• Giới thiệu Team MIX
  • Liên hệ

Tạp chí MIX

  • Thu âm
  • Mixing & Mastering
  • Sự nghiệp
  • Công cụ
  • Sáng tác

Xử lý tín hiệu ngay từ khi thu âm – Nên/không nên?

31/03/2014 viết bởi Nguyễn Thái Hà 31 Comments

Gần đây tôi nhận được khá nhiều thắc mắc tương tự từ một số độc giả qua Facebook Page của Tạp chí MIX và cả facebook cá nhân. Nhận thấy đây là vấn đề vô cùng nguy hiểm nếu các bạn không hiểu được bản chất nên tôi quyết định phải viết để “cứu” lấy nhiều bản thu tại gia khác ngay từ trong trứng nước.

Hãy chuẩn bị tinh thần, đây là 1 bài viết dài và khô khan!

Đừng cắm mặt làm như một người thiếu hiểu biết

Tôi thêm các vst/thiết bị xử lý âm thanh vào khi thu âm để làm gì?

Đây là câu hỏi đầu tiên bạn cần đặt ra khi quyết định chèn thêm bất cứ VST, phần cứng nào vào chuỗi xử lý tín hiệu đầu vào (input). Bạn có chắc là mình đang đi đúng hướng không nếu bạn không hiểu mình làm để làm gì? Vấn đề ở đây không phải là cuốn sách nào, người nào làm như vậy. Bạn phải tự đưa ra nhận xét, trong trường hợp này, việc xử lý tín hiệu sẽ giúp cho kết quả tốt hơn hay chỉ làm mọi thứ tồi tệ đi?

Để trả lời được câu hỏi đó, chúng ta cần quay trở về những nguyên tắc cơ bản nhất. Khi thu âm, nhiệm vụ của chúng ta là thu được âm thanh tốt nhất có thể ngay từ đầu bằng mọi cách. Sự “tốt” ở đây bao gồm nhiều yếu tố: cường độ tín hiệu, chất lượng tín hiệu, khả năng xử lý ở các công đoạn sau, sự cân đối về mặt âm thanh, sự biểu đạt về mặt âm nhạc.

Vì thế, việc xử lý tín hiệu đầu vào khi thu âm chỉ nhằm phục vụ mục đích đạt tất cả các tiêu chí trên ở mức cao nhất có thể mà thôi. Nếu bạn không chắc rằng việc mình đang làm có đóng góp tích cực vào bản thu theo một trong các yếu tố này, tốt nhất là bạn hãy làm mọi thứ đơn giản nhất có thể, lược đi các thao tác xử lý thừa càng nhiều càng tốt.

Nói thì dễ, làm mới khó

Ok ok, tôi hiểu rằng có lẽ 1 phần nào trong bạn đang gào rú lên như thế. Tôi khẳng định tôi hiểu vì ngày trước tôi cũng thế! Khi bạn nghe bất cứ một producer hàng khủng nào nói chuyện, trả lời các kỹ thuật thu âm, mixing, câu trả lời ngắn gọn mà hay gặp nhất là: TÙY!

Thật quá là stress cho người hỏi khi nhận lại những câu trả lời chung chung như thế! Nhưng đó lại là sự thật và là câu trả lời chính xác nhất! Chỉ có kinh nghiệm sản xuất âm nhạc, thẩm mỹ âm nhạc tốt mới giúp bạn giải quyết được chữ TÙY này!

Tôi hiểu chờ tới lúc ý, có thể một số bạn sẽ nản nên cố gắng đưa ra những gợi ý và lý giải dễ hiểu nhất để bạn biết đường mà đi, biết lối mà lội (câu này ăn cắp trong bài khấn của mẹ).

Nguyên tắc làm việc của tôi trong đa số các trường hợp là:

Định lượng hóa, chia nhỏ mọi thứ thành tiêu chí cụ thể để xóa đi sự mù mờ, cảm tính.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn nhận sự “tốt” của tín hiệu âm thanh theo các góc cạnh khác nhau như tôi đã liệt kê ở trên (ví dụ: cường độ, chất lượng, khả năng xử lý về sau, sự cân đối về mặt âm thanh, biểu đạt âm nhạc). Sau đó, hãy nghĩ về từng khía cạnh nhỏ này xem việc xử lý tín hiệu âm thanh ngay từ lúc thu có thực sự làm mọi thứ tốt hơn theo khía cạnh tương ứng không?

Để viết cụ thể cho từng tiêu chí này tôi cần ít nhất 20 trang giấy. Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ nói tới khía cạnh liên quan tới sự cần thiết/không cần thiết của việc sử dụng thiết bị xử lý âm thanh.

Tiêu chí “Cường độ tín hiệu”

Bạn hãy tự hỏi mình thế nào là cường độ tín hiệu đầu vào tốt? Trong môi trường làm việc kỹ thuật số 24/32 bit (tự hỏi thời nay còn ai đang thu với Project Settings là 16 Bit không vậy????), bạn không cần phải thu âm ở mức cường độ cao nhất có thể như 16 bit nữa vì noise floor của môi trường 24/32 bit rất thấp. Nhờ đó, bạn chỉ cần điều chỉnh nút output hoặc input của PreAmp, Audio Interface sao cho phù hợp, peak cao nhất vẫn dưới 0dB vài decibel. Bạn sẽ luôn trong vùng an toàn!

Thiết lập project ở 24/32 Bit có rất nhiều cái lợi!

