Tuổi đời rất trẻ nhưng lại có tên trong nhiều sản phẩm âm nhạc thành công. Điều đó có đáng “ghen tị”? Không hẳn. Vì ghen tị không phải là thái độ tích cực. Nhưng chắc chắn là rất đáng học hỏi. Bá Hưng sẽ hé lộ những chi tiết thú vị trong quá trình sản xuất ca khúc Babie – sản phẩm đinh của album “Love” – do ca sĩ Đinh Hương thể hiện.
THE Babie
H: Chào Bá Hưng (BH), Hưng có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân được chứ?
BH: Xin chào Tạp Chí Mix, Bá Hưng theo đuổi âm nhạc đến bây giờ chính xác là 9 năm. Ban đầu, công việc chính của Hưng là biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đệm đàn. Sau này khi phát hiện ra mình có duyên với sáng tác, sản xuất, Hưng đã dành trọn tâm huyết và thời gian cho công việc này.
H: Phong cách âm nhạc yêu thích của Hưng là gì?
BH: Mình thích nghe nhạc Jazz, Soul, R&B, House, Cải Lương, Tuồng, Chèo…Trong số đó mình thích nhất House.
H: Được biết dù còn rất trẻ nhưng Hưng đã tham gia sản xuất nhiều sản phẩm âm nhạc được cộng đồng chú ý trong đó có ca khúc Wild Life, Thật Bất Ngờ (Trúc Nhân) và gần đây nhất là bài hát khá dễ thương “Babie” do Đinh Hương thể hiện. Hưng có thể giới thiệu qua về ca khúc và tóm lược những thành công “Babie” đạt được tới thời điểm hiện tại?
BH: Wild Life được ra mắt cách đây không lâu, mình cũng nhận được những phản hồi tốt từ phía các bạn trẻ yêu dòng nhạc EDM. Còn về Babie thì mình khá là hài lòng, ca khúc này vừa qua đã nhận được sự yêu thích của các bạn trẻ cũng như sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Hiện nay ca khúc đã nhận được hơn 300.000 lượt nghe sau khi ra mắt không lâu.
H: Bài hát này Hưng sáng tác trong hoàn cảnh nào? Mất bao lâu thì hoàn thành?
BH: Bài hát được mình sáng tác trong lúc ngồi chơi piano. Đây được xem là ca khúc được viết nhanh nhất trong số tất cả ca khúc từ trước đến giờ của mình. Nó được hoàn thành từ lời đến nhạc trong vòng 10 phút.
H: Nguồn cảm hứng sáng tác của Hưng thường đến từ đâu?
BH: Nguồn cảm hứng thì nhiều lắm, đôi khi chỉ là tình cờ thấy cặp đôi yêu nhau nắm tay trên phố, hay ngồi nghịch phím đàn, hoặc là nghĩ về một bộ phim yêu thích thì Hưng đều có thể nảy sinh ý tưởng cho 1 ca khúc.
1+1 > 2
H: Làm cách nào bạn tiếp cận được với các nghệ sĩ có tên tuổi để phối hợp làm việc như vậy?
BH: Thật ra đó cũng là một cơ duyên may mắn đối với Hưng khi được tiếp xúc với những người chuyên nghiệp.Hưng và chị Hương tình cờ quen nhau khi đi show, cũng hay nói chuyện, đi ăn uống với nhau. Sau khi ca khúc Babie ra đời, mình gọi cho chị Hương xem có hứng thú với ca khúc này không, chị ý nghe xong đồng ý ngay, ca khúc này cũng là 1 trong những ca khúc chính trong album Love Đinh Hương của chị vừa ra mắt gần đây.
H: Làm việc với nghệ sĩ có tên tuổi thì có gì “khác thường” không?
BH: Đối với mình, nghệ sĩ có tên tuổi hay không thì mình cũng chỉ chú trọng vào cách họ làm việc. Nếu ca sĩ và nhạc sĩ có cùng quan điểm, suy nghĩ và cách nhìn nhận 1 bài hát giống nhau thì đó là một điểm thuận lợi rất lớn. Riêng Hưng thì cho rằng ý kiến góp ý của ca sĩ cũng rất quan trọng, họ có thể cho ta một cách nhìn nhận khác khi nhìn từ góc độ của người thể hiện ca khúc, đó chính là mấu chốt khi hai người cùng làm việc, Hưng luôn tôn trọng ý kiến của họ.
