Năm 1978, bằng phương pháp sinh sản vô tính, với ước mơ trở thành ông bố đơn thân thành đạt, kỹ sư âm thanh người Nhật Akira Nakamura đã cho ra đời một em bé tên là Yamaha NS-10, thứ mà ông không bao giờ có thể nghĩ rằng nó lại ảnh hưởng lớn tới hòa bình của thế giới nhiều như vậy.
Bạn ngại đọc bài viết siêu dài của TCM?
Nếu bạn ngại đọc và muốn được nghe nội dung cùng với minh họa sinh động nhất, hãy xem video dưới đây:
Yamaha NS-10M STUDIO
Cuộc đời của Yamaha NS-10 tuy không trải hoa hồng khi em gặp phải quá nhiều chỉ trích từ thị trường âm thanh gia đình trong những ngày tháng đầu đời nhưng lại kết thúc một cách không thể có hậu hơn và được coi là biểu tượng của ngành thu âm thế giới.
Em đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật thẩm mỹ, gọt cằm, kéo dài chân, đi làm lại chứng minh thư vài lần với các tên gọi khác nhau như NS-10M, NS-10M PRO, NS-10MC, NS-10MT, NS-10MX, NS-10M STUDIO… Phiên bản thành công nhất và hay được nhìn thấy trong các studio nổi tiếng nhất chính là NS-10M STUDIO.
Đây là model được thiết kế riêng cho thị trường phòng thu chuyên nghiệp, có nhiều cải tiến so với bản NS-10 đầu tiên và cũng là phiên bản duy nhất không có lỗ để gắn tấm lưới che loa. Bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra NS-10M STUDIO vì nó ghi rõ ngay trên mặt loa bằng một dòng chữ đặt nằm ngang.
Bài viết này sẽ không đi sâu về lịch sử của Yamaha NS-10 mà thay vào đó, tôi sẽ mổ xẻ, phân tích về khía cạnh kỹ thuật xem những yếu tố nào đã khiến Yamaha NS-10M trở thành lựa chọn số 1 của các kỹ sư âm thanh trong suốt 20 năm trời, đặc biệt là các kỹ sư âm thanh hay phải làm việc với phong cách pop, rock. Những tên tuổi lớn sử dụng Yamaha NS-10M như một cấu phần không thể thiếu được trong quy trình mixing của họ phải kể tới Bob Clearmountain, Andy Sneap, Colin Richardson, 2 anh em nhà Chris & Tom Lord-Alge, Andy Wallace, Nigel Jopson…
Vai trò thực sự của Yamaha NS-10M STUDIO
Sinh ra vào những năm tháng mà Auratone 5C đang làm mưa làm gió trong các studio với vai trò nearfield studio monitor bổ trợ hoặc loa kiểm âm trường gần bổ trợ, nhưng Yamaha NS10 đã nhanh chóng đảm nhiệm tốt vai trò thay thế nhờ đáp tuyến rộng hơn 1 chút, áp lực âm thanh tối đa lớn hơn đáng kể trong khi vẫn duy trì được khả năng bóc lỗi rất tốt của Auratone 5C.
Tất nhiên, bạn không thể có tất cả mọi thứ. Auratone 5C vẫn có những ưu điểm riêng nhờ thiết kế đặc thù một đường tiếng của mình. Bạn hãy tham khảo thêm bài viết/video phân tích các đặc điểm của loại monitor của này trên website Tạp chí Mix hoặc kênh YouTube iSS Acoustics để biết thêm chi tiết nhé. Nói chung, không có cái nào tốt hơn cả. Nếu bạn cảm thấy Single Driver Monitor kiểu Auratone 5C phù hợp với mình hơn thì cứ dùng, nó có cái hay riêng của nó mà NS-10M không có.
