Trong hơn 10 năm qua, tôi đã lăn lộn đam mê với Steinberg Cubase, Magix Samplitude, Cockos Reaper, Ableton Live, Imageline FL Studio, Presonus Studio One… Vậy hiện nay tôi đang dùng DAW nào? Sự lựa chọn của tôi, chắc các bạn cũng đã đoán được qua tiêu đề rồi. Vấn đề chỉ là tại sao mà thôi.
Hôm nay tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của mình về sự lựa chọn chú ngựa chiến (có thể là cuối cùng) của mình: Presonus Studio One.
Tất nhiên, có thể điều này chỉ đúng với tôi dưới vai trò là một biên tập viên âm thanh, một nhạc sĩ phối khí, và chưa đúng với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, tôi tin là khi đọc xong bài viết này, rất nhiều bạn đọc Tạp chí MIX sẽ có cùng quan điểm.
Giới thiệu về Tác giả Bài viết:
Xin chào độc giả Tạp Chí Mix, tôi tên là Lê Nguyễn Quỳnh, hiện là Admin CLB Sáng Tác Hòa Âm Phối Khí. Công việc chính của tôi là biên tập viên âm thanh cho 1 Kênh Radio Station của Úc. Bài viết này chia sẻ quan điểm của cá nhân tôi về DAW phù hợp nhất với công việc của mình. Hi vọng các bạn sẽ tìm thấy nhiều thông tin hữu ích.
1. MIDI ra Audio và ngược lại, kết hợp với Notion 6
Khi làm sản xuất âm nhạc cho xu thế hiện nay, mảng làm content cho YouTube đang rất thịnh hành. Các công ty Media yêu cầu chúng ta phải gửi tổng phổ phổ thông và Multitracks Project từng track nhạc cụ, vocal. Riêng 2 cái này, Studio One rất mạnh. Nó có chức năng Transfrom từ Midi ra Audio và ngược lại.
Chức năng này tạo Multitracks Project vô cùng dễ dàng, nhanh chóng. Khi xuất tổng phổ, nó liên thông với Notion 6, phần mềm chép nhạc cùng hãng. Chỉ trong 1 nốt nhạc là bài phối Midi đã ra thành Sheet tổng phổ. Tất nhiên, việc sheet tổng phổ đó có thể sử dụng được làm bản nhạc chính thức hay không còn phải phụ thuộc vào quá trình edit MIDI, quantize sạch sẽ của bạn nữa.
2. Giá Bản quyền Vừa phải
Về vấn đề lâu dài bản quyền, Studio One có giá thành rẻ hơn Cubase. Cubase khoảng 10-14tr cho bản Pro. Studio One giá 5tr-7tr cho bản Pro. Đợt sale mạnh, Studio One còn có giá 4tr cho 1 User dùng được cho 5 máy (bạn cài dc cho máy ở nhà, máy laptop, Studio 1, Studio 2…). Với hơn 50Gb thư viện nhạc cụ ảo, Loop đi kèm, không cần cắm USB License như Cubase, Studio One thực sự linh hoạt.
Reaper giá cạnh tranh nhất, chỉ 60$. Cubase Pro bản quyền mua đắt hơn, lại phải đi kèm là cái USB chứng thực cứng ở ngoài. Cái này đi lại, mang ra mang vào, cắm trong phòng thu, không cẩn thận là bị chôm chỉa hoặc làm mất. Hoặc chẳng may bạn làm ở nhà, muốn lên studio ở công ty mà quên không mang theo nó là khóc tiếng mán, không làm việc được.
Studio One thì không cần USB. Mở là chén! Tất nhiên đổi lại, Cubase có 1 số tính năng hấp dẫn Studio One không có như Expression Map, Chord Pad chất…
Lời bàn của ban Biên tập:
USB Dongle của Cubase giúp bạn sẵn sàng sử dụng Cubase ở bất kỳ nơi nào, không giới hạn số máy tính miễn là trong cùng 1 thời điểm chỉ có 1 máy sử dụng Cubase. Đó là sự tiện lợi của Dongle phần cứng thay vì đăng ký kích hoạt trên maximum 5 máy cố định (muốn sử dụng ở máy tính khác khi đã hết slot thì phải mua thêm bản quyền mới) như Studio One.
3. Đồng bộ với phần cứng của hãng
Studio One có hệ sinh thái đồng bộ với các thiết bị ngoại vi như Faderport, Atom khiến Studio One như hổ thêm cánh. Giá thành các thiết bị ngoại vi này khá mềm từ 3-5tr cho nhu cầu nhỏ. Như con Presonus Atom, trước tôi coi thường em này, vì đã có Akai Mini nên chỉ nghĩ Atom vớ vỉn như các loại Pad Drum bình thường. Nhưng khi kết nối nó với Studio One, thì WOW, nó điều khiển được hộp tiếng, chọn Preset tiếng, thu âm, play loop, làm drum theo 1 cách không giống ai! Tuyệt vời! Cubase cũng có hệ control ngoại vi C+ rất đẹp mắt, nhưng giá lại khá cao.
4. Chord Track và Drag & Drop
Công bằng mà nói, Cubase có nhiều nét về kĩ thuật cao hơn Studio One. Ví dụ: Bộ trống Groove Agent 5 của Cubase nhiều tính năng hơn Impact của Studio One. Chord Track của Cubase cũng nhiều tính năng hơn. Cubase có Exrepssion Map cho các kĩ thuật khác nhau (articulations) của những bộ tiếng Giao hưởng Orchestra, Acoustic.
Nhưng đổi lại, Chord Track Studio One gọn nhẹ, đủ dùng. Đặc biệt nó có 1 tính năng mà Chord Track trên Cubase lại không có, đó là gắp ngược 1 file Audio lên để tự ra các hợp âm. Cubase không làm được điều này, nó chỉ gắp từ Chord Track xuống Midi Track thành hợp âm mà thôi.
Xét tổng thể, cách Studio One làm việc khá thông minh, hỗ trợ kéo thả Drag & Drop nhanh chóng. Đến Cubase 10, Drag & Drop mới bắt đầu dc khai thác mạnh, trong khi Ableton Live đã theo lối tư duy này từ rất lâu.
5. Master Project Page
Studio One có trang Master Project Page riêng rất tiện. Khi mixing xong, bạn cũng chỉ cần 1 click để tự động đưa thành phẩm sang Master Page cho giai đoạn hậu kì. Cubase cũng có 1 phần mềm riêng hỗ trợ Master là Wavelab. Wavelab nhiều tính năng cao cấp hơn Master Page của Studio One, nhưng lại nặng nề thêm 1 phần mềm. Còn Studio One nhẹ nhàng mà vẫn độc đáo khi xuất file sang Master lẹ làng, chỉnh sửa update rất tiện.
6. Làm việc với Video
Studio One khi làm nhạc cho video, clip quảng cáo, bản 4.5 hiện đã có tính năng xuất file Video, chỉnh Offset để phần hình đồng bộ phần tiếng khá gọn gàng. Cubase 10 khoản này nặng nề hơn, phải cài Quick Time và chưa xuất dc file Video, chỉ xuất dc Audio rồi tự khớp vào Video.
Tới bản Cubase 10.5, Steinberg mới tích hợp tính năng xuất file Video sau Studio One. Đặc biệt Studio One bản 4,5 đã có Drum Pattern giống FL Studio, thứ mà dân làm nhạc rất yêu thích trên DAW này.
7. ARA2
Studio One tích hợp đồng bộ ARA2 với Melodyne, Revoice Pro – hai công cụ chỉnh phô chênh giọng hát, làm bè, đồng bộ dàn đồng ca rất mạnh. Cubase sau này cũng đã có đồng bộ ARA, VocAlign và VariAudio 3 cực mạnh cho chỉnh phô chênh. Nhưng xét về tổng thể thì hiện tại Melodyne đang được dùng nhiều hơn.
Túm cái váy
Vì 7 lí do này, tôi quyết định chọn Studio One làm trùm cuối vì nó phù hợp nhất với thói quen làm việc cá nhân. Nói về tính năng khủng, tôi thấy Reaper mạnh hơn. Một phần vì bản thân Reaper đã quá trời tính năng, một phần nữa vì nó hỗ trợ các module, script tự tạo bởi bên thứ 3. Người dùng có thể tự bổ sung vô hạn các tính năng vào Reaper nếu họ muốn. Nhưng tôi đã già (kkk) và muốn nhanh chóng tập trung vào thực hành, sử dụng, sản xuất âm nhạc theo cách truyền thống. Nếu làm sound design cho phim, tôi nghĩ Reaper là số 1. Nhưng nếu là làm nhạc, với cá nhân tôi, Studio One mới xứng ngôi vương.
Trong mảng phối khí, làm nhạc nói chung thì Ableton, Logic và FL cũng rất mạnh. Nhưng FL và Ableton khi đụng tới Recording, Mixing và Mastering sẽ phải nhường chỗ cho Pro Tools, Cubase, Studio One, Reaper cả về độ phổ biến và sự phù hợp về workflow. Logic thì lại chỉ dành riêng cho MAC.
Xét tổng thể, theo cá nhân tôi đánh giá, Studio One gần như hoàn hảo cho dân sản xuất âm nhạc theo phong cách “tất cả trong 1”.
Lã Hồngg Dược says
Bài viết rất súc tích, người mới như mình đọc cũng thấy vỡ… ra nhiều vấn đề. Mình đang tập tẹ vấn đề này.
Bạn giúp mình mua phần mềm Studio One & Notion 6 này nhé .
Cảm ơn