Sau EQ, nếu thiếu hiệu ứng này mà bắt buộc phải mix nhạc, tôi sẽ tự vẫn.
Audio Compression (nén âm thanh) là hiệu ứng cực kỳ hữu dụng và ngày càng trở nên quan trọng hơn trong quy trình sản xuất âm nhạc hiện đại.
Hiểu đơn sơ, Compression chuyên xử lý những thứ liên quan tới cường độ tín hiệu âm thanh. Hiểu sâu hơn, hãy đọc kỹ bài viết này! Nếu chưa hiểu, hãy đọc lại 1 lần nữa!
Chào mừng bạn đến với thế giới của thiết bị khó hiểu nhất, khó nghe ra nhất nhưng lại linh động nhất, có khả năng “lấn sân” nhiều công cụ khác nhất, vô cùng quan trọng và cũng vô cùng… khó dùng.
Dọa tí cho vui thôi. Nhưng đừng vội mừng, bạn sẽ thấy mồ hôi rớt ra ngay ý mà!
Dynamics – Linh hồn của âm nhạc
Hiệu ứng Compression xử lý sự biến đổi cường độ (Dynamics) của tín hiệu âm thanh. Nghe khù khoằm thật! Nhưng để hiểu về Compression, rõ ràng bạn phải hiểu Dynamics là gì rồi.
Nếu bạn nghe 1 giàn nhạc giao hưởng chơi, bạn sẽ thấy lúc thì họ đánh bé xíu, lúc thì to, lúc thì vừa phải. Sự biến động về âm lượng của tín hiệu audio theo thời gian đó chính là Dynamics.
Dynamics có thể phân tích ở nhiều cấp độ. Từ sự biến động âm lượng của 1 âm thanh đơn lẻ hay của 1 nhạc cụ trong 1 bài hát tới biến động về âm lượng của cả 1 bài hát.
Các phần mềm thu âm biểu diễn tín hiệu âm thanh dưới dạng Waveform (dạng hình học của sóng âm). Bạn hãy nhìn và nghe ví dụ 1 nốt nhạc chơi bằng guitar dưới đây:
Ban đầu, tiếng guitar rất to, sau đó nhỏ dần trong quá trình ngân. Năng lượng sóng âm của âm thanh này được biểu đạt chính xác bằng Waveform như trong hình. Waveform càng to thì cường độ/năng lượng âm thanh càng lớn. Ví dụ này chính là Dynamics tại cấp độ nhỏ nhất: âm thanh đơn lẻ.
Với cấp độ thứ 2 là Dynamic của 1 nhạc cụ trong bài hát, tôi có ví dụ khác. Khi bạn gõ trống, bạn càng đều tay thì âm lượng của mỗi nhát gõ càng ổn định, Dynamics càng thấp. Ngược lại, bạn gõ lúc nhẹ lúc mạnh, âm lượng các nhát gõ khác nhau rõ rệt hơn, Dynamics cao hơn.
Hình dưới đây minh họa cho ví dụ gõ dùi trống ở trên:
Bạn có thể vừa nghe vừa nhìn với 2 soundcloud clip dưới đây.
Đánh đều:
Đánh không đều:
Bạn có thể thấy rõ ở track màu vàng, người chơi gõ rất đều tay. Sự biến thiên về âm lượng của các nhát gõ rất ít (để ý đường kẻ màu đen nối các đỉnh waveform) nên độ biến thiên waveform của cả đoạn cũng rất ít.
Ngược lại, với track màu xanh, người chơi gõ linh hoạt hơn, nhát mạnh nhát nhẹ nên waveform biến đổi rất nhiều. Đường kẻ đo cường độ âm thanh cũng lên xuống nhiều hơn.
Tương tự như vậy, ở cấp độ bài hát, Dynamic có thể hiểu là sự biến động về âm lượng do sắc thái chơi mạnh nhẹ, trầm bổng khác nhau tại các đoạn khác nhau. Với nhạc giao hưởng, chúng ta thấy điều này rõ ràng hơn các thể loại nhạc hiện đại như Rock, Metal, Dance.
