Một trong những DAW có tuy duy đột phá và khác biệt mình yêu thích không kém gì REAPER (cả 2 đều bắt đầu từ 1 Open-Source project). Chưa nghịch ngợm gì nhiều nhưng một khi đã thử qua, mình tin rằng ae sẽ thấy khoái nó.
Thị trường về DAW chưa đủ khốc liệt sao?
“Chưa.”
Đó chắc chắn là những gì CEO của Harrison sẽ nói nếu có ai hỏi ông ta như vậy trong 1 bài phỏng vấn liên quan tới Harrison Mixbus – phần mềm làm nhạc mới ra của công ty Harrison. Thay vì sử dụng triết lý thiết kế sản phẩm tương tự như các DAW hiện có trên thị trường rồi cố làm mới hoặc cải thiện hơn, Harrison tự vạch ra cho mình một “đại dương xanh” mới: “DAW giả lập lại Quy trình làm việc và Âm thanh của Analog Console“. Điều này cũng có nghĩa là âm thanh của Harrison Mixbus không hề trung thực! Tất nhiên, đó là thứ Harrison chủ đích nhắm tới.
Tại thời điểm bài viết, Harrison Mixbus đã phát triển tới phiên bản 3 hỗ trợ các hệ điều hành Windows, Mac 64bit. Tiền thân của Harrison Mixbus là phần mềm làm nhạc mã nguồn mở Ardour (giá cả tùy tâm, bắt đầu từ 1$). Nhờ đó, Harrison Mixbus cũng là 1 trong những DAW hiếm hoi hỗ trợ cả Linux.
Giá bán của Harrison Mixbus 3 khá dễ chịu – 79$ cho bản đầy đủ chức năng với các tính năng xử lý, biên tập âm thanh mạnh mẽ. Khi mua các gói bổ sung công lực, trán của chúng ta sẽ có thêm nhiều nếp nhăn hơn một chút nhưng rất đáng tiền. Dù vậy, cá nhân tôi thấy việc mua thêm các công cụ trên không quá quan trọng vì thứ thực sự khiến Mixbus 3 khác biệt và hữu ích không nằm ở các gói bổ sung đó mà nằm ở quy trình làm việc (workflow). Điều này sẽ được giải thích sau trong bài.
Nếu bạn chưa biết về Harrison, rất có thể 1 mả các bộ phim bạn yêu thích từ xưa tới giờ đã được xử lý âm thanh trên các console của hãng! Harrison là công ty sản xuất Analog/Digital Console rất có tiếng tăm của Mỹ. Ngay từ thập niên 80, họ đã bắt đầu thử sức với việc số hóa các console của mình. Với kinh nghiệm dày dặn như vậy, hẳn họ phải có lý do khi rất tự tin về âm thanh của Harrison Mixbus.
Có thể bạn chưa biết: UAD cũng phải làm 1 plugin giả lập EQ của Harrison 32C Console. Thế nên chớ có đùa với anh Harrison nhà ta nha! :v
Xin chào Jack!
Nếu đã từng thử Mixbus phiên bản 2 bạn sẽ được biết đến 1 phần mềm độc lập giúp đấu nối (route) các luồng dữ liệu audio chéo giữa nhiều ứng dụng khác nhau trên nền tảng Mac. Đó chính là Jack Pilot (miễn phí). Ở Mixbus 2, Jack Pilot là ứng dụng bắt buộc phải cài theo nếu bạn sử dụng Mac. Nhưng từ phiên bản 3, Harrison Mixbus đã cho phép người dùng cài riêng Mixbus hoặc bỏ qua vì Jack Pilot vẫn chưa thực sự hoàn thiện, rất nhiều người gặp khó khăn trong việc cài đặt và sử dụng chung với Mixbus. Điều này khiến Mixbus mất 1 lượng khách không nhỏ và mang tiếp “tai tiếng” không ổn định, buggy (nhiều lỗi).
Bạn có thể làm gì với Jack Pilot? Khá là thú vị. Đấu nối âm thanh từ ứng dụng này sang ứng dụng khác là chức năng cơ bản. Nhưng cái ứng dụng của nó mới hay ho. Tôi có thể kể ra 1 vài trường hợp như sau:
- Đấu trực tiếp âm thanh từ iTunes hay bất cứ phần mềm nghe nhạc nào vào thẳng DAW (ở đây là Mixbus)
- Đấu analog hardware bên ngoài vào trong Mixbus để sử dụng như 1 Insert hoặc Send FX (Mixbus sẽ tự động đo đạc và bù trừ độ trễ)
- Đấu trực tiếp âm thanh (thậm chí theo từng track riêng lẻ) từ 1 DAW khác sang Mixbus. Điều này hữu ích nếu bạn thích soạn nhạc/biên tập âm thanh ở DAW A nhưng lại thích mix trên DAW B… Ví dụ khi soạn nhạc cho vui hoặc edit MIDI, tôi thường sử dụng Cubase, nhưng khi mixing, tôi lại thích dùng Reaper. Tôi có thể đấu thẳng đường output của từng track trên Cubase sang Reaper để vừa soạn, sửa bài, mix cùng 1 lúc trên 2 DAW yêu thích.
Ví dụ thì thế thôi chứ tôi luôn theo trường phái làm việc gì ra việc đó. Mixing là mixing, soạn nhạc là soạn nhạc. Tuy nhiên, nếu phong cách làm việc chéo ở ví dụ trên phù hợp với bạn, cũng không mất gì để thử phải không?
“Cảm giác” của Analog Console
Harrison Mixbus luôn được quảng cáo là mang lại cảm giác làm việc với Analog Console. Bởi vậy, không có gì lạ khi giao diện và cách bố trí mixer của Mixbus rất giống Analog Console. Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy Polarity Flip, Insert Rack, EQ, Dynamics Processor, Auxiliary Level Control (send level control – ở bối cảnh này tín hiệu sẽ gửi thẳng tới 1 trong 8 submix cho sẵn), QuickControl Access, Input Trim được đặt thẳng lên Channel Strip thay vì chỉ có các rack insert và send trống không gọi mời đôi tay của chúng ta thêm 1 mớ thứ fx loằng ngoằng vào Mixer.
Khu vực Master Control, Monitoring Control cũng được đặt mặc định ở bên phải (giống các Analog Console cỡ trung, ở Analog Console cỡ lớn (ví dụ SSL 4k Series) thì nằm ở giữa). Phần Monitoring Control mới được bổ sung trong bản 3 sẽ giúp bạn nhanh chóng thực hiện các thao tác kiếm tra cơ bản trong quá trình mixing và mastering.
Meter là một trong nhưng điểm đáng nói của Mixbus. Trên Channel Strip bạn sẽ có Peak Meter, Gain Reduction Meter. Trên Submix Channel, ngoài các meter chuẩn, bạn được trang bị thêm cả VU Meter của Tape Saturation module. Tại Masterbus, bạn có thêm Peak Reduction Meter (của Limiter), L/R Phase Correlation Meter, Meter đo độ ồn trung bình được calibrate theo thang K-14, Peak Reduction Meter của Brickwall Limiter.
Nói tóm lại là nếu đã quen thao tác với các Analog Console từ trước, bạn sẽ thấy thân thuộc với Mixbus Mixing Console ngay lập tức. Tất cả những thứ thường dùng, những thông tin thiết yếu đều nằm sẵn tại mixer. Rất tiện lợi. Ở phiên bản 2, giao diện mixer trông khá rối mắt. Điều này đã được cải thiện rất nhiều ở phiên bản 3.
Không chỉ có bộ vỏ
Theo Harrison, giao diện mixer và thuật toán đằng sau các thiết bị đi kèm được chỉnh sửa hoặc port thẳng từ các music console 32-series và MR-series của họ. Các thuật toán cao cấp này cũng được cập nhật liên tục để bằng chị bằng em, nâng cao chất lượng xử lý tín hiệu.
Khi mua riêng Harrison Mixbus 3, bạn sẽ mua riêng bộ lõi gồm DAW và các phiên bản dạng cơ bản của các hiệu ứng EQ, Compressor, Tape Machine, Limiter để sử dụng trực tiếp trên Mixbus Console. Compressor đi kèm Mixbus 3 rất mạnh, linh hoạt nhưng lại cực kỳ dễ dùng với 3 điều khiển tối giản Threshold, Make-up, Compressor Speed (ý ám chỉ sự kết hợp giữa Attack và Release).
Trên thử nghiệm thực tế, các hiệu ứng của Mixbus 3 có chất lượng rất cao không kém cạnh gì các plugin của những hãng sản xuất hàng đầu như Waves, UA… EQ mượt mà, xử lý mạnh tay với tần số cao rất ít thấy các hệ quả ngoài ý muốn như rát tai, nát tiếng… Compressor cũng rất punchy hoặc mượt mà khi cần. Tape Saturator cho khả năng nhuộm màu tín hiệu tốt, rất chiều tai. Tuy nhiên nếu bạn dí mạnh tay thì đối với 1 số nguồn âm thanh (ví dụ Drums) nghe hơi kỳ cục 1 chút. Điều may mắn là ít khi chúng ta cần phải làm mạnh tay như thế. Nếu phải làm, thì cũng là chủ đích tạo ra hiệu ứng sáng tạo. Khi dí với mức vừa phải, Tape Saturator của Mixbus 3 cho âm thanh ấm áp, compress một cách nhẹ nhàng nguồn tín hiệu, làm mượt attack của các nguồn âm thanh như Drums, Acoustic Guitar. Điểm đặc biệt ở chức năng này là nó chỉ có duy nhất… 01 điều khiển – núm Drive!
Điều này khiến tôi càng đánh giá cao ý muốn giúp não người dùng bớt nếp nhăn của Harrison khi chỉ cung cấp các điều khiển tối thiểu với chất lượng âm thanh cao nhất có thể. Nó có nghĩa là bạn sẽ ít thời gian bận tâm về các con số mà tập trung vào sáng tạo hơn. 1 Like cho Harrison!
Ngoài ra, hãng cũng cung cấp cho bạn các loại thuốc tăng lực bán dưới dạng product add-ons giúp bổ sung, tăng cường chức năng, sự linh hoạt, lựa chọn về âm thanh khác như XT-series, Character series, Delay, Reverb…
À mà tôi đã nói tới việc Mixbus 3 có đến 50 MIDI effect cho sẵn chưa nhỉ????
Sau khi trang bị đầy đủ các tính năng bổ sung, gần như 95% nhu cầu về thiết bị của bạn đã được Mixbus 3 đáp ứng đầy đủ! Tất nhiên, Harrison không ép bạn phải dùng đồ của họ. Bạn vẫn có thể sử dụng plugin/hardware của hãng thứ 3 thoải mái. Và đây lại là một ưu điểm nữa: khả năng hỗ trợ rất nhiều chuẩn plugin phổ biến như VST, AU, LV2… mà không cần các plugin hoặc ứng dụng cầu nối (ví dụ VST Wrapper bên ProTools).
Analog Console Workflow
Cái tôi thích ở Harrison Mixbus không phải là… chữ Analog hay cái “hơi” analog như nhiều ae vẫn nghiện. Đồ digital có nhiều lợi thế rất lớn, phần lớn các plugin tôi thích đều không giả lập con analog hardware cụ thể nào cả.
Khi mixing trên Harrison MixBus, toàn bộ các công cụ thiết yếu của bạn đều nằm sẵn trong Channel Strip, gain stage cũng được tối ưu… nên bạn sẽ ít phải đau đầu trong việc chọn lựa giữa cả trăm (với 1 số người là cả nghìn!) plugin khác. Điều này sẽ giúp bạn làm việc tập trung hơn, hiệu quả hơn và nhanh chóng ra được kết quả tốt hơn. Tất nhiên, bạn vẫn sử dụng plugin của hãng thứ 3 được.
Tại sao Workflow (quy trình làm việc) dạng này lại quan trọng? Rất đơn giản. Trên thực tế khi mixing, bạn càng ngồi ngâm nghê, cà kê, đắn đo lựa chọn thiết bị, thiết lập nhiều thì hiệu quả của bạn càng giảm sút, cảm giác của bạn với bài hát sẽ càng không còn nguyên vẹn và bắt đầu chèn vào quá nhiều các suy nghĩ phân tích logic, máy móc thay vì thực sự cảm nhận để làm nổi bật cái hay, hạn chế cái dở của bài hát bằng mixing.
Điều này tương tự với việc bạn làm trên 1 Analog Console. Các thiết bị thiết yếu (EQ, Comp, Exp, Sat, Gate, Filter…) thì hầu hết đã có trên Console rồi, bạn có thể nối thêm với các thiết bị bên ngoài để tăng cường lựa chọn về cách thức xử lý, đấu nối. Cái hay của nó ở chỗ các thiết bị này bạn tiếp xúc liên tục, nằm ngay trong tầm tay thao tác của bạn, sự lựa chọn thiết bị của bạn cũng rất hữu hạn do đó khi dùng lâu rồi, bạn sẽ cực kỳ hiểu rõ những gì mình đang có, bạn có thể thao tác rất nhanh khi muốn tạo ra sự thay đổi nào đó về âm thanh. Và sự tập trung của bạn thay vì dồn vào thiết bị nay dồn hẳn vào thứ quan trọng nhất: âm nhạc.
Các bạn thường hay mơ ước về 1 studio với 1 mả tủ lạnh, 1 mả vintage gear nhưng thực tế nếu ngồi đếm số thiết bị bạn có trong DAW, đồ plugin các bạn sưu tầm thì tôi tin là kể cả 1 home studio bé tí ở VN cũng có nhiều thiết bị hơn họ!
Xin đừng tranh luận về âm thanh của analog/digital ở đây! Analog/Digital – tôi không quan tâm. Cái nào phục vụ được nhu cầu của tôi là tôi thích. Bạn có thể có quan điểm khác tôi, bạn cứ việc giữ quan điểm đó cho mình, tôi không phản đối.
Chốt lại, các bạn luôn muốn có âm thanh như những mixing legends – người làm ra các bản HIT 70s, 80s, 90s mà bạn vẫn vập đầu vào repeat hàng ngày? Để làm được như thế, cái bạn cần không phải là đống thiết bị của họ mà chính là quy trình làm việc, cách tư duy của họ.
Gợi ý của tôi:
- Thay vì xem 1 mớ tutorials vàng thau lẫn lộn trên youtube, hãy tìm các video tư liệu dạng “Making of…” hoặc phim tài liệu về 1 sản phẩm âm nhạc nào đó. Bạn sẽ học được 1 mả kinh nghiệm CỰC kỳ hữu ích chứ ko phải 3 cái thông số của compressor, reverb… vốn chả áp dụng được vào bản mix riêng của bạn
- Đọc tiểu sử và tìm hiểu về thói quen làm việc của những người bạn yêu thích để hiểu được con người họ, quy trình làm việc và lối tư duy của họ
Nếu bạn đang thắc mắc rằng Cubase cũng có ChannelStrip cơ mà? Sao lại nói Mixbus khác biệt? Thật ra, Harrison nó đi 1 bước xa hơn trong việc model lại Analog Console Workflow và Analog Console Sound. Đó là…
Khi 1+1 = 3
Nếu bạn đã nghe tới các thiết bị Analog Summing Mixer như Dangerous Music 2-Bus, SSL Sigma, SPL MixDream XP… thì có thể, bạn sẽ nhận thấy lợi ích của việc này. Khi các Analog Console sum (gộp) tín hiệu từ nhiều channel riêng lẻ lại về Masterbus, có một số hiệu ứng (nhà sản xuất vốn không chủ đích làm như vậy) xảy ra khiến âm thanh có vẻ dày hơn, tròn trịa hơn, punchy hơn, hòa quyện hơn, stereo image rõ ràng, nhạc cụ clear hơn… Tất nhiên phải là Analog Console cao cấp rồi, chứ với console cấp thấp, mình ko thấy bất cứ lợi ích nào cả ngoài… phát sinh tiếng ồn.
Những thứ trên là lợi hay hại thì cũng tùy từng bối cảnh. Như tôi đã nói, rất nhiều thứ khiến dân âm thanh say mê lại là thứ nhà sản xuất không hề chủ đích làm ra hoặc vì lý do kỹ thuật, họ chưa thể làm được sản phẩm nghe giống ý mình muốn. SSL chưa bao giờ có ý định làm ra 1 Console mang sặc mùi âm thanh “SSL” cả (tức là nhuộm màu tín hiệu theo cách đặc trưng của hãng). Bao nhiêu năm trôi qua họ vẫn mải mê đi tìm thứ âm thanh thực sự trung tính, sạch sẽ. Họ muốn các console của mình ít in dấu chân lên các bản mix nhất có thể. Tuy nhiên, do nhiều giới hạn kỹ thuật, họ chưa làm được điều đó trong quá khứ. Sự nỗ lực này kéo dài suốt vài thập kỷ cho tới khi họ nhận ra khách hàng của họ… không có chung quan điểm đó! lol
Con người rất kỳ lạ. Họ hay có xu hướng tin, yêu thích những gì… không rõ ràng, kỳ bí. Bói toán là 1 điển hình. Khách hàng trung thành của SSL thường thích mấy thứ “magic” do các classic SSL Console (ví dụ SSL E Series, G Series, 9K Series) tạo ra như các đặc tính tôi kể ở trên. Sau khi suy nghĩ nát óc, cuối cùng đội ngũ kỹ thuật của SSL quyết định không chọn duy nhất con đường “thuần khiết” mà họ theo đuổi bấy lâu nữa mà kết hợp thêm nhiều yếu tố khác. Những thông tin thú vị này tôi biết được trong cuộc phỏng vấn giữa Hendrik (Softube) và kỹ sư cao cấp – Chris Jenkin, phó chủ tịch cao cấp phụ trách bán hàng – James (đều thuộc SSL) cùng 1 số tài liệu khác.
Lưu ý: Tôi kể chuyện để giúp các bạn có thêm góc nhìn của 1 nhà sản xuất hàng đầu (SSL) chứ không phải để gây tranh cãi về 1 chủ đề xưa như trái đất + nhàm chán phát rồ – Analog vs Digital – đâu nhé!
Lý giải cho cái “magic” kia thì cần nhiều giấy mực. Tôi xin hẹn vào 1 bài khác vì nó rất nặng tính kỹ thuật – đọc ko sướng bằng bài có nhiều mỹ từ như “analog”, “warm”, “distortion” mà đa số người muốn nghe. Hahahaha.
Trở lại với Harrison Mixbus 3, khi bạn gộp tín hiệu trên các Digital DAW vốn có nghĩa vụ giữ âm thanh transparent (trung thực) nhất có thể (vd: Reaper, Cubase, ProTools, Logic…), âm thanh nó sẽ đúng là tổng hòa của các channel riêng lẻ hoặc nếu bạn muốn… cãi nhau về audio quality, tôi sẽ sửa lại thành các DAW sẽ cố gắng gộp CHÍNH XÁC nhất có thể âm thanh từ các channel riêng lẻ (các tín đồ của từng DAW vừa ý chưa?). =.= (Mệt lắm cơ)
Nhưng Harrison Mixbus thì… không có ý định giữ âm thanh trung thực. Bản thân trên từng channel vốn đã có 1 chút nhuộm màu (đặc biệt là 8 Submix được trang bị súng ống rất cẩn thận với 1 con Tape Saturator kèm VU Meter đã calibrate), các plugin của hãng cũng đã nhuộm màu tín hiệu khá rõ rồi nay khi gộp lại ở Master Bus thì lại bổ sung thêm 1 tầng nhuộm màu khác. Nói một cách đơn giản, Mixbus cố gắng làm mọi cách khiến âm thanh nghe và tương tác với nhau giữa các channel giống Analog Console của họ nhất có thể. Việc kết quả cộng gộp các audio channel, bux, submix.. riêng lẻ về Masterbus cho ra âm thanh khác bản chất chính là mô phỏng lại Analog Summing.
Thích hay ko là tùy bạn, còn phần mềm thì nó cứ nhuộm màu theo cách của nó. Bạn thấy có giống Analog Console ko? haha. Cách duy nhất là bạn phải hiểu được rõ hoặc làm quen với hành vi nhuộm này của nó. Nếu ko thích cái màu âm thanh của Harrison MixBus? Đừng dùng nó. Đơn giản.
Lối tư duy và cách triển khai này cũng khá là thú vị, khác biệt và quan trọng nhất là đánh đúng tâm lý của dân làm ITB (mixing với plugin) là thích cái “magic” của analog console (genius marketing trick)! :v
Đói khát CPU
Số lượng track, plugin, kết nối với Analog Hardware cũng không giới hạn. “Giới hạn” duy nhất về khía cạnh này chính là khả năng xử lý của máy tính người dùng. Trên thực tế, kể cả khi không load 1 plugin nào, khi tôi tạo 10 track mono và 10 aux-bus trên Mixbus 2.5.1 (cộng cả 8 submix bus vào là 28 channel), Mixbus đã bắt đầu thể hiện 1 chút nặng nhọc trong quá trình vận hành. Xin nói rõ hơn, cấu hình máy của tôi còn yếu hơn dàn máy tính làm nhạc 10 triệu mà Tạp chí MIX đã từng giới thiệu. Do đó, có thể điều này không đúng với máy của bạn. Đặc biệt là khi phiên bản 3 được giới thiệu rằng đã làm công tác tối ưu hóa mã nguồn tốt hơn rất nhiều lần trên môi trường x64. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng đây là 1 điểm trừ của Mixbus.
Tại sao lại có hiện tượng ngốn CPU mạnh tới như vậy? Rất đơn giản. Bạn hãy đọc phần “Khi 1+1=3” một lần nữa. Ngay cả khi bạn không chèn bất cứ plugin nào vào, bản thân Mixbus đã luôn xử lý và giả lập analog summing rồi. Bởi vậy, nó luôn chiếm CPU cao hơn các DAW khác bất kể bạn dùng hay không dùng plugin bên ngoài.
Liệu ai sẽ thích dùng Mixbus?
Bạn đọc bài viết này, bạn có thấy thích và bị hấp dẫn bởi Mixbus 3 không? Nếu có thì bạn chính là đối tượng khách hàng của Mixbus. Túm lại, hãy xem 1 số các đặc tính sau đây có cái nào bạn dính không. Nếu có thì mồi câu của Mixbus 3 đã găm trúng bạn rồi đó!
- Yêu thích quy trình làm việc truyền thống với Analog Console
- Thích có âm thanh giống các Analog Console
- Có thói quen sử dụng một nhóm công cụ nhất định, lặp đi lặp lại
- Muốn đơn giản hóa tối đa quá trình mixing nhưng không hi sinh chất lượng hay khả năng xử lý, biên tập audio/midi mạnh mẽ
Thực tế khi thử dùng Mixbus cho vui (bản 2.5), tôi thấy làm việc trên Mixbus đúng là… vui thật! :))))) Khi thử bỏ qua toàn bộ các plugin của hãng thứ 3 để mixing chỉ với mấy em hàng đi theo Mixbus 3, đầu óc tôi cũng thấy thư giãn hơn. Quá trình làm việc để ra kết quả tương đối ưng ý cũng nhanh hơn (dù rõ ràng là ít lựa chọn về thiết bị hơn!) do không bị phân tâm nhiều, tất cả các đồ cần dùng đều nằm ngay màn hình, tiết kiệm thời gian và thao tác thừa rất đáng kể. Điều này khiến tôi cảm thấy thích thú lạ thường.
Cơ mà tôi có bỏ Reaper không? Đừng hòng. Tôi yêu thích Reaper ở rất nhiều điểm khác mà Harrison Mixbus 3 hiện chưa có. Nhưng nếu bạn là người mới bắt đầu tập mix nhạc hay kể cả là người làm studio lâu năm và đang cân nhắc lựa chọn một giải pháp soạn nhạc, thu âm, mixing đơn giản, hiệu quả với chất lượng rất cao trên máy tính, Harrison Mixbus 3 sẽ không làm bạn thất vọng. Miễn là bạn đừng nhìn chữ “đơn giản” tôi vừa viết mà đánh giá thấp các tính năng edit, routing nâng cao của Mixbus 3 là được.
Ít nhất, nó cũng đáng để bạn thử lấy 1 lần.
Nhớ lời tôi nói nhé, làm trên Mixbus 3 thấy vui phết đó! :))
======================
Toàn bộ bài viết chỉ phán ánh lại quan điểm, triết lý thiết kế sản phẩm của nhà sản xuất. Toàn bộ các comment gây war dạng Analog vs Digital cái nào tốt hơn một cách tiêu cực/bảo thủ sẽ bị xóa không thương tiếc.
- 79$
Dương Ca says
Mình cũng muốn thử nhưng mình xài win. Chấm?
Nguyễn Thái Hà says
Hi Dương Ca,
Mình cũng dùng Win và vẫn đang dùng Mixbus 3 đây. 😉
Nguyễn Thái Hà
Kim dan says
Mình chân thành cảm ơn Thái Hà . Dù lớn tuổi mù mờ về âm nhạc thu âm . những tình cờ đọc được trang web Mình vô cùng vui khi thấy dân tộc Việt Ta còn những người anh em giỏi và có đức độ trong chuyên môn nghiệp vuj . Tôi hoan nghênh bài viết và tư tưởng chống xóa Mù về âm nhạc hay Rec . chúc gia đình Thái Hà an khang . Tran trong
Nguyễn Thái Hà says
Cháu cảm ơn chú ạ. Cháu cũng chúc gia đình chú mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Cháu,
Nguyễn Thái Hà
Dương Ca says
Chào anh Hà! Biết là Cufan (cubase fan) nào giờ mình xài sonar (cũng thuốc thang thôi chứ ko “trí thức”) nên không rành cubase. Chẳng qua mình mới mua cây motif xf và được hãng tặng kèm Cubase AL, nên sẵn đó mình tìm hiểu cubase luôn thể, ít ra cũng xài đường đường chính chính hihi… mình ko biết bản này so với bản pro như thế nào, và bản LE nữa. Cám ơn a.
Nguyễn Thái Hà says
Chào Dương Ca,
Cubase AI kém rất nhiều so với Cubase Elements. Bạn nên nâng cấp lên tối thiểu Cubase Elements, mua chính hãng cũng khá rẻ – có tầm 99$ thôi.
Nguyễn Thái Hà
Mr Thảo says
Sẽ thử xem sao. Thank bạn
phòng thu âm says
Mình cũng đã từng dùng mixbus 3 và cảm thấy rất OK bạn nào chưa sử dụng hãy thử trải nghiệm cho mình nhé. Cảm ơn chủ pic bài viết rất ý nghĩa
Kartist says
ủa vậy là Reaper cũng dựa trên Ardour hả?
Kartist says
anh có dùng Tracktion không nhỉ? DAW miễn phí và cũng hỗ trợ Linux, hóng 1 bài review :v