Thiết lập project ở 24/32 Bit có rất nhiều cái lợi!

 

Vậy bạn có cần thêm plugin hay analog compressor nào không? Câu trả lời là không.

Tiêu chí “Chất lượng tín hiệu”

Ở đây tôi muốn nói tới việc tín hiệu âm thanh không bị méo, giật, xì xoẹt, ồn, pop, click hay những vấn đề tương tự. Liệu các thiết bị xử lý tín hiệu âm thanh, plugin có giúp bạn giải quyết được vấn đề? Đa số là không. Hãy tự tối ưu hệ thống thu âm của mình từ máy tính làm nhạc, audio interface, thiết lập ASIO/CoreAudio Driver, cable, thiết bị ngoại vi, cách âm, tiêu âm thật kỹ. Bạn có thể yên tâm rằng mình đã hạn chế được tối đa những vấn đề ảnh hưởng tới tín hiệu âm thanh đầu vào mà không cần thêm bất kỳ hiệu ứng nào cả.

Tiêu chí “Khả năng xử lý về sau”

Mục đích của bạn khi sử dụng EQ, Dynamic Processor, Reverb… ngay trong quá trình thu âm là gì? Để cho âm thanh rõ hơn? Để loại bớt các tần số không cần thiết? Để ca sĩ cảm thấy mình hát tốt hơn?

Tất cả những trang thiết bị nào trực tiếp thay đổi âm thanh đầu vào mà kết quả của nó được lưu thành file đều không thể thay đổi về sau và cản trở các công đoạn sản xuất âm nhạc khác.

Bởi vậy, nếu bạn pre-amp của bạn có Compressor, EQ hay đái ra quần (ví dụ preamp Millennia STT-1 Origin mà studio chúng tôi đang sử dụng), đừng ham hố vặn/chỉnh bét nhè! Hãy coi nó như 1 công cụ “nhuộm màu” âm thanh mà thôi! (Thực tế, Millennia STT-1 lại là 1 preamp dạng “siêu sạch”, EQ, Compressor của nó cũng thế nên hầu như không nhuộm màu âm thanh. Nút duy nhất tôi hay dùng trên đó là… HighPass Filter tại 100 Hz).

Trông đèn thì kinh thế này thôi, nhưng khi thu vocal tôi chỉ bật mỗi cái HighPass Filter :v

Trông đèn thì kinh thế này thôi, nhưng khi thu vocal tôi chỉ bật mỗi cái HighPass Filter :v

Nếu bạn định dùng outboard compressor CHỈ để tránh clipping khi thu âm? Hơi phí tiền 1 tí, vì chúng ta đang ở thời đại 24 bit, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa việc đó một cách hiệu quả hơn. Hãy cho ca sĩ rehearse (tập nháp) cẩn thận, dặn qua họ về vị trí đứng mic phù hợp và căn chỉnh lại input/output của Mic Pre.

Nếu bạn thấy giọng hát/nhạc cụ nghe tối, um và vội chỉnh EQ trên Pre-Amp để giải quyết vấn đề đó? Quá sai lầm! Hãy đọc tiếp đoạn văn tiếp theo để tìm hiểu tại sao.

Hãy sử dụng các thiết bị xử lý âm thanh INSERT trước AD Converter (ở vị trí này, âm thanh thu vào sẽ ghi trực tiếp thành file và không thể undo) ở mức nhẹ tay nhất có thể! Tốt hơn hết là… không dùng khi bạn không đủ kinh nghiệm.

Tôi biết có nhiều producer trình độ rất cao mix ngay trong quá trình thu âm, nhưng đấy là họ chứ không phải chúng ta. Họ biết chính xác mình cần cái gì ở sản phẩm cuối cùng và biết rõ mình cần làm gì để có được cái đó NGAY tại lúc thu âm nên mới làm thế. Bạn có chắc mình sẽ cần compress vocal đi 4-7 dB với attack 5ms, release 250 ms, ratio 4:1 không? Và điều gì sẽ xảy ra nếu bạn compress rồi, nhưng trong quá trình mix bạn nảy ra ý tưởng tiếp cận khác với vocal cần ratio thấp hơn, knee mềm hơn với Gain Reduction cao hơn?

Sự nguyên bản của tín hiệu khi thu âm mang cho chúng ta hạnh phúc lớn nhất là được thử tất cả các ý tưởng có thể có trong quá trình mixing!

Nhắc lại câu này giúp tôi: Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm mọi cách có âm thanh tốt nhất với sự can thiệp ít nhất vào nguồn âm thanh gốc.

Tiêu chí “Sự cân bằng”

Thật sự đây là điều khó nói. Nếu chưa đủ kinh nghiệm, bạn sẽ rất dễ cho rằng vấn đề của nguồn âm thanh đang thu sẽ dễ dàng xử lý trong các bước sau với EQ, Compressor… Sự thật đôi khi không phải như vậy.

Hãy thử dí Large Diaphragm Condenser microphone dạng Omnidirectional (không định hướng) thật gần Acoustic Guitar chơi Fingerstyle trong 1 căn phòng xử lý âm học tồi, bạn sẽ thực sự thấm điều tôi nói! Không biết bạn thế nào, với tôi, trường hợp này là bất khả cứu chữa. (Tại sao nó bất khả cứu chữa thì các bạn sẽ dần biết khi theo dõi Tạp chí MIX thường xuyên qua Facebook Page.)