Vai trò chính của Yamaha NS10M đó là monitor bổ trợ dùng song song với một hoặc nhiều monitor chính cỡ lớn hơn. Combo monitor chính phổ biến tiếng nhất khi dùng kèm với Yamaha NS-10M STUDIO đó là Genelec Series 1000 (phổ biến nhất là 2 model 1031A hoặc 1032A) kèm Subwoofer. Bạn có thể thấy cặp đôi này trong rất nhiều studio của các producer nổi tiếng như Andy Sneap, Colin Richardson, Andy Wallace…
Tuy nhiên, một số kỹ sư âm thanh lại dùng Yama NS-10M STUDIO như loa monitor chính (Chris Lord-Alge, Tom Lord-Alge). Trong trường hợp này, đại đa số họ sử dụng NS-10M cùng với subwoofer. Theo ý kiến của nhiều kỹ sư âm thanh trên diễn đàn GearSlutz (nay là GearSpace), setup mixing sử dụng Yamaha NS-10M cùng với subwoofer có khả năng translate bản mix xuất sắc. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta hoàn tất bản mix trên hệ thống này, bản mix sẽ có trải nghiệm nhất quán với rất nhiều thiết bị nghe nhìn khác nhau.
Là huyền thoại thì nghe có hay không?
Thật sự thì câu này rất khó trả lời. NS-10M STUDIO là một chiếc loa đặc biệt. Một khi đã nghe em nó rồi, Ai yêu thì rất yêu, còn ai không yêu thì ghét em nó như xúc *** đổ đi. 2 thái cực rất rõ ràng.
Cá nhân mình thì thuộc nhóm yêu em nó mê mẩn. Yêu vì nó là 1 phần của lịch sử. Việc sở hữu biểu tượng của ngành thu âm thế giới trong nhà mình nó có cái cảm giác gì đó rất thú vị.
Nói về âm thanh NS-10M STUDIO, nghe nó rất đặc biệt. Tiếng nó hơi gắt ở high-mid, hơi khó chịu khi nghe to. Và nghe em nó cũng không thấy phấn khích lắm vì bass gần như không có. Tóm lại là âm thanh em nó không cân đối và rất nặng về trung âm.
Tuy nhiên, có một điểm NS-10M STUDIO làm cực kỳ xuất sắc và làm mình bất ngờ ngay trong lần nghe thử đầu tiên đó là sự chính xác về mặt thời gian. Dừng, phát, dừng, phát. Rất dứt khoát. Nó khiến dải trầm và trung trầm của loa được mở toang ra, rõ ràng cực kỳ. Âm trầm nào tạo ra từ vocal, âm trầm nào tạo ra từ snare, âm trầm nào tạo ra từ kick drum, từ guitar đều nghe rất rõ và có độ kết dính, tách bạch cực tốt. Nó làm việc này tốt hơn rất nhiều so với 1 số cặp loa cao cấp khác mình từng nghe tại thời điểm đó. Từng âm thanh trong bản mix đều có cảm giác rất nảy, gãy gọn. Tiếng nào nảy hơn, tiếng nào mềm hơn nghe có ranh giới và cấp độ đàng hoàng.
Nhờ hiệu năng tuyệt vời về đáp ứng thời gian, khả năng phô ra những yếu điểm của bản thu, bản mix rất xuất sắc. Mọi thao tác căn chỉnh về cường độ nhạc cụ, hiệu ứng âm thanh đều translate cực kỳ tốt sang các hệ thống tham chiếu khác. Một trong những ví dụ về hỗ trợ cân chỉnh cường độ nhạc cụ cực tốt của NS-10M STUDIO đó là việc cân bằng âm lượng tối ưu giữa bass guitar và kick drum. Chỉ những chiếc loa có tốc độ phản hồi rất chính xác ở âm trầm mới có khả năng giúp kỹ sư âm thanh làm công việc khó khăn này trong phút chốc.
