Trong năm 2022, ADAM Audio, một hãng âm thanh của Đức, đã ra mắt một series loa kiểm âm phòng thu mới với nhiều công nghệ hiện đại để cạnh tranh với các tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này như Genelec (Phần Lan), Neumann (Đức)…
Series A nhắm tới thị trường monitor tầm chớm trung, mang lại một bước nhảy nhẹ về hiệu năng nhưng lớn về công nghệ so với dòng T và dòng AX (A cũ) của ADAM Audio hoặc các studio monitor khác dành cho người mới nhập môn.
Model được đánh giá trong bài viết này là ADAM A4V – model loa nhỏ nhất trong toàn bộ series với woofer đơn 4 inch. Tuy nhiên, anh em đừng vội đánh giá thấp em nó. Dù bé xíu nhưng chiếc loa này sẽ rất hữu ích trong nhiều bối cảnh sử dụng thực tế của phòng thu chuyên nghiệp và cả với các bối cảnh khác nữa.
Video đánh giá chi tiết
Xem video để có trải nghiệm tốt nhất và minh họa chi tiết nhất:
Thiết kế Tổng thể
Series A được thiết kế để thay thế Series A cũ (AX) đã nhiều năm tuổi. Series A cũ này khá phổ biến tại Việt Nam và hiện vẫn còn được sử dụng hàng ngày trong rất nhiều studio ở miền Bắc, ít nhất đó là theo trải nghiệm của cá nhân tôi. Vậy bản thay thế có mang lại nhiều thay đổi tích cực hay không? Câu trả lời sẽ có ngay trong phần tiếp theo của bài viết.
Như một chuẩn mực bất thành văn đối với nearfield studio monitor cỡ nhỏ hiện đại, đặc biệt là ở phân khúc tầm trung, A4V có thiết kế 2 đường tiếng (2-WAY) true-active với woofer 4” và AMT tweeter, thùng loa bass-reflex, công suất tổng 130W Peak với 02 poweramp riêng cho tweeter và woofer. Điều này có nghĩa là A4V sẽ không cần power amplifier rời để hoạt động và có bass khá sâu so với kích thước woofer và thùng loa nhỏ. Tất nhiên, đổi lại, bạn sẽ phải sống cùng với các nhược điểm của Bass-Reflex enclosure mà tôi đã nói tới trong các bài viết trước.
Đáp tuyến hãng công bố trải rộng từ 52 Hz – 45 kHz (F6 / -6dB) tương đương với một monitor cỡ nhỏ có woofer 5” thông thường và áp lực âm thanh tối đa (Peak) 100 dB SPL cho mỗi chiếc loa. Những con số (theo đặc tả kỹ thuật trên) ở mức tạm dùng trong studio nhưng khá ổn khi ta để ý tới kích thước khiêm tốn của chiếc loa này. Bạn có thể sẽ hơi bất ngờ với độ “to mồm” của nó khi chơi thử trong phòng cỡ nhỏ.
Kích thước tổng thể của loa đo được là 268 mm (cao) x 158 mm (rộng) x 220 mm (sâu). Đây có thể coi là một nỗ lực của ADAM trong việc tạo ra một model monitor cỡ nhỏ, phù hợp với cả những studio tí hon tầm 5-10 m2. Tất nhiên, kích thước phòng như vậy không thể coi là lý tưởng nếu sử dụng làm studio control room. Nhưng đôi khi, vì nhiều lý do khác nhau, bạn không có sự lựa chọn nào khác. Và việc có một cặp loa đủ nhỏ để nhét vào thôi đã là may mắn rồi chứ đừng vội nghĩ tới chất lượng âm thanh chuẩn chỉ hay không.
Với các đặc tả kỹ thuật trên, rõ ràng ADAM có chủ đích biến chiếc loa monitor mini này thành lựa chọn cực kỳ đa năng, đáp ứng được nhiều bối cảnh sử dụng nhất có thể từ thu âm, mixing cho âm nhạc tới hậu kỳ video, broadcasting…
Các đặc tả kỹ thuật chi tiết, cổng vào (XLR, RCA), các chức năng cơ bản của A4V đều có thể tìm được trên website của ADAM Audio. Tại thời điểm bài viết này được đăng, ADAM Audio vẫn chưa công bố đầy đủ các đồ thị đo lường hiệu năng cơ bản của monitor. Tất cả các đặc tả kỹ thuật này chỉ có tính chất tham khảo. Chỉ bằng việc sử dụng thực tế, bạn mới có thể đánh giá chính xác được năng lực thực chất của từng model loa.