Sự cân bằng ở đây được hiểu theo nhiều khía cạnh:

  • Tần số âm thanh: Acoustic Guitar nghe có cân bằng không hay đang bị um, tiếng đang bị mỏng? Vocal nghe có cân bằng, đầy đặn không hay mỏng toẹt? Vocal nghe dày nhưng lại bí? Microphone có vẻ quá nhạy với tần số trầm?
  • Âm thanh và tạp âm: Tiếng guitar vs tiếng loẹt xoẹt ngón tay di chuyển trên dây, chạm dây vào phím, chạm tay vào body?
  • Âm thanh gốc và reverb tự nhiên: Âm thanh nhạc cụ từ Close Miking hòa trộn bao nhiêu % vào âm thanh reverb tự nhiên là đủ?
  • …

Rất nhiều thứ để cân nhắc. Bạn định giải quyết đống này bằng EQ hay Compressor hay Reverb trong quá trình thu? Xin hãy cân nhắc thật kỹ.

Hãy làm như tôi hướng dẫn. Tùy vào nguồn âm thanh cần thu, ví dụ vocal hay guitar, bạn hãy đưa ra những tiêu chí định lượng cụ thể. Ví dụ: với guitar, tôi phải có tiếng pick/gảy dây, phải có chút không khí (dải Air trên 12-14k), body, một chút lực căng, một chút xíu hơi người nhờ tạp âm khi chuyển thế tay, một tí ti reverb tự nhiên để tạo độ sâu (có thể lấy từ mic thứ 2)…

Khi thu cho anh bạn này, tôi phải rất đau đầu để lấy được âm thanh thô tốt nhất trước, sau đó mới compress 1 chút trên DAW

Khi thu cho anh bạn này, tôi phải rất đau đầu để lấy được âm thanh thô tốt nhất trước, sau đó mới compress 1 chút trên DAW

Từ đó, bạn tìm mọi cách để đạt được sự cân bằng đó mà không sử dụng bất cứ một thiết bị, plugin nào cả. Hãy tắt hết chúng đi, chuyển chế độ nghe từ stereo sang mono để phát hiện bất cứ vấn đề về phase cancellation nào (nếu thu nhiều mic) và nghe thật kỹ trên Monitor, Headphone.

Nếu thấy âm thanh qua monitor có vấn đề, hãy đổi vị trí đặt mic.

Vẫn có vấn đề? Đổi mic khác.

Vẫn có vấn đề? Đổi Pre-Amp.

Vẫn có vấn đề? Đổi sang phòng khác.

Vẫn có vấn đề? Đổi sang ngày hôm khác.

Vẫn có vấn đề? Đổi ca sĩ/nhạc cụ/người chơi.

Nguyên tắc này đúng với tất cả các loại nhạc cụ chứ không chỉ cho thu vocal. Vậy bạn có cần EQ, Compressor, Reverb để giải quyết bài toán này? Không.

Tiêu chí “Biểu đạt âm nhạc”

Tiêu chí này quan trọng nhất, đóng góp ít nhất 50% vào chất lượng âm thanh đầu vào. Đó cũng là lý do chính để chúng ta sử dụng hiệu ứng phụ trợ.

Bạn có thấy chúng ta làm mọi thứ đều tốt hơn nếu có đủ tự tin? Điều này đặc biệt đúng trong studio – nơi thử thách bản lĩnh của người chơi nhạc. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện giúp họ có được sự thoải mái, tự tin để thể hiện hết năng lực của bản thân.

Trong bài viết, tôi sẽ bỏ qua các yếu tố như phải phục vụ nước nôi, chỉnh điều hòa nhiệt độ, ánh sáng… mà tập trung vào việc dùng thiết bị/plugins audio phụ trợ. Tất cả những công việc này chỉ nên sử dụng trong DAW chứ không phải trên Pre-Amp hay các thiết bị đặt trước AD Converter có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn âm thanh thu vào.

Họ sẽ tự tin hơn nếu nghe rõ cả nhạc nền và phần thể hiện của mình.

Ok, hãy cho họ test vài lần. Nếu lối chơi của họ quá dynamic chứa cả phần thể hiện rất nhỏ và rất to? Hãy giảm âm lượng và EQ sơ qua phần nhạc nền sao cho họ nghe rõ phần thể hiện của mình kể cả khi thể hiện với volume nhỏ chứ đừng EQ tín hiệu đầu vào mạnh tay.

Nếu bạn vẫn thấy đoạn hát/chơi nhỏ khó nghe? Bạn hãy sidechain compress nhạc nền với track đang thu sao cho mỗi khi ca sĩ cất mõm, nhạc nền sẽ bị giảm volume đi 1 tí. Thậm chí, bạn chỉ cần sidechain compress 1 nhóm tần số cụ thể trên nhạc nền hoặc nhạc cụ xung đột chính với giọng hát mà thôi!

Chuỗi hiệu ứng xử lý tín hiệu audio khi thu Vocal của tôi chỉ đơn giản thế này thôi

Chuỗi hiệu ứng xử lý tín hiệu audio khi thu Vocal của tôi chỉ đơn giản thế này thôi

Bạn thấy đấy, chúng ta vẫn có thể làm phần thu nghe rõ mà không cần dùng EQ, Compress trực tiếp trên tín hiệu đầu vào phải không? Vì đơn giản, chúng ta đã chuyển những việc xử lý này sang phần nhạc nền rồi. Nó chỉ là sự cân đối thôi mà! Hơn nữa, bạn cần nghe tín hiệu đầu vào nguyên bản nhất để phát hiện ngay các vấn đề phát sinh. Do đó, hãy sáng tạo lên chứ đừng mù quáng nghe theo lời của những người khác hay sách vở.

