Bài viết này sẽ mở đầu cho một series giới thiệu các cấu hình PC chạy Windows làm nhạc với nhiều mức giá tiền khác nhau từ 10, 15 đến hơn 20 triệu.
Ai thường dùng hệ thống này?
Nếu bạn chỉ có thể/muốn bỏ ra tối đa 10 triệu (không có nghĩa là bạn không có điều kiện để mua máy đắt hơn nhé) để sắm hệ thống PC chạy Windows làm nhạc thì bạn thường nằm 1 trong số những nhóm người dùng sau:
- Người mới lần đầu tiếp xúc vào thế giới phòng thu để tự thu những bản nhạc, cover đơn giản tại nhà
- Người mới tập làm beat, phối khí trên máy tính
- Người đã tiếp xúc một thời gian và muốn nâng cấp chiếc máy cũ ì ạch của mình để làm các project lớn hơn, đầu tư nghiêm túc hơn 1 chút
- Người mở studio cỡ nhỏ và muốn tiết kiệm tối đa chi phí, nhanh quay vòng vốn
Dù là nhóm đối tượng người dùng nào đi nữa, bạn hãy gạt ngay tư tưởng chỉ bỏ ít nhưng lại được nhiều ra khỏi đầu và chấp nhận những hạn chế của hệ thống máy tính này.
Các điều tra khách hàng của nhiều SME (doanh nghiệp nhỏ) cho thấy những khách hàng muốn bỏ ít tiền mua hàng thường là những người… cực kỳ khó tính và… đòi hỏi nhiều chức năng, tính năng trung/cao cấp hoặc support tốt hơn.
Đó là một nghịch lý nhưng nghịch lý này là sự thật, đúng với rất nhiều người.
Tôi không nói các bạn là người như vậy (vì máy của tôi cũng chỉ có 10 triệu thôi) nhưng tôi muốn các bạn cảm thấy thoải mái hơn với những gì mình nhận được từ hệ thống máy cấp thấp này. 😉
Tiêu chí xây dựng máy tính làm nhạc 10 triệu
Trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau rằng đây là máy tính làm việc về audio chứ không phải để giải trí. Bạn sẽ không thể xem các bộ “film kinh điển” 4K không che hoặc chơi game ( nhưng Minesweeper hoặc Pikachu thì được :v).
Hiệu năng và ổn định phải đặt lên hàng đầu, cao hơn tất cả các yếu tố thẩm mỹ, công thái học của các thiết bị ngoại vi lẫn case máy tính.
Khả năng nâng cấp chỉ ở mức trung bình tức là bạn sẽ khó có thể nâng cấp để cải thiện quá nhiều hiệu năng/chức năng của dàn máy. Bạn có thể tăng thêm khả năng lưu trữ bằng cách mua thêm HDD/SHHD/SSD hoặc tăng thêm dung lượng RAM, tăng tốc CPU hoặc cắm thêm 1-2 card mở rộng nhưng nếu muốn nhiều hơn thì tôi khuyên bạn nên mua hẳn 1 hệ thống mới vì như vậy sẽ hiệu quả hơn cả về chi phí và hiệu năng tổng thể.
Hơn nữa, chờ tới lúc bạn có nhu cầu nâng cấp lớn thì máy đã cũ rồi. Có bảo dưỡng tốt đi nữa thì tuổi thọ thời kỳ đỉnh cao của dàn máy cũng sẽ chỉ kéo dài tầm 5-7 năm thôi.
Khả năng đồ họa của máy ở mức thấp (đồ họa tích hợp – ăn tối đa 1GB RAM) nhưng đủ để xuất 2 màn hình với độ phân giải tối đa 1920×1080. Nếu bạn chỉ muốn bỏ 10 triệu cho dàn máy thì chắc bạn cũng sẽ không bỏ quá nhiều tiền để tậu màn hình quá lớn hoặc đắt tiền phải không nào? Nếu bạn muốn có độ phân giải tốt hơn, hãy mua thêm card đồ họa.