Audio Driver & Waveguide có khả năng đổi hướng
Trong series A mới, ADAM vẫn sử dụng chung AMT (Air Motion Transformer) tweeter tên là X-ART có mặt trên series A cũ. AMT là loại tweeter ADAM đã khai thác, sử dụng rất nhiều trong toàn bộ các sản phẩm của mình. Hãng có lý do hợp lý khi làm như vậy vì loại tweeter này có đáp ứng về mặt thời gian rất tốt, độ nhạy cao và khả năng tái hiện được cả khoảng tần số cao hơn phạm vi nghe của tai người rất đáng kể. Về ưu và nhược điểm cụ thể hơn của loại tweeter này, bạn có thể tham khảo bài viết đánh giá loa ADAM T5V của Tạp chí MIX.
Giống như ADAM T5V, X-ART tweeter được gắn vào HPS Waveguide của ADAM giúp hãng có thể kiểm soát được góc phóng của high frequency và khớp góc phóng âm thanh xung quanh crossover frequency giữa tweeter và woofer tốt hơn. Kết quả là khi nghe loa từ nhiều góc khác nhau, âm thanh biến thiên khá mượt mà và tương đồng cao với âm thanh thẳng mặt loa.
HPS Waveguide (máng dẫn sóng) được làm từ sợi thủy tinh đóng rắn (polymer resin & fiber glass) ở nhiệt độ cao giúp hạn chế cộng hưởng không mong muốn của máng dẫn sóng trong quá trình hoạt động ở mức âm lượng lớn. Do họng máng nông và kích thước hạn chế, khả năng kiểm soát góc phóng ở trung âm sẽ không tốt như các Waveguide cỡ lớn thường thấy của JBL, Neumann hay Genelec. Nếu so sánh HPS Waveguide và waveguide sử dụng trên series A cũ của ADAM, tôi sẽ chọn ngay HPS Waveguide. Lý do thì rất dài vì nó thuộc một chủ đề khác sâu hơn về thiết kế máng dẫn sóng hiện đại.
Điểm đặc biệt ở A4V chính là chiếc Waveguide cùng với tweeter này có thể xoay được ngang hoặc dọc tùy ý. Theo lý giải của hãng, họ làm vậy để bạn có thể đặt loa nằm ngang mà không phải hi sinh chất lượng âm thanh của loa. Tuy nhiên, việc xoay ngang waveguide này của A4V hoàn toàn không đi kèm với bất cứ tinh chỉnh vào trong crossover của loa. Do đó, bạn đừng kỳ vọng rằng loa sẽ có hiệu năng y hệt 100% so với khi đặt waveguide theo đúng hướng tối ưu mặc định ban đầu. Có thể frequency response sẽ không thay đổi nhiều giữa 2 hướng đặt, nhưng góc phóng của loa ở các tần số khác nhau sẽ bị tác động do HPS Waveguide có góc phóng tối ưu khác nhau giữa trục ngang và trục dọc. Điều này sẽ ảnh hưởng tới off-axis response và khiến điểm ngọt hẹp lại. Và trên thực tế, trong quá trình thử nghiệm, tôi cũng có trải nghiệm như vậy.
Woofer của Series A đã được thiết kế mới hoàn toàn. Màng loa sử dụng nhiều lớp sợi khoáng được nén chặt vào nhau để tăng cứng đồng thời hạn chế cộng hưởng mạnh ở high-mid. Điều này cho phép ADAM có thể đặt crossover frequency cao hơn (3000 Hz) giúp bảo vệ tweeter tốt hơn khi người dùng kết nối A4V với subwoofer và chơi ở âm lượng lớn hoặc rất lớn.
DSP POWER
Nếu nhìn vào lưng của A4V, có lẽ những người mới tham gia thế giới phòng thu sẽ hơi ngợp vì quá nhiều nút bấm, khác hẳn với những chiếc loa khác họ thường thấy. Không những thế, dù là một chiếc loa monitor, nó còn có cổng Ethernet giống như các monitor cao cấp Genelec đời mới.
