Một vị Thần chết được tôn thờ bởi hàng trăm nghìn audio engineer trên thế giới từ 2005 đến nay! Đây cũng là vị Thần chết duy nhất đóng góp cả chục, hàng trăm nghìn sản phẩm audio chuyên nghiệp mỗi năm cho thế giới. “Ông” là ai???!!!
Dân studio gần như đã quá quen với những cái tên như Cubase, Protool, Logic, Studio One… Điều này khá dễ hiểu. Avid hay Steinberg đều là những thương hiệu lớn, có mặt cách đây rất nhiều năm nên DAW của họ nay đã tương đối hoàn thiện và đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều người dùng. Đó cũng là lý do vì sao bạn thường thấy những DAW này được khuyên dùng với người mới bắt đầu học về studio.
Mình là một người từng trải nghiệm qua rất nhiều DAW. Gần như mọi DAW có mặt trên thị trường mình đều đã thử, kể cả những DAW ít phổ biến hơn như Digital Performer (MOTU), Tracktio. Thế giới DAW thật rộng lớn, được khám phá và hiểu biết về chúng thật thú vị. Nhưng trong hành trình đẹp đẽ này mình chỉ thực sự choáng ngợp bởi một DAW duy nhất. Tên nó có vẻ không thân thiện lắm – Reaper (Thần… Chết).
Vốn có đầu óc phi thường và tầm nhìn đầy chiến lược, công ty Cockos được thành lập vào năm 2004 bởi Justin Frankel (người đã viết ra phần mềm nghe nhạc… làm loạn thế giới một thời – WinAmp). Chính điều này đã giúp chúng ta được sử dụng sản phẩm mà sau này trở thành thứ vĩ đại nhất họ từng tạo ra, chính là digital audio workstation mang tên Reaper mà chúng ta nói đến.
Được sinh ra dưới bàn tay đầy tài hoa của một coder và cũng là một nhạc công giỏi cuối năm 2005, Reaper đặt dấu mốc đầu tiên trong hành trình chinh phục trái tim của hàng trăm nghìn kĩ sư âm thanh và nhà sản xuất âm nhạc trên thế giới. Với hàng loạt những ưu điểm vượt trội, đội ngũ phát triển tài năng và cộng đồng ủng hộ nhiệt tình, Cockos đã hô biến Reaper từ một cái tên vô danh trở thành một huyền thoại. Reaper đã từng được đứng đầu Toptenreview khi phiên bản 4 ra đời và hiện là lựa chọn đáng tin cậy để sản xuất âm thanh, âm nhạc chuyên nghiệp trong rất nhiều studio cao cấp và live mixing engineer trên toàn thế giới.
Vậy điều gì khiến Reaper được yêu thích như vậy?
Vì sao Reaper tỏa sáng?
Siêu nhẹ, cài đặt nhanh gọn
Công bằng mà nói, Reaper là DAW nhẹ nhất tính đến thời điểm bây giờ mà mình biết. Mình từng cài rất nhiều phần mềm, trong đời mình chưa từng thấy một phần mềm nào có bản cài đặt nhẹ như Reaper mà lại toàn năng đến vậy. Gói cài đặt chỉ có 11-13 Mb thay vì cả vài Gb (1 Gb = 1024 Mb) như các DAW khác.
Cái cảm giác mình chưa uống xong hớp nước đã cài đặt xong thật là quá đã với mình. Lúc đầu, mình cũng rất nghi hoặc, với một phần mềm nhẹ như vậy liệu chức năng có đầy đủ và tốt hay không? Hóa ra, mình đã lo thừa. Reaper đảm bảo mọi thứ bạn cần như một DAW “chuẩn công nghiệp“.
Bộ cài đặt nhỏ gọn cũng giúp ích rất nhiều khi bạn phải thường xuyên di chuyển, sử dụng Reaper trên nhiều máy tính khác nhau. Thậm chí Reaper còn có riêng chế độ cài dành cho những người hay di chuyển. Chỉ cần chọn chế độ Portable và cài đặt lên USB, bạn có thể ngay lập tức tiến hành thu âm, mix trên bất kỳ máy tính nào khác sau khi cắm USB vào. Toàn bộ cấu hình phần mềm được giữ nguyên như khi làm việc trên máy tính của mình.
Tiết kiệm tối đa tài nguyên
Hiếm có DAW nào trên đời lại “ăn chay“ đúng nghĩa như Reaper. Một trong những DAW tiết kiệm CPU và RAM nhiều nhất trong lịch sử dùng phần mềm mình từng biết. Reaper không bao giờ cần “thêm muối“ vào CPU hay RAM của bạn. Trong suốt 5 năm sử dụng mình cũng rất hiếm khi thấy báo 100 % CPU khi đang làm việc.
Tốc độ thao tác trên Reaper rất nhanh. Mọi thao tác đều được phản ứng tức thời. Không hề có cảm giác trễ như trên các DAW ù lỳ khác.
Với cùng 1 project, cùng số lượng plugin được mở, cùng cấu hình về Latency, các DAW khác sẽ luôn bị drop out hoặc trở nên kém ổn định trước Reaper.
Siêu ổn định
Đến thời điểm bài viết này hoàn thiện là Reaper đã tồn tại 13 năm. Nó có khoảng nửa triệu code line ( dòng code ) chưa tính lượng script nhiều đến … kinh hoàng của nó. Bạn có thể gặp rất nhiều rắc rối với Studio One, Sonar, hay Protool hoặc Cubase khi chúng quét Plugin. Và mình đã không bao giờ phải nhìn cảnh đó khi tốc độ mở trung bình của Reaper (2-5 giây) là gần hơn 30 lần Protool. Có lẽ Reaper sẽ chiếm lấy trái tim bạn ở điểm này.
Trong 5 năm mình sử dụng, số lần Reaper bị crash là gần như bằng con số 0. Nếu có crash thì 99% là do plugin của hãng thứ 3 không ổn định.
Bởi vậy, Reaper rất được tin dùng bởi các live sound engineer vì họ có thể yên tâm mix, record một liveshow trên laptop hay rack PC với tất cả lợi thể của một digital mixer cao cấp mà không lo lắng bị drop out hay crash giữa chừng.
Các producer làm việc trong lĩnh vực sản xuất nhạc phim, nhạc game cũng ngày càng nghiêng về Reaper vì khả năng quản lý những session hàng vài trăm track với vô vàn VSTi (nhạc cụ ảo) một cách hiệu quả và ổn định.
Khả năng Mở rộng Vô tận
Một thứ nữa khiến mình mê mẩn Reaper đó là khả năng mở rộng vô hạn định của Reaper. Chỉ cần bạn biết một chút lập trình với ngôn ngữ EEL2, Python,LUA… thì hoàn toàn bạn có thể tạo ra được cho bản thân một plugin như bạn mong muốn và sử dụng được trong Reaper. Nếu bạn không biết lập trình? Yên tâm. Vì thế giới có nhiều audio engineer… giỏi hơn bạn. lel. Bạn có thể tải về những plugin tiện ích rất thú vị do chính cộng đồng Reaper tạo ra.
Bạn cũng có thể tự tạo giao diện, Toolbar, chỉnh sửa toàn bộ phần mềm để nó đúng như ý bạn muốn. Thậm chí cả màn hình chào phần mềm (Splash Screen), bạn có thể thay đổi nó thành một cố gái dễ thương giúp bạn có hứng làm việc hơn thay vì nhìn cái lưỡi hái logo của Reaper chẳng hạn. Điều này với các DAW khác bạn sẽ phải vô cùng nhọc công mới làm được. Với, Reaper điều đó là quá đơn giản.
Stock Plugin chất lượng tốt
Ngày trước, mình cũng từng là 1 anh Geek (nghiện sưu tầm) vst . Mình bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp và lời lẽ PR của các hãng phần mềm. Tuy nhiên, những stock plugin của Reaper đã dội một gáo nước lạnh vào mình. Có thể nói, chúng có thiết kế UI … cực kì tệ. Giao diện xấu nhưng chất lượng và hiệu quả thì đẹp vô cùng. Trên cả tuyệt vời, chúng được chia sẻ độc lập và hoàn toàn Free. Mình nghĩ mình sẽ kiên trì với Reacomp, ReaEQ… một thời gian rất dài. Nó căn bản là … quá tuyệt vời. (FanBoy detected)
Đôi khi bạn sẽ giật mình vì đã lỡ coi thường stock plugin của Reaper. Hãy thử so sánh trực tiếp các plugin này (ví dụ ReaComp, ReaEQ…) với plugin của hãng thứ 3 cùng chức năng, bạn sẽ thấy việc mình phải bỏ tiền ra mua hoặc tốn công sưu tầm đôi khi không thật sự cần thiết nữa.
Workflow dành cho Riêng Bạn
Mỗi người đều có một sở thích về cách làm việc khác nhau. Các DAW khác đều cần phải tuân thủ theo quy trình làm việc được thiết kế sẵn từ cách bố trí chức năng, giao diện… Reaper cho phép bạn tùy biến tất cả mọi thứ để có thể tối đa hóa hiệu quả làm việc.
Nếu bạn mix liveshow, có thể bạn sẽ không cảm thấy giao diện tiêu chuẩn phù hợp vì nó có nhiều thứ quá, làm mất tập trung.
Nếu bạn thu âm, thứ bạn quan tâm chủ yếu có lẽ là level của từng track, pre-fader meter và ưu tiên các điều khiển liên quan tới âm lượng, group…
Nếu bạn soạn nhạc, những thứ như effect rack, meter có thể làm bạn xao nhãng quá nhiều.
Đây chỉ là những ví dụ rất nhỏ về việc chúng ta có những nhu cầu khác nhau khi thực hiện một công việc khác nhau. Reaper cho phép bạn tối ưu workflow, giao diện tùy theo mục đích công việc một cách dễ dàng.
Project Bay và Media Explorer
Để mình kể cho bạn nghe câu chuyện lúc vào nghề. Lúc đó, mình khá gà mờ trong thiết kế âm thanh và làm việc tương đối kém hiệu quả. Lúc đó một clip đơn giản, mình phải mất hàng tiếng để tìm âm thanh mong muốn. Bạn không nhìn nhầm đâu, hàng tiếng. Một sự chậm trễ kinh khủng. Với tốc độ này mình xứng đáng bị cho nghỉ việc. Nhận thức được điều đó, mình đã cải thiện tốc độ qua cải thiện Workflow với DAW. Và Reaper đã giúp mình giải tỏa được nút thắt này.
Reaper có hệ thống Project Bay và Media Explorer trên cả tuyệt vời. Tốc độ của nó xứng đáng được gọi là “nhanh như ánh sáng“. Trước đây, một clip Stop motion làm cho trẻ nhỏ, mình browse tiếng hết khoảng 2 đến 3 tiếng. Một con số quá khủng khiếp, sau khi tối ưu hóa toàn bộ thông qua những thứ build in (nội tại) Reaper. Mình chỉ làm trong khoảng …30 phút.
Audio Editing Heaven
Reaper có nghĩa là thần chết, nghe có vẻ tiêu cực. Nhưng thực sự nếu bạn edit audio với Reaper. Bạn đang ở thiên đường.
Nó là DAW có tốc độ edit nhanh bậc nhất thế giới và tùy biến mạnh nhất thế giới. Điều này có thể hoàn toàn khẳng định được do Reaper có audio engine và cách quản lý file, thao tác tuyệt vời. Việc chỉnh nhịp cho cả một dàn 20 track acoustics drums trở nên rất đơn giản và nhanh chóng nhờ các công cụ phân tích, cắt, co kéo được thiết kế rất thông minh. Tốc độ làm việc rất nhanh chứ không bị ù lỳ sau khi đã thực hiện vài trăm nhát cắt trên vài chục track khác nhau như nhiều DAW khác (điển hình là Pro Tools).
Hệ thống Render siêu mạnh
Nếu đã từng Render Audio trong Reaper, bất kể là bạn xả hàng trăm track để xuất multitrack đi mix hay xuất nhiều project khác nhau với cơ chế nhận diện audio format thông minh…, bạn sẽ cảm thấy như bị chặt tay chặt chân khi sờ mó sang DAW khác.
Reaper cho phép bạn tinh chỉnh tất cả mọi thứ để xuất/xả file của 1 project một cách hoàn toàn tự động và nhanh chóng.
Chọn track -> Chọn cách xuất -> Chọn quy tắc đặt tên -> ngồi chờ. Xong.
Track mono sẽ ra mono, stereo sẽ ra stereo, multichannel sẽ ra multichannel với tên file, audio format đúng như ý muốn.
Nếu bạn muốn tập trung làm việc cho xong để cuối ngày xả 1 loạt project hay xả từng phiên bản của project đang làm tại các thời điểm khác nhau để so sánh? Quá đơn giản. Reaper có chức năng Render Queue. Bạn chỉ việc bảo nó cái này cần Render sau là Reaper sẽ tự nhớ và đưa vào danh sách. Cuối ngày, bạn chỉ việc bấm Render là Reaper sẽ tự mở lại từng Project, Render theo đúng quy tắc bạn lựa chọn cho TỪNG project tại TỪNG thời điểm khác nhau.
Một khi đã Render trong Reaper, bạn không thể cảm thấy thoải mái khi render với bất kỳ DAW nào khác
Chỉ có Thần chết mới làm được!
Hợp sức nhiều PC khác nhau
Bạn có máy tính phụ ít dùng tới hay đang đắp chiếu và thấy PC chính của mình có dấu hiệu hụt hơi? Không vấn đề gì hết. Reaper cho phép bạn kết nối, hợp sức giữa nhiều máy tính khác nhau tạo thành một hệ thống duy nhất một cách nhanh chóng thay vì phải thuê chuyên gia IT để thiết kế một trung tâm máy tính phức tạp.
Tài nguyên xử lý (CPU, Ram…) sẽ được chia sẻ giữa nhiều máy tính khác nhau. Bạn có thể theo dõi, phân luồng cho hợp lý, cho phép máy tính nào dùng plugin nào để cải thiện hiệu năng chung của toàn hệ thống.
Bản mix cá nhân với điện thoại, tablet qua Wi-Fi
Hãy tưởng tượng bạn đang cần thu âm cho 1 ban nhạc. Mỗi nhạc công lại muốn nhạc cụ của mình to hơn các nhạc cụ khác khi nghe qua headphone. Làm sao bây giờ?
Với Reaper, họ có thể sử dụng chính điện thoại, máy tính bảng mang theo trong người để tự mix bản mix headphone (cue mix) cho chính họ bằng cách kết nối qua wi-fi! Ai cũng hài lòng!
Bạn có biết rằng ta có thể thậm chí điều khiển được cả việc thu, playback… hay thiết kế luôn cả chức năng, giao diện của phiên bản Reaper trên điện thoại hay Tablet?!!!
Thu âm, hợp tác làm việc Từ Xa
Thời đại ngày nay, nhu cầu hợp tác làm việc từ xa giữa các nghệ sĩ, producer ngày càng lớn. Reaper nắm bắt được điều này từ rất lâu trước khi Steinberg bổ sung tính năng VST Connect vào Cubase hay Nuendo. Bạn có thể ung dung ngồi ở nhà và thu âm cho một nữ nghệ sĩ thổi kèn ở cách bạn hàng nghìn cây số qua mạng Internet với độ trễ tối thiểu!
Mixed track type
Một chức năng trên cả tưởng tượng của rất nhiều người. Ngày xưa, khi mình ngày đầu nghịch Protool hay Cubase, có lẽ điều mình cảm thấy phiền toái nhất trên đời này là quá trình tạo track mới rất phiền phức vì phải khai báo nhiều thông tin như Mono, aux, video, instrument, stereo track… Khi tạo track xong cảm hứng của mình đã tụt và chỉ còn cảm giác… bực.
Nhưng Reaper đã đến, cứu mình thoát khỏi cái sự luẩn quẩn này. Với Reaper, chỉ có 1 loại track duy nhất! Reaper sẽ tự động nhận diện định dạng dữ liệu, số kênh của track để xử lý và áp dụng các tính năng cho phù hợp. Tất tần tật từ audio, midi, video hay thậm chí… file ảnh GIF và Text!!!
Bạn có thể nhét toàn bộ video, ảnh, Midi, text, audio vào 1 track vào một thời điểm và tất cả sẽ chạy! Kinh hoàng hơn, bạn có thể thu midi và audio cùng một lúc nếu track đó là folder hoặc được nhận tín hiệu Midi.
Với Cubase, Folder track chỉ là track ảo để tổ chức, sắp xếp các track cho gọn. Nhưng Reaper coi Folder track chính là 1 track thông thường, bạn có thể insert FX như audio track. Và tuyệt vời hơn nữa, Reaper hiển thị luôn cả Waveform cộng gộp của các track con trong folder luôn!
Mixed track type là thứ không có tiền lệ và là thứ tuyệt vời nhất từng tồn tại trong cả thập kỉ phát triển audio của Cockos.
Spectral Peak & Spectrogram
Đây là tính năng vô cùng độc đáo cho phép bạn hô biến Reaper thành một bản rút gọn của Izotope Rx. Nó cho phép bạn nhìn chính xác dòng waveform của bạn có vấn đề gì và bạn có thể chỉnh sửa nó hoặc chí ít là mix nó tốt hơn.
Đây là tính năng mà dân Sound Design như mình biết là muốn khóc vì sướng khi có. Nếu bạn muốn thực sự giữ tiền trong hầu bao khi đang suy nghĩ về việc có nên mua những VST có chức năng hồi phục âm thanh không thì mình tin chức năng này chính là câu trả lời.
Automation Item
Là một tính năng siêu dị của Reaper cho phép bạn coi các dữ liệu automation như là một item (ví dụ audio item) – đối tượng cụ thể. Nhờ đó, bạn có thể làm tất cả mọi thứ bạn muốn với dữ liệu này như trim, copy, paste, cut, modulate, chồng lấn dữ liệu, bóp méo…
Nghe thì có vẻ giống FL Studio nhưng lại hoàn toàn không phải vì nó sâu hơn FL rất nhiều. Đây có thể nói là tính năng vàng đối với những người làm nhạc Electros vốn phải sử dụng automation cho effect rất nhiều.
Tính năng này mất hơn 7 tháng để phát triển. Và giờ nó trở thành 1 công cụ quá tuyệt vời cho những ai sử dụng Reaper vào mục đích sản xuất tốc độ nhanh.
Reaper Keymaping / Macro
Đây là một tính năng đặc biệt mà mình khoái từ rất lâu rồi. Đó là tính năng gộp toàn bộ action bạn muốn thành một và kích hoạt với 1 thao tác duy nhất.
Ví dụ bạn có thể cắt một mẩu âm thanh, normalize về 0dBFS peak và fade in, fade out nó chỉ với một phím tắt DUY NHẤT.
Mình đã tự xây được rất nhiều những action đa tác vụ như vậy và hiệu quả làm việc tăng lên đáng kể. Chính vì thế nên bạn đừng ngần ngại thử nhé.
ARA2
Một tính năng bom tấn cuối cùng mình muốn đề cập tới đó là ARA2 của Celemony sẽ được tích hợp vào Reaper trong thời gian tới. Dự đoán là vào bản 6. ARA là công nghệ thu âm và chỉnh cao độ âm không cần transfer vào Melodyne của Celemony đang phát triển.
Đây là tin mừng cho tín đồ Reaper như mình và những người dùng Reaper để thu âm thường xuyên.
SWS và Reapack
Reaper có 2 thứ khiến nó trở nên nhanh và mạnh như vậy đó là SWS Extension và Reapack.
SWS extension, một bộ extension hoàn toàn free được soạn ra dành riêng cho Reaper. Nó chứa rất nhiều tool hữu hiệu cho Reaper. Hãy tưởng tượng, mỗi khi bạn tạo 1 track mới và đặt tên là Guitar, nó sẽ tự thay đổi màu track thành màu vàng và insert một loạt plugin bạn hay dùng để xử lý guitar với setting định sẵn như bao project khác! SWS cho phép bạn làm được điều đó.
Bạn có thể đổi màu của track tự động, hô biến Reaper thành Cubase với Playlist, hay có thể tạo phụ đề cho phim của bạn ngay bên trong Reaper (thực sự lúc mình lần đầu làm phụ đề bằng Reaper , mình không biết nói câu gì để tả sự tuyệt diệu này)!. Cũng có rất nhiều script và soft cắm trong Reaper cần có SWS để chạy. Vậy nên đừng ngần ngại cài nó ngay nhé.
Vậy còn ReaPack?
Reapack là tập hợp các câu lệnh , vst , jsfx, script được đưa lên 1 server để người dùng có thể download về chỉ thông qua một Click. Thật không thể tin nổi khi mình down hơn 2400 script trongđúng 5 phút và tất cả chúng đều được cài tự động, mình chỉ kịp uống xong ngụm cà phê là Reaper đã xong việc. Reapack được đóng góp bởi các user trong Forum nên bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nỗi lo về chi phí nhé. Chúng hoàn toàn free. Bạn cũng có thể chỉ chọn vài thứ bạn muốn trong hơn 2400 script đó.
Reaper – Người thật thà
Mình trước đây làm cho một công ty truyền thông. Mà các bạn biết đấy, lời quảng cáo thì vô cùng khó tin. Nhưng cũng không hẳn tất cả là nói dối. Reaper đã chứng minh cho mình thấy rằng nó tuyệt vời hơn những gì mình được nghe rất nhiều. Mình đặt tiêu đề là người thật thà là vì Reaper thực sự nói rất thật những gì nó làm được. Hơn nữa nó có khá nhiều ưu đãi về trả tiền bản quyền cho phần mềm.
Reaper sẽ gây sốc bạn, khi họ đưa ra mức giá 60 đô la Mỹ cho quyền sử dụng cá nhân và 225 đô la Mỹ cho quyền thương mại. Nếu thu nhập của bạn hàng năm dưới 20.000$ và bạn làm việc độc lập, bạn đã có đủ kiều kiện để mua Reaper với giá 60$ (tương đương 1.3 triệu VND). Thanh toán cực kì đơn giản và nhanh đến không ngờ. Khoan … đợi một chút. Vậy thì có gì đáng nói!?
Tất nhiên là có. Bạn chắc hẳn sẽ cân nhắc rất nhiều khi quyết định bỏ ra gần 1 đến vài chục triệu để mua những thứ xa xỉ của Avid và Steinberg trong khi David Farmer (người thiết kế âm thanh của The Hobbit , người tạo ra tiếng của Smaug đầy huyền thoại) khuyên bạn nên dùng Reaper . Lúc đó bạn sẽ thấy rằng tiền của bạn đang dùng để mua thương hiệu chứ không phải cái gì bạn cần.
Reaper với giá cả siêu phải chăng và cực kì “thương yêu người dùng “ thì theo mình nghĩ chả có lý do gì không mua một DAW như thế này. Thứ làm được tất cả những thứ mà DAW đắt tiền kia làm được và nhiều thứ còn làm tốt hơn.
Cuối cùng , mình nói ngắn gọn về Support của Cockos. Có thể nói thế này, nếu bạn không tin cứ vào forum thử. Cộng đồng của Reaper cực kì nhiệt tình, siêu hài hước và cực kì giỏi. Mình từng bị ban IP Việt Nam. Nhưng đã được đích thân Justin gỡ. Cái cảm giác được gặp Mentor của mình sướng lắm. Mà chắc cũng chẳng nơi nào creator của DAW lại đích thân nghe người dùng than thở và gửi yêu cầu như ở đây.
Chung quy, Reaper không phải là tử thần bình thường mà là tử thần giết đi sự chậm chạp, giới hạn và thiếu chuyên nghiệp. Mình đã từng thử yêu nó và đến giờ này mình sẽ còn yêu nó mãi. Chúc các bạn cũng có một hành trình tuyệt vời như mình đã, đang và sẽ đi.
Về tác giả
Xin chào mình là ANIX, mình là một sound designer. Sở thích của mình là gaming và làm mọi thứ liên quan đến âm nhạc và thiết kế âm thanh. Nếu bạn muốn kết nối với mình thì có thể liên lạc với mình qua địa chỉ hansolumz [at] gmail.com hoặc Facebook.
Glu says
Chà đọc bài viêdt của bạn về 1 DAW mới mà mình đã muốn thử ngay như vầy! Nhưng mình vẫn thắc mắc, nếu Reaper thật sự toàn diện như vậy, có lịch sử phát triển lâu đời như vậy, tại sao nó vẫn ít được recommend trong giới producer/dj? Ý mình muốn hỏi về mặt hạn chế của DAW này so với các DAW nổi tiếng khác? Có phải chỉ là do chênh lệch nhau về thương hiệu? Nếu bạn nêu thêm 1 vài điểm hạn chế của Reaper nữa thì bài viết sẽ thuyết phục hơn rất nhiều! Cảm ơn vì bài viết!
Anix says
Hạn chế duy nhất của Reaper đó chính là nó có quá nhiều ưu điểm gây ra sự phức tạp và rối loạn. Hệ thống hoạt động của nó khác biệt hoàn toàn những gì được dạy trong trường học. Nó giống như một thế giới mở bạn ạ. Nếu bạn có trí thức để chinh phục nó thì bạn mới có đủ tầm nhìn về nó. Còn nếu như bạn không chịu thay đổi cách làm việc và tư duy theo Reaper. Reaper sẽ trở thành thần chết rất đúng nghĩa.
Hơn nữa, chính sách PR của Reaper là ” kệ” người dùng sẽ tự khuyến khích người dùng khác. Và mình thấy là họ đang thành công.
văn says
Bác cho em hỏi… có bản Crack cho những anh em như em để đc trải nghiệm ko ạ
Anix says
Có.Thực sự là bạn nên cân nhắc mua sau khi dùng nhé.inbox tác giả nha.
ThaiBanh says
Ad ơi, ad có hướng dẫn sử dụng Reaper ko ạ!!! cần lắm 1 người hướng dẫn
ThaiBanh says
Với cho em hỏi thêm là có cách nào tuỳ chỉnh giao diện lại cho giống hệt giao diện của Cubase ko ạ??
Giahuy says
Reaper Trên cả tuyệt vời
ndh says
11-13 mb trong qua trinh su dung no tang len nhieu ko vay . co can interner de dung ko?
Tấn Tài says
em đã nghiện và bị khuất phục hoàn toàn sau bài viết này