H: Quá trình thực hiện ca khúc đó diễn ra như thế nào? Vai trò của Hưng trong việc sản xuất ca khúc “Babie” là gì?
BH: Ca khúc này được phối khí chính xác là 6 phiên bản khác nhau. Trong đó Hưng đảm nhận một bản phối theo phong cách Soul – Jazz. Sau khi hoàn thành, chị Hương quyết định sử dụng bản phối của Hưng, có lẽ vì nó mang một tinh thần trong sáng của tình yêu, một chút dễ thương và dễ nghe đối với khán giả.
H: 6 bản phối – điều này chứng tỏ Đinh Hương thực sự yêu thích ca khúc này và muốn nó phải thật hoàn hảo.Phần phối khí Hưng đồng thực hiện cùng một nhạc sĩ khác. Vậy 2 người làm việc với nhau như thế nào?
BH: Trong bản phối của ca khúc, Hưng thực hiện là chủ yếu. Bên cạnh cũng có phần phối khí dàn dây (strings) do nhạc sĩ Ngô Minh Hoàng hỗ trợ thêm. Hai người chưa gặp nhau bao giờ, chỉ trao đổi qua tin nhắn Facebook. Sau khi ra bản final, Hưng rất ngạc nhiên và thích thú với phần Strings của anh Hoàng.
H: Việc nhạc sĩ Ngô Minh Hoàng hỗ trợ Hưng là do Đinh Hương yêu cầu hay do Hưng tự tìm người hỗ trợ?
BH: Việc này là do chị Hương yêu cầu, vì anh Hoàng là một dân chuyên về strings nên Hưng rất yên tâm, khi vừa nghe tên Hưng liền đồng ý ngay.
H: Hưng cảm thấy việc tự phối khí và đồng phối khí trong thực tế khác nhau ra sao?
BH: Theo mình, cả 2 đều có mặt thuận lợi và bất lợi. Nếu tự phối khí, nhạc sĩ sẽ có những cách viết bè đặc trưng với phong cách của mình, điều đó sẽ khiến bản nhạc thêm phần hài hoà. Còn khi phối khí theo nhóm (đồng phối khí), ta sẽ có thêm nhiều ý kiến, ý tưởng cũng như tư duy mới của người bên cạnh, 1 cái đầu không thể hơn 3 – 4 cái đầu được, điều đó khiến ta có thể học hỏi thêm kinh nghiệm, chất lượng của bản mix sẽ tốt hơn khi phối khí 1 mình. Nhưng nếu phối theo nhóm, sẽ có những vấn đề thường gặp phải như: bất đồng quan điểm, mỗi người 1 ý kiến, tư duy không thống nhất, người thích thế này, người thích thế kia… Tất nhiên là chuyện gì cũng có 2 mặt, ta nên tự điều chỉnh khi nào cần làm việc nhóm và cá nhân.
H: Quá trình phối khí có phải chịu sự can thiệp gì từ các cá nhân khác không?
BH: Trong quá trình phối, Hưng hoàn toàn làm chủ của bản phối, vì người viết ra ca khúc Babie chính là Hưng, nên Hưng có lẽ là người hiểu đứa con của mình nhất. Từ đó sẽ có những lối phối khí thích hợp với giai điệu của ca khúc, cảm giác mình muốn hướng tới trong ca khúc, ý đồ của mình trong ca khúc, dòng nhạc mà mình muốn ca khúc mang…
Bên trong Project
H: Phần phối khí thu âm nhạc nền hoàn toàn sử dụng nhạc cụ ảo trên máy tính hay có thu cả nhạc cụ thật?
BH: Bản phối của Babie hoàn toàn sử dụng nhạc cụ ảo 100%. Trong đó mình sử dụng Grand Piano, Classic Organ, Contrabass, Vintage Drum Kit, Electric Guitar, 1 vài tiếng Synth và 1 số samples khác như clap, hihat, cymbal…
- Piano: Ngay từ đầu ý đồ của mình muốn trong ca khúc là một bài hát thật dễ thương, tình cảm nhí nhảnh, hướng theo dòng nhạc jazz nên không thể thiếu được 1 cây piano thần thánh. Mình sử dụng bộ Steinway Grand Piano có sẵn trong Logic Pro X.
- Organ: 1 chút yếu tố hài hước, nhí nhảnh cute được mình lồng vào bản phối. Mình muốn mang một cái gì đó dễ thương, dễ gần đến với người nghe, và Organ là 1 track không thể thiếu trong bản phối xì tin này.
- Contrabass (hay còn gọi là Upright Bass) là 1 nhạc cụ đặc trưng trong dòng nhạc Jazz, nó đảm nhận chức năng bè bass xuyên suốt ca khúc. 30% đặc trưng của ca khúc Babie chính là ở Contrabass. Tuy Contrabass là 1 bè bass, nhưng nếu thiếu đi nó, bản mix sẽ rất thất bại.
- Vintage Drum Kit: Nhìn cái tên thôi các bạn chắc cũng đoán được nó phục vụ dòng nhạc gì rồi phải không? Hưng luôn muốn tạo cảm giác cho người nghe cảm thấy mình đang ngồi nghe Babie trong 1 phòng hoà nhạc. Nếu các bản theo đuổi dòng nhạc này, thì khi mix drum hãy chú ý 1 chút về reverb, nó sẽ có cảm giác như đang trong 1 căn phòng hoà nhạc.
- Electric Guitar: Mình sử dụng track này theo điệu đàn của đầu những năm 70 – 80. Khi đó những ca khúc bất hủ đều được guitar chơi rất đơn giản, nếu muốn vocal thật nổi trội, các bạn nên chú ý về cách đệm guitar. Người ta thường nói, âm nhạc hay không phải là âm nhạc phức tạp, mà chính là những điều đơn giản nhất. Nếu trong ca khúc Babie, guitar đệm hay quạt loạn hết cả lên, thì đó sẽ là thất bại lớn nhất của ca khúc.
- Synthesizer: Một tí âm thanh điện tử sẽ khiến ca khúc cổ lỗ sĩ này tiếp cận gần hơn với khán giả hiện nay. Nó không chỉ có chức năng làm hiện đại hoá bản phối, mà còn tăng thêm phần cao trào của điệp khúc. Mình sử dụng tiếng synth đặc trưng của dòng nhạc EDM để tăng phần máu lửa ở đoạn sau.
H: DAW thực hiện quá trình phối khí của Hưng là gì? Tại sao Hưng lại chọn DAW này? Theo Hưng DAW này có gì mà các DAW khác không có?
BH: Hiện tại Hưng sử dụng Logic Pro X. Bản thân Logic rất dễ sử dụng, không những thế, nó còn chứa 1 kho thư viện nhạc cụ ảo khổng lồ. Logic phù hợp với những người phối khí theo dòng nhạc Pop, Rock, R&B, Jazz…
H: Các VSTi Hưng vừa liệt kê sử dụng trong bài Babie ở câu hỏi trước đều là “hàng” của Logic X Pro?
BH: Đúng vậy, chính xác thì 95% đều là những VSTi có sẵn trong DAW. Duy có những tiếng Clap, búng tay gần cuối thì sử dụng 1 số sample Hưng sưu tầm được. Quan điểm của Hưng là: “Âm nhạc hay do chúng ta tạo ra, âm thanh thì lại không có 1 tiêu chuẩn cụ thể nào hay nhất, chỉ có là nó có gần với những ý đồ của ta tưởng tượng ra hay không. Linh hồn của 1 bản phối phụ thuộc rất nhiều vào khâu Mixing và Mastering.”
H: 1 vài VSTi yêu thích của Hưng? Vì sao?
BH: VSTi mà Hưng thích nhất có lẽ là Real Guitar của hãng MusicLab. Âm thanh acoustic của bộ này rất chân thực, nó còn có 1 thư viện tổng hợp các loop – điệu đàn phù hợp với từng thể loại âm nhạc mình muốn, từ funky cho đến nhạc đám ma u ám…
H: Hưng có mẹo nào thú vị khi sử dụng các VSTi đó không?
BH: Mẹo của Hưng khi sử dụng VSTi là… copy paste (cười), vì lười nên Hưng toàn copy Verse rồi past vào cao trào, tuy nhiên khi thực hiện thủ thuật này, các bạn cần phải thay đổi một chút tiết tấu, làm sao cho track đó không được chơi đều đều từ đầu đến cuối, thêm đó cũng phải thay đổi một chút Velocity của cao trào. Nếu track đó là guitar, hãy tưởng tượng ra chính mình đang cầm cây đàn và đệm từ đầu đến cuối. Và dĩ nhiên, khi ca sĩ hát đến cao trào cũng là lúc bạn quạt guitar mạnh nhất (thật ra thì vừa vừa thôi cũng được).
H: Khâu mixing được thực hiện ở nơi khác. Vậy khi gửi file để mix, Hưng gửi multitrack hay chỉ 1 file stereo instrumental?
BH: Hưng gửi multitrack cho họ, vì như vậy sẽ thuận lợi hơn cho người đảm nhận mixing. Nếu bạn sợ gửi multitrack sẽ bị ăn cắp tư duy, “mất nghề”, hay đại loại như bí kíp của mình bị phơi bày…thì tốt nhất nên đi học mixing để tự làm.
H: Nếu quay ngược lại thời gian, Hưng có muốn thay đổi điều gì cho bài tốt hơn không?
BH: Nếu quay ngược lại thời gian, Hưng sẽ đảm nhận mixing và mastering.
H: Đối với Hưng, điều gì là quan trọng nhất trong 1 ca khúc?
BH: Đó chính là bản phối. Đối với Hưng, thành công của 1 ca khúc nằm ở 40% bản phối, 20% ở công đoạn mixing và mastering, 30% ca khúc hay và 10% ở giọng hát của ca sĩ.
H: Cảm ơn Hưng.
Về series “Song Inspector” của Tạp chí MIX
Đây là series bài viết mới của Tạp chí MIX tập trung vào việc “moi móc” những câu chuyện thú vị xoay quanh việc sản xuất 1 ca khúc thành công. Tôi tin rằng các bạn có thể học được rất nhiều thứ từ cách thức sản xuất âm nhạc, làm việc, hợp tác… của nhiều người khác nhau chứ không chỉ là các mẹo mixing, thu âm hay đồ nghề này nọ. Quan điểm của tôi từ trước đến giờ vẫn luôn đề cao phương pháp tư duy, phương pháp làm việc hơn là những thứ quá chi tiết và cụ thể như setting của EQ trên lead vocal của bài A như thế nào, compression setting trên guitar của bài B ra sao. Mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người khác tin vào điều đó, nhưng khi làm, trải nghiệm thật nhiều, tôi mong rằng bạn sẽ nhận ra và giảm bớt thời gian tìm đồ mà tập trung hơn vào trả lời câu hỏi: “Tại sao”, “Như thế nào” để đạt được một kết quả cụ thể.
Thành says
Cho mình hỏi 1 chút về chủ đề không lq đến bài viết của trang. Mình đang dự tính sắm 1 cặp monitor để sử dụng phòng thu nhỏ tại nhà. Mình đang phân vân giữa 2 hãng Mackie và Adam L series. Nếu so cũng tầm giá và chất lượng thì mình nên chọn thương hiệu nào phù hợp nhất ? Mình cám ơn bạn trước.
Nguyễn Hải Đăng says
Nhìn mà thấy khá thèm ( thật sự là chảy nước dãi luôn ), mình muốn làm một producer mà trên Ipad có mấy cái DAW tính tiền ko. Vì túi tiền ko cho phép nên anh em ai biết giới thiệu mấy cái app làm nhạc mà phải MIỄN PHÍ.!!!!
Kiên says
Cám ơn anh Hà.
Đúng là moi móc kinh nghiệm và thực tế của nhà làm nhạc. Cần nhiều nhiều bài viết dư này nũa anh ạ. (Y)
James Dory says
Logic Pro X là một công cụ đã quá mạnh, với các bộ nhạc cụ quá mạnh. Mình chỉ sử dụng Logic Pro X và hỗ trợ thêm Roland GaiA, Korg Krome để bổ sung 1 số tiếng khách hàng cần.
Studio One 4 cũng đang làm mình cân đo đong đếm vì có nhiều tính năng nóng gói cả dự án có thể sử dụng trên nhiều hệ máy, nhiều DAW khác nhau. Mình đang chờ đợi Studio One 4 hoàn thiện phiên bản đầu tiên thì mình cân nhắc trải nghiệm.
Nhưng trước mắt, Logic Pro X đã theo mình hơn 5 năm nay. Mình cảm thấy hài lòng với DAW này.
Và mình rất thích http://www.tapchimix.com