Giống như series T, ADAM sử dụng thiết kế DSP Active Crossover cho toàn bộ model trong A Series. Với công nghệ xử lý kỹ thuật số và một chip xử lý mạnh mẽ hơn dòng sản phẩm cấp thấp, Series A mang lại rất nhiều lợi ích và chức năng hữu dụng cho người dùng cuối với độ trễ rất thấp.
Không chỉ giúp việc đảm bảo nhất quán về hiệu năng giữa từng đơn vị loa trên dây chuyền sản xuất dễ dàng hơn, công nghệ xử lý tín hiệu số (DSP) sử dụng trên Series A còn cho phép nhà sản xuất cài đặt sẵn rất nhiều lựa chọn về cân chỉnh đáp tuyến loa để bạn có thể điều chỉnh lại theo bối cảnh sử dụng thực tế:
- Active Equalization: Tinh chỉnh đáp tuyến của một số khu vực tần số định sẵn bao gồm các Low-shelf Filter, Upper-Bass Bell Filter, Presence Bell Filter, Treble High-Shelf Filter
- 6-Band EQ với các tinh chỉnh cá nhân hóa sâu hơn so với preset của hãng khi dùng kèm phần mềm ADAM Audio A Control
- Cân chỉnh âm sắc tổng thể (Voicing) của loa với 2 setting mặt định là PURE và UNR hoặc SoundID profile đồng bộ từ phần mềm Sonarworks sang
- Limiter giúp bảo vệ loa khỏi hư hại khi chơi ở cường độ âm thanh quá cao so với khả năng của model loa
Có thể nói, khả năng tinh chỉnh hiệu năng của loa sâu là nâng cấp đáng giá nhất của series A mới so với series A cũ (AX) và series cấp thấp hơn là T. Bạn đừng bao giờ sợ hãi khi can thiệp vào đáp tuyến của loa để loa có hiệu năng tốt nhất và trung thực nhất có thể trong bối cảnh sử dụng thực tế của mình. Khi bạn hiểu rõ mình đang làm gì thay vì vặn, bấm lung tung thì tính năng này của series A sẽ trở nên cực kỳ hữu dụng trong rất nhiều bối cảnh khác nhau.
Bạn nên nhớ rằng, âm thanh bạn nghe không bao giờ chỉ đến từ cặp loa mà còn là căn phòng và cách bạn bố trí loa, các đồ nội thất cỡ lớn đặt gần vị trí loa và vị trí ngồi nữa.
Active EQ
Với các preset đặt sẵn để cân chỉnh đáp tuyến cơ bản, bạn sẽ có 4 nhóm filter với các nhiệm vụ khác nhau:
- Bass: Dùng để điều chỉnh lại cường độ tương đối của âm trầm so với các tần số khác. Bạn điều chỉnh tùy theo cách bạn bố trí loa trong phòng, khoảng cách từ loa tới tường xung quanh, mức độ xử lý âm học bạn đã làm… Tất cả những yếu tố này đều sẽ ảnh hưởng đáng kể tới sự cân đối của âm trầm, do đó, đây là tùy chọn gần như mặc định mà loa monitor active nào cũng có
- Desk: Đúng như tên gọi, filter này sinh ra để giảm bớt tác động không mong muốn ở upper-bass và low-mid do mặt bàn lớn hoặc mặt mixing console lớn gây ra. Khi đặt loa gần mặt bàn cỡ lớn, loa sẽ dễ bị đục hơn, um hơn do âm thanh phản dội trực tiếp từ mặt bàn bổ trợ thêm cho âm thanh gốc ở khoảng tần số nói trên. EQ Filter dùng để xử lý nhóm tần số này ngày càng phổ biến trong các monitor cỡ nhỏ và thật sự hữu ích
- Presence: Filter giúp bạn điều chỉnh khoảng tần số từ 2 – 5 kHz dễ gây rát tai khi nghe lớn hoặc mờ khi nghe quá nhỏ. Nếu bạn hay bật loa to để lấy cảm hứng trong quá trình sáng tác, phối khí mà không muốn bị mỏi tai nhanh, bạn có thể sử dụng các preset của filter này. Theo ý kiến cá nhân, Presence Filter không phải là filter thiết yếu mà là ở dạng có thì tốt, sẽ có ích ở 1 vài tình huống cụ thể