Họ sẽ tự tin hơn nếu cảm thấy những gì họ nghe trong monitor headphone giống với môi trường bên ngoài.

Mấu chốt là ở môi trường bên ngoài có reverb tự nhiên. Ok, bonus cho tí reverb trên đường send trong DAW hoặc outboard reverb. Tuy nhiên, hãy để 1 ít thôi nếu không họ sẽ không nghe rõ cao độ do bị reverb lấp đi và ảo tưởng về trình độ của mình!

Đó là tất cả những gì tôi làm với các thết bị/plugin phụ trợ khi thu âm. Với bạn có thể cần nhiều hơn nhưng hãy luôn nhớ tới mục đích cuối cùng của công việc này.

QAS Compression – Khắc tinh của những bản thu phò

Do luôn cố gắng duy trì sự trung thực tối đa trong quá trình monitoring, nhiều khi tôi không nhận thấy rõ ràng hoặc đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của 1 vấn đề, sự cố nhỏ nào đó trong quá trình thu âm với lượng hiệu ứng cực kỳ tối thiểu. Tại sao? Vì lúc mixing, trải qua nhiều khâu xử lý, compression, những lỗi nhỏ trong âm thanh mới càng ngày càng lộ rõ. Nhiều khi dù đã ước lượng, bù trừ trong quá trình đánh giá tín hiệu đầu vào trước khi thu âm, tôi vẫn gặp sai lầm! Đôi khi, tôi phải thu lại vì không thể sửa nổi!

Nhằm tránh phải gặp những tình huống dở khóc dở cười đó, tôi nghĩ ra 1 phương thức đơn giản khác và đặt tên là QAS Compression.

Để phát hiện nhanh các vấn đề tiềm tàng về sau, bạn hãy sử dụng 1 compressor trên đường Input của nhạc cụ đang thu trong DAW, thiết lập extreme với tỉ lệ nén cao (tầm 8:1), attack nhanh, release nhanh, chỉnh threshold sao cho gain reduction tầm 10dB rồi… tắt compressor này đi. Nghe ngu vãi! @@ Vừa chỉnh 1 đống thứ rồi lại tắt đi? Đừng nóng, tôi làm có lý do cả mà.

QAS Compressor - Luôn tắt trong lúc bấm thu

QAS Compressor – Luôn tắt trong lúc bấm thu

Tất nhiên, thiết lập trên sẽ cho bạn thứ âm thanh… như c*t! Nhưng nó được việc lắm đấy! Vai trò của compressor này trong chuỗi xử lý tín hiệu là 1 Quality Assurance Specialist (QAS) – chuyên viên quản lý chất lượng. Nó sẽ moi móc hết những lỗi, tạp âm nho nhỏ, pop/click, reverb tự nhiên quá đà, distortion… trong quá trình thu âm ra để bạn nghe một cách rõ ràng bất cứ khi nào muốn kiểm tra lại. Thậm chí, nếu bạn vừa ưng ý với 1 vị trí đặt mic mới, hãy bật tạm thời QAS Compressor lên để xem trước xem có vấn đề gì không rồi lại tắt đi.

Bạn chỉ cần nhớ không bao giờ dùng QAS Compressor trong quá trình bấm nút thu âm là được. Hãy save nó lại thành 1 preset để gọi lên trong quá trình thu âm nhé. Nếu dùng Cubase/Nuendo, bạn có thể download luôn preset tôi làm sẵn ở đây: TC MIX – QAS Compression Preset

Đánh đổi

Luôn có sự đánh đổi trong việc sử dụng/không sử dụng thiết bị/plugin phụ trợ khi thu âm. Bạn dùng quá nhiều hiệu ứng thì sẽ giảm độ trung thực khi monitor phần thu. Bạn sẽ đánh giá 1 bức tranh thế nào khi bạn nhìn nó qua 1 tấm màn? Nhưng nếu không sử dụng và để mọi thứ quá trần trụi thì người chơi nhạc sẽ khó đạt được cảm xúc, độ chính xác cao nhất.

Nếu  bạn sử dụng Native Plugins (các plugin xử lý bởi CPU máy tính, thay vì Card rời kiểu UAD), việc chèn nhiều plugin sẽ khiến bạn khó đạt sự ổn định của hệ thống với độ trễ thấp. Điều này rất ảnh hưởng tới cảm xúc, độ chính xác của người nghệ sĩ. Hãy tận dụng các DSP Plugin hoặc sử dụng các plugin nhẹ nhất (thường là các plugin đi kèm với DAW). Trong trường hợp bạn không có DSP Plugin, hãy dùng Direct Monitoring của Audio Interface (các Audio Interface thế hệ mới đều hỗ trợ và cho phép bạn mix giữa tín hiệu thu âm trực tiếp (chưa qua máy tính) với tín hiệu thu âm đã chạy qua máy tính.

Tóm lại, toàn bộ những công việc có dính tới plugin, thiết bị xử lý tín hiệu phụ trợ như EQ, Compressor (không tính QAS Compressor tôi vừa nói), Limiter, Reverb… CHỈ nên thực hiện ở mức nhẹ tay nhất có thể SAU khi bạn đã xác nhận rằng âm thanh thu vào thỏa mãn 4 tiêu chí: cường độ tín hiệu phù hợp, chất lượng tín hiệu tốt, sự cân bằng tốt.

Hi vọng các bạn đã phần nào cảm thấy âm thanh, âm nhạc là 1 thứ bớt mù mờ, cảm tính hơn và có những bản thu tốt, không làm thằng mixing engineer rủa thầm trong bụng vì phải giải quyết đống c*t vừa được nhận (tôi đã từng như thế :v). Hehe. Nếu có gì chưa rõ, các bạn cứ thoải mái comment ở dưới nhé. Giúp được gì mình sẽ giúp hết sức.

Thân mến.

(Visited 20,911 times, 1 visits today)

Nên đọc thêm:

  1. Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”
  2. Đánh giá Adam T5V Studio Monitor
  3. Bên trong “Thế Giới Tưởng Tượng”
  4. Harrison Mixbus 3 – Đột phá bằng cách quay ngược thời gian
  5. Cubase Elements 7: Bạn có sẵn sàng từ bỏ Cubase 5 Full?
  6. H&Đ #2: Vocal production, EQ, Reverb & mixing Strings… (có audio minh họa)

Filed Under: Thu âm Tagged With: compression, preset, quan điểm

About Nguyễn Thái Hà

Sound system & Acoustics Designer
Với hơn 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực studio, thiết kế studio và hệ thống âm thanh, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng cộng đồng những người yêu âm thanh, âm nhạc phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hãy kết nối với tôi qua Facebook cá nhân nhé!

Rất vui được làm quen và làm việc cùng bạn.

Comments

  1. Mèo says

    31/03/2014 at 02:13

    Bài viết rất hay!! 😀
    Em chưa hiểu thuật ngữ sidechain compress lắm, anh có thể giải thích giúp em được không ? 🙂

    Reply
    • mastic says

      17/04/2014 at 00:15

      Em xài cubase , khi mix nhạc , hay bị tiếng noise xì nền kể cả khi không ấn play , mới đầu e cũng ko quan tâm lắm , cho đến khi nghe kĩ bản đã export cũng bị kèm theo tiếng đó , khi mix trên audition e ko bị hiện tượng này anh ạ

      Reply
    • Huey UH-1 says

      31/03/2021 at 10:35

      bthg bạn compress là dùng tín hiệu của track đó (A), nếu vượt ngưỡng thì giảm tín hiệu track A.
      nhưng sidechain là dùng 1 tín hiệu của track khác (B) gửi vào compressor track A, nếu vượt ngưỡng thì giảm tín hiệu track A

      Reply
  2. Nguyễn Thái Hà says

    31/03/2014 at 10:42

    Chào Mèo,

    Bạn có thể tham khảo bài viết http://www.tapchimix.com/cach-su-dung-cubase-elements-7-mien-phi/ phần Sidechain Input để nắm qua về sidechain trong khi mình chưa kịp viết thành tutorial nhé. 😉

    Nôm na về Sidechain Compression là thay vì dùng dynamic của track hiện tại, compressor lại phân tích dynamic từ 1… track khác để xử lý trên track hiện tại.

    Trong hình minh họa về những VST mình dùng khi thu VOX, con compressor ở góc phải không hề compress vocal. Nó dùng để compress… nhạc nền nhưng lại dựa trên dynamic từ vocal.

    Thân mến,
    Nguyễn Thái Hà

    Reply
    • nhatngo80 says

      31/03/2014 at 21:29

      Thank các bạn đã chia sẻ kinh nghiệm thú vị trong thu âm.Mình hỏi chút là đẻ Sidechain Compression bên góc phải ở phần send trong track thu Vox..thì phần beat nền phần out chọn cái Sidechain Compression đấy hả bạn?? mình chọn nó nhưng ko có tiếng?/ xin thứ lỗi vì câu hỏi hơi ngô nghê chút.hi

      Reply
      • Nguyễn Thái Hà says

        01/04/2014 at 01:14

        Chào Nhat80,

        Để làm như trong hình, bạn insert 1 Compressor trên track nhạc nền, bật nút Sidechain Input nho nhỏ ở trên như mình đã làm (khi bật nút ý chuyển sang màu cam nhạt). Sau đó bạn vào track vocal (mình route hết mono track của vocal vào 1 mono group channel), mò vào mục Sends, bạn sẽ thấy có thêm 1 effect send mới tên là Side-chains – [Tên track nhạc nền]: Ins.[số thứ tự trong danh sách insert effect] – Compressor. Bật send effect đó lên, send level để 0dB rồi quay lại compressor đều chỉnh threshold, attack, release sao cho nghe tự nhiên 1 chút.

        Trên Pro-Tools, Logic có thể khác 1 chút bạn nhé.

        Nguyễn Thái Hà

        Reply
        • nhatngo80 says

          01/04/2014 at 08:46

          Thank bạn đã chia sẻ tận tình..Mình đã hiểu rồi..chúc anh em sức khỏe và thành công trong công việc..

          Reply
  3. Hieu Nguyen says

    01/04/2014 at 18:54

    Tuyet Voi

    Reply
  4. TamBin says

    06/04/2014 at 02:09

    từ khi mình đọc dc Tạp chí mix mình như vớ được cái phao ! và mình thích nhất khi đọc những cây slogan của các bạn rất chân tình và uy tín .. Bạn có thể làm 1 bài tutorial về mix vocal của Nuedo được ko ? với trang uy tín như bạn mình nghĩ sẽ rất nhiều bạn đọc vẫn muốn biết cái này và cả mình nữa !
    Cám ơn bạn rất nhiều .

    Reply
    • Avatar photoPhạm Bình says

      07/04/2014 at 00:21

      Bạn đón đọc bài viết mới vào ngày mai nhé

      Reply
  5. Dương Ca 83 says

    10/04/2014 at 21:30

    Chào bạn Hà! Mình là sinh viên năm cuối của Nhạc Viện TPHCM. Mình biết đến web của các bạn rất tình cờ khi lên google. Thực sự mà nói mình rất ngưỡng mộ kiến thức về âm thanh và mix nhạc của các bạn. Phải nói đây là một sân chơi vô cùng bổ ích cho những người chung niềm đam mê, học hỏi trao đổi kinh nghiệm.
    Mình có một vấn đề nan giải thế này mong các bạn chỉ dẫn. Mình đang tập tành thu âm và mình sử dụng Nuendo 4. Khi mình thu track 1 thì không vấn đề gì. Khi thu track 2 thì nó thu luôn âm thanh được phát ra từ track 1 luôn mặc dù mình có mang headphone. Loay hoay bữa giờ mà chưa khắc phục được.
    Mình xài mixer Behringer 1832fx có tích hợp sound card luôn.
    Vấn đề thứ hai mình muốn hỏi là. Theo các bạn khi mix cho nhạc cụ nào đó solo thì như thế nào? (Có thêm plugin không? Hay chỉ làm “sạch” để có đu Vì trước giờ mình toàn thấy ai cũng hướng dẫn mix vocal thôi. Mình thì mình chỉ thu âm nhạc cụ (mình học đàn Nguyệt)
    Mong các bạn hướng dẫn. Chân thành cám ơn các bạn đã chia sẻ.

    Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      19/04/2014 at 16:16

      Chào Dương Ca,

      Khi bạn thu track thứ 2, âm thanh bạn thu được bao gồm cả âm thanh nhạc cụ và âm thanh của track 1 hay chỉ là âm thanh của track 1 thôi?

      Nếu là riêng âm thanh của track 1, vấn đề bạn gặp phải có thể là do Routing Signal. Đầu out của track 1 vào đầu in của track 2.

      Về câu hỏi thứ 2 của bạn, với nhạc cụ solo, hãy xử lý nó như vocal. Điều này không có nghĩa là bạn EQ, Comp y hệt như vocal mà hãy tìm cách để nó đóng vai trò “ngôi sao” trong bản mix. Các thiết lập EQ, Comp, Reverb… như thế nào trên nhạc cụ solo cũng phục vụ chung mục đích đó.

      Hi vọng mình giúp được bạn chút ít 😉

      Nguyễn Thái Hà

      Reply
      • Dương Ca 83 says

        19/04/2014 at 22:14

        Mình thu track 2 thì nó lẫn âm thanh track 1 và nhạc cụ luôn. Track 3 thì dính luôn 1 và 2

        Reply
        • Nguyễn Thái Hà says

          26/04/2014 at 22:30

          Vậy mình đoán có thể bạn đang gặp vấn đề về routing, tức là bạn nối cả đầu out vào đầu in của mixer và thu luôn cả tín hiệu output của Mixer. Bạn hãy kiểm tra kỹ lại rồi cho mình biết nhé.

          Nguyễn Thái Hà

          Reply
          • Dương Ca 83 says

            02/05/2014 at 20:28

            Trên mixer mình không có nút nào thiết lập cả, trên trình điều khiển driver cũng không thấy. Lúc trước mình sử dụng Audition CS6 thì cũng bị vấn đề này nên mình đã thiết lập đường out track 1 xuống onboard để cho headphone. Track 2 thì in từ mixer để thu. Nó khổ thế! Mình biết cách này thì chữa cháy thôi. Tức là khi thu thì nó thu tất cả những gì có từ mixer, bấm thu track 2 thì nó thu luôn nhạc cụ và track 1, thế mới đau. Mong anh Hà giúp đỡ. Cám ơn anh.

  6. Dương Ca 83 says

    10/04/2014 at 21:33

    Chào bạn Hà! Mình là sinh viên năm cuối của Nhạc Viện TPHCM. Mình biết đến web của các bạn rất tình cờ khi lên google. Thực sự mà nói mình rất ngưỡng mộ kiến thức về âm thanh và mix nhạc của các bạn. Phải nói đây là một sân chơi vô cùng bổ ích cho những người chung niềm đam mê, học hỏi trao đổi kinh nghiệm.
    Mình có một vấn đề nan giải thế này mong các bạn chỉ dẫn. Mình đang tập tành thu âm và mình sử dụng Nuendo 4. Khi mình thu track 1 thì không vấn đề gì. Khi thu track 2 thì nó thu luôn âm thanh được phát ra từ track 1 luôn mặc dù mình có mang headphone. Loay hoay bữa giờ mà chưa khắc phục được.
    Mình xài mixer Behringer 1832fx có tích hợp sound card luôn.
    Vấn đề thứ hai mình muốn hỏi là. Theo các bạn khi mix cho nhạc cụ nào đó solo thì như thế nào? (Có thêm plugin không? Hay chỉ làm “sạch” để có được độ trung thực) Vì trước giờ mình toàn thấy ai cũng hướng dẫn mix vocal thôi. Mình thì mình chỉ thu âm nhạc cụ (mình học đàn Nguyệt)
    Mình hy vọng các bạn sẽ có 1 bài viết về mix cho nhạc cụ solo.
    Mong các bạn hướng dẫn. Chân thành cám ơn các bạn đã chia sẻ.

    Reply
  7. Mastic says

    17/04/2014 at 19:52

    Em xài cubase , khi mix nhạc , hay bị tiếng noise xì nền kể cả khi không ấn play , mới đầu e cũng ko quan tâm lắm , cho đến khi nghe kĩ bản đã export cũng bị kèm theo tiếng đó , khi mix trên audition e ko bị hiện tượng này anh ạ

    Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      19/04/2014 at 16:09

      Chào Mastic,

      Theo như bạn mô tả, mình đoán bạn dùng các vst plugin giả lập Analog Device (ví dụ: VEQ, VComp). Các plugin này thường giả lập luôn cả noise của thiết bị gốc. Hãy thử disable một vài plugin như vậy trong project xem tình trạng có khá hơn không nhé.

      Nguyễn Thái Hà

      Reply
  8. LÊ QUYẾT says

    25/04/2014 at 08:20

    Chào bạn Hà và các Mod.
    Mình được biết đến tapchimix.com do có một người bạn giới thiệu bước đầu vào đọc mình thật ngõ ngàn và thấy rất ngạc nhiên bởi website không hoa hòe, không phô trương, nhưng lại chi tiết hướng dẫn mix nhạc rất tuyệt vời. Từ khi biết tạp chí mix mình hầu như luôn đọc và mong chờ những bài viết mới của các add và mod. đây hoàn toàn là những tài nguyên quý giá cho những người thích học mix, đã và đang mix.
    và là người mới tập mix nên tôi cũng có rất nhiều câu hỏi? nhưng chư có cơ hội được hỏi. 😀
    Trong phòng thu thì tôi nghe rất nhiền ý kiến người thì nói nên dùng mixer khi thu âm để chỉnh tần số low, mid, hi cho voice nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên trực tiếp từ mic vào soundcar rồi vào PC không cần thiết phải dùng mixer và compressor hardware.
    Theo Hà và anh em có nên sử dụng 2 cái này cho khi thu âm không?
    hy vọng mọi người giúp mình

    Reply
    • Avatar photoPhạm Bình says

      25/04/2014 at 10:11

      Cũng tùy trường phái, nhưng phần lớn đa số đều thống nhất với nhau là “nguyên bản tín hiệu đầu vào” – đây là lý do người ta đổ rất nhiều tiền vào xừ lý âm học
      Việc chỉnh sửa cái gì đó ngay trong quá trình thu âm chủ yếu là để monitor, hoặc tín hiệu quá xấu nên cần phải can thiệp chút ít (chứ người ta không lạm dụng)
      Nói chung là người ta làm mọi cái để có được tín hiệu đầu vào tốt nhất có thể. Và cái tốt ở đây nó phụ thuộc vào đôi tai người

      Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      26/04/2014 at 22:17

      Chào Lê Quyết,

      Cảm ơn bạn về những lời động viên. Về câu hỏi của bạn, mình đã trả lời khá rõ ràng ở trong bài rồi. Việc chỉnh trên mixer hay hardware nào đó trước AD-Converter sẽ gây 1 hậu quả vô cùng to lớn là bạn không thể undo một khi đã ghi vào file. Bạn có thể làm thế nếu:

      1. Bạn là người cực kỳ có kinh nghiệm và biết rõ mình đang làm gì, mục đích, chiến lược cho bản mix rõ ràng từ lúc thu

      2. Hardware hoặc Console của bạn phải là hàng rất tốt nếu ko còn thua cả Plugin.

      Nguyễn Thái Hà

      Reply
  9. NvHoach says

    06/08/2014 at 01:38

    bài viết phân tích khá đầy đủ nhưng đối với e nó còn hơi mông lung một chút( e mới tập mix) .thường khi thu âm bằng em thường insert EQ, compressor ,.. có khi thêm cả reverb, delay luôn trên track thu để mình thấy giọng nó mượt mà hơn, cho em hỏi làm như vậy nó có ảnh hưởng đến vocal không ạ,. có hay không nên insert trong lúc thu ạ? thank a nhiều

    Reply
    • Avatar photoPhạm Bình says

      08/08/2014 at 14:52

      Được bạn ạ, để monitoring thôi chứ đừng processing (xử lý) luôn tín hiệu đầu vào

      Reply
  10. KySyBongDem says

    24/09/2014 at 22:48

    Admin ơi cho em hỏi xíu nha. Em sắp tới mở Home Studio em cũng biết đôi chút về kĩ thuật thu âm. Còn việc em thắc mắc không biết hỏi ai đó là làm sao khi thu âm Vocal mà mình Setup làm sao cho người nghe có thể nghe tiếng họ ca cùng với nhạc nên và phát Headphone của họ và Loa Kiểm Âm trực tiếp khi họ hát mà mình chỉ thu Vocal thôi ạ. Có gì không đúng mong Admin và các Mod thông cảm ạ. Rất mong hồi âm từ Admin ạ.

    Reply
    • Tuấn Nguyễn says

      27/09/2014 at 19:25

      Theo mình biết thì để vocal khi hát vào micro nghe được trực tiếp luôn thì sound card phải hỗ trợ tính năng direct monitoring.

      Reply
      • Nguyễn Thái Hà says

        01/10/2014 at 15:15

        Chào Tuấn Nguyễn,
        Bạn chỉ cần bật nút Monitor trong DAW là nghe được ngay. CÒn Direct Monitoring là tính năng giúp monitor tín hiệu mà không kèm theo quá trình Convert, Process trong máy tính.

        Nguyễn Thái Hà

        Reply
    • Nguyễn Thái Hà says

      01/10/2014 at 15:22

      Chào bạn,

      Bạn dùng tính năng monitor của DAW. Với Cubase là biểu tượng chiếc loa bé xíu cạnh nút Record

      Nguyễn Thái Hà

      Reply
  11. linh says

    10/09/2015 at 17:26

    chào bạn. mình cũng thích thu âm lắm, vừa mua đc con mic condenser, trước khi thu âm mình cài đặt thông số âm thanh của microphone trên máy là 2 channel, 16 bit, 192000hz (studio quality) . âm thanh thu được khá trung thực (vì so sánh vs các thông số khác thì nó hay hơn hẳn) nhưg cũng vì đó thu lun cả tạp âm. mình rất đau đầu vụ tạp âm này, hiện đang muốn làm cách âm mà k bjk phải làm ntn. nhà mình lại ko có phòng nào bé để dành riêng cho thu âm cả, nếu làm thì ở lun phòng ngủ, mà phòng ngủ của mình khá rộng, aizzzz

    Reply
  12. Phòng thu tại gia says

    31/10/2018 at 00:25

    Đối với những thanh niên hát nhiều dynamic ( lúc to lúc nhỏ ) có nên compressor ngay ngoài Pre không a? Em gặp trường hợp liên tục clip audio, mà vặn gain nhỏ thì ca sĩ không chịu.

    Reply
  13. Minh says

    01/07/2019 at 11:21

    Anh Hà ơi ở nhà em thu âm vocal xong cũng chú ý hát để cái audio interface không bị nháy đèn clipping rồi, nhưng lúc vào cubase em phải chỉnh âm lượng cả nhạc beat và vocal đều phải giảm âm lượng nhiều không thì cái đèn báo clipping chỗ stereo out lại sáng đỏ tùm lum, mà xuất ra thì nghe bé xíu xíu ạ. Làm sao để tăng được âm lượng mà không bị clip hả anh?!

    Reply
  14. Nguyen Tuan says

    12/12/2019 at 15:43

    Bài này cũng từ lâu lắm rồi, không rõ các anh còn hoạt động và còn trả lời được các comment không nhưng em vẫn cứ hỏi, hi vọng được trả lời.
    Em muốn hỏi về tính năng High Pass Filter (Low Cut), hiện tại tính năng này đều có trên Micro (AKG C414 XLii) và Preamp ISA One của em, vậy thì nên dùng cái nào. Và sau khi cut thì có nên cut tiếp trong khi mix không. Hi vọng được các anh giải đáp.

    Reply

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nhiều người đọc

  • 6 thiết bị cơ bản để thu âm tại nhà với chất lượng chuyên nghiệp
  • Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”
  • Cách sử dụng Reverb cơ bản và “an toàn” cho người mới tập mix
  • MIDI 101: Xóa mù ngay kẻo mãi đi sau thời đại
  • Cách sử dụng Cubase Elements 7 “miễn phí” và bổ sung Sidechain Input
  • 5 phím tắt tự tạo trong Cubase giúp bạn tăng hiệu quả làm việc
  • Guitar Pro 5: Soạn nhạc như dân Pro (Phần 3)
  • Cubase Elements 7: Bạn có sẵn sàng từ bỏ Cubase 5 Full?
  • Dàn máy làm nhạc 10 triệu (Windows) [2015]
  • Guitar Pro 5: Phần mềm soạn nhạc cực kỳ hiệu quả (Phần 1)

Đánh giá

  • T10S
  • Adam T8V
  • Austrian Audio OC818
  • Adam T7V
  • T5V
  • ATH-M20x
  • Harrison Mixbus 3
  • Desktop Konnekt 6
  • AT2020
  • Cubase Elements 7

Còm mén

  • hai le on Reaper 5 – Thần chết đáng yêu nhất hành tinh
  • Phạm Chính on MIDI 101: Xóa mù ngay kẻo mãi đi sau thời đại
  • Nguyễn Thái Hà on 04 thiết kế thùng loa phổ biến
  • Nguyễn Thái Hà on 04 thiết kế thùng loa phổ biến
  • Nam on 04 thiết kế thùng loa phổ biến

About MIX

Tạp chí MIX chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác và sản xuất âm nhạc, phát triển sự nghiệp âm nhạc dành cho những người yêu nhạc nghiêm túc. Đọc thêm về Team MIX

Tags

bass compression cubase cách âm cách âm chuyên nghiệp daw export guitar hướng dẫn hỏi đáp interview monitor máy tính làm nhạc mới bắt đầu nearfield monitor offline phần mềm phỏng vấn preset quan điểm realtime reaper render reverb review room acoustics routing shootout sidechain signal flow song inspector studio monitor Studio One studio subwoofer studio tour subwoofer thiết kế phòng thu thủ thuật tiêu âm tiếp thị âm nhạc video vst yamaha ns-10m studio Đinh Hương đánh giá

Copyright © 2013 Tạp chí MIX