• Giới thiệu Team MIX
  • Liên hệ

Tạp chí MIX

  • Sáng tác
  • Thu âm
  • Mixing & Mastering
  • Sự nghiệp
  • Công cụ
  • Đào tạo
    • Studio Designer 1
    • PRO Mixing Engineer
    • PRO Recording Engineer

10 dấu hiệu bạn đang thu âm cho 1 ban nhạc hạng bét

30/12/2013 by Phạm Bình 12 Comments

Tôi xin lỗi nếu làm ai đó cảm thấy bị “tổn thương” vì “vô tình” dính 1 trong số 10 dấu hiệu này.

Nhưng quả thực, nó đúng là những gì tôi phải thốt ra bởi quá bức xúc, stress khi phải thu âm cho những thành phần như vậy.

Tôi không phải loại người thích “ban phát” vô tội vạ những lời khen ngợi, vuốt ve giả tạo để mong thu cho nhanh. Những bản thu có chất lượng tốt, quá trình làm việc hiệu quả mới là thứ tôi thực sự mong muốn.

Điều đó chẳng phải có lợi cho chính ban nhạc đó sao?

Nào, hãy xem liệu bạn đang làm việc với những ban nhạc hạng gì nhé!

1. Trình độ chơi nhạc kém không thể chấp nhận nổi

Chắc chắn đây là điều đầu tiên rồi. Bạn có hình dung được làm thế nào để biến rác đầu vào thành kim cương ở đầu ra không? Tôi tin là thời đại của chúng ta chỉ có vài người làm được điều này thôi.

Kĩ thuật quá kém, không tài nào đánh cho chuẩn nhịp, rõ nốt được là dấu hiệu số 1 của một buổi làm việc thảm họa đối với các kỹ sư thu âm.

Nhìn tay là không muốn thu rồi!

Nhìn tay là không muốn thu rồi!

Không biết bao nhiều lần trong đầu tôi có ý định khuyên ban nhạc dừng chơi để về nhà luyện lại kỹ thuật cơ bản hoặc… thay thành viên trước khi quay lại để khỏi làm mất thời gian của cả đôi bên.

Trên thực tế, có đôi lần, tôi đã phải chuyển ý định đó thành hành động!

Thậm chí, tôi stress đến mức bỏ qua cả sĩ diện của ban nhạc, đề nghị đánh hộ tay guitar sau khi phải bấm nút record 40 lần cho một câu rhythm rất đơn giản.

Họ nên hiểu rằng kỹ thuật chơi nhạc tốt là yếu tố then chốt để có 1 bản thu chất lượng chứ không phải đàn 3000$ hay trống 10.000$.

2. Không chuẩn bị nhạc cụ cẩn thận

Là một kĩ sư phòng thu, bạn là người chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị trang thiết bị thu âm. Nhưng với ban nhạc, việc chuẩn bị nhạc cụ thật tốt khi được bạn nhắc nhở là trách nhiệm của họ. Đây cũng là yếu tố quyết định rất lớn đối với chất lượng bản thu.

Bạn sẽ rất khó thu được nguồn âm thanh ngon, ổn định nếu mỗi buổi thu âm tay guitar mang tới một cây đàn khác nhau, thậm chí có buổi còn không thèm mang và gãi đầu gãi tai hỏi mượn đàn của bạn.

Hay đơn giản, cây đàn guitar họ mang tới xì xoẹt tùm lum, lệch intonation tung tóe và đang lắp bộ dây… 1 năm tuổi rỉ nhoèn!

Bạn có thể có tới 3 cây guitar, 1 bộ trống, 2 keyboard trong phòng thu để sử dụng hoặc dự phòng. Nhưng tốt hơn hết là để ban nhạc chơi trên những nhạc cụ mà họ quen sử dụng. Điều này sẽ giúp họ có cảm giác tốt hơn, dẫn đến phần chơi nhạc ổn định hơn.

Hãy chắc chắn rằng bạn dặn dò họ đầy đủ, kỹ lưỡng để họ có thể thu âm với những nhạc cụ quen thuộc trong trạng thái tốt nhất về mặt kỹ thuật.

3. Bảo thủ, bỏ ngoài tai góp ý của nhà sản xuất

Họ không chịu nghe góp ý về kĩ thuật chơi để cho ra âm thanh tốt hơn. Ví dụ: để ra được âm thanh như ý cho bài hát nào đó, họ phải đánh trên ngăn 7 của đàn guitar chứ không phải ngăn 1; hoặc họ phải gảy đàn mạnh khi thu rhythm cho 1 ca khúc Death Metal!

Họ không chịu hiểu vấn đề rằng cách họ sử dụng nhạc cụ, kĩ thuật chơi của họ mới là yếu tố quyết định chứ không phải trình độ mix của tôi!

Những người chơi guitar đều biết một câu: Tone is in your fingers.

Thậm chí, họ biết mình có thể đánh tốt hơn nhưng vẫn ỷ lại kỹ thuật phòng thu, khả năng chỉnh sửa hậu kỳ để mặc sức cẩu thả theo cái lối hàng ngày vẫn đánh.

Khi thu âm cho các tay guitar, chúng ta thường phải đau đầu thuyết phục họ rằng tiếng guitar họ căn rất… lởm, hãy căn lại tiếng khác hoặc để producer chọn giúp.

Bạn có thu âm nổi không nếu tay rhythm guitar của 1 ban nhạc rock nhất định muốn thu âm với cái tiếng max gain, nát bét, nhầy nhụa reverb và delay? Tôi thì đầu hàng và dừng phiên làm việc.

4. Không thuộc bài

Có 2 trường hợp khiến chúng ta phải bấm đi bấm lại nút record rất nhiều lần. Đó là trường hợp 1 – kỹ thuật chơi nhạc quá lởm (đã nói ở phần trên) và trường hợp 2 – không thuộc bài (dù kỹ thuật tốt đi nữa). Thiết nghĩ, nếu gặp phải sự kết hợp hoàn hảo giữa 2 trường hợp này, kiếp sau tôi sẽ không dính dáng gì tới thu âm nữa.

Đây là những ví dụ “tuyệt vời” cho trường hợp 2 mà bạn rất có thể đã gặp phải trong cuộc đời kỹ sư thu âm đau thương của mình:

  • Tay guitar bass không thể nhớ được bài nếu không có… tay guitar lead hoặc tay keyboard đánh cùng
  • Hát không thuộc lời, thường xuyên hát sai lời
  • Tay trống không thể đánh một mình được hoặc liên tục đánh nhầm

Vì thế, hãy dặn dò họ thật kỹ về việc thuộc lòng bài vở trước khi đến phòng thu để tránh lãng phí thời gian của cả 2.

5. Không thống nhất kỹ bài vở

Họ thường xuyên đòi thay đổi kết cấu bài hát trong quá trình thu âm. Để họ giải quyết “mâu thuẫn nội bộ” này, bạn có thể phải chờ cả 1 ngày, hay nhục hơn là… 1 tuần!

Tất nhiên, họ càng thu lâu thì chúng ta càng có lợi về mặt… tài chính. Nhưng không ai muốn kiếm tiền mà lại phải chịu sự tra tấn, mệt mỏi về tinh thần và thể xác như vậy.

Phòng thu không phải phòng tập. Hãy đảm bảo rằng họ hiểu rõ, nhớ rõ điều đó.

6. Kém hiểu biết nhưng lại hay đòi hỏi vớ vẩn

Trong lúc thu âm, một số thanh niên than phiền với tôi rằng âm thanh nghe hơi khó chịu, không hay, làm thế nào cho tiếng nó khác đi được không. Tôi đẩy volume to lên một tý và ngay lập tức xảy ra phản ứng kỳ diệu: “Ôi đúng rồi, sound hay quá!” F*&($SD*K!!!

Họ đưa cho tôi một đoạn nhạc họ tự thu bằng thiết bị chất lượng kém và bảo tôi “hãy dùng nó đi”. Muốn nhanh thì dễ thôi, nhưng lương tâm của tôi không cho phép!

Có trường hợp, tay guitar quả quyết với tôi rằng phải thu bằng con amply tập 30W (chợ trời) hắn mang đến thay vì con Krank Revolution trong studio của tôi. Lần đó, tôi đã… thất bại trong việc thuyết phục.

Cũng may mắn cho tôi là chưa có tay vocal nào mang cục phơ guitar đến và bắt tôi thu hát bằng con phơ đó – tôi nghi ngờ rằng những vocal hát deathcore hoặc black metal rất thích điều này.

7. Trễ hẹn

Khi làm việc, trễ hẹn là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá ai đó làm việc có chuyên nghiệp hay không.

Sao giờ này mới đến!!!

Sao giờ này mới đến!!!

Dấu hiệu nhận biết: Họ thường xuyên đến muộn, hẹn sáng, chiều mới thấy mặt hay thường xuyên cho producer leo cây – tức là không thèm đến mặc dù đã set lịch.

Là một người thu âm không có nghĩa là tôi rảnh rỗi. Thời gian thì đối với ai cũng vậy – rất quan trọng và có giới hạn!

8. Lôi bạn bè đến phòng thu

Mỗi lần đến thu là họ dẫn theo một đống bạn bè đến ăn uống, chụp ảnh tự sướng. Họ muốn chứng tỏ điều gì? Chúa mới biết được. Nhưng có 1 điều chắc chắn là chúng ta (và cả họ nữa) sẽ rất mất tập trung, không thoải mái và giảm năng suất làm việc.

9. Làm việc không tập trung

Họ rất hay gạ gẫm producer… uống bia rượu trong lúc thu âm. Uống thì vui đấy nhưng sẽ làm cho hiệu quả – đi kèm với chất lượng – công việc giảm xuống.

Tôi không bắt họ phải nghiêm túc như ngồi trong một cuộc họp. Có điều họ cần biết thái độ làm việc nghiêm túc, tập trung là một trong những yếu tố quyết định sản phẩm âm nhạc của chính họ.

Nếu họ không thấy điều đó là quan trọng, họ không có quyền đòi hỏi về sản phẩm đầu ra của tôi.

10. Không tắt điện thoại

Bạn sẽ nghĩ sao nếu đột nhiên nghe thấy tiếng nhạc chuông hay tiếng rung bần bật của điện thoại trong track Vocal?

Bảo họ thu lại sau khi họ đã ra về? Quá mất thời gian. Lọc bỏ tiếng điện thoại mà vẫn giữ nguyên chất lượng track vocal? Quá khó.

Họ bận đến mức không thể tạm dừng liên lạc với thế giới bên ngoài hay để điện thoại im lặng hoàn toàn trong vài tiếng đồng hồ quyết định danh tiếng sau này của mình?

Chả ai bận đến mức đó cả. Vấn đề nằm ở việc xếp hạng ưu tiên trong công việc.

Hãy dặn họ (và chuẩn bị tinh thần nhắc đi nhắc lại nhiều lần) tắt hoặc không sử dụng điện thoại trong quá trình thu âm. Nếu họ không nghe? Hãy cho họ đọc bài viết này.

11. Bonus: “Rau mùi” kinh dị

Các studio trong thành phố thường chật hẹp. Hơn nữa do yêu cầu kỹ thuật, chúng ta luôn phải đóng kín cửa. Vì vậy, nếu ai đó quá lười tắm hoặc quá “rau mùi” từ “vùng da dưới cánh tay” (giống các quảng cáo của… Nivea for Men, Rexona) hoặc đôi chân huyền thoại thì thật là 1 thảm họa!

Tôi dị ứng điều này bởi tôi là 1 gã… lười tắm, tôi không muốn phải chịu thêm 1 thứ như mình trong phòng thu nữa! Đủ rồi!

Niềm hứng thú thực sự lại thường phải đến sau cùng

Bạn thấy đấy, quả là nhiều thứ bực mình đúng không?

Sản xuất âm nhạc cũng có nhiều cái oái oăm – những điều mà chỉ người trong nghề mới hiểu.

Tôi biết 1 câu khá hài hước không rõ của ai nói:

You know, we all got into recording to make cool records. Unfortunately, we spend most of our time fixing things & teaching people how to play instruments. Making music seems to be an afterthought.

Tạm dịch:

Bạn biết đấy, chúng ta tham gia vào việc thu âm để làm ra những bản nhạc thú vị. Bất hạnh thay, chúng ta lại phải dành phần lớn thời gian để giải quyết các vấn đề và dạy người khác cách chơi, sử dụng nhạc cụ. Việc làm nhạc có vẻ như chỉ được thực hiện sau cùng.

Làm việc trong phòng thu ngoài việc đem lại cho bạn các trải nghiệm, kinh nghiệm tuyệt vời về sản xuất âm nhạc mà còn rèn luyện cho bạn tính kiên trì, nhẫn nhịn cực cực cao đúng không?

Bài học lớn nhất ở đây: “Niềm hứng thú thực sự lại thường phải đến sau cùng”.

Bạn đã từng gặp phải những tình huống dở khóc dở cười như thế này chưa? Hãy chia sẻ “nỗi đau” cùng tôi bằng cách bình luận ở dưới nhé.

(Visited 5,980 times, 1 visits today)

Filed Under: Sự nghiệp âm nhạc Tagged With: quan điểm, sản xuất âm nhạc, thu âm ban nhạc

FREE Studio Tips & Gifts!

Đăng ký email NGAY hôm nay để nhận bài viết về thủ thuật studio chuyên nghiệp và những ưu đãi RIÊNG qua email!

Phạm Bình

About Phạm Bình

MIX's Bedroom Producer
Là 1 thanh niên bị ngộ Extreme metal (chơi nhạc vô học), nội lực có hạn nhưng thích chia sẻ kinh nghiệm thu âm trên Tạp chí MIX.

Comments

  1. Dr. B says

    31/12/2013 at 01:50

    Haha. Đọc bài viết mà cười đau cả bụng :))
    Quả thực, mình vừa trải nghiệm vài điều nói tới trong bài trên cả tư cách người thu âm lẫn người… đi thu âm. Xấu hổ quá :))

    Anw, thanks for a great post! 😉

    Reply
  2. Nguyendoc says

    02/01/2014 at 09:10

    ơ, thế tình hình a qua thu kiểu gì bây h :v dính đến 9/10 tình huống :))) hố hố

    Reply
    • Nguyễn Thái HàNguyễn Thái Hà says

      02/01/2014 at 19:15

      Chết thật, thế này thì EP của Voluptuary sẽ nghe như thế lào đây. Haha.

      Reply
  3. Phạm BìnhPhạm Bình says

    02/01/2014 at 23:44

    Đính chính với bạn đọc là bản thân mình thi thoảng vẫn mắc các lỗi trên, chứ mình cũng không hề hạng nhất hay cao siêu gì cả :))

    Reply
    • kiên says

      02/01/2014 at 23:48

      Hay lắm bro, đọc bài này để có thêm kinh nghiệm làm việc 😀

      Reply
  4. NinhBIDV says

    14/01/2014 at 12:42

    Tình huống thứ 11: Đến phòng thu mới vỡ bài và sau đó là thu từng câu1 ! (:

    Reply
    • Nam says

      14/01/2014 at 12:52

      Chuẩn! Phòng thu của mình gặp mấy lần trường hợp này. Mình bắt buộc phải tăng phí thu âm. Kinh nghiệm là nếu thu trọn gói theo bài là phải giới hạn thời gian cho phép trong bao lâu, nếu ko mấy ng ý sẽ lầy nhầy vài hôm mất.

      Reply
  5. Đinh Xuân Vũ says

    14/01/2014 at 22:11

    Em thì gặp nhiều trường hợp thu âm cho mấy Bố già hát sai nhịp nhiều đến nối em chán kinh khủng nhưng các cụ thì lại cứ bảo đi thu âm là phải hay như ca sĩ ,khổ thế đấy ạ đến lúc mix nhìn cái Track vocal bị cắt ra làm vài chục khúc rùi xếp lại là em rất đau đầu !!!

    Reply
    • Nguyễn Thái HàNguyễn Thái Hà says

      14/01/2014 at 22:33

      Chào Đinh Xuân Vũ,

      Mình rất hiểu tình cảnh của bạn. Mình thì chưa gặp ca sĩ hoành tráng tới mức ý, chỉ dính nhạc công thôi. haha.

      Rất chia sẻ! 😛

      Nguyễn Thái Hà

      Reply
  6. Đặng Xuân Tới says

    04/04/2014 at 20:18

    Cái mình đang quan tâm là lấy được số cầm tay của hai tác giả sáng lập ra:
    http://www.tapchimix.com/
    Nếu hai tác giả ngại công bố số phone vui lòng sms cho mình số: 0989 86 9999
    Đợi tin hai bạn !!!

    Reply
    • Phạm BìnhPhạm Bình says

      04/04/2014 at 20:44

      Chào anh!

      Có gì anh cứ gửi thẳng mail cho bọn em nhé: http://www.tapchimix.com/lien-he/

      Thân!

      Reply
  7. Ino Nguyễn says

    07/07/2014 at 18:41

    Trường hợp của bạn không lấy gì làm lạ đối với các nhà thiết kế ở những lĩnh vực nghệ thuật khác. Khách hàng và nhà thiết kế, đâu dễ dàng có được ngay tiếng nói chung? Bạn có biết tôi mong muốn nhất ở khách hàng không? Không phải khách hàng sộp, cũng ko phải loại dễ dãi bảo mình thích làm gì thì làm, mà đó là khách hàng có độ am hiểu nhất định với những gì họ mong muốn.

    Reply

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nhiều người đọc

  • 6 thiết bị cơ bản để thu âm tại nhà với chất lượng chuyên nghiệp
  • Compressor cơ bản dành cho người “chậm hiểu”
  • Công thức mix nhạc tốt nhất của tôi
  • Cách sử dụng Reverb cơ bản và “an toàn” cho người mới tập mix
  • Cách sử dụng Cubase Elements 7 “miễn phí” và bổ sung Sidechain Input
  • Equalizer (EQ) 101: Phân biệt đẳng cấp Pro và Amateur
  • MIDI 101: Xóa mù ngay kẻo mãi đi sau thời đại
  • Cubase Elements 7: Bạn có sẵn sàng từ bỏ Cubase 5 Full?
  • Guitar Pro 5: Soạn nhạc như dân Pro (Phần 3)
  • Guitar Pro 5: Phần mềm soạn nhạc cực kỳ hiệu quả (Phần 1)

Đánh giá

  • T5V
  • ATH-M20x
  • Harrison Mixbus 3
  • Desktop Konnekt 6
  • AT2020
  • Cubase Elements 7
  • EZDrummer
  • Backtrack
  • Guitar Pro 6
  • Guitar Pro 5

About MIX

Tạp chí MIX chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác và sản xuất âm nhạc, phát triển sự nghiệp âm nhạc dành cho những người yêu nhạc nghiêm túc. Đọc thêm về Team MIX

Tags

audio interface audio pc bass beat maker compression cubase daw delay diy drums eq guitar hướng dẫn học thu âm hỏi đáp khóa học khóa học phòng thu làm việc chuyên nghiệp microphone midi mixing engineer máy tính làm nhạc mới bắt đầu nhạc lý phần cứng phần mềm phỏng vấn preset quan điểm reverb review routing sidechain signal flow sound engineer sản xuất âm nhạc the hit makers thu âm ban nhạc thủ thuật tiếp thị âm nhạc tâm lý âm học vst vsti đào tạo đánh giá

Copyright © 2013 Team MIX