- Treble: Đây là một high-shelf filter giúp bạn điều chỉnh cường độ của dải cao hoặc siêu cao từ khoảng 10 kHz trở lên. Thông thường, đây là filter ít được động tới nhất trừ khi bạn gặp vấn đề nặng về âm học hoặc muốn điều chỉnh âm thanh của loa theo đúng sở thích cá nhân của mình
Trong 4 Filter này, Bass là Filter có giá trị nhất và cũng có biên độ tinh chỉnh lớn nhất trên A4V. Tiếp theo đó là Desk Filter vì dù phòng của bạn có tốt tới mấy thì cái bàn vẫn không thể không có. Và tùy theo thiết kế bàn, rất ít bàn studio có thiết kế hợp lý về mặt kỹ thuật âm thanh để hạn chế tối đa tác động không mong muốn ở upper-bass và low-mid. Do đó, ở iSS Acoustics, chúng tôi luôn sử dụng bàn thiết kế đặc chủng và có kích thước nhỏ nhất có thể. 2 nhóm preset còn lại là Presence và Treble filter, bạn chỉ nên sử dụng khi thật sự cần thiết.
Voicing
Nói 1 cách đơn giản, voicing là các tinh chỉnh về âm sắc tổng thể của 1 chiếc loa. ADAM cho phép bạn chọn 02 voicing đặt sẵn là PURE, UNR và 01 lựa chọn mở rộng EXT.
PURE là thiết lập có đáp tuyến phẳng nhắm tới âm sắc trung tính nhất có thể. Đây là thiết lập tôi khuyên dùng với hầu hết các anh em có phòng thu được xử lý âm học tốt hoặc rất tốt.
UNR là thiết lập giúp âm sắc của loa giống với các sản phẩm monitor khác của ADAM hoặc monitor đời cũ hơn như AX chẳng hạn. Qua lời giới thiệu này của hãng và trực tiếp so sánh A/B giữa PURE và UNR Voicing, tôi đã khẳng định được cảm nhận của tôi về âm thanh của các monitor ADAM hồi trước là chính xác. Tôi đã nghe thử rất nhiều monitor nhưng riêng loa của ADAM tôi luôn cảm thấy âm thanh của nó được cân chỉnh để có hệ âm sắc riêng, đặc biệt là ở high-mid và presence. Và khi chuyển từ PURE sang UNR tôi ngay lập tức nhận thấy âm sắc đặc trưng đó quay trở lại.
Thiết lập UNR này hữu ích nếu bạn vừa chuyển sang series A mới từ các series monitor khác của ADAM mà đang phải mixing, mastering gấp để giao sản phẩm, chưa có thời gian làm quen loa mới nhiều. Tuy nhiên, lời khuyên của tôi là bạn hãy sử dụng thiết lập PURE để có trải nghiệm âm thanh tự nhiên hơn, trung tính hơn dù ban đầu nghe nó có vẻ khá tẻ nhạt. Đương nhiên, ít mùi ít vị thì nó luôn nhạt nhẽo hơn so với khi được thêm mắm thêm muối dù ít hay nhiều.
Lựa chọn Voicing thứ 3 (EXT) là lựa chọn rất đáng tiền. Nếu bạn đang sử dụng phần mềm Sonaworks để cân chỉnh âm thanh của studio, tôi khuyên bạn nên sử dụng lựa chọn này vì nó cho phép bạn lưu profile của Sonaworks trực tiếp vào monitor thay vì phải chạy trên plugin hoặc phần mềm tích hợp của Sonaworks. Tất nhiên, khi làm việc này, bạn hãy tắt Sonaworks trên hệ thống của mình để tránh thao tác cân chỉnh âm thanh bị lặp lại 2 lần.
Nếu bạn sử dụng Advanced EQ với EQ 6-Band trên phần mềm ADAM Audio A Control, Voicing của loa cũng sẽ được chuyển sang EXT thay vì PURE hoặc UNR.
ADAM Audio A Control
Khi mua ADAM A Series, bạn sẽ được cung cấp miễn phí phần mềm ADAM Audio A Control. Tới thời điểm hiện tại khi bài viết/video này được đăng, phần mềm này vẫn chưa có trên website của ADAM nhưng chắc chắn sắp tới hãng sẽ có cập nhật đầy đủ.
ADAM Audio A Control cho phép bạn kết nối các monitor của ADAM Series A để điều khiển nhanh trên máy tính giống như phần mềm GLM của Genelec dù không được sâu bằng GLM. Việc kết nối cũng rất đơn giản, chỉ cần một chiếc switch và vài sợi dây LAN đầu cắm RJ45 cắm vào các loa ADAM series A và máy tính là xong. Các chức năng chính của ADAM Audio A Control bao gồm:
- Quản lý nhanh toàn bộ loa ADAM Series A được kết nối trong hệ thống như âm lượng tổng, DIM (-20 dB), Mute, Input Connector
- Tinh chỉnh nhanh toàn bộ các điều khiển phía sau lưng loa cho từng chiếc loa trực tiếp từ máy tính
- Cập nhật firmware cho loa
- Tinh chỉnh Active EQ sâu hơn: Thay vì giới hạn trong EQ 4-Band với các thiết lập cố định, bạn có 6-Band EQ và hoàn toàn chủ động về các tham số như loại filter, Q, Gain và Frequency. Cực kỳ linh hoạt. Kể cả khi bạn không sử dụng Sonaworks, bạn vẫn có thể tinh chỉnh rất sâu vào âm thanh của loa nhờ 6-Band EQ này
- Nạp Sonaworks Profile từ máy tính vào các loa ADAM Series A được kết nối
- Điều chỉnh cường độ tương đối và độ trễ tương đối giữa các loa trong ADAM Series A trong cùng một hệ thống so với vị trí ngồi nghe. Đây là thiết lập cực kỳ giá trị nếu bạn có setup Surround Mixing hoặc phải làm việc trong một môi trường âm học không lý tưởng hoặc đơn giản là bù trừ dung sai sản xuất liên quan tới âm lượng của từng chiếc loa cụ thể
Tất cả các thiết lập này đều có thể save lại thành nhiều profile khác nhau để sử dụng cho các bối cảnh khác nhau. Ví dụ: Bạn có thể chuyển qua lại giữa setup Stereo Mixing hoặc Surround Mixing chỉ với 1 thao tác recall đơn giản.
Vậy còn Chất lượng Âm thanh?
Tất nhiên, đối với loa monitor, đây là phần quan trọng nhất.
Sau khi setup loa một cách hợp lý trong phòng lab của iSS Acoustics và chọn voicing PURE để đánh giá tổng thể, tôi ngay lập tức nhận thấy sự tự nhiên trong âm thanh của A4V so với series T lần trước đã review hoặc các loa series A cũ từng nghe. Âm thanh loa cân đối từ tần số thấp tới cao. Phantom center tương đối sắc nét, ổn định. Loa có khả năng tái hiện tốt các chi tiết nhỏ như đuôi reverb và delay, hiệu ứng âm thanh trong bản mix.
Trong quá trình mixing thử, việc căn chỉnh EQ, Dynamics khá đơn giản. Những thay đổi nhỏ khi cân chỉnh âm sắc nhạc cụ được thể hiện rõ ràng. Loa thể hiện transient hay mào đầu của âm thanh ở mid và high frequency tốt, một phần là nhờ đặc trưng của AMT tweeter được trang bị trên các monitor của ADAM.
Hãng công bố MaxSPL (Peak) 100 dB SPL, như vậy MaxSPL Continuous sẽ rơi vào khoảng 90-94 dB SPL. Trên thực tế, khi tôi nghe thử với 85 dB SPL Continuous tại 1m trở lên, âm thanh của loa đã bắt đầu có dấu hiệu méo tương đối rõ ràng và với 1 số nguồn phát có bass nhiều, thậm chí đèn Limiter đã bắt đầu nhấp nháy báo hiệu chế độ bảo vệ loa được kích hoạt. Bạn khó có thể kỳ vọng nhiều hơn được. Lý do?
Thùng và củ loa nhỏ, bass cố xuống sâu tới gần 50Hz, voice-coil woofer lại chỉ có đường kính 25mm thì đương nhiên độ nhạy của Low Frequency sẽ thấp, cần sử dụng nhiều công suất hơn khi đánh lớn, độ méo cả về THD, IMD, biến thiên nhiệt và cơ khí sẽ cao. Dù có làm tốt tới mấy, bạn cũng không thể thoát khỏi các quy luật vật lý cơ bản.
Bởi vậy, bạn chắc chắn không thể thực hiện thao tác kiểm tra bản mix ở áp lực âm thanh lớn một cách trung thực vì lúc này âm thanh đã bị méo và bị tác động bởi limiter.
Low-mid của loa cũng không thật sự rõ ràng mà hơi mờ. Đây là khoảng tần số cực kỳ khó thể hiện đối với các monitor cấp thấp hoặc cấp trung. 2 lỗ cộng hưởng đặt trước mặt của A4V dù đã làm mềm mép để hạn chế tiếng ồn của gió khi chơi ở SPL cao nhưng cũng không thể ngăn chặn hết được mid và low-mid trong thùng thoát ra và trộn với âm thanh gốc.
Do đó, khi mixing và EQ ở low mid, đặc biệt là khi bạn EQ cùng với các track khác đang phát chứ không phải ở chế độ solo, bạn sẽ khó cảm nhận được sự thay đổi ở low mid hơn so với khi làm ở high frequency.
Headroom hạn chế, đáp tuyến không đủ rộng ở low frequency và low-mid hơi mờ khiến khả năng translate bản mix ở mức khá nếu bạn chỉ sử dụng A4V để mix mà không tham chiếu với các main monitor hoặc thiết bị nghe nhìn khác.
Túm cái váy
Nếu bạn nghĩ tôi khắt khe khi đánh giá A4V thì bạn đã… đúng rồi đấy. Công bằng mà nói, khi cân nhắc về A4V, bạn phải cân nhắc cả 1 gói tổng thể từ tính năng tới chất lượng âm thanh. Dù âm thanh chưa thật sự toàn diện do kích thước quá nhỏ, bạn vẫn có thể làm được nhiều việc với monitor này.
Với tất cả những chỉ số kỹ thuật và chức năng được trang bị, chắc chắn, ADAM thiết kế A4V để trở thành một trong những model monitor đa nhiệm nhất trong phân khúc chớm trung cấp:
- Đáp tuyến đủ rộng từ 52 Hz trở lên để làm rất nhiều công việc cơ bản về audio
- Kích thước đủ nhỏ để bố trí trong những căn phòng chật chội và việc xoay được hướng của waveguide giúp đặt ngang loa khi cần mà không hi sinh quá nhiều hiệu năng của loa
- Rất nhiều tiện ích quản lý loa tiện lợi
- Khả năng tinh chỉnh rất sâu vào âm thanh của loa giúp bù trừ lại nhiều yếu điểm về phòng ốc hoặc việc bố trí loa chưa tối ưu trong các studio nhỏ
Riêng đối với cá nhân tôi, khả năng tinh chỉnh sâu vào âm thanh loa là điểm khiến A4V rất đáng tiền. Loa nghe tốt hay không thì còn phải xem không gian nơi nó được sử dụng như thế nào nữa.
A4V sẽ rất phù hợp với các bối cảnh sử dụng như sau:
- Làm loa monitor cơ bản khi Edit Video hoặc Edit Audio cho Podcast, Radio
- Làm loa monitor cho phòng giám sát hình ảnh, camera, Broadcast TV Control Room
- Làm loa surround cho các phòng mix surround cỡ nhỏ do giới hạn về maxSPL của nó
- Làm loa monitor khi phải làm việc lưu động vì kích thước nhỏ và bạn có thể điều chỉnh âm thanh loa cho phù hợp với không gian làm việc hiện tại
- Các tác vụ nghe nhìn hoặc bối cảnh cần loa có kích thước nhỏ mà không quá khắt khe về độ chính xác của âm thanh
Chúc các bạn có được sự lựa chọn đúng đắn!
Cảm ơn Công ty Việt Thương đã cung cấp sản phẩm để Tạp chí MIX thực hiện bài review này.
Leave a Reply