Ví dụ sau là Waveform của 1 soundtrack (dàn nhạc giao hưởng thể hiện) và 1 ca khúc Death Metal:
Tại sao Dynamics lại liên quan tới linh hồn của âm nhạc? Nghe to tát thì khó hiểu, nhưng hãy nhớ lại 1 vài bài giảng của các thầy cô bạn học từ thời học sinh. Thầy cô nào giảng bài với giọng nói trầm bổng, lúc to lúc nhỏ luôn khiến bạn chú ý hơn, cảm thấy thú vị hơn các thầy cô với giọng giảng đều đều như đọc kinh. Âm nhạc cũng vậy, bạn sẽ cảm thấy như bị tra tấn khi nghe một người chơi Piano đánh từ đầu tới cuối nốt nào cũng mạnh như nhau.
Bạn đã hiểu rõ Dynamics chưa? Nếu chưa, đọc lại 1 lần nữa.
Compression là gì?
Bạn thật kiên nhẫn khi đọc tới dòng này sau mớ lý thuyết nhàm chán ở phía trên! Hãy cố gắng đọc hết bài viết này, nếu không bạn sẽ không thể hiểu nổi bản chất của công cụ quan trọng này trong quy trình sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp!
Về bản chất, Compression (nén) giúp kiểm soát Dynamics của tín hiệu âm thanh.
Mục đích của Compression là giảm bớt biên độ biến đổi về cường độ âm thanh (tức là Dynamics). Nó thu hẹp sự khác biệt về độ lớn âm lượng giữa tín hiệu âm thanh bé nhất và tín hiệu âm thanh lớn nhất. Kết quả thu được là một âm thanh có âm lượng ổn định hơn, ít biến động hơn.
Khi thu âm cho một ca sĩ, compression giúp giảm bớt âm lượng lúc ca sĩ hát to và làm tăng âm lượng khi ca sĩ hát nhỏ. Vì thế, chúng ta có cảm giác âm lượng giọng hát không biến đổi quá nhiều lúc ca sĩ gào rú và lúc hát du dương. Đủ dễ hiểu chưa?
Nếu chưa đủ để hiểu, hãy xem và nghe ví dụ sau (waveform đầu tiên là âm thanh gốc, waveform thứ 2 là âm thanh bị Compress):
Vừa nghe vừa nhìn cho máu:
Bạn có thể thấy rõ sự biến đổi trong Waveform giữa âm thanh gốc và âm thanh bị compress (nén). Khoảng cách về âm lượng giữa phần đầu và phần thân của âm thanh bị nén thấp hơn so với âm thanh gốc. Hay nói cách khác, biên độ biến đổi Dynamic đã bị thu hẹp.
Compressor/Limiter/Gate
Việc xử lý Dynamic được thực hiện bởi 3 thiết bị chính là Compressor, Limiter và Gate. Cả 3 thiết bị (phần cứng, phần mềm) này đều tác động lên Dynamic của âm thanh một cách tự động.
Tuy nhiên, chúng ta cần giúp các thiết bị đó nhận ra dấu hiệu để bắt đầu làm việc. Khi âm lượng của tín hiệu âm thanh vượt qua 1 mức độ nào đó, chúng sẽ bắt đầu tự động “ra tay” can thiệp vào âm thanh.
Điểm khác biệt là gì?
Compressor giảm bớt cường độ khi tín hiệu âm thanh vượt qua ngưỡng mà chúng ta quy định nhưng vẫn cho phép vượt quá 1 chút. Limiter thì không cho phép điều đó xảy ra hoặc chỉ cho vượt quá 1 tí không đáng kể!
Gate thì lại hoạt động hơi khác 2 thiết bị trên. Khi cường độ âm thanh cao hơn mức bạn quy định, nó sẽ… không hoạt động. Ngược lại, khi cường độ âm thanh nhỏ hơn ngưỡng quy định, đúng với tên gọi: Cái cổng (gate). Nó bắt đầu hoạt động và ngăn không cho âm thanh đi qua. Tùy bạn thiết lập, có thể nó cắt bỏ đi hoàn toàn phần âm thanh có cường độ nhỏ hơn mức quy định hoặc nó chỉ giảm dần tới khi im lặng để nghe được tự nhiên hơn.
Hãy xem và nghe 3 ví dụ sau với thứ tự: 1 Compressor, 2 Limiter và 3 Gate.
Audio minh họa:
Nhìn hình và waveform ở trên, bạn có thể thấy rõ Limiter “gọt” dynamic của âm thanh “ngọt” như thế nào. Đường kẻ màu đen gần đỉnh các Waveform là ngưỡng cường độ âm thanh chúng ta quy định để giúp 3 thiết bị này biết đó là lúc cần hoạt động. Compressor “khoan dung” hơn Limiter, cho waveform vượt quá ngưỡng 1 chút. Còn Gate thì ngay khi thấy có “cơ hội”, “hắn” từ từ giảm cường độ âm thanh cho tới khi im hẳn. Kết quả là âm thanh ngân không lâu bằng khi sử dụng Compressor và Limiter.
Bạn đã nhận thấy tầm quan trọng của Dynamics và Compression?
Bên cạnh EQ, việc sử dụng Compression là yếu tố vô cùng quan trọng giúp phân định đẳng cấp của bản mix amateur, bản mix bán chuyên và bản mix chuyên nghiệp một cách rạch ròi. Phong cách sử dụng Compression cũng là một yếu tố để phân biệt sản phẩm của các kỹ sư âm thanh có cùng đẳng cấp.
Bạn đừng nhầm lẫn giữa amateur và sản xuất âm nhạc tại gia (home recording)! 1 bên là mức chất lượng sản phẩm và 1 bên là môi trường làm việc.
Có rất nhiều người giỏi tay nghề với đôi tai nhạy bén cho ra những sản phẩm rất chuyên nghiệp chỉ với các trang thiết bị sản xuất âm nhạc nhỏ gọn, đơn giản trong… phòng ngủ của mình.
Nói đúng ra, bất cứ công cụ nào cũng là con dao 2 lưỡi nếu không biết cách dùng. Điểm khác biệt là “con dao” nào sẽ làm bạn đau hơn mà thôi. Tôi có thể nói, nếu bạn không hiểu bản chất và không biết cách dùng, Compression sẽ là con dao cứa bạn đau hơn cả.
Và Dynamics là cái hồn của âm nhạc, sử dụng Compression quá tay sẽ tước đi phần quan trọng đó. Những gì còn lại chỉ là một mớ âm thanh thiếu sức sống, khô khan.
Nếu các bạn chưa hiểu rõ bất cứ phần nào trong bài này, hãy đọc lại 1 lần nữa. Vẫn chưa hiểu? Đọc tiếp 1 lần nữa. Vẫn chưa hiểu nốt? Hãy hỏi trực tiếp chúng tôi tại đây. 😉
Việt Anh says
bài viết rất có ích :3, mình cũng đang tập tọe mix để thu các bản nhạc mình sáng tác và làm demo cho band. Hóng các post tiếp theo :3 và rất hóng những bài hướng dẫn cụ thể hơn mix từng thể loại nhạc
như metalcore, hardcore, melodic death v.v …. cũng như các bài hướng dẫn mix nhạc cụ :3
Nguyễn Thái Hà says
Chào Việt Anh,
Cảm ơn bạn đã ủng hộ. Nếu được, bạn hãy subscribe vào Mailing List của chúng tôi để nhận email tổng hợp bài viết hàng tuần và quà tặng của MIX: http://www.tapchimix.com/email-sign-up/
Team MIX sẽ cố gắng cover được nhiều thể loại nhạc hơn. Nhưng trước hết, chúng tôi muốn cung cấp các kiến thức cơ bản, có thể áp dụng chung cho mọi loại nhạc.
Hi vọng sẽ gặp lại bạn nhiều trên website của MIX.
Thân,
Nguyễn Thái Hà
Ludwiger says
Thx bạn, mãi đến hnay mới hiểu rõ về Dynamics. Trong mấy cái về audio, mình thấy compression là trìu tượng nhất. Giờ đã clear.
Thx chủ thớt. 😉
Nguyễn Thái Hà says
Lúc đầu tập tọe mình cũng có thắc mắc y hệt như bạn. Giờ đầu đc thông rồi thì chia sẻ lại thôi. Hehe. Rất vui vì đã “thông” đc bạn nữa. Haha
Lê Tuấn says
Tuyệt quá, từ một thứ phức tạp bạn giải thích thật dễ hiểu
Cám ơn bạn rất nhiều, mong site có nhiều bài chia sẻ bổ ích hơn 😀
Nguyễn Thái Hà says
Hi Tuấn,
Cảm ơn bạn. Bọn mình luôn đề cao tiêu chí dễ hiểu mà. 😉
Nguyễn Thái Hà
joseph says
Dùng compression quả thật rất khó, quá tay 1 tý là hỏng bài ngay.
Rất ủng hộ bài viết của tác giả ! 😉
Nguyễn Thái Hà says
Hi Joseph,
Cảm ơn bạn đã ủng hộ. Khi nào dùng Compression mà bạn thấy rõ sự thay đổi mà không cần tăng volume, đó thường là lúc bạn đã quá tay 😉
Nguyễn Thái Hà
supterV says
Xin chào, mình là 1 amatuer producer ở nhà đc 7 năm rồi. Có 1 câu hỏi mình luôn băn khoăn là âm thanh distortion có cần compression ko? Mình tìm hiểu qua nhiều diễn đàn thì 1 số họ luôn nói là tín hiệu distortion đặc trưng của metal thật ra đã đc compression rất nhiều rồi, ko cần thiết phải thêm compression, 1 số khác thì nói rằng họ vẫn thêm compression 1 chút để cân bằng âm lượng?
Nguyễn Thái Hà says
Chào supterV,
Đó cũng là câu trả lời mình thường thấy. Tuy nhiên, khi vào xử lý thật, đa số họ lại compress tiếp guitar distortion chứ ko như họ trả lời đâu.
Có điều đôi khi họ hạn chế sử dụng Broadband Compression, thay vào đó họ sử dụng Multiband compression.
Ứng dụng của Multiband compression đáng chú ý nhất cho Distortion Guitar là để kiểm soát nhóm tần số từ 250-330 Hz vốn biến động rất nhiều và là tác nhân gây đục số 1 cho track distortion guitar khi người chơi dùng kỹ thuật PALM MUTE.
Mình cũng hay dùng Waves C4 để xử lý như vậy.
Ngoài ra, bạn có thể dùng Broadband COmpressor như thường, có điều, hãy nhẹ nhàng với 1 chút Gain Reduction thôi (cỡ 1-2dB) là đủ. Nhiều khi mình chỉ chạy qua compressor với Gain Reduction như vậy để lấy color character mà thôi. 😉
Nguyễn Thái Hà
supterV says
Ra vậy, cám ơn đã giúp mình thông suốt vấn đề. Mình hy vọng sắp tới sẽ có 1 bài viết nói về Multiband compression trong mixing cũng như mastering nhạc :). Cá nhân mình thấy trang web này rất thích hợp cho những người như mình vì mình vốn dốt TA, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn học tập :D.
Nguyễn Thái Hà says
Hi supterV,
Mình đã list Multiband Compression vào 1 bài viết trong Quý I. Vì đây là 1 thiết bị khó dùng nên mình chưa giới thiệu sớm với mọi người vội mà.
Mình có 1 tip nhỏ chia sẻ với bạn khi sử dụng Multiband Compression: Đừng dùng toàn bộ các band. Ví dụ Waves C4 có 4 band, Waves C6 có 6 band nhưng mình ko bao giờ dùng hết. Chỉ dùng 1 vài band nơi vấn đề về EQ Response xuất hiện. Tất cả các band còn lại bypass hết.
Hi vọng tip này giúp đc bạn ngay thay vì phải chờ tới khi bài về Multiband Compression ra lò. 😉
Nguyễn Thái Hà
ShadyShane says
Như vậy còn Expander thì sao? Em có nghe về Expander như một thiết bị làm tăng Dynamics nhưng không hiểu lắm. Ngược lại so với Compressor sao?
Nguyễn Thái Hà says
Chào ShadyShane,
Đúng như bạn nói, Expander có tác dụng ngược lại với Compressor nhưng ít phổ biến hơn nên mình không giới thiệu trong bài.
Diễn giải 1 cách nôm na, Expander giúp tăng cường sự khác biệt về cường độ âm thanh giữa phần to nhất và phần nhỏ nhất của âm thanh. Nó giảm bớt âm lượng của phần tín hiệu có cường độ thấp hơn ngưỡng chỉ định (Threshold) và tăng âm lượng cho phần tín hiệu có cường độ cao hơn Threshold.
Kết quả là Dynamic Range của âm thanh được cải thiện. Tuy nhiên, nếu dùng không cẩn thận, nó lại có tác dụng như 1 Gate vì làm giảm độ ngân của âm thanh.
Bạn có thể dùng Expander để lọc những track thu âm bị ồn dựa trên cơ chế này. 😉
Hi vọng bạn đã bớt thấy khó hiểu về Expander.
Nguyễn Thái Hà
Nguyen- Nguyen says
Hôm nay nghiền ngẫm câu trả lời về Expander này, rất hay! Cám ơn Nguyễn Thái Hà!
Tiến Thành says
chỉ có 1 từ để diễn tả cám xúc lúc này là : ” cám ơn bạn rất nhiều ” !
T-a says
bài viết của các anh rất bổ ích
Tạ quang thủy says
Mod quá nhiệt tình
Lê Ba says
Đọc bài viết của bạn có cảm giác liên tưởng đến tiến sĩ Lê Thẩm Dương 😀 ^ ^.
Giải thích những vấn đề trừu tượng, chưa bao giờ biết đến nhưng luôn luôn muốn nghe, muốn đọc từng chữ. Thích thú từ đầu đến cuối. Điều này rất ít thấy trong các diễn đàn khác.
Mình mới đang tập bước đi những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực này. Rất cảm ơn những chia sẻ của bạn.
Hi vọng sẽ còn nhiều bài viết hay như này nữa.
Àh, hi vọng sẽ có 1 cuốn giáo trình về lĩnh vực này. Chắc chắn nó sẽ rất dài, những mình tin chắc rằng dù có dài đến đâu thì chúng tôi cũng sẽ gặm hết từng từ :D.
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn Lê Ba rất nhiều.
Chúc bạn tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong lĩnh vực thú vị này. Về sách, chắc chắn sẽ có 😉
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà
Thịnh P0o says
Thông tin rất có ích 😀 cảm ơn tác giả
Tài says
Anh nói Expander giúp tăng cường sự khác biệt về cường độ âm thanh, nhưng lại làm giảm âm lượng thấp hơn quy định và tăng âm lượng khi nó cao hơn quy định, ko biết anh có nhầm ko hay do em chưa hiểu nhỉ, mong a phản hồi ạ
Nguyễn Thái Hà says
Chào Tài,
Cảm ơn Tài đã comment. Thực ra, các thuật ngữ như gate, limiter, compressor, expander sinh ra chủ yếu là để gọi tên các cách thức cấu hình khác nhau cho các bộ xử lý dynamics. Ví dụ như: khi bạn tăng ratio của compressor lên từ 10:1 trở lên, thì compressor nó được coi là Limiter. Và khi bạn tăng tiếp ratio từ 100:1 trở lên tới ∞:1 thì nó được coi là Brick Wall Limiter.
Bạn có thể thấy rất nhiều plugin hoặc stock plugin thậm chí họ còn đặt tên là Expander/Gate plugin vì 2 thứ này thực chất nó có thể tạo ra kết quả tương đồng tùy theo cách chúng ta cấu hình cái plugin đó.
Với 1 số dynamics processor cho phép tinh chỉnh rất sâu vào mọi thông số, thì Expander hoàn toàn có thể làm công việc của 1 chiếc gate.
Ví dụ, bạn có 1 signal biến thiên từ -30 dB tới -10 dB. Threshold bạn đặt -20dB. Expander này khi cấu hình phù hợp, nó có thể làm tăng level của phần tín hiệu có âm lượng từ -20dB tới -10dB trở lên cao hơn nữa. Và đồng thời có thể giảm âm lượng của phần tín hiệu có âm lượng từ -30dB tới -20dB xuống thấp hơn nữa. Rất linh hoạt.
Thông thường, các expander đơn giản chỉ quan tâm tới nửa trên của Threshold, tức là nó làm cho phần tín hiệu có level cao hơn threshold trở nên cao hơn nữa để tăng sự tương phản âm lượng với các phần tín hiệu khác của track. Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm điều ngược lại với negative ratio. Chỉ là không phải expander nào cũng cho ta đầy đủ các control để config ngược nó như vậy thôi.
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà.