Cách đây 2 hôm mình có chia sẻ lên Facebook cá nhân mấy bức hình chụp 1 góc của phòng Mixing/Mastering mới và nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Cảm ơn các bạn rất nhiều, 325 Like, không thể nào tin nổi. Để đáp lại sự quan tâm ý, mình sẽ chia sẻ kết quả đo lường cái ổ chuột và so sánh với các tiêu chuẩn về Reference Listening Room (phòng nghe tham chiếu) của các tổ chức, hãng sản xuất lớn như ITU, AES, Genelec…
Đây là kết quả đo tạm thời (vì mình sẽ còn cải thiện nữa trong thời gian tới) mình vừa thực hiện đêm 6/1/2017. Nhìn chung thì mình khá hài lòng vì nó “đạt” một số tiêu chuẩn quan trọng của phòng nghe tham chiếu (ITU-R BS.1116-1, AES, Genelec Recommendations..) với ngân sách cực kỳ thấp và thời gian thi công nhanh như mấy anh yếu sinh lý.
Mình để chữ “đạt” trong ngoặc kép vì đây là kết quả thu được từ các trang thiết bị đo lường của mình đang có. Dù là thiết bị chuyên nghiệp, nhưng khó có thể so sánh với các thiết bị high end sử dụng trong các phiên đo lường, đánh giá tiêu chuẩn của ITU hay AES.
Các tiêu chuẩn đã “đạt” bao gồm In-Room Frequency Response (FR) / Room Operational Response Curve, Direct Sound vs Reflections SPL, Initial Signal Delay (ISD) Gap, Early Reflection Attentuation, T30 (đừng sợ thuật ngữ vì mình có giải thích ở phía dưới).
So sánh “Bừa”
1. In-Room Frequency Response
Dung sai về SPL (hiểu nôm na là cường độ âm thanh) giữa các tần số khác nhau trong phòng. Càng ít càng tốt.
ITU Recommend với riêng Monitor (on-axis) là +-4dB (1/3oct band) trong khoảng 40hz-16kHz CHƯA tính dung sai phòng. Mình đo luôn cả dung sai Monitor VÀ phòng.
Phòng mình: +- 2.5dB từ 48hz -23kHz (normal range); +- 2.5 từ 20Hz – 200Hz (standingwaves range); +-5dB từ 20hz – 23kHz (FullRange Monitoring)
2. RT60 trung bình từ 200hz – 4kHz
Thời gian cần để âm phản dội trong phòng giảm đi 60dB. Nó nói lên độ khô của phòng. Cá nhân mình ko coi trọng RT60 bằng T30 trong control room design. Bạn hãy thử mở DAW lên giảm đi 60dB xem ta có còn nghe thấy gì không? Với các phòng chưa đạt ITU Noise Floor <10dB thì khi giảm level tín hiệu đi 60dB, bạn sẽ gần như không còn nghe thấy gì vì lúc này Ambience Noise (tiếng ồn môi trường) của phòng sẽ cao hơn signal – trừ khi bạn đang vặn loa cực to.
Do đó, nếu âm thanh có còn ngân đi nữa bạn cũng không nghe thấy hoặc cực khó nghe thấy.
Kết quả điều tra 164 Professional Control Rooms tại EU & UK của Genelec: 380ms
Phòng mình: 250ms
Mình luôn cảm thấy dễ chịu cực kỳ trong các căn phòng/thiết bị cho transient cực tốt, độ khô nhanh, low distortion như HD800, Auratone.
3. Direct Sound (DS) vs Early Reflection (ER)
Tỉ lệ về áp suất giữa âm thanh trực tiếp từ loa và phản dội đầu từ các bề mặt cứng trong phòng. DS cần lớn hơn ER tối thiểu 10dB để giữ độ trung thực của âm thanh ở mức chấp nhận được. Mình khuyên các bạn nên cố gắng đạt được tối thiểu 20dB.
ITU Recommendation: min DS – ER >= 10dB (SPL) từ 1 – 8 kHz
Phòng mình: 30dB, tốt hơn giá trị yêu cầu ~2^3.33 = 10.05 lần. Tại sao lại là ~3.33? Vì 30 – 10 = 20 dB, 20/6 = 3.33 và SPL sử dụng logarithmic scale.
4. Minimum ISD Gap
Khoảng cách về thời gian giữa direct sound và discrete early reflection tính theo ms. Quá ngắn, reflection này sẽ color tín hiệu và giảm độ trung thực. Combfiltering Zone là dưới ~20ms, bởi vậy mình luôn cố gắng đạt ISD Gap cao hơn 25ms.
ITU Recommendation: min 15ms, ER giảm đi tối thiểu 10dB.
Phòng mình: 29.5ms, ER giảm ~30dB
5. T30, T20 và EDT
T30, T20, EDT là thời gian (đo bằng giây) cần để âm thanh phản dội trong phòng giảm đi (tương ứng) là 30dB, 20dB, 10dB. Trong 3 thông số này, T30 là quan trọng nhất. Đối với low frequency, các thông số này càng ngắn càng tốt. Phòng nghe tham chiếu cần nhất quán trong T30 từ thấp lên cao, đặc biệt là 200hz – 4kHz. Với Control Room, T30 trung bình được kỳ vọng là 0.3s.
Phòng mình: EDT (-10dB) là 0.028s, T20 -5 (-25dB) là 0.223s, T30 -5 (-35dB) là 0.299s.
T30 -5 tại 90-20000Hz của phòng mình là 0.154s đến 0.32s, T30 -5 tại 63Hz là 0.4s
Các bạn có thể thử trong DAW sẽ thấy khi giảm đi 30dB, tín hiệu đã bé hơn rất rất nhiều (tín hiệu nhỏ đi 2^(30/6) = 32 lần). Bởi vậy, khi bạn có T30 tốt thì môi trường monitor sẽ rất trung thực.
6. Mình đã không đạt những tiêu chuẩn nào?
Những tiêu chuẩn đáng nói của ITU mà mình không pass được bao gồm Noise Floor (<10dB SPL), Room Ratios, Room Dimensions, Room Shape vì mình không có điều kiện làm thêm cách âm cũng như không được chọn lựa không gian làm việc phù hợp. Năm nay sẽ chơi Vietlot để có tiền làm phòng đạt mấy cái này.
Cảm nhận nhanh vềtrải nghiệm nghe trong phòng
Transient cực rõ. Cái này đã được phản ánh trong T30, ISD Gap và DS vs ER SPL (biểu đồ Impulse Response). Bởi vậy, mình nghe thấy rất nhiều chi tiết âm thanh mà trước đó không nghe thấy hoặc không đủ rõ.
Mở bài test Low-End transient kinh điển của mình là Nothing Left của As I Lay Dying (hay bất cứ bài nào chạy double kick từ tempo 180 – 210), mình khá hài lòng vì low end của kick rất rõ, punchy, gần đạt tới level transient clarity của HD800.
Stereo Image, Front-to-back, Top-to-bottom đều rất rõ ràng. Reverb tail rõ hơn.
Khi nghe các bản mix tốt, âm thanh rất đầy, cân đối, punchy.
Khi nghe các bản mix chất lượng thấp, trải nghiệm của mình rất tệ hại vì mình có thể nghe thấy rất nhiều lỗi mixing/recording trong đó.
Nếu dùng 1 từ để mô tả phòng mình bây giờ, mình sẽ dùng từ Brutal hoặc No Mercy.
Nếu bạn có ý định khẽ thả 1 quả bom xịt trong phòng mình vào đêm khuya.. xin đừng, vì đến con ruồi nó trung tiện mình cũng sẽ nghe thấy (just kidding)
Túm cái váy
Với ngân sách siêu hạn hẹp, thời gian ngắn, mình hài lòng với kết quả đạt được. Thời gian tới, mình sẽ cố gắng cải thiện thêm T30 của sub bass (mục tiêu là T30 sub đạt 0.3s nhất quán từ 20Hz lên 100Hz). Ngoài ra, mình cũng sẽ cố gắng làm mượt thêm mid, low mid response.
Cuối cùng, có 1 con dip nho nhỏ ở 47Hz ngăn cản mình đạt FR +-2.5 từ 20Hz-20kHz. Hiện tại mình đã phát hiện ra nguyên nhân và lên phương án là phẳng nó.
Hết phần 1, trong phần 2 mình sẽ tiến hành đo lại để chia sẻ những cải tiến mới về chất lượng monitoring ở sub-bass.
KIEN says
hay wá,anh ơi 😀
Nguyễn Thái Hà says
Cảm ơn bạn nhiều nhé.
Nguyễn Thái Hà