Một điểm sáng nữa về công năng của NS-10M STUDIO mà cá nhân mình đánh giá rất cao đó là khả năng hỗ trợ mixing khi nghe ở âm lượng nhỏ hoặc siêu nhỏ rất tốt bởi vì mình không nghe to trong quá trình mixing.
Chi phí bỏ ra để mua 1 cặp NS-10M STUDIO không phải là vấn đề lớn đối với nhiều người. Nhưng việc kiếm được 1 cặp NS-10M STUDIO zin chưa từng đục đẽo, chất lượng linh kiện còn rất tốt mới là khó vì Yamaha đã ngưng sát xuất NS-10M STUDIO từ năm 2001. Nếu tìm không nổi cặp loa ưng ý, bạn có thể tìm thêm 2 biến thể có hiệu năng tương đồng là NS-10M PRO và NS-10MC.
Các dòng monitor về sau của Yamaha cố gắng sử dụng hình ảnh na ná như NS10-M STUDIO đều không thể so sánh với NS-10M STUDIO trên khía cạnh làm công cụ mixing vì Yamaha đã chọn sai hướng: họ làm thùng Bass Reflex để có bass sâu hơn với chi phí sản xuất rẻ tương đương.
Tại sao NS-10M STUDIO có thể hỗ trợ mixing tốt như vậy?
Crossover và Củ loa
Yamaha NS-10M STUDIO là loa 2 đường tiếng với 1 woofer 6.5” (180 mm) và 1 soft-dome tweeter 1.4” (35 mm). Bạn có thể thấy ngay nét dị đầu tiên trong thiết kế này, đó là tweeter 1.4” thay vì 1” hoặc 0.75” như các loa 2 đường tiếng sử dụng woofer 6.5” thường thấy. Đường kính màng loa lớn sẽ giúp tweeter có độ nhạy cao hơn so với tweeter có thiết kế tương đồng nhưng đường kính nhỏ hơn. Và độ nhạy cao hơn thường dẫn tới độ méo thấp hơn với cùng 1 mức âm lượng phát ra. Tất nhiên, đó chỉ là khi 2 model so sánh có thiết kế tương đồng.
Việc sử dụng tweeter cỡ lớn cho phép ông Akira lựa chọn tần số trung tâm của crossover thấp hơn đáng kể so với các model loa tương tự giúp giảm thiểu tối đa những hệ quả không mong muốn của dải tần số cận trên của woofer, kể cả khi dải tần số đó cao hơn cả crossover frequency. Kết quả là khoảng tần số xung quanh crossover frequency sẽ sạch sẽ hơn, độ méo thấp hơn, loại bỏ được hầu hết các cộng hưởng ở high-mid của woofer.
Phân tần của NS-10M STUDIO sử dụng thiết kế phân tần thụ động bậc 2 với các củ loa kết nối in-phase với nhau và tần số crossover là 2 kHz. Vì là loa thụ động, người dùng có thể tùy ý sử dụng các loại power amplifier khác nhau để có âm thanh như ý. Cá nhân mình thì sử dụng Yamaha P2500S. Bạn không cần phải sử dụng poweramp đắt tiền, miễn là công suất thoải mái 1 chút và đừng dùng amp không rõ tình trạng kỹ thuật hoặc amp quá cổ.
Dù kết nối 2 củ loa in-phase nhưng đáp tuyến của NS-10M STUDIO không xuất hiện điểm tụt áp đặc trưng của loại phân tần bậc 2 do thiết kế phân tần này luôn yêu cầu 2 củ loa phải đấu ngược pha với nhau. Nguyên nhân có thể nằm ở sự chênh lệch về vị trí tương đối của 2 củ loa trên mặt loa đã tạo ra độ trễ nhỏ giữa 2 nguồn âm thanh, độ trễ tín hiệu này xấp xỉ ½ bước sóng tại tần số trung tâm của phân tần.
Biểu đồ Step Response cho thấy âm thanh trực tiếp từ 2 củ loa tới điểm tham chiếu (microphone đo lường) lệch nhau không đáng kể 0.5 ms. Con số này có thể coi là tốt nếu so với tiêu chuẩn thông thường.
