiết lập Send, bạn sẽ hiện thực hóa được điều đó 1 cách dễ dàng mà không phải “dí” 30-50 con Reverb (có chung thông số cấu hình) cho ngần ấy track riêng lẻ!
Lời khuyên của MIX: Khi sử dụng Reverb dưới dạng Send Effect, bạn nên để 100% Wet (chỉ bao gồm phần tín hiệu tạo ra bởi Reverb) và điều chỉnh lượng Reverb cần thiết qua thông số Send Level trên track nhạc cụ để tránh ảnh hưởng đến âm lượng của track này.
Chỉ dùng khi thực sự cần thiết
Hiệu ứng Reverb rất… lừa tình. Nó khiến bạn ngay lập tức cảm thấy âm thanh sống động hơn, “lung linh” hơn và “có vẻ” thật hơn. Nhưng đó không phải là lý do để chúng ta sử dụng Reverb trên tất cả các nhạc cụ!
Hãy cân nhắc kỹ xem liệu thực sự việc sử dụng Reverb sẽ tốt hơn hay chỉ hủy hoại âm thanh của nhạc cụ mà thôi? Cùng 1 dòng nhạc, trong cùng 1 bài, thậm chí trên cùng 1 nhạc cụ, đôi khi có lúc chúng ta nên dùng, có lúc không.
Trong ví dụ sau với 1 ca khúc Metal, có Reverb chỉ làm cho Rhythm Guitar nhòe nhoẹt, đục ngầu và… “sến”, mất đi sức mạnh cần thiết.
Chọn Room Mode và thiết lập phù hợp
Bạn muốn tái tạo không gian nào cho bản mix? Trong nhà hát, trong phòng ở, hay trong WC? Hãy chọn Room Mode (hoặc Reverb Mode) có đặc tính âm học phù hợp với không gian đó.
Thông thường, các thiết bị Reverb sẽ có sẵn một loạt Room Mode như Hall, Room, Studio, Plate… kèm theo rất nhiều Preset cho bạn lựa chọn. Hãy lấy 1 preset giống nhất so với nhu cầu của bạn và điều chỉnh lại các thông số Reverb để nó phù hợp hơn với nhạc cụ, với ý đồ bản mix.
Mẹo của MIX: Bạn đừng nghĩ chế độ Reverb Hall hay Concert sẽ làm giọng hát nghe “lớn”, “bao la” hơn. Chế độ Room hay Plate dư sức tạo ra không gian đủ lớn cho nhiều bản mix thông thường mà không gây ra nhiều “tác dụng phụ” như Hall.
Chế độ Hall nghe phù hợp với giọng hát của 1 ca khúc nhạc nhẹ nhưng nghe thật kinh tởm với 1 giọng thuyết minh trên đài phát thanh.
Cách căn cường độ reverb cho nhạc cụ
Nếu để reverb quá to, thay vì giúp nhạc cụ hòa quyện vào bản mix hay làm nó sống động hơn, bạn chỉ làm đục bản mix, làm nhòe/biến đổi âm thanh nhạc cụ và khiến nó như thể đang phát ra từ một không gian tách biệt nào đó!
Nếu để quá nhỏ, bạn sẽ hầu như không nghe thấy Reverb của nhạc cụ khi có thêm nhiều nguồn âm thanh khác phát cùng.
Vậy thế nào là vừa phải? Nghe thật là mù mờ!
Trong đa số các trường hợp, sự vừa phải được xác định bằng cách: điều chỉnh cường độ tín hiệu reverb sao cho khi tắt reverb thì biết là thiếu và khi bật reverb thì không hoặc khó nhận ra 1 cách rõ ràng.
Hãy bật/tắt reverb liên tục trong quá trình điều chỉnh cho đến khi bạn đạt tới điểm “cực khoái” đó.
Nghe ví dụ sau với thiết lập Reverb ở 3 mức quá ít, vừa và quá nhiều trên Snare Drum. Ở mức thiết lập reverb quá ít/quá nhiều, Snare như thể được tạo ra từ 1… không gian khác không ăn nhập với dàn Drums.
Căn cường độ reverb trong bối cảnh bản mix
Để có thể quyết định được chính xác cường độ phù hợp của Reverb, nhất thiết phải căn dựa trên bối cảnh của bản mix. Khi có các nguồn âm thanh khác phát cùng, tương quan về cường độ âm thanh, âm sắc của nhạc cụ bạn đang căn reverb sẽ thay đổi. Các nhạc cụ khác sẽ che lấp, làm mờ một phần âm thanh reverb bạn vừa tạo ra bởi không chỉ vì chúng… kêu to hơn mà còn liên quan tới các nhóm tần số trùng với reverb của bạn nữa.
Bởi vậy, việc đổ mồ hôi sôi máu mắt căn cường độ reverb khi solo track nhạc cụ đó là hết sức sai lầm! Tùy theo số lượng nhạc cụ đang phát cùng, tùy theo ý đồ sáng tạo của ca khúc, tùy theo đó là phần intro hay verse hay chorus, bạn hãy điều chỉnh cường độ reverb cho phù hợp với từng tình huống khác nhau bằng chức năng Automation.
Snare Reverb vừa đủ khi nghe solo nhưng quá ít khi nghe cùng cả dàn drums:
EQ Reverb
Đây là thao tác rất cần thiết để kiểm soát “tác dụng phụ” của Reverb bên cạnh việc điều chỉnh những thông số quan trọng như Decay, Pre-Delay và Room Size.
Lợi ích của việc sử dụng EQ trên Reverb là bỏ đi những phần âm thanh không mong muốn tạo ra do Reverb. Trong đa số các trường hợp, áp dụng Lowpass và Highpass filter trên Reverb sẽ giúp âm thanh bớt đục, rõ ràng, mượt mà, tự nhiên hơn.
Hầu hết các thiết bị Reverb đều tích hợp sẵn 1 EQ đơn giản (đôi khi là cả 1 EQ đầy đủ chức năng như WizooVerbW2) với 2 bộ lọc ở trên. Tất nhiên, không ai ép bạn chỉ được loay hoay với 2 filter này. Nếu thiết bị Reverb không hỗ trợ EQ sâu, bạn có thể chèn thêm 1 EQ vào track Reverb để tinh chỉnh sâu hơn cho tới khi đạt kết quả mong muốn.
Thông thường, việc lọc toàn bộ các âm thanh reverb dưới 200 Hz và trên 12 kHz là thao tác đầu tiên của tôi sau khi thiết lập Reverb. Đôi khi, bạn có thể áp dụng Highpass Filter lên đến tận 500 Hz và Lowpass Filter xuống tận 3 kHz để phù hợp với nguồn âm thanh, bối cảnh bản mix.
Mẹo của MIX: Lọc bỏ các tần số cao giúp Reverb hòa quyện hơn, ít thay đổi âm sắc nhạc cụ hơn và “giấu” Reverb tốt hơn. Lọc bỏ các tần số thấp giúp Reverb bớt đục, phần trầm của nhạc cụ nghe chắc hơn trong khi không gian Reverb tạo ra vẫn được đảm bảo.
Nghe ví dụ sau với nửa đầu chưa EQ Reverb và nửa sau đã áp dụng EQ trên Reverb. Khi được cắt bỏ các tần số cao và trầm, tiếng Piano trở nên rõ ràng hơn nhưng vẫn sống động.
Đừng ngại thử nghiệm cách dùng mới
Những hướng dẫn về cách sử dụng reverb trong bài viết này đều chỉ nằm ở mức cơ bản dành cho những người mới làm quen với Reverb. Bạn đọc có thể yên tâm áp dụng những hướng dẫn ở trên cho các bản mix sắp tới của mình. Dù chưa hẳn sẽ mang lại kết quả tuyệt vời ngay vì điều này đòi hỏi kinh nghiệm sử dụng, nhưng ít nhất, những hướng dẫn tôi đã nêu sẽ giúp bạn đi theo con đường an toàn.
Ứng dụng của Reverb rất nhiều, kéo theo đó là những cách thức sử dụng sáng tạo – đôi khi biết được nhờ… tai nạn. Lấy điểm khởi đầu là những hướng dẫn trong bài viết này, bạn hãy đi xa hơn và mạnh dạn thử nghiệm để tận dụng tối đa những gì mình có.
Nếu có điều gì chưa rõ hoặc muốn biết sâu hơn, bạn hãy comment ở dưới nhé!
Đức Trần says
Mình thấy trên nhiều diễn đàn và nhiều người bạn của mình vẫn sử dụng 2 pugins reverb để mix vocal , liệu như thế có thừa không. Theo mình nghĩ với reverb thì chỉ cần 1, vì send 2 không gian khác nhau trên 1 track có vẻ không hợp lý lắm.
Nguyễn Thái Hà says
Chào Đức Trần,
Đôi khi Reverb được sử dụng không phải để tạo không gian mà có thể với mục đích làm hiệu ứng, thay đổi âm sắc nhạc cụ, làm dày âm thanh nhạc cụ… Và Reverb trong mỗi đoạn của 1 bản mix có thể rất khác nhau.
Khi người ta cần texture của không gian phức tạp hơn thì 2 thậm chí đến 5 reverb vẫn được sử dụng song song và cho kết quả tốt. Những trường hợp sử dụng Extreme như vậy rất hay thấy trong các thể loại nhạc có chất ambience.
Chúng ta không nên quá cứng nhắc với những logic thông thường trong mix nhạc, hãy để đôi tai cảm nhận và phán xét 😉
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà.
Trung Nguyễn says
Chào các anh, em rất vui mừng khi biết đến website của các anh. Tuy em đã làm nghề rồi nhưng những kiến thức này quá tuyệt, không thể không tiếp thu. Cảm ơn các anh rất nhiều.
Phạm Bình says
Rất vui vì đã làm bạn thích
Năm mới chúc bạn tay nghề ngày càng cao & có sự nghiệp như ý 😉
Trung Nguyễn says
Nhân đây về v/đ reverb, mong các anh thử nghe qua bản mix của em vừa thực hiện và cho 1 vài lời nhận xét khách quan. Em xin cảm ơn.
https://soundcloud.com/trungdcn91/ch-t-n-ng-ch-t-m-a-xu-n-nh
P/s: Verb đè chết người mất T-T
Nguyễn Thái Hà says
Hi Trung,
Bản mix của bạn làm khá tốt. Nếu có thể, hãy cân nhắc các góp ý nhanh của mình như sau:
1. Cân bằng lại âm lượng nhạc cụ: Vox đang bị bật ra khỏi bản mix.
2. Xử lý bass kỹ hơn để tránh low-mid và bass range bị to quá ở 1 số đoạn.
3. Eq lại các cây như lead synth, pad, kick để có sự tách biệt rõ ràng hơn, tự khắc không gian sẽ rộng rãi lên đáng kể mà KHÔNG cần reverb.
4. Reverb của bạn về level khá ok, nếu cần thì EQ lại reverb cho bớt cloudy ở low-mid và de-ess 1 số đoạn reverb bị văng ra thôi.
Bạn có thể thoải mái và tự tin về sản phẩm nếu đây là 1 demo chứ không phải commercial CD.
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà
Trung Nguyễn says
Chào anh Thái Hà !
– Trước tiên em xin cảm ơn những góp ý chân thành của anh, nó giúp em vỡ ra được nhiều điều. Em sẽ lưu ý và check lại bản mix của mình, để có thể có được sản phẩm hoàn thiện hơn. Năm mới, chúc anh và toàn thể ae TapChiMix sức khỏe, thành công và tiếp tục tâm huyết với âm nhạc nghiêm túc.
– Nhân đây cho em xin hỏi tiếp về v/đ Reverb
Chắc hẳn anh cũng biết về Verb mẫu có định dạng .WAV. Em đang sử dụng 1 vài mẫu thông qua plugin IR của Waves. Vậy các anh có thể cho em biết cách thức hoạt động của nó khi được import vào plugin không ạ? Em dùng thì cứ dùng thôi, nhưng cũng chưa hiểu gì cả.
Em xin chân thành cảm ơn !
Nguyễn Thái Hà says
Chào Trung,
Cảm ơn lời chúc của bạn nhé! Cái bạn hỏi là Reverb Impulse Response, phần mềm sử dụng impulse tạo ra reverb là Convolution Reverb. Khi load Impulse, convolution reverb sử dụng 1 thuật toán RẤT phức tạp để tái hiện lại không gian.
Mình ko nắm được cơ chế của nó ở mức sâu đến thuật toán như vậy (thật sự mình cho rằng chỉ có những ai muốn làm audio software developer thì mới cần biết thôi).
Hơi lạc câu hỏi 1 tí nhưng mình mô tả lại quá trình từ con số 0 một cách nôm na để bạn biết thêm như sau:
1. Người ta đặt 1 chiếc loa tại vị trí muốn giả lập nguồn phát (ví dụ: ca sĩ đứng giữa sân khấu) trong 1 không gian (bất kỳ), đặt micro trong cùng không gian đó (vị trí tùy chọn, thường là ở trung tâm).
2. Phát 1 sine wave chạy từ 20hz – 20 000hz và thu lại cả âm thanh gốc lẫn reverberation của không gian này.
3. Sử dụng phần mềm xử lý audio biên tập lại file thu được để cắt gọt phần thừa ở đầu, cuối
4. Sử dụng 1 phần mềm chuyên dụng để phân tích file đó, chuyển hóa thành file impulse response (IR) – thường có đuôi WAV.
5. Sử dụng Convolution Reverb (ví dụ: AltiVerb, LeCab, Waves IR1…) để load.
6. Phần mềm Reverb sẽ phân tích file IR, tái tạo lại chính xác reverberation trong không gian căn phòng được thu âm, vị trí nguồn âm thanh, vị trí người nghe.
Trong bước 6, mình chịu không biết nó làm cái gì :v Trước mình có đọc wiki về quá trình de-convolute này rồi nhưng thấy phức tạp quá nên… tắt luôn. :”> Mình chỉ tập trung ngâm cứu cách sử dụng các phần mềm Reverb, điều chỉnh các thông số là đủ rồi.
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà
Đông says
cảm ơn Hà về bài viết rất bổ ích, mình thì chưa hề có kinh nghiệm về xài Reverb trong Cubase, sẽ học hỏi và mày mò dần dần 🙂
bạn nghe và góp ý dùm mình về Reverb / Volume các tracks trong đoạn này giúp nhen, Reverb của Drums vậy còn phải chỉnh sửa gì ….. ?
http://www.4shared.com/mp3/dj-zRDSyce/Vi_em_qua_yeu_anh.html
Nguyễn Thái Hà says
Đông ơi,
Lâu lắm rồi mình mới nghe 1 bài thuộc thể loại nhạc này. Thú vị phết. Hehe.
Theo như mình nhận thấy, track này bạn đã làm khá tốt việc cân bằng âm lượng giữa các nhạc cụ. Nếu cần sửa gì, mình sẽ sửa lại EQ, Compression và Reverb là chủ yếu.
Với gu của mình, bản mix này hơi nhiều reverb hơn mức cần thiết. Reverb level hơi cao và Reverb tail cũng dài quá làm toàn bộ low-mid bị mờ. Nếu là mình, mình sẽ chọn Room hoặc Plate làm reverb mode với decay ngắn (0,4-0,8s). Trong những đoạn tuti cần ngắt nghỉ rõ ràng, bạn nên automate reverb send level để tránh bị lộ đuôi và tăng độ chặt, giảm đục cho bản mix.
Nhạc cụ gặp vấn đề nhiều nhất là bass guitar. Bạn có thể để ý, toàn bộ phần lowmid đang bị dominate bởi Bass guitar. Mỗi khi bass guitar chuyển nốt, volume của khu vực này thay đổi quá nhiều khiến người nghe cảm thấy không thoải mái. Bạn cần cắt bớt khu vực 200-300 đi nữa hoặc dùng Multiband compression để xử lý.
Drums thì mình thấy vấn đề nghiêm trọng nhất là sự gắn kết bị yếu. Mình có cảm giác như những mảnh trống nó không thuộc cùng 1 bộ trống. Việc này có thể gây ra bởi EQ, compression, level balancing không phù hợp hoặc do thiếu room track. Cụ thể trong track này mình nghĩ chủ yếu do level balancing và EQ.
Tóm lại, thứ tự cần fix cho bản mix như sau: 1. Bass Guitar, 2. Reverb, 3. Drums. Tất cả những bản mix gửi cho Tạp chí MIX (trên web hoặc qua Email liên hệ) đều gặp sự cố với bass guitar), bạn đừng lo quá nhé 😉
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà.
Đông says
cảm ơn Hà đã góp ý nhiệt tình, cái này là mình làm lại beat của bài Vì em quá yêu anh – Mỹ Tâm cho khách hàng thôi chớ ko phải sáng tác hehe, level balancing của Drums là cân bằng âm lượng của bộ trống phải ko ( kick – snare – hi hat – cymbals vv…. )
tất cả track mình đánh sống trên keyboards hết, Drums thì làm pattern, một người bạn chơi Bass của mình thì nhận xét là tiếng Bass có phần chưa ” gọn gàng “, thật tình thì Bass và Drums là 2 phần mình chú trọng nhất khi làm nhạc, và Bass thì vẫn đang loay hoay tìm sounds và effect 🙁
như đoạn này bạn mình nói là Bass cần phải gọn – chắc hơn
http://www.4shared.com/mp3/l4nOPeaiba/Twist_Xuan.html
có thể là Reverb bị dài quá chăng?
có người hướng dẫn thích quá, chắc sẽ làm phiền dài dài hehe, đa tạ 🙂
Nguyễn Thái Hà says
Chào Đông,
Đúng rồi, ý mình nói là tương quan âm lượng của các mảnh trống với nhau đó. Qua quá trình xử lý, nó cũng sẽ khác đi so với lúc cân bằng ban đầu.
Riêng với bass, mình chưa bao giờ dùng reverb cả. Việc đó chỉ làm phần bass và low-mid của bạn thêm đục và lọp phọp thôi. 😉
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà
Bass Land says
Thank For !
nguyễn kiên says
đọc trong bài này tự nhiên lại nhớ khâu delay cho vocal. có chăng MIX nên làm một bài về delay cho đủ bộ. comp eq reverb delay. ?
bao says
Cho e xin hỏi Tapchimix,có người nói dùng “PatheonII” hay “Arts Acoustic Reverb” để tạo vang đều được.Nhưng cũng có người nói sử dụng cả 2 vì “PatheonI”I tạo độ sâu còn “Arts Acoustic Reverb” tạo độ vòm.E chưa hiểu lắm ko biết cái nào đúng.Nếu sử dụng cả 2 thì sợ giống như 1 nhạc cụ mà send tới 2 lần reverb như a đã nói lỗi đó ở trên.
Phạm Bình says
họ nói cũng có lý. Vấn đề nằm ở chỗ phải phân biệt “thế nào là độ sâu?” với “thế nào là độ vòm?”
Nếu họ hoặc mình không phân biệt được bằng tai thì tốt nhất không nên send con reverb nào cả, rất dễ dính tai nạn
phamngocquan says
minh dang sai delay D 256 XL digiteech khong chinh dc reverb chuan mong cac ban cho 1 cach khac phuc>>>>>>>!
Nguyễn Thái Hà says
Chào Quân,
Mình chưa dùng D256 XL lần nào nên không biết hỗ trợ bạn ra sao. Mình có xem qua mô tả sản phẩm của Digitech thì thấy D256 XL rất mạnh về xử lý effects, bạn hãy đọc kỹ loạt 5 bài về Reverb của Tạp chí MIX và áp dụng xem sao nhé. Tất cả các hướng dẫn của bọn mình về Reverb đều sử dụng được trên thiết bị này.
Chúc bạn thành công.
Nguyễn Thái Hà
Lượng Văn says
Xin cho hỏi, em là Sinh Viên VHNT TP.HCM , mới ra trường , em có đam mê với âm thanh , âm sắc , em muốn có chuyên môn về âm thanh , vậy ở SG em có thể học ở đâu được ạ ??? xin chân thành cảm ơn !
Nguyễn Ái Quốc says
Chào bạn,Nguyễn Thái Hà,tapchimix,
Mình thường dùng fl studio để phối các bản nhạc EDM.Và mình thường tham khảo các project mặc định sẵn trong DAW.MÌnh thấy các product đó có sử dụng plugin”Effector nằm trong mục Misc của bảng plugin(KHông phải mục Delay reveerb).Thường dùng reverb cho Drums.Trong dó có nhiều thông số khó hiểu vãi …(không liên quan đến thông số reverb) .Với trình english của mình thì thua.
Bạn có thể giải thích thêm về thiết bị này không?.Cám ơn bạn đã đọc.
Nguyễn Ái Quốc
Nguyễn Thái Hà says
Chào QUốc,
Mình chưa dùng Effector lần nào nên không rõ. Nếu nó là 1 plugin đa nhiệm từ reverb, eq, compressor… thì tùy developer, người ta sẽ có cách bố trí các control, đặt tên khác nhau cho từng chức năng. Cách duy nhất là đọc manual để hiểu rõ về plugin này.
Nguyễn Thái Hà
Le ngoc hieu says
Em cũng mới tập mix và đang trên con đường mixing engineer, em còn yếu về reverb , mong a có thể chia sẻ , nếu trong một bản mix để hoà quyện tất cả các các nhạc cụ mình nên dùng một reverb rồi sau đó chỉnh thông số cho phù hợp vs từng loại nhạc cụ hay tuỳ vào mỗi loại nhạc cụ mà chọn loại reverb ạ
Nguyễn Thái Hà says
Chào Hiếu,
Cả 2 cách đều được. Bạn có thể apply reverb riêng cho từng nhạc cụ hoặc apply reverb chung cho cả nhóm nhạc cụ. Về bản chất, không có gì sai.
Phương án reverb chung cho cả nhóm nhạc cụ sẽ khó tối ưu được tham số lý tưởng cho riêng nhạc cụ đó, bù lại, nghe nó quyện hơn vào tổng thể.
Cứ tùy ý sáng tạo nhé, các kỹ sư âm thanh nổi tiếng cũng không có phương pháp nhất quán cho việc này. Họ thay đổi tùy theo bài.
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà