Trong studio, loa monitor là công cụ không thể thiểu giúp các kỹ sư âm thanh đánh giá chất lượng và điều chỉnh các bản thu. Nhưng hôm nay tôi gặp các anh em ở đây không phải để nói về các loa monitor thông thường, mà để nói về một loại monitor cực dị nhưng lại vô cùng hữu dụng và phổ biến, đặc biệt là trong các studio thập niên 70s & 80s: single driver monitor hay còn gọi là loa monitor bổ trợ 1 đường tiếng cỡ nhỏ.
Tại sao lại dị?
Vì nó rất nhỏ, có mỗi 1 củ loa thay vì nhiều củ như các loại monitor khác, không có bass, ít treble… Nói chung là nếu bạn định nghe nhạc với mục đích thưởng thức trên các monitor này thì tương đối là hại thận. Vì sao lại hại thận? Vì bạn sẽ muốn mua thêm 1 cặp loa khác to hơn để nghe thay thế cho đỡ chán ngay.
Ok ok, đến giờ chắc anh em đang thắc mắc tại sao với ngần ấy thứ dị mà nó lại là công cụ mixing đắc lực của các kỹ sư âm thanh có kinh nghiệm.
Rất đơn giản, có những thứ chúng ta chưa thể hiểu được nếu chưa trải qua dù có nghe nói nhiều như thế nào.
Ví dụ:
- Loa monitor ko có bass, ít hoặc ko có treble nhưng lại giúp bạn nghe được nhiều chi tiết hơn cả các loa có đáp tuyến rộng. Quá dị
- Loa thì không đắt nhưng có 1 số thứ lại làm tốt hơn rất nhiều so với các cặp monitor có giá gấp vài chục lần. Quá dị
- …
Single-Driver Monitor cỡ nhỏ thường được sử dụng trong studio như là 1 hệ thống monitor bổ trợ. Gọi là bổ trợ vì bạn ko thể mix 1 bản nhạc từ đầu tới cuối chỉ với mình nó do dải tần thiếu hụt và áp lực tối đa hạn chế. Nhưng nếu bạn có hệ thống monitor chính đánh full-range hoặc gần full-range rồi, và có thêm loại monitor bổ trợ này, quá trình mix của bạn sẽ hiệu quả hơn, kết quả sẽ translate tốt hơn ra các hệ thống khác.
Và tôi cũng là 1 harcore fan của single-driver monitor.
Thôi, mồi chài thế đủ rồi. Hãy cùng tôi tìm hiểu lý do tại sao nhé!
Hữu dụng như thế nào?
1. Cung cấp góc nhìn khác về bản mix
Dù có là 1 cặp loa bluetooth rẻ tiền hay loa laptop đi nữa, nhưng khi dùng chung với monitor chính, bạn luôn luôn nhận được lợi ích rất lớn đó là có thêm 1 góc nhìn khác về bản mix.
Góc nhìn này có thể vén màn những điểm chưa hoàn hảo về mặt kỹ thuật hay nghệ thuật khi bản mix được phát trên những thiết bị có đặc tính kỹ thuật khác xa với loa monitor chính.
2. Phân định ranh giới bản mix ngon và bản mix chưa ngon cực kỳ rõ ràng
Bản mix tốt và bản mix xuất sắc (điểm A và điểm A+), tạm bỏ qua khía cạnh nghệ thuật, có ranh giới khá là mờ nhạt và cần kỹ sư âm thanh có kinh nghiệm phân định rõ ràng khi nghe trên loa monitor full range (kể cả là loa cao cấp).
Thế nhưng, trên các hệ thống monitor bổ trợ single driver, sự khác biệt này lại rất rõ rệt. Và nó còn tàn khốc hơn nữa nếu bạn so sánh 1 bản mix chuyên nghiệp của sao hạng A như Celine Dion với 1 bản mix nghiệp dư nào đó.
Bạn không thể giấu hết được tội lỗi trong quá trình mixing của mình trên hệ thống cao cấp dạng này. Mọi thứ đều phơi bày 1 cách rõ ràng, hiển nhiên, trần trụi. Khả năng bóc tách lỗi của bản thu trên hệ thống monitor bổ trợ dạng này càng đáng sợ hơn nếu bạn nghe ở chế độ true-mono. Lưu ý: khi bạn dùng 1 cặp loa và nghe ở chế độ mono, nó khác với nghe chế độ mono từ 1 chiếc loa duy nhất, có 1 củ loa duy nhất – True Point-Source.
Khi bản mix của bạn có 1 lỗi nào đó, nghe trên loa monitor thường bạn sẽ được nhắc khéo là “chưa hợp lý đâu, sửa lại đi”. Nhưng nghe trên single driver monitor, nó sẽ là “*** mày, sửa ngay cho bố!”. Đại loại là ở mức đó.
3. Kiểm tra khả năng translate của bản mix trên các thiết bị chơi nhạc cỡ nhỏ
Điều gì sẽ xảy ra khi bản mix của bạn bị gọt mất low và high frequency? Đó chính là những gì sẽ xảy ra khi người nghe nghe bản mix của bạn trên loa tivi, trên loa di động, loa bluetooth hoặc loa laptop… Kick drum, bass guitar, cymbal, hi-hat của bạn sẽ như thế nào? Còn nghe thấy tí xíu hay mất hút? Rồi bản mix của bạn khi đó có còn giữ được sự cân bằng, độ dày không hay chỉ còn là 1 lớp bọt xốp ong ong, mỏng tèo và mất cân bằng nghiêm trọng?
4. Track Level Balancing
Vocal bạn đang để to hay nhỏ so với nhạc nền, guitar solo đang lẹm quá, nhạc cụ chơi câu lót đang hơi to quá mức cần thiết so với vocal, snare đang hơi lẹm 1 chút so với kick?
Tất cả những vấn đề của bản mix liên quan tới sự không hợp lý trong phân bổ âm lượng cho các track khác nhau đều được single driver monitor lột tả rõ ràng. Khi tôi nói rõ ràng, ý tôi là không thể cưỡng lại được và phải sửa ngay kẻo nó vô lý quá.
5. Vocal/Lead Instrument Balancing
Bạn đang ở giai đoạn cuối mixing cho 1 ca khúc nhạc POP, mọi thứ đều hợp lý rồi. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng mọi âm tiết của lead vocal hay mọi nốt nhạc lead guitar cần được nghe rõ nét. Thay vì lấy compressor ra xử lý, bạn hãy làm Level Automation cho lead vocal/lead GT group.
Trong bối cảnh đó, không gì hữu dụng hơn là bật sang chế độ Mono Listening, chuyển kênh monitor sang single-driver monitor và thực hiện Level Automation.
6. Kiểm tra Stereo Image
Stereo image của single driver monitor cao cấp vô cùng chính xác, đáng tin cậy. Vì âm thanh mỗi chiếc loa phát ra từ 1 điểm duy nhất, không có crossover distortion, ít thành phần linh kiện tham gia vào quá trình tạo ra sự chênh lệch giữa 2 kênh L/R hơn.
Tuy nhiên, cũng chính vì ít linh kiện trọng yếu hơn nên nếu giữa các linh kiện này có sai số, stereo image của loa single driver ngay lập tức bị ảnh hưởng rõ rệt.
Do đó, trong quá trình sản xuất monitor DYNAMIK TPS, chúng tôi phải đo lường tất cả các đơn vị sản phẩm để đảm bảo dung sai giữa 02 đơn vị bất kỳ luôn nằm trong dung sai kỹ thuật cho phép (+- 1 dB trên toàn bộ đáp tuyến). Bởi vậy, bạn sẽ cảm nhận thấy sự khác biệt lớn giữa đẳng cấp của 1 cặp single-driver monitor cao cấp và sản phẩm giá rẻ cùng loại.
7. Đánh giá chiều sâu của bản mix (depth)
Các single-driver monitor khi thiết kế ra để làm monitor bổ trợ luôn làm theo nguyên lý sealed enclosure (tức là thùng kín) giống như Yamaha NS10M Studio. Thiết kế này có trung âm, đặc biệt là low mid vô cùng sạch sẽ do không bị trộn với trung âm và low mid thoát ra từ lỗ cộng hưởng của thùng loa Bass-Reflex phổ biến.
Khoảng tần số này lại rất quan trọng để đánh giá về độ sâu của sân khấu âm thanh. Cộng thêm với thiết kế single driver, các cặp monitor bổ trợ dạng này có khả năng phân tách được các layer nhạc cụ theo chiều sâu rất tốt.
8. Kiểm tra độ tách bạch của nhạc cụ, đặc biệt là ở trung âm
Sở hữu đáp tuyến hữu hạn, không có nhiều low và high frequency, khi nghe các single driver monitor, tai chúng ta ngay lập tức tập trung hoàn toàn vào trung âm – điểm mạnh nhất của chúng.
Việc thiếu đi low và high frequency không phải là nhược điểm mà lại chính là ưu điểm của các hệ thống này cho mục đích sử dụng đang nói tới. Khi cần đánh giá khu vực phức tạp nhất, giao thoa giữa các nhạc cụ nhiều nhất của bản mix là trung âm, điều đó vô tình giúp tai chúng ta được thư giãn hơn, bớt bị xao nhãng vì phải để ý tới các thông tin không cần thiết chứa trong low/high frequency.
Kết hợp với lợi thế low mid và mid range rất sạch của seal enclosure và mid range thuần khiết, không phải chắp ghép nhờ crossover của loa single driver, các hệ thống monitor bổ trợ này có khả năng tái tạo mid range vô cùng trung thực, rõ ràng và bóc lỗi cũng rất tàn khốc.
Bất cứ một vùng mid range nào đang phải tranh chấp giữa các nhạc cụ khác nhau đều được thể hiện rõ ràng. Khi bạn xử lý xong các khu vực này trên single driver monitor và quay trở lại nghe bản mix trên full range system, xin đừng quá ngạc nhiên vì sự thay đổi tuyệt vời mà nó mang lại.
9. Kiểm tra LF Transient
Nhờ thiết kế thùng kín, đáp ứng về mặt thời gian của các single driver monitor cực kỳ xuất sắc. Ở đây tôi ám chỉ tốc độ phản hồi, độ chính xác về mặt thời gian của loa so với tín hiệu gốc. Khi nguồn phát dừng, loa cũng dừng và ngược lại. Mọi thứ đều tức thời. Gần như không có chút delay nào cả.
Điều này giúp bạn nghe rõ ràng rất cả những thứ liên quan tới attack, transient, đầu nốt, mào đầu của không chỉ các âm thanh thuộc bộ gõ mà còn cả các nhạc cụ khác như vocal, piano, guitar… Bạn sẽ tách biệt được rõ ràng đâu là bass tạo ra từ vocal, đâu là bass tạo ra từ kick, từ synth, từ piano…
10. Kiểm tra Effect Level
Việc thiết lập effect level lý tưởng như reverb, delay, modulation… trên single driver monitor rất đơn giản. Khi bạn đặt reverb level cao hơn mức cần thiết, nghe nó sẽ thấy cao hiển nhiên và bạn không thể cố lờ đi mà giữ như vậy được.
Túm cái váy
Sự hữu dụng tuyệt vời của các hệ thống single driver monitor này là không phải bàn cãi. Nhờ chúng mà thời gian mix 1 bài hát thông thường 3-5 phút của tôi tiết kiệm được từ 30-40%.
Ranh giới giữa vừa đủ và không hợp lý, cân bằng hay mất cân bằng, tách bạch hay bị chồng lấn khi nghe trên các hệ thống này rất hẹp. Chính vì thế nó lại là công cụ hữu ích tuyệt vời dành cho các kỹ sư âm thanh, giúp chúng ta làm việc hiệu quả, nhanh chóng tìm được điểm ngọt của mọi yếu tố trong bản mix.
Khi bản mix của bạn nghe tốt trên cả main monitor (full range system) và single driver monitor, tôi tin rằng 90% nó sẽ có trải nghiệm nghe tương tự trên mọi loại thiết bị nghe nhìn phổ biến khác.
Chúc các bạn thành công trong cuộc chiến với vợ để có thêm 1 cặp single-driver monitor vào danh mục thiết bị của studio của mình! Khi vợ hỏi lý do, chỉ cần nhớ đưa cô ấy xem bài viết/video này bấm like, share là được! Auto duyệt chi! :v
===
Haizz, đã ít khách thuê mix rồi lại còn tự dưng đi chia sẻ bí kíp, sắp tới lấy gì mua sữa, mua bỉm cho con đây…. :v
Leave a Reply