Đi chợ
Dưới đây là danh sách linh kiện tôi đề xuất (đã trao đổi với Huy Toàn – 1 người bạn làm IT/Gaming):
STT | Linh kiện | Giá |
1 | CPU Intel Core™ i3-4150 3.5 GHz / 3MB / HD 4400 Graphics / Socket 1150 (Haswell refresh) | 2.500.000 |
2 | Mainboard Giga GA-H81M-S2PV | 1.510.000 |
3 | RAM Kingston HyperX Savage Red 8GB (2x4GB) DDR3 Bus 1600Mhz | 1.719.000 |
4 | SSHD Seagate 2TB 7200 Rpm SATA3, 64MB Cache | 2.099.000 |
5 | DVD Rewrite Samsung 24X SH-224FB/VNSE Sata | 399.000 |
6 | Nguồn Cooler Master Elite V2 550W (RS550-PSARI3) | 989.000 |
7 | Case Golden Field 1076B – Chống bức xạ | 299.000 |
8 | Bàn phím Genius KB110 USB | 129.000 |
9 | Chuột Genius Netscroll 110X Optical USB | 119.000 |
Tổng thiệt hại | 9.763.000 VND |
(Báo giá thực hiện tại HanoiComputer)
Bạn có thể thấy tôi chưa tiêu hết 10 triệu tiền đi chợ nhưng đó là có lý do.
Nếu bạn không muốn phải thắt cổ tự tử hoặc tự ngồi lên bút bi khi 1 project hì hụi mấy tiếng đồng hồ làm vụt biến mất vì mất điện, hãy mua thêm 1 bộ lưu điện (UPS).
Một bộ lưu điện cấp thấp có giá từ 600.000 – 1.000.000 nhưng sẽ là món đầu tư cực kỳ đáng giá. UPS tầm này sẽ không giúp bạn thoải mái làm việc cả tiếng đồng hồ sau khi mất điện nhưng nó cung cấp đủ điện để bạn kịp save project và tắt máy (tầm 5-20 phút).
Dàn máy 10 triệu có thể làm gì?
Đây là một hệ thống máy làm nhạc cấp thấp (low-end) vì với 10 triệu, chúng ta không thể kỳ vọng gì quá vào hiệu năng của nó so với các máy trạm chuyên nghiệp hay PC đắt tiền. Nhưng bạn cũng đừng lo quá, nếu không có gì đặc biệt, nó có thể đáp ứng nhu cầu của rất nhiều người.
Nó có một số đặc điểm sau:
- Ổn định, nếu bảo dưỡng tốt thì 5-6 năm vẫn max speed
- Các tác vụ văn phòng? Lướt web? Xem film full HD không che? Muỗi!
- Thu âm project trung bình (50-60 track) với độ trễ rấp thấp (128 Samples Buffer)
- Có khả năng mix nhạc với các project trung bình (50-60) track nhưng tới cuối phiên làm việc thì phải nâng ASIO Buffer Size lên 1024 tới 2048 để đảm bảo hệ thống không giật do mở quá nhiều plugin
- Nuốt tất cả các thể loại project nhỏ hoặc mix vocal + beat với độ trễ thấp
- Chạy real-time được các project soạn nhạc sử dụng số lượng vừa phải các nhạc cụ ảo mà không hỗ trợ công nghệ HDD-Cache (VD mấy món cũ của EastWest Quantum Leap như Colosus, Vapor, Symphony Orchestra…) do có hơn 7GB RAM (đã trừ phần RAM load bởi VGA on-board)
- Xuất 2 màn hình (max 1920×1080) không cần card VGA rời
- Khả năng mở rộng, nâng cấp trung bình: có thể gắn thêm HDD/SSD/SHHD, DSP Card, IEEE 1394 Card, PCI/PCIe Audio Interface, VGA, nâng cấp CPU, RAM (max 32GB 1600 Mhz)
Nâng quy mô project mà không cần nâng cấp máy?
Nếu bạn thấy máy bị quá tải với project soạn nhạc/mix nhạc hiện tại, hãy đơn giản là render các nhạc cụ ảo, các track audio bạn ưng ý rồi ra file WAV rồi load lại vào hệ thống. Tùy DAW sẽ có cách thức triển khai khác nhau.
Làm như vậy, bạn có thể sử dụng nhiều plugin cùng 1 lúc hơn, nhiều nhạc cụ ảo hơn mà không lo giật/restart….
Nếu sau 1 thời gian bạn muốn nâng cấp hoặc cho máy cắn thuốc?
Như tôi đã nói ở trên, khả năng nâng cấp của hệ thống này ở mức trung bình do sử dụng bo mạch chủ cỡ Micro ATX. Tuy nhiên, nếu bạn không có nhu cầu nâng cấp quá nhiều thứ, thì thường bạn sẽ lên những thứ sau trước:
- CPU: cải thiện khả năng sử dụng nhiều plugin, chạy ở độ trễ thấp
- RAM: cải thiện khả năng tải số lượng lớn nhạc cụ ảo trong cùng 1 thời điểm
- HDD: cải thiện khả năng lưu trữ, hiệu năng hệ thống với một số cách thiết lập đặc biệt
Nếu bạn muốn lên nhiều hơn nữa? Hãy đón đọc bài viết về hệ thống máy tính làm nhạc 15 triệu và trên 20 triệu sắp tới.
Chúc bạn mua sắm vui vẻ!
Nam Choắt says
lol , còn sound card , keyboard , speakers , các kiểu plugin nữa , người nông dân phải làm sao :))
Nguyễn Thái Hà says
Cái đó người nông dân phải tự tính thôi vì nó phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu, sở thích mừ. Hơn nữa dễ gây war lắm nên tại hạ hem đề cập đến để sống an lành những năm cuối đời :v
Đùa tí thôi, cái đó nhiều cái để nói quá nên ko đủ để cover trong bài viết này Nam ạ. 😉
Nguyễn Thái Hà
Adom Doledas says
Hi TCM,
Cho mình hỏi là với CPU như vậy làm sao có thể chạy 128 samples buffer size mà không bị drop out vậy bạn? Hay là do bạn đang sử dụng interface tầm cao?
Thanks.
Nguyễn Thái Hà says
Chào Adom Doledas,
Cái ảnh hưởng chủ yếu tới sự ổn định của PC khi recording ở độ trễ thấp phụ thuộc vào:
1. Số lượng, chủng loại và model cụ thể của các plugin bạn dùng real-time
2. Sự ổn định của ASIO Driver do hãng sản xuất Audio Interface phát triển
Nếu bạn thu âm nhiều track cùng 1 lúc, ví dụ 20 mic cho acoustic drums, 1 cho bass, 1 cho guitar, 1 cho vocal, bạn sử dụng ít VST realtime thì không có vấn đề gì với cả audio interface tầm trung. Ví dụ: MOTU 824 MK3, MR816X…. chứ chưa kể đến con trâu bò RME.
Còn khi mix thì mình sẽ ko dùng nổi 128 sample vì lúc đó mở nhiều plugin quá. Toàn phải lên 1024 hoặc 2048 thì mới sống nổi (với MR816X, project trung bình tầm 40-60 track)
Nguyễn Thái Hà
Adom Doledas says
À, vì mình có thói quen tìm buffer size thấp nhất ổn định trong đa số trường hợp nên mới thắc mắc như vậy, thanks bạn đã giải đáp. Tuy nhiên khi thu âm không nên dùng buffer size thấp để đảm bảo chất lượng đầu vào (không bị drop out do CPU ko đáp ứng kịp), chỉ sử dụng buffer size thấp khi interface của bạn KHÔNG hỗ trợ ADM (ASIO Direct Monitoring) mà chỉ hỗ trợ software monitoring thông qua DAW. Tuy nhiên hầu hết các interface thời gian gần đây đều có tính năng này (Direct Monitoring) và các DAW đều có latency compensation nên thu với buffer cao sẽ an toàn hơn, mà không sợ bị offset (lệch thời gian).
Một lưu ý nữa là với sampling rate càng cao thì buffer cũng nên cao hơn, vd với 128 samples TCM sử dụng thì tương đối an toàn ở 44, thậm chí 96KHz nếu CPU tốt (i7 Ivy hoặc Haswell chẳng hạn). Nhưng nếu là 192KHz thì nên nâng buffer size lên. Cụ thể vì sao thì mình xin không giải thích vì sẽ rất dài dòng dưới 1 comment như thế nảy.
Chúc TCM tiếp tục có những bài viết chia sẻ như thế này với cộng đồng.
Nguyễn Thái Hà says
Hi Adom,
Cảm ơn phần trả lời và thảo luận rất chi tiết của bạn. Tính năng Zero Latency Monitoring trên các AI đời mới rất tiện lợi nhưng cũng có 1 số hạn chế với dân thu DI kiểu như E-Guitar và E-Bass. Mình rất hay thu E-Guitar theo kiểu thu DI trước rồi reamp sau nên hơi khó sử dụng theo phương án này do khi dùng ZLM, cái mình nghe được sẽ chỉ là DI chứ ko phải Distortion do phụ thuộc vào FX mà AI tích hợp cùng mạch ZLM (đa phần chỉ có EQ, Compression, RV, DL). Mình không đưa nội dung này vào bài vì nó vượt ngoài khuôn khổ nội dung tư vấn dàn máy.
Về Automatic Latency Compensation mình ko chắc là toàn bộ các DAW đều support vì như mình nhớ, hình như PT LE không có tính năng này thì phải. (ko biết tới thời điểm này thì PT LE đã bổ sung chưa)
Về Project Settings để đạt được performance như mình lấy ví dụ trong bài thì đúng là phải để 44.1kHz thì dàn 10t mới chịu nổi, lên cao hơn là drop-out ngay. Các thông tin đặc tính của dàn máy chỉ nhằm giúp ae nắm qua và mường tượng được performance của dàn máy thôi mà 😉
Cảm ơn Adom đã động viên, mình đang cố cày tiếp đây :v
Nguyễn Thái Hà
Adom Doledas says
Hi TCM,
ProTools đã bổ sung Auto Latency Compensation từ bản 9 rồi, tuy nhiên ngày càng nhiều người chuyển đổi nền tảng vì PT “trượt dốc không phanh” sau khi về tay Avid.
Đúng là với nhu cầu thu như bạn đề cập thì chỉ có thể sử dụng software monitoring, vì nếu thông qua amp thì không có đc “sức mạnh” tuỳ biến để điều chỉnh bản mix, dù có thể thu đồng thời 2 đường tín hiệu từ source để không phải giảm buffer nhiều (dù khá lãng phí). Mình không thích cái term “Zero Latency Monitoring” lắm vì thực tế chẳng có gì zero cả, Direct có vẻ phù hợp hơn, dù “trực tiếp” chỉ là không thông qua buffer của DAW/OS nhưng vẫn thông qua buffer của converter bên trong AI (và dù rất thấp nhưng vẫn khoảng 1 đến vài ms roundtrip).
Bàn ngoài lề nhiều rồi, mình cũng xin góp ý thêm chút xíu để bài viết có thể hoàn hảo hơn. Với tiêu chí là máy tính thì thường là “strictly PC components”, không có bất kì thiết bị ngoại vi (peripherals) nào như màn hình (bài viết thực hiện tốt) hay cả chuột và bàn phím, vì những thiết bị đó phụ thuộc vào tiêu chí cá nhân rất nhiều, cũng như việc không kèm AI, speakers, mic, v…v… vào danh sách linh kiện. Xin lỗi vì comment quá dài.
Adom
Nguyễn Thái Hà says
Hi Adom,
Cảm ơn phần chia sẻ của bạn nhé. Uhm, cái term đôi khi nó có tí mùi Marketing nữa nên dễ gây misleading cho người mới học. :v Mình cũng ko hiểu sao lúc build cái máy lại quên mất dí cả chuột vs keyboard vào làm gì. Haha. Mình sẽ rút kinh nghiệm vụ này để 2 dàn tiếp theo tập trung hơn nữa 😉
Cảm ơn sự nhiệt tình của bạn 1 lần nữa. Điều này chứng minh rằng phần comment (nếu tích cực) sẽ luôn mang lại nhiều thông tin hữu ích cho độc giả không kém gì nội dung bài 😉
Thân mến,
Nguyễn Thái Hà
Quang Việt says
Em nghĩ cpu bộ nhớ đệm có 3mb ko cân nổi đâu a Hà, thà mua i5 3570 hoặc i7 3770 còn hơn, đồng nghĩa với việc main cũng đời cũ hơn nhưng sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn con i3 đời 4 kia
phong says
Cho mình hỏi. Làm thế nào để xuất 2 màn hình mà không cần card VGA vậy
Nguyễn Thái Hà says
Chào Phong,
Nếu bo mạch chủ của bạn hỗ trợ 2 ngõ xuất màn hình (ví dụ như bo mạch chủ mình đề xuất) thì bạn chỉ việc cắm 2 màn hình vào 2 ngõ xuất đó, cấu hình lại chế độ hiển thị trong windows là sử dụng 1 màn hình kèm 1 màn extend là xong.
Nguyễn Thái Hà
phong says
Thank bạn nhé !
giáp nguyễn says
Bác Hà cho mình hỏi tý, mình đang tập chỉnh sửa mấy bài hát bà chị thu trong điện thoại rồi chép ra đĩa, vậy phải dùng phần mềm nào và chỉnh ra làm sao… Mong bác chiếu cố …
Trân trọng đội ơn bác.
max says
Sao bạn không vào phòng thu rẻ tiền để thu. ít nhất nó cũng nghe âm thanh chất hơn điện thoại ghi âm. Mà ghi âm trên điện thoại mà dùng phần mềm edit thì bài chỉ có dơ thêm mà thôi.