Thiết kế phân tần bậc 2 kết hợp với crossover frequency tương đối thấp giúp NS-10M Studio có âm thanh nhất quán khi nghe từ nhiều góc khác nhau, giúp điểm ngọt của hệ thống rộng hơn và trải nghiệm âm thanh trong phòng nhất quán hơn. Tuy nhiên, nó cũng đặt gánh nặng rất lớn lên tweeter. Có lẽ, đây cũng chính là một trong những lý do mà ông Akira trang bị tweeter 1.4” cho NS-10M thay vì 1” hoặc 0.75” như các loa 2 đường tiếng sử dụng woofer 6.5” khác.
Tweeter cỡ nhỏ hơn thường có khả năng tái hiện những tần số cao nhất trong khoảng 15.000-20.000 tốt hơn và góc phóng ở khu vực đó cũng tốt hơn so với tweeter 1.4”. Nhưng tạ ơn trời, ông Akira không chọn tweeter cỡ nhỏ. Vì thật sự, khi sử dụng NS-10M STUDIO làm công cụ mixing bổ trợ, tôi không quan tâm 1 chút gì tới khoảng tần số siêu cao này vì nó gần như không có tí ý nghĩa nào cả. Trong bối cảnh này, sự hạn chế trong việc tái hiện dải siêu cao lại chính là ưu điểm của NS-10M STUDIO.
Power Handling
NS-10M STUDIO có độ nhạy tốt 90 dB SPL tại 1m khi nhận 1 Watt từ power amplifier. Công suất tối đa của loa là 120W (Peak chứ không phải RMS); không quá cao nhưng đủ dùng cho mục đích sử dụng kiểm âm trường gần (nearfield monitoring), nhất là khi kết hợp với độ nhạy tốt. Nó đủ to để khiến bạn cảm thấy đau tai mất 1 ngày nếu nghe ở mức 50% công suất trong khoảng thời gian ngắn.
Có 1 lần tôi lỡ tay phát bản nhạc Born của Nevermore ở maximum công suất của NS-10M STUDIO 1 cách vô ý. Rất may là tôi đã nhanh tay ấn pause ngay sau khi nghe thấy âm lượng ghê gớm của tiếng snare đầu bài. Kể cả như vậy, chỉ 1 tiếng snare drum ở đầu bài đó thôi cũng đủ làm tôi đau tai suốt 2 ngày trời và liên tục sống trong lo sợ rằng thính giác của mình bị ảnh hưởng. Tôi không dám tưởng tượng nếu tôi nghe thêm vài phút thì tai tôi sẽ đi về đâu…
Frequency Response
Đáp tuyến hãng công bố trải rộng từ 60-20.000 Hz. Tuy nhiên, đáp tuyến hữu dụng thực tế của loa thì hẹp hơn đáng kể. Cường độ âm thanh thoải dần từ 500Hz và bắt đầu giảm với tốc độ nhanh hơn từ 100 Hz (khoảng 12 dB/Octave). Tương tự như vậy, high-frequency cũng thoải dần từ 6 kHz tới 15 khz. Từ 15 kHz tới 20 kHz thực chất là tần số cộng hưởng của màng tweeter hoặc surround của tweeter trên NS-10M STUDIO, nội dung của nó không thật sự có nhiều ý nghĩa. Do đó, đối với cá nhân mình, mình có thể coi đáp tuyến hữu dụng thực tế của NS-10M STUDIO là xấp xỉ 80-15.000 Hz.
Đây chính là khoảng tần số then chốt chứa 99% nội dung của bất kỳ 1 bản nhạc thông thường nào, trừ khi đó là 1 bản nhạc được sản xuất 1 cách có chủ đích với rất rất nhiều âm siêu trầm và siêu cao. Bởi vậy, tai của chúng ta sẽ được tập trung vào khu vực quan trọng nhất của bản mix, ít xao nhãng hơn, làm việc hiệu quả hơn.
Xét về độ cân đối của đáp tuyến, nói thẳng ra là NS-10M STUDIO có đáp tuyến không trung thực. Đáp tuyến của loa chia ra thành 3 khu vực chính, trung tâm là 500-2200 Hz, tiếp theo là khu vực dưới 500 Hz và khu vực trên 2200 Hz. Tại khu vực trung tâm, đỉnh của đáp tuyến xấp xỉ 1800 Hz có âm lượng lớn hơn khoảng 5 dB so với các khu vực xung quanh.
Hình dạng đáp tuyến này rất tương đồng với monitor bổ trợ huyền thoại của những năm 80s đó là Auratone 5C và còn loại bỏ được 2 đỉnh cộng hưởng lớn của Auratone 5C ở 8 kHz và 12 kHz. Cũng chính vì vậy, cộng thêm với âm lượng tối đa lớn hơn đáng kể, NS-10M STUDIO được coi là sát thủ trực tiếp đã thay thế gần như hoàn toàn Auratone 5C trong các studio cỡ lớn.
Ta có thể coi đáp tuyến của NS-10M STUDIO là dạng chữ V ngược thay vì chữ V xuôi như rất nhiều loa hi-fi gia đình khác. Khi nghe NS-10M STUDIO và chuyển nhanh sang loa monitor fullrange chính, bạn sẽ luôn có cảm giác rằng loa monitor chính như có 1 hố đen sâu hoắm ở mid, tức thiếu trung âm nặng. Chính nhờ đáp tuyến kỳ dị như vậy, trung âm của NS-10M STUDIO như là một chiếc kính lúp soi từng chi tiết nhỏ nhất của khu vực phức tạp nhất của bản mix. Do đó, tăng cường khả năng bóc lỗi và hỗ trợ kỹ sư âm thanh phát hiện các khoảng chồng lấn, sự mất cân bằng về âm lượng của các nhạc cụ khác nhau rất tốt.
Có thể bạn không để ý, NS-10M STUDIO sinh ra với mục tiêu trở thành một cặp loa bookshelf chất lượng cao dành cho thị trường gia đình. Thế nào là loa bookshelf? Bookshelf là cái giá sách. Loa bookshelf đơn giản là ám chỉ những chiếc loa cỡ nhỏ, để đút vào hoặc kê lên giá sách hoặc các hộc tủ và thường đặt sát vào mặt tường hoặc vách sau lưng để tiết kiệm diện tích nhất có thể.
Trong điều kiện sử dụng lý tưởng thực tế của loại loa này, giả sử chiếc tủ đó được kê kín sách và đồ đạc, khi chiếc loa đút vào khe hở trên tủ, nó sẽ trở thành một chiếc loa âm tường ở dạng thức méo mó. Bạn nên để ý tôi nói là loa âm tường nhưng là ở dạng thức méo mó, có nghĩa là không thực sự là âm tường về mặt kỹ thuật chuẩn chỉ.
Đáp tuyến NS-10M STUDIO có bass thoải dần bắt đầu từ khoảng 500 Hz bởi vì trong mạch phân tần của loa không hề có mạch bù trừ cho âm trầm bị hụt đi khi đặt trên chân loa tự do cũng chính là vì lý do này. Khi đặt loa trong bối cảnh sử dụng thực tế kể trên, âm trầm của NS-10M STUDIO sẽ được môi trường xung quanh hỗ trợ thêm thay vì giảm áp suất đi đáng kể như khi đặt trên chân loa tự do, vì thế, âm thanh của NS-10M STUDIO sẽ trở nên cân đối hơn, bass nghe sẽ nhiều hơn.
Biểu đồ sau đây so sánh đáp tuyến mô phỏng của NS-10M STUDIO trong cả 2 bối cảnh: nét đậm là đáp tuyến loa đặt trên chân loa tự do, nét đứt là đáp tuyến loa khi được gắn âm tường ở điều kiện lý tưởng nhất về mặt kỹ thuật.
Bạn có thể thấy khoảng trồi lên ở trung âm của đáp tuyến và đường thoải của âm trầm đã biến mất. Thay vào đó là một đáp tuyến mượt mà và cân đối hơn rất nhiều.
Tất nhiên, đời không như mơ. Đáp tuyến lý tưởng chỉ có được khi bạn xây dựng môi trường nghe lý tưởng cho loa. Và NS-10M STUDIO trong điều kiện sử dụng của gia đình và studio thông thường thì không bao giờ được như vậy.
Tuy nhiên, với studio chuyên nghiệp, NS-10M STUDIO thường được đặt trực tiếp lên trên meter bridge hoặc trên nóc của các mixing console cỡ lớn. Trong bối cảnh này, dù không được như lắp âm tường, hình dạng và kích thước của các mixing console cỡ lớn đã giúp tăng cường năng lượng cho âm trầm và trung trầm của loa. Giúp âm thanh của NS-10M STUDIO trở nên cân đối hơn rất nhiều.
Thiết kế phân tần của NS-10M STUDIO có tính tới môi trường mà nó được sử dụng sau này. Vì vậy, như đã giải thích ở trên, nó không có mạch bù trừ âm trầm thất thoát trong điều kiện nghe trên chân loa đặt xa tường bao. Nhưng việc tính toán lượng âm trầm hỗ trợ bởi môi trường xung quanh của loa bookshelf đối với môi trường nghe gia đình rất rủi ro vì mỗi nhà mỗi kiểu, nhà thiết kế chỉ có thể giả định 1 bối cảnh đại diện và tối ưu loa theo bối cảnh đó. Thật may, studio chuyên nghiệp thì lại khác.
Đa số studio chuyên nghiệp có môi trường âm học tốt, trải nghiệm âm thanh nhất quán, do đó, dung sai về trải nghiệm âm thanh của NS-10M STUDIO khi đặt trên các mixing console cỡ lớn ở các studio khác nhau sẽ nhất quán hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi sử dụng ở cự ly nghe trường gần, xấp xỉ từ 1-2m. Ở cự ly nghe này, âm thanh trực tiếp của loa sẽ mạnh hơn các âm thanh phản dội. Do đó, ta sẽ nghe được âm thanh gốc rõ hơn so với loa đặt xa hơn trong cùng 1 căn phòng. Vì thế, các kỹ sư âm thanh khi mix ở studio A với NS-10M STUDIO và sang studio B, họ cũng sẽ có trải nghiệm khá đồng nhất. Kết hợp với kích thước loa khá gọn, họ hoàn toàn có thể ôm theo mỗi khi phải đi làm việc xa nhà. Với sự thống trị của NS-10M STUDIO trong những năm 80s, 90s, gần như việc trang bị NS-10M STUDIO cho các studio là điều kiện bắt buộc để thu hút các kỹ sư âm thanh tới thuê và làm việc.
Thùng loa Sealed
Một trong những quyết định sáng suốt nhất cuộc đời của ông Akira Nakamura đó chính là sử dụng thiết kế thùng kín (Sealed) cho NS-10M STUDIO. Trên thực tế, NS-10M có một phiên bản sử dụng thùng Bass Reflex tên là NS-10MT với chữ “T” ám chỉ “Theater”. Và không cần tôi phải nói, nếu bạn chưa từng nghe tới phiên bản này, bạn đã hiểu ngay lập tức số phận hẩm hiu của nó.
Nếu không vì hiệu năng xuất sắc trong vai trò làm monitor bổ trợ của giới phòng thu, NS-10M có thể coi là 1 trong những chiếc loa gia đình thất bại nhất mọi thời đại. Và khi nói tới vai trò làm loa bổ trợ cho mixing trong studio, thiết kế bass-relex hoàn toàn không có 1 chỗ đứng nào cả, dù là nhỏ nhất.
NS-10M STUDIO có thiết kế thùng Sealed với thể tích 10.4 lít, sử dụng gỗ công nghiệp loại tương đối rẻ tiền và được giằng ở mức tối thiểu. Tôi không đánh giá cao độ chắc chắn của chiếc thùng này do thiết kế giằng hạn chế để cắt giảm chi phí sản xuất. May mắn thay, NS-10M STUDIO không có nhiều âm trầm. Do đó, sự rung lắc hoặc cộng hưởng mạnh của thùng loa được hạn chế đáng kể. Tuy nhiên, nếu thùng được làm tốt hơn, tôi nghĩ rằng âm thanh của NS10M STUDIO sẽ còn tốt hơn nữa ở upper-bass và low-mid.
Có thể bạn chưa biết, tai của chúng ta không chỉ nghe sự chênh lệch về đáp tuyến, nó còn vô cùng nhạy về sự khác biệt liên quan đến thời gian ngân của các tần số khác nhau. Do đó, 1 chiếc loa dù có đáp tuyến phẳng mà thời gian ngân của các tần số khác nhau biến thiên nhiều vẫn được cảm nhận rằng không trung thực hoặc bị nặng về một nhóm tần số cụ thể nào đó.
Thiết kế thùng Sealed, kết hợp với tweeter cỡ lớn và crossover frequency thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh cùng kích thước là 3 yếu tố giúp NS-10M STUDIO có biểu đồ đáp ứng thời gian sạch như đầu ngọn thác. Không một chút gợn dù là nhỏ nhất ở Low Frequency, gần như mượt tuyệt đối ở mid và high frequency. Không có bất cứ 1 dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất về sự cộng hưởng ở Bass hoặc Lowmid. Không có mid hoặc low-mid thoát ra từ lỗ thông hơi vì đơn giản là nó không có lỗ thông hơi. Có thể nói, đáp ứng về mặt thời gian của NS-10M STUDIO là mục tiêu phấn đấu của 1 chiếc loa monitor ở cấp độ chất lượng cao nhất.
Hiệu năng tuyệt vời này có vai trò cực kỳ quan trọng trong khả năng bóc lỗi xuất sắc và phản hồi siêu nhạy với từng biến động nhỏ nhất về cường độ sóng âm, cùng với trung âm, low-mid rõ như ban ngày mà tôi nói tới ở phần trước của video.
Hãy nhìn biểu đồ so sánh đáp ứng về mặt thời gian của NS-10M STUDIO với các loa monitor nổi tiếng khác. Tôi chỉ có 1 từ để nói về những chiếc loa trên: Thật ****** *****. Quá chênh lệch về đẳng cấp. Và tất nhiên, những biểu đồ này không bao giờ có trong tài liệu marketing hay hướng dẫn sử dụng của các loa đó. Dễ hiểu.
THD
Chỉ số méo hài của NS-10M STUDIO cũng rất tốt so với một chiếc loa có kích thước nhỏ như vậy, đặc biệt là loa thùng kín. Tại 100 Hz, méo bậc 2 đạt xấp xỉ 1% (tức là thấp hơn tần số gốc 37 dB), méo bậc 3 thấp hơn méo bậc 2 khoảng 10 dB. Chỉ số méo hài ở trung âm rất đáng nể với các họa âm thấp hơn âm thanh gốc trung bình khoảng 50 dB xung quanh crossover frequency. Các chỉ số trên đều được đo khi loa phát 90 dB tại 1 mét.
Nhìn chung, hiệu năng về tổng méo hài của NS-10M STUDIO ở mức tốt nhưng không có gì đặc biệt. Tác động của méo hài lên độ chính xác về cảm nhận âm thanh của tai chúng ta cũng không mạnh như chúng ta tưởng. Do đó, tôi chỉ nêu phần này ra cho có chứ không đề cao gì NS-10M STUDIO vì rất nhiều loa monitor hiện đại có hiệu năng tốt hơn về tiêu chí này.
Lời bàn
Nhờ những lựa chọn phù hợp về mặt kỹ thuật, có cái hữu ý, có cái vô tình, ông Akira đã tạo ra một công cụ hỗ trợ quá trình mixing có thể coi là hoàn hảo cho các kỹ sư âm thanh:
- Phạm vi đáp tuyến hữu dụng đủ lớn để không bỏ sót các nội dung tối quan trọng của bản mix và đại diện cho rất nhiều loại thiết bị nghe nhìn phổ thông khác nhau
- Đáp tuyến phù hợp với bối cảnh sử dụng thường gặp trong studio với trung âm được đẩy cao giúp kỹ sư âm thanh nghe rõ các khu vực có vấn đề hơn ngay cả khi nghe ở âm lượng nhỏ
- Áp lực âm thanh đủ lớn và đáng tin cậy, độ bền cao
- Khả năng tái hiện transient, mào đầu của âm thanh và micro-dynamics xuất sắc. Nếu bạn từng cân chỉnh audio compressor với NS-10M STUDIO hoặc Auratone, bạn sẽ biết được tầm quan trọng của hiệu năng này
- Độ ngân của âm thanh cực kỳ gọn và chính xác trên toàn bộ đáp tuyến. Ưu điểm này cộng với ưu điểm về micro-dynamics ở trên theo ý kiến cá nhân của tôi là 2 thứ làm nên công cụ mixing lý tưởng này
- Độ méo thấp
- Đủ nhỏ để mang đi dễ dàng
Nhiều người thường nói: “NS-10M là 1 cặp loa rất tệ. Nên nếu bản mix của bạn nghe tốt trên NS-10M, nó sẽ nghe tốt trên tất cả các loa khác”.
Sự thật thì không hẳn như vậy. Nếu bản mix của bạn nghe tệ trên NS-10M STUDIO thì đó là vì bản mix của bạn tệ thật. Chính khả năng tái hiện micro-dynamics và độ chính xác về thời gian xuất sắc của mình đã giúp NS-10M móc hết tất cả những vấn đề lớn nhất của bản mix và khiến bạn phải cố gắng nhiều hơn để khắc phục những vấn đề đó. Vì thế, khi bạn đã xử lý xong hết để nghe ổn ổn trên NS-10M rồi thì về cơ bản, bản mix đó đã được cải thiện đáng kể về chất lượng và sẽ nghe tốt hơn trên các loa khác.
Thời nay người ta có thể làm ra một mixing monitor tốt như NS-10M STUDIO không? Dư sức. Đó là câu trả lời của tôi đứng trên góc nhìn là một thành viên của team phát triển hệ thống âm thanh DYNAMIK. Tôi phân tích được sự ưu việt về kỹ thuật của NS-10M STUDIO thì các team R&D của hãng lớn cũng làm được, thậm chí sâu hơn tôi nhiều lần. Tất nhiên, khi làm video cho các bạn, tôi đã phải lược đi các thông tin quá nặng về kỹ thuật rồi.
Các hãng lớn lại không đi theo con đường đó vì họ muốn chiếc loa của mình phục vụ được nhiều người nhất có thể, nhiều bối cảnh sử dụng nhất có thể. Điều đó tốt cho công việc kinh doanh của họ, rất dễ hiểu.
Hi vọng, bài viết này đã giúp các bạn hiểu thêm về 1 huyền thoại của làng âm thanh thế giới. Cái quan trọng nhất là chúng ta đứng từ góc độ kỹ thuật để hiểu được tại sao nó lại trở thành huyền thoại và tại sao các kỹ sư âm thanh thời đó lại thích nó đến vậy.
Xin chào và hẹn gặp lại.